Thích Nhất Hạnh
Chúng ta hãy đi sang phẩm thứ 27, phẩm nói về sự tích vua Diệu Trang Nghiêm. Phẩm này kể lại tiền thân của các Bồ Tát Dược Vương, Dược Thượng và Hoa Đức, là các vị có mặt trong pháp hội Pháp Hoa. Lúc đó Bụt giới thiệu một vài vị Bồ Tát và nói về tiền thân của các vị đó, để cho đại chúng biết rằng sự hành trì Pháp Hoa có thể đưa tới những kết quả khôn lường, để làm vững thêm cái tín tâm của tất cả mọi người trong pháp hội.
Đọc phẩm này chúng ta sẽ thấy rằng người tu, dầu là con trai hay con gái, đều có khả năng để trở về độ cho cha mẹ của mình. Đi tu, để cha mẹ ở nhà và đi theo con đường lý tưởng của mình, mới nhìn qua giống như mình bất hiếu với cha mẹ. Đây là một điều mà Nho giáo đã khai thác để công kích đạo Bụt trong đời nhà Lê và cuối đời nhà Trần. Nhưng thật ra, trong lịch sử của các vị Bụt và Bồ Tát, và ngay trong lịch sử của các vị xuất gia thời trước, và cả thời nay, chúng ta thấy những người xuất gia luôn luôn đem sự giải thoát, đem sự thanh tịnh, đem sự an lạc của mình về độ cho gia đình mình, độ cha, độ mẹ, độ anh chị em, độ cháu.
Ngày xưa trong thời Bụt Vân-Lôi-Âm Tú-Vương-Hoa-Trí, có một vị vua tên là Diệu Trang Nghiêm, vua có hai người con trai tên là Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn. Tuy là hoàng tử, nhưng Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn sinh vào một gia đình không có nhiều may mắn, tại vì vua cha là người không có đức tin nơi Phật Pháp. Cái may mắn của hai vị này là mẹ của Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn lại có khả năng hiểu được hai con. Cuối cùng hai người con này nhờ có cơ duyên tu học nên đã chuyển hóa và thuyết phục được vua cha đến nghe Bụt Vân-Lôi-Âm Tú-Vương-Hoa-Trí thuyết pháp. Sau khi đã giúp được vua cha, hai người con xuất gia, rốt cuộc thì vua Diệu Trang Vương cũng nhìn thấy được cái hạnh phúc và gíá trị của sự tu học, cho nên nhà vua đã nhường ngôi lại cho em rồi rủ hoàng hậu cùng mình xuất gia. Đó là chuyện ngày xưa. Giờ đây trong hội Pháp Hoa, sự có mặt của các vị Bồ Tát như Dược Vương, Dược Thượng, và Hoa Đức đã chứng tỏ rằng sự thực tập theo kinh Pháp Hoa, sự tu học theo đạo giải thoát là có thể độ được mình, độ được đời, và nhất là độ được cha mẹ, anh chị em và thân quyến của mình.
Tinh hoa của phẩm này là ở chỗ ấy. Người tu học luôn luôn có khả năng trở về để độ gia đình của mình chứ không phải là chỉ tu cho riêng mình. Cha mẹ của mình, gia đình của mình là những đối tượng đầu tiên của sự hành đạo của mình. Điều này có thật đối với Bụt Thích Ca Mâu Ni, điều này cũng có thật đối với các vị Bồ Tát trong các truyện Nôm của chúng ta, như là Bồ Tát Quán Thế Âm Diệu Thiện, Bồ Tát Quán Âm Nam Hải v.v... Chúng ta biết rằng trong khi những người theo Nho giáo lên án đạo Bụt là bất nhân và bất hiếu, thì những hành giả của đạo Bụt đã phải chứng minh ngược lại, rằng chúng tôi theo đạo Bụt cũng là theo đạo Nhân và đạo Hiếu. Nhân và Hiếu không phải chỉ có trong Nho giáo. Vì vậy mà trong chuyện Nôm Quán Âm Nam Hải, chúng ta thấy có những câu như:
Chân như đạo Bụt rất mầu:
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân,
Hiếu là độ được đấng thân,
Nhân là cứu vớt trầm luân mọi loài,
Những câu ấy là để chứng tỏ rằng nhờ đi xuất gia mà Bồ Tát Quán Thế Âm đã có thể thực hiện được Nhân và Hiếu, vì vậy các ông không thể lên án chúng tôi là không biết Nhân và không biết Hiếu được.
http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/sen-no-troi-phuong-ngoai/pham-thu-hai-muoi-bay-dieu-trang-nghiem-vuong