Hiển thị các bài đăng có nhãn Thích Thiện Hoa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thích Thiện Hoa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

DUY THỨC HỌC NHẬP MÔN



DUY THỨC HỌC
Dịch Giả: HT. Thích Thiện Hoa
In Lần Thứ Hai 1962 - Hương Đạo Xuất bản
Ban Hoằng Pháp Phật Giáo Nam Việt chủ trương

DUY THỨC HỌC NHẬP MÔN
Ngài THIÊN THÂN Bồ Tát tạo luận 
Ngài HUYỀN TRANG Pháp sư dịch chữ Phạn ra chữ Hán 
Sa môn THÍCH THIỆN HOA dịch lại chữ Việt và lượt giải. 

LỜI NÓI ĐẦU
Giáo lý của Phật có đến tám vạn bốn nghìn (84.000) pháp môn, chia ra làm mười tôn, chung quy chỉ có hai loại: Pháp tánh và Pháp tướng. Duy thức tôn thuộc về Pháp tướng. Nghiên cứu, phân tích, tìm hiểu Duy thức tôn gọi là Duy thức học. Môn học này là một môn triết học rất cao siêu và rộng rãi, nên từ xưa đến nay không biết bao nhiêu học giả đã phải bóp trán nặn đầu vì nó.
Cái khó khăn trong việc nghiên cứu Duy thức có nhiều nguyên nhân:
1. Rất nhiều danh từ chuyên môn mới lạ mà học giả chưa quen nghe.
2. Phân tích các hành tướng về tâm lý cũng như vật chất rất nhiều và quá tỉ mỉ, làm cho học giả khó nhớ.
3. Sách vở Duy thức quá nhiều, học giả không biết nên xem quyển nào trước, quyển nào sau.
4. Những sách ấy phần nhiều là sách chữ Hán, văn lại quá cổ nên người nay khó học.
5. Phải có tu quán mới hiểu rõ được Duy thức. Vì những nguyên nhân trên, học giả phần đông đành bỏ lỡ một môn triết học thâm thúy, cao siêu là Duy thức học!
Muốn nghiên cứu môn học này một cách có hiệu quả, cần phải có phương pháp và 
người hướng dẫn.

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

DUY THỨC HỌC | Mục Lục

DUY THỨC HỌC
Dịch Giả: HT. Thích Thiện Hoa
In Lần Thứ Hai 1962 - Hương Đạo Xuất bản
Ban Hoằng Pháp Phật Giáo Nam Việt chủ trương
MỤC LỤC
DUY THỨC HỌC NHẬP MÔN 
Lời nói đầu 
Bài 1. Luận Đại thừa trăm pháp 
Bài 2. Luận Đại thừa trăm pháp (tiếp theo) 
Bài 3. Tâm vương 
Bài 4. Ý thức 
Bài 5. Mạt na thức 
Bài 6. A lại da thức 
Bài 7. Tâm sở 
Bài 8. Tuỳ phiền não 
Bài 9. Bất định tâm sở 
Bài 10. Tâm bất tương ưng hành pháp 

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

DUY THỨC HỌC



DUY THỨC HỌC
Dịch Giả: HT. Thích Thiện Hoa
In Lần Thứ Hai 1962 - Hương Đạo Xuất bản
Ban Hoằng Pháp Phật Giáo Nam Việt chủ trương

LỜI CỦA DỊCH GIẢ
Phật ra đời độ sanh gần nửa thế kỷ, thuyết pháp trên 300 hội,nói ra 84.000 pháp môn, nào quyền, thiệt, đốn, tiệm, các phương tiện đều dạy bày; chung qui lại chỉ có hai phần: pháp tướng và pháp tánh. Duy thức tôn là một trong Pháp tướng.
Lý Duy thức, trong các kinh điển, Phật đã nói nhiều. Về sau các vị Bồ Tát trích lục lại, sắp xếp theo hệ thống, có thứ lớp, biên thành sách, lập thành tôn, gọi là pháp tướng tôn hay Duy thức tôn.
Như vào khoảng 900 năm, sau khi Phật diệt độ, có Ngài Bồ Tát Thiên thân, y theo các kinh, viết qua quyển "Duy thức tam thập tụng" v.v...Đến sau có 10 vị Đại luận sư (1) ra đời, tuần tự giải thích quyển "Duy thức tam thập tụng" lập thành mười bộ đại luận. Trong số ấy, bộ sớ giải của Ngài Hộ pháp là có phần hoàn bị hơn hết.
Đến đời Đường, ở Trung Hoa có Ngài Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang, trí tuệ vô saong, thông minh xuất chúng, phát tâm qua Ấn độ, nghiên cứu Phật pháp 18 năm trường (xem bộ Huyền Trang của Võ Đình Cường), Ngài rất thông về Duy thức tôn. Sau khi trở về nước, Ngài phiên dịch rất nhiều kinh sách, mà quyển "Duy thứ tam thập tụng" của Bôtát Thiên Thân là một. Ngài lại còn lượm lặt những tinh hoa sớ giải trong 10 bộ luận của 10 vị Đại luận sư, rồi phiên dịch ra chữ Trung Hoa, làm thành một bộ mười quyển, mệnh danh là "Thành Duy thức luận".

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Bát Quan Trai Giới

HT Thích Thiện Hoa

A. Mở Ðề

Ðức Phật Thích Ca nói pháp gần 50 năm, có đến 84.000 pháp môn, vô lượng diệu nghĩa. Mặc dù giáo pháp nhiều như thế, nhưng không ngoài ba môn chính là “giới, định, huệ”.

Trong “giới, định, huệ”, thì giới là phần quan trọng, là phần căn bản. Nhờ giới, tâm mới định, tâm có định, huệ mới phát sanh, huệ có phát sanh mới dứt trừ được vô minh phiền não; vô minh phiền não có dứt trừ mới minh tam kiên tánh và thành Phật. Nhưng giới cũng có nhiều thứ: có thứ cao, thứ thấp, có thứ áp dụng cho hàng xuất gia, có thứ cho hàng tại gia.

Trong hàng xuất gia, thì Sa di chỉ giữ 10 giới, Tỳ kheo giữ 250 giới, Tỳ kheo ni đến 348 giới. Về phía tại gia thì có Tam quy, Ngũ Giới, Bát quan trai giới, Bồ Tát giới, Tam quy Ngũ Giới, thì chúng ta đã học rồi; Bồ Tát giới thì khó khăn hơn, chúng ta sẽ học sau. Bây giờ đây, chúng tôi chỉ nói đến Bát quan trai giới.

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Ăn Chay

HT Thích Thiện Hoa

Mở Ðề: 
Ăn Chay Là Một Phương Pháp Tu Hành Của Người Phật Tử

Vấn đề ăn uống là một vấn đề quan trọng đối với tất cả mọi người, mọi chúng sanh. Nếu sống mà không cần ăn, thì tất cả chúng sanh đều thành Thánh cả rồi. Ðức Phật Thích Ca, khi còn là một vị Thái Tử, đã nói một câu đầy ý nghĩa: “Sự sống sống bằng sự chết”.

Hãy nghĩ lại mà xem: từ khi lọt lòng mẹ đến bây giờ, để được sống, mỗi chúng ta đã làm chết bao nhiêu sinh vật rồi? Chúng ta ăn, chúng ta uống, chúng ta thở, chúng ta nằm, chúng ta đứng, chúng ta đi, mỗi mỗi động tác như thế, đều đã gây bao tang tóc cho những sinh vật ở chung quanh chúng ta! Ðó là chưa kể những kẻ hung ác, giết để được thích thú, được tiền tài, danh vọng…Nếu sự sống mà không làm *ai chết ai cả, thì cuộc đời sẽ đẹp đẽ biết bao nhiêu ! Sự ước ao này có thể thực hiện được một phần lớn, nếu chúng ta áp dụng phương pháp ăn chay mà Phật đã chế ra.

Như thế, ăn chay đối với người Phật tử không phải là một sự hiếu kỳ, một sự hiếu danh, một cách đổi món ăn cho ngon miệng, một cách kiêng cữ theo lời dặn của bác sĩ. Ăn chay chính là một phương pháp tu hành rất quan trọng, mà người Phật tử thực hành được nhiều chừng nào thì được nhiều kết quả tốt đẹp chừng ấy.

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Tụng Kinh, Trì Chú, Niệm Phật

HT Thích Thiện Hoa

A.- Mở đề

Người Phật tử, nếu chỉ thờ, lạy và cúng Phật, thì cũng chưa có thể gọi là thuần thành. Người Phật tử thuần thành còn phải tụng kinh, trì chú và niệm Phật. Vả lại nếu bỏ qua ba phần sau này, thì ba phần trước là thờ, lạy và cúng khó có thể viên dung cả Sự và Lý được.

Vì phần Lý là phần cao siêu khó thực hành, mà nếu chúng ta không tụng kinh, niệm Phật để cho tâm hồn được sáng suốt, tỏ ngộ các lý lẽ sâu xa huyền diệu trong kinh đìển, thì chúng ta không làm thế nào để đạt được 4 phép lạy thuộc về Lý là: Phát trí thanh tịnh lễ, biến nhập pháp giới lễ, chánh quán lễ, thật tướng bình đẳng lễ và 5 món diệu hương để cúng Phật là: Giới hương, Ðịnh hương, Huệ hương, Giải thoát hương, Giải thoát tri kiến hương. Và nếu không thực hành được 4 phép lạy về Lý và cúng dường được 5 món diệu hương, thì sự lạy và cúng chỉ là phần “Sự” là phần hình thức, và vì thế, kẻ tín đồ khó có thể tiến được trên đường Ðạo. Bỡi vậy, cùng một lần với thờ, lạy và cúng Phật, chúng ta phải tụng kinh, trì chú và niệm Phật. Ðó là những điểm căn bản tối thiểu mà một Phật tử thuần thành không thể bỏ qua được.

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Thờ Phật, Lạy Phật, Cúng Phật

HT Thích Thiện Hoa

A. Mở Ðề

Xưa nay, những bậc có công ơn lớn đối với Quốc gia, xã hội đều được tôn sùng, nhưỡng mộ. Sự tôn sùng ngưỡng mộ này do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là lòng tri ân và sự mong muốn được noi theo gương sáng. Tục ngữ có câu: “Ăn trái phải nhớ kẻ trồng cây, uống nước phải nhớ người đào giếng”.

Lòng tri ân là một đức tính quí báu, mà những người có chút công bằng không thể thiếu được. Một xã hội gồm những phần tử phi ân bội nghĩa,ăn cháo đá bát, không có thể tồn tại được lâu dài, vì nó làm chán nản những kẻ có lòng, và làm khô cạn nguồn hy sinh. Vả lại, nếu con người thấy điều tốt, người hiền mà chẳng hâm mộ, thấy điều xấu, người ác mà không tránh xa, thì con người ấy là người thiếu căn bản đạo đức,
thiếu mầm thiện, khó có thể tiến bộ. Vì những lý do trên, ta thấy trên thế giới, bất luận ở phương trời nào, dân tộc nào, thời đại nào, hễ kẻ có công với làng xóm, thì được làng xóm tôn thờ, kẻ có công với quốc gia, dân tộc, thì được quốc gia, dân tộc tôn thờ, kẻ có công đức với nhân loại, thì được nhân loại sùng thượng.

Sự thờ cúng trong các tôn giáo cũng không ra ngoài những lý do đã kể trên. Nhưng ở các tôn giáo, sự thờ cúng có tính cách thường trực và thiết tha hơn, vì các vị Giáo chủ là những bậc có công ơn lớn đối với nhân loại và là những gương sáng mà tín
đồ cần đặt luôn luôn ở trước mắt để soi sáng đời mình. Trong các vị Giáo chủ, thì Ðức Phật là Vị được nhiều tín đồ sùng mộ nhất. Sự sùng mộ ở đây biểu hiện trong sự thờ, lạy và cúng Phật.

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Sám Hối

HT Thích Thiện Hoa

A.- Mở Ðề

Chúng ta sống trên đời này không ai là hoàn toàn trong sạch. Phật thường dạy: “Phàm còn xuống lên ba cõi, lăn lộn trong sáu đường, thì không một loài nào được hoàn toàn trong sạch, không một giống nào dứt hết tội lỗi”.

Thật thế, cõi đời này đã được gọi là cõi trần, thì làm sao trong sạch được? Người ta thường nói “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; vậy thì ở trong buị tất phải lấm buị. Buị đời đã lâu đời lâu kiếp phủ lên thân, lên đầu chúng ta, vào trong buồng gan lá phổi của chúng ta. Nó làm cho chúng ta mờ mắt không thấy được đường chánh; nó làm cho chúng ta đục lòng, không thấy được chân tâm. Nếu chúng ta muốn sống mãi trong cảnh buị nhơ, muốn đắm mình trong tội lỗi, thì không nói làm gì. Nhưng khi

chúng ta đã muốn được trong sạch thảnh thơi, muốn trút bỏ tội lỗi cho lòng được nhẹ nhàng, thư thới, thì tất nhiên chúng ta phải tìm phương pháp để trừ cho hết buị bặm, tẩy trừ cho hết tội lỗi. Trong Ðạo Phật, phương pháp tẩy trừ ấy gọi là sám hối.

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Ngũ Giới

H.T Thích Thiện Hoa 

A.-Mở Ðề

Sau khi quy y Tam bảo phải sống đúng theo quy luật mà Ðức Phật đã chế ra, để tiến bước trên đường Ðạo. Quy luật ấy là Ngũ Giới. Người theo đạo Nho phải sống đúng theo Tam cương, Ngũ thường, thì người theo Ðạo Phật cũng không thể chỉ thọ Tam Quy mà không trì Ngũ Giới.

Người đã phát tâm quy y Tam Bảo là đã bước chân lên nấc thang giải thoát, nhưng nếu không giữ năm giới là chỉ mới bước một nấc đầu rồi dừng lại, không thể tiến đến giải thoát thật sự được. Nam Giới này không những đưa người mạnh tiến trên đường giài thoát, mà còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, Quốc gia, xã hội nữa. Ngũ giới chính là giềng mối chắc thật tạo hạnh phúc cho cá nhân và đoàn thể, chính la ông thầy ngăn ngừa chúng ta làm điều xằng bậy trong thời mạc pháp. Vì thế, Ðức Phật Thích Ca đã có lời di chúc khẩn thiết sau đây trước khi Ngài nhập Niết bàn:

- “Sau khi ta diệt độ, các người tu hành phải tôn kính giới luật làm thầy; dầu cho ta còn tại thế để dạy dỗ cho các người mấy ngàn đời đi nữa, ta cũng thêm điều nào ngoài giới luật.” giới luật Phật chế ra rất nhiều, vì cần phải áp dụng cho nhiều hạng người tu hành: – Tỳ kheo,- Tỳ kheo ni,- Sa di, -Sa di ni. Riêng đối với hàng Phật tử tại gia, thì chỉ có 5 giới mà thôi. Nhưng nếu giữ được 5 giới ấy thì lợi ích cho mình, cho người không xiết kể.

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Quy Y Tam Bảo

H.T Thích Thiện Hoa 

A-Mở Ðề:

Cảnh giới Ta bà của chúng ta là một cảnh giới đầy mê mờ và dục vọng. Chúng ta đang lặn hụp trong bể nước mắt củađau khổ và bùn nhơ của dục vọng, sống trôi lăn trong cảnh ấy, chúng ta khó thấy được bến bờ sáng sủa, yên ổn để lội vào. Thật là đáng thương cho thân phận con người chúng ta.

Nhưng bản nguyện chúng ta đâu có thế! Chúng ta, từ vô thỉ, ở nơi nguồn chơn vắng lặng, sáng suốt vô cùng. Vì một niệm bất giác, khởi vô minh vọng tưởng, nên chúng ta bị quay cuồng trong sanh tử, trôi nổi trong ba cõi sáu đường.

Vậy thì trong chúng ta ai là người không muốn thoát ra khỏi cõi đen tối, sầu đau này, để dược trở về nguồn trong sáng, an vui?. Nhưng làm sao để thoát ra được? Ai sẽ là kẻ rủ lòng thương để đưa đường chỉ lối cho chúng ta? Ai là người có đủ phương pháp thần diệu để giúp chúng ta ra khỏi sinh tử luân hồi?

- Ðấng cao cả sáng suốt và đầy đủ năng lực ấy không ai khác hơn làÐức Phật Thích Ca Mâu Ni, người đã chứng quả bất sanh, bất diệt; và chỉ có Giáo pháp của Ngài mới cứu được chúng sanh ra khỏi vô thường đau khổ.

Vậy chúng ta còn ngần ngại gì nữa mà chẳng chịu quy y Tam-Bảo.

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Lược Sử Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni (từ thành đạo đến nhập Niết bàn)

H.T Thích Thiện Hoa 

A – Mở Ðề:

Trong bài trước chúng ta đã thấy Ðức Phật Thích Ca vì một đại nguyện lớn lao, vì một lòng từ bi vô bờ bến mà xuất gia tìm Ðạo. Ðại nguyện và lòng từ bi lớn lao ấy là:”cầu thành Phật quả để trên đền đáp bốn ơn sâu, dưới cứu vớt ba đường khổ”.

Cho nên sau khi giác ngộ, Ngài không vội nhập Niết bàn, mà nghĩ ngay đến sứ mạng của Ngài là: Thay thế chư phật đời trước, tiếp tục chuyển mê khai ngộ cho tất cả mọi người.

Sứ mạng ấy Ngài biết trước không phải dễ dàng, vì cái Ðạo của Ngài thì cao thâm huyền diệu, mà chúng sanh căn cơ lại không đều, và từ muôn kiếp đã lặn hụp trong si mê lầm lạc, khó có thể nhận hiểu được ngay ý nghĩa cao thâm của Giáo lý Ngài. Chúng sanh từ lâu đời lâu kiếp quen sống trong bóng tối của si mê, ngày nay chắc không khỏi choá mắt, hoảng sợ khi tiếp xúc với ánh sáng bừng chói của trí tuệ. Nhưng Ngài xét biết rằng mặc dù sống trong tăm tối, nhưng mỗi chúng sanh đều có mầm Phật tánh, như hoa sen, mặc dù sống trong bùn tanh hôi, nhưng vẫn tỏa nhụy vàng thơm ngát. Ngài cương-quyết thực-hiện sứ mạng của mình.

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Lược Sử Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni (từ Giáng Sanh đến Thành Ðạo)

HT. Thích Thiện Hoa


Mở Ðề:

Ðời Ðức Phật Thích Ca Là Một Tấm Gương Sáng

Bắt nguồn một tôn giáo nào, vị giáo chủ bao giờ cũng là một tấm gương sáng cho tín đồ soi chung để tiến bước. Nhưng trong các vị giáo chủ của các tôn giáo hiện có trên thế giới này, không có một vị* nào đầy đủ ý nghĩa cao đẹp, một đời sống sâu xa bằng đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Mỗi hành động, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, cho đến mỗi im lặng của Ngài đều là những bài học quý báu cho chúng ta. Nếu chúng ta học giáo lý của Ngài mà không hiểu rõ đời sống của Ngài, thì sự học hỏi của chúng ta còn phiến diện, thiếu sót.

Ðời Ngài chính là những biểu hiện giáo lý của Ngài. Ngài nói và Ngài thực hành ngay những lời Ngài đã nói. Ðời Ngài là một bằng chứng hiển nhiên để người đời nhận thấy rằng giáo lý của Ngài có thể thực hiện được, chứ không phải là những lời nói suông, những không tưởng, những lâu đài xây dựng trên mây, trên khói.

Vậy cho nên khi chúng ta học hỏi đời Ngài, chúng ta không nên có cái quan niệm học cho biết để thỏa mãn tánh hiếu kỳ, mà chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa thâm túy của đời sống ấy để đem áp dụng cho đời sống của chúng ta.

Làm được như thế mới khỏi phụ ý nguyện lớn lao của đức Phật khi giáng sanh xuống cõi Ta Bà này và đã cam chịu bao nỗi đau khổ, gian lao trong kiếp sống như mỗi người chúng ta.

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

ĐẠO PHẬT

HT. Thích Thiện Hoa

A-Mở Ðề:

Phật ra đời vì một nhân duyên lớn: Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.

Người đời thường nói một cách hời hợt cho qua chuyện, “Ðạo nào cũng tốt!”. Lời nói ấy, hoặc vì xã giao để cho vui lòng khách, hoặc vì chưa rõ bề mặt trong của các Ðạo khác nhau thế nào, nên mới ra như thế. Thật ra về mục đích thì đạo nào cũng có giá trị của nó, chẳng qua chỉ hơn nhau về từng bậc cao thấp mà thôi. Nhưng mục đích tốt dù sao, cũng chưa đủ. Ðiều quan trọng là làm sao thực hiện được mục đích ấy, và đem lợi ích rộng lớn cho đời. Thử hỏi nếu đạo nào cũng có giá trị như nhau, thì sao trước đây 2500 năm, trong lúc xứ Ấn độ đã có 94 thứ đạo rồi, mà đức Phật Thích Ca còn giáng sinh làm chi nữa?

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Tùy Phiền Não

HT Thích Thiện Hoa 


Thưa quý vị! Mưới món phiền não tôi vừa kể trên, trong kinh gọi là "Thập thiết". Nghĩa là 10 món này xiềng-xích này nó xiềng-xích trói cột chúng-sanh không giải-thoát được sanh-tử luân hồi; cũng kêu là "thập-sử", vì nó sai sử chúng ta làm nô lệ cho that tình lục dục lăn lộn trong ba cõi (Dục-giới, Sắc giới, Vô-sắc-giới) và quanh quẩn sáu đường (Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh, Thiên, Nhơn, A-tu-la) chịu khổ. Người học Phật phải phá trừ 10 cái xiềng xích này thì mới được tự do giải thoát và mới khỏi làm nô lệ cho thất tình, lục dục. Như thế gọi là "Tu Tâm".

Mười món trên đây, trong Duy-thức gọi là căn bản phiền não; nghĩa là 10 món phiền não gốc. Từ 10 món phiền não gốc này, sanh ra 20 món chi-mạt phiền não sau đây, trong Duy thức gọi là "Tùy phiền não", nghĩa là phiền-não chi-mạt từ nơi gốc mà sanh ra.

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Căn Bản Phiền Não

HT Thích Thiện Hoa

1- THAM là tham lam. Người tham lam, tánh hay để ý dòm rình những cái gì họ ưa thích: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, miếng ăn, chỗ ở v.v… Rồi họ lập mưu này kế nọ, để tìm kiếm cho được, được mấy cũng không vưà, nên tục ngữ có câu: " Bể kia dễ lắp, túi tham khó đầy!". Tham cho mình, rồi tham cho bà con quyến thuộc. Nói rộng ra, tham cho cả quốc gia, xã hội của mình.

Cũng vì lòng tham, mà nhơn loại tranh giành xâu xé cướp bóc giết hại lẫn nhau, chịu không biết bao nhiêu điều thống khổ. Tham không những có hại cho mình về hiện tại. Tham không những có hại cho mình về hiện tại, mà còn liên lụy đến người và về tướng lai nữa là khác.

Phật-tử tự xét mình, nếu có tâm tham lam, phải tập tánh thiểu dục tri túc, bỏ dần lòng tham đi; như thế gọi là "Tu Tâm".

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

TÂM SỞ

HT Thích Thiện Hoa

Thưa quý vị! Từ trước đến đây, chúng tôi căn cứ theo tác dụng hiện thật của các giác quan vá sách Duy thức mà giải thích, thì mọi người không nhũng có 5 cái biết, mà phải có đến 8 cái Biết: Cái biết xem của mắt, cái biết nghe của tai, cái biết ngửi của mũi, cái biết nếmm của lưỡi, cái biết cảm xúc của thân, cái biết phân biệt, so đo của ý thức , cái biết chấp ngã (ta) của thức thứ 7 và cái biết giữ gìn chứa lại của thức thứ 8.

Tám cái biết này, có sức tự tại và tự chủ, cũng như ông Vua,nên trong Duy thức gọi là "Tâm vương". Nhưng nếu chỉ có một ông Vua, thì dầu tài hay trí giỏi đến đâu, cũng không thể làm gì được, nên ngoài Vua ra, còn phải nhờ Quần thần, binh tướng mới có thể đánh Nam dẹp Bắc, sửa trị nước nhà,hoặc kinh doanh sự nghiệp vĩ đại trong nước.

Tám thức tâm vương cũng thế, nếu chỉ có tâm vương (vua) mà không có tâm sở (9 quần thần) thì tâm vương này cũng như người làm vua mà không có binh tướng; thì không thể tạo tác những điều tội ác hay từ thiện được. Bởi thế nên ngoài 8 thức tâm vương này, còn có 51 món sở hữu của tâm vương, theo Duy thức học gọi tắt là "Tâm Sở"

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

TÂM VƯƠNG

HT Thích Thiện Hoa



1.- Trong lúc chúng ta mở mắt thấy các cảnh vật, biết được cảnh đây xanh, kia đỏ, đó trắng, nọ vàng v.v… Vì cái biết này thuộc về con mắt, nên trong Duy thức gọi là "Nhãn thức" (cái biết của con mắt).

2. – Lỗ tai chúng ta, khi nghe các tiếng, biết được tiếng hay, dở, phải, trái v.v…Bởi cái biết này thuộc về lỗ tai, nên trong Duy thức gọi là "Nhĩ thức" (cái biết của lỗ tai).

3.- Lỗ mũi chúng ta, khi ngửi mùi, biết được đây là mùi thơm hay hôi v.v… cái biết đó thuộc về lỗ mũi, nên trong Duy thức gọi là "Tỷ thức" (cái biết của lỗ mũi).

4.- Miệng chúng ta, khi nếm các vị, biết được vị này ngọt, lạt, cay, đắng, béo, bùi v.v…Cái biết này thuộc về lưỡi, nên trong Duy thức gọi là "Thiệt thức" (cái biết của lưỡi).

5.- Thân thể chúng ta, đụng lửa biết nóng, xuống nước biết lạnh, mặc đồ mỏng biết mát, mang đồ mỏng biết mát, mang đồ dày biết nực, đụng đá biết cứng, cầm bông biết mềm v.v… Vì cái biết này thuộc về thân, nên trong Duy thức gọi là " Thân thức" (cái biết của thân). Cả năm thức này, khi chứng được quả vô lậu thì nó chuyển thành "Thành sở tác trí".

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Tu tâm

H.T Thích Thiện Hoa 

Tất cả những hạnh phúc vui tươi hay đau khổ của người đời, nó chỉ là cái kết quả trung thành bởi những hành động của người gây ra cả, mà tâm là chủ động. Tâm là là căn bản toàn diện cuộc sống của con người. Vì thế, nên nhân loại tâm lành, thì thế giới hòa bình an lạc. Nếu trái lại, loài người tâm ác, tất nhiên xã hội phải chiến tranh đau khổ. Giữa đời khoa học, về phương diện vật chất, người ta đã tiến bộ nhiều! Song nhân loại lại chịu thêm nhiều đau khổ! Muốn đổi lại đời sống an vui, không chi hơn là mỗi người đều phải biết "Tu Tâm".

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

TRÍ TUỆ

HT. Thích Thiện Hoa


I- ĐỊNH NGHĨA

Trí tuệ là cái tánh sáng suốt xét soi cùng khắp không bị ngăn che, trở ngại. Trí tuệ tiếng Phạn gọi là "Prajna", tiếng Trung hoa dịch âm là Bát nhã, hay Đại trí tuệ. Để chỉ rõ cái rộng lớn, linh diệu, hiệu quả của trí tuệ, nhiều khi trong Kinh còn gọi là Bát nhã Ba la Mật, nghìa là trí tuệ sáng suốt cùng tột và chắc chắn sẽ đưa người tu hành đến quả vị Phật.

Nếu vô minh là cái màn đen tối bao trùm vạn vật, làm cho chúng sanh không nhận được sự thật của vũ trụ vạn hữu và do đó làm cho chúng sanh phải đau khổ, thì trí tuệ trái lại, là cái khí giới duy nhất có công dụng phá tan được màn vô minh ấy, làm cho chúng sanh thấy rõ được sự thật vũ trụ vạn hữu, và thể nhập vào sự thật ấy để sống một cuộc sống an vui, tốt đẹp.

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

LỢI THA

H.T Thích Thiện Hoa 

I.- ĐỊNH NGHĨA

Lợi là ích lợi; tha là người khác. Lợi tha là làm tất cả những gì có lợi cho người khác và vật khác. Lợi tha là phản nghĩa của ích kỷ, của lợi kỷ. Trong đạo Phật, lợi tha là một vấn đề tối quan trọng, nó làm chứa hầu hết công việc của một người Phật tử. Một công việc gì chỉ có tánh cách lợi kỷ, thì công việc ấy không phải là một công việc có giá trị có thể giúp người Phật tử tiến bước trên đường đạo. Người Phật tử không bao giờ chỉ thấy có mình mà không thấy có người, có vật khác, chỉ làm lợi cho mình mà không làm cho người hay vật khác.