- Mục Lục
- Lời Nói Đầu
- Chương 1 Ý Nghĩa Và Sự Hình Thành Duy Thức Học
- Chương 2 Khảo Sát Sự Có Mặt Của Con Người
- Chương 3 Khảo Sát Sự Sinh Hoạt Của Tám Tâm Thức
- Chương 4 Khảo Sát Sự Có Mặt Của Các Tâm Sở
- Chương 5 Khảo Sát Tánh Chất Và Giá Trị Những Yếu Tố Tạo Thành Vạn Pháp
- Chương 6 Những Nguyên Lý Quan Hệ Và Sự Hình Thành Vạn Pháp
- Chương 7 Kết Luận
KHẢO NGHIỆM DUY THỨC HỌC
TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM
Thích Thắng Hoan
TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM
Thích Thắng Hoan
Chương 1
Ý NGHĨA VÀ SỰ HÌNH THÀNH DUY THỨC HỌC
1/- DUY THỨC:
DUY: tiếng Pali gọi là Mãtratã, nghĩa là CHỈ CÓ.
THỨC: tiếng Pali gọi là Vijnãna (Consciousness), nghĩa là HIỂU BIẾT.
THỨC, ở đây tức là chỉ cho sự HIỂU BIẾT. Sự hiểu biết này chính là một
năng lực có khả năng phân biệt và hiểu biết vạn pháp sai khác qua các cơ
quan cảm giác. Thức (Sự hiểu biết) còn là một năng lực có khả năng xây
dựng và biến hiện vạn pháp thành nhiều hình tướng không giống nhau với
hình thức Nhân Duyên Sanh.
DUY THỨC: (Vijnãnamãtratã) nghĩa là chỉ có sự hiểu biết trên hết và
ngoài sự hiểu biết ra không còn sự vật nào khác có thể thay thế được,
nên gọi sự hiểu biết là DUY THỨC. Theo Duy Thức, vạn pháp trong vũ trụ
gồm cả tâm lý và vật lý đều là hình tướng giả tạo, không có thể chân
thật và chúng nó luôn luôn bị sanh diệt để biến hoại. Sự có mặt của vạn
pháp chính là do THỨC kết hợp các yếu tố về vật chất như là: Đất, Nước,
Gió, Lửa để tạo nên và sự sanh diệt của vạn pháp cũng là do THỨC tác
dụng không ngừng. Chỉ có THỨC mới đủ khả năng tạo dựng và duy trì sự
sống còn của vạn pháp, nên gọi vạn pháp đều do DUY THỨC BIẾN.
Chi tiết hơn, phàm bất cứ sự vật nào mỗi khi dùng làm đối tượng (Object)
với mắt, tai, mũi, miệng, lưỡi và toàn bộ thân thể của con người thì
ngay lúc đó, một năng lực hiểu biết phát xuất từ phía trong con người đó
tác dụng để tiếp xúc với sự vật đối tượng trên liền phát sanh cảm giác
và phân biệt. Cũng do từ sự phân biệt này, những tư tưởng của hiểu biết
mới nối tiếp hiện khởi và sáng tạo thêm nhiều sự vật khác không cùng bản
chất và không cùng hình tướng. Những sự vật khác không cùng bản chất và
không cùng hình tướng được sáng tạo thêm đều do tư tưởng của hiểu biết
xây dựng nên để được góp mặt trong vũ trụ cũng gọi là do DUY THỨC BIẾN.
Nói cách khác, những sự vật không có thể chất, nghĩa là những sự vật
không có sức sống ở trong, do Ý Thức thứ sáu tưởng tượng xây dựng thì
cũng thuộc loại giả tạo và cũng không thực thể, đều cũng được gọi là do
DUY THỨC BIẾN.
Có thể nói, THỨC là nguồn gốc, là bản thể của tất cả pháp trong vũ trụ.
Vạn pháp trong vũ trụ, nếu như không có THỨC này làm điểm tựa căn bản
thì nhất định không thể sanh thành và cũng không thể tồn tại một cách
độc lập. Minh định rõ hơn, ngoài THỨC ra, không có một sự vật nào tự nó
có thể thành hình và tự nó có thể tồn tại một cách độc lập trong thế
gian mà không cần đến THỨC. Từ đó cho thấy, sự thành hình, sự sống còn
và sự tồn tại sanh mạng của vạn pháp đều do THỨC quyết định, nên gọi là
DUY THỨC.
2/- DUY THỨC HỌC (Logic of Knowledge):
Duy Thức Học là một khoa học không ngoài mục đích khảo sát, tìm hiểu vạn
pháp trong vũ trụ về phương diện tên gọi (danh xưng), tính chất, thực
thể và những hình tướng không giống nhau của những pháp đó để chứng minh
rằng, tất cả đều là giả tạo, đều là duyên sanh, đều không thực thể mà
trong đó chỉ do Duy Thức làm chủ biến hiện. Nói cách khác, vạn pháp
trong vũ trụ đều do Thức đứng ra kết hợp các yếu tố quan hệ, cần thiết
để xây dựng và chuyển hóa thành hình tướng. Duy Thức nếu như rút lui và
không còn sinh hoạt nữa thì vạn pháp sẽ bị hoại diệt theo. Tâm Thức
không có hình tướng, chỉ căn cứ nơi các sự vật có hình sắc trong vũ trụ
do Tâm Thức kết hợp và biến hiện để xác định thực thể của Tâm Thức. Nhằm
kết luận quy về Tâm Thức làm căn bản cho chúng sanh hiện có mặt trong
vũ trụ. Duy Thức Học chú trọng đến giá trị tâm linh làm nền tảng để mở
bày nguyên lý của vạn pháp.
B.- MỤC ĐÍCH CỦA DUY THỨC HỌC:
Duy Thức Học là một môn học về Tâm, bắt đầu từ nơi Thức để tìm hiểu
nguồn gốc của Tâm, nguyên do Tâm chính là thể (Static State) của Thức mà
Thức lại là tác dụng (Activity) của Tâm Thể. Tâm Thể nếu như không có
thì không có Thức tác dụng. Thế nên các nhà Duy Thức căn cứ trên sự tác
dụng của Tâm Thể mà đặt tên cho nó là Thức, nhưng Thức ở đây chính là
Thức Tạng (Thức Alaya dịch là Thức Tạng, nghĩa là Thức Chứa). Thức Tạng
là một loại Tâm Thức có giá trị làm căn bản cho sự sanh khởi vũ trụ và
nhân sanh, nghĩa là vạn pháp và loài người trong vũ trụ đều phát sanh từ
nơi Tâm Thức này. Đó là lời khẳng định của các nhà Duy Thức.
Duy Thức Học còn nhiệm vụ nữa là tìm hiểu vạn pháp và loài người trong
vũ trụ từ đâu sanh, ai sanh ra chúng và sanh bằng cách nào? Các nhà Duy
Thức đi đến kết luận rằng: "VẠN PHÁP ĐỀU DO THỨC BIẾN HOẶC TẤT CẢ ĐỀU DO
TÂM TẠO". Để minh chứng cho những lời kết luận trên, chúng ta nên dựa
theo ba tiêu chuẩn của các nhà Duy Thức đã quy định để khảo sát. Ba tiêu
chuẩn đó là:
1.- THỂ (Dynamic State): nghĩa là thể tánh hay bản thể của vạn pháp và
loài người, tức là nguồn gốc phát sanh ra vạn pháp và loài người. Đứng
trên lập trường Nhân quả mà nhận xét thì Thể ở đây là chỉ cho Nguyên
Nhân (Cause), nghĩa là nguồn gốc để phát sanh ra vạn pháp và loài người.
2.- TƯỚNG (Form): nghĩa là hình tướng, tướng trạng của vạn pháp và loài
người. Vạn pháp và loài người có nhiều hình tướng khác nhau thì nơi thể
tánh nhất định cũng có nhiều nguyên nhân và chủng loại không giống nhau.
Hình tướng của mỗi pháp khác nhau như thế nào thì nơi thể tánh, mỗi
chủng loại cũng riêng biệt nhau và không giống nhau như thế đó. Nguyên
do hình tướng của vạn pháp và loài người thảy đều phát sanh từ nơi thể
tánh của mỗi chủng loại. Cũng như cây mít phát sanh từ nơi hạt mít và
hạt mít chỉ sanh ra cây mít mà không thể sanh ra cây cam. Tướng ở đây là
chỉ cho Quả Tướng, nghĩa là hình tướng thuộc loại kết quả của những
nguyên nhân.
3.- DỤNG (Action): nghĩa là phần tác dụng của những nguyên nhân đã được
phát sanh từ nơi thể tánh. Vạn pháp trong vũ trụ, có loại hiện ra hình
tướng nhìn thấy được, có loại không hiện ra hình tướng mà người khảo sát
chỉ biết qua sự tác dụng của chúng. Thí dụ như Tâm Lý của con người và
năng lượng của điện không gian, chúng ta chỉ có thể hiểu biết qua sự tác
dụng của chúng, mà không thể nhìn thấy được hình tướng thật của chúng.
Dụng ở đây cũng là chỉ cho Quả Tướng, nghĩa là hình tướng thuộc loại kết
quả của những nguyên nhân.
Các nhà Duy Thức căn cứ nơi TƯỚNG và DỤNG của vạn pháp và loài người,
nghĩa là căn cứ nơi sự kết quả của vạn pháp và loài người đã được thành
hình mà khảo sát bằng cách quán chiếu theo phương pháp Thiền Quán và nhờ
đó tìm ra bản thể của chúng, đồng thời biét được chúng từ đâu sanh ra
một cách chính xác.
Duy Thức Học dựa trên Thức Chi, một chi trong mười hai Nhân Duyên của
đức Phật chỉ dạy làm trung tâm khảo sát, nhằm mục đích biện minh cho
nguyên lý "VẠN PHÁP TRONG VŨ TRỤ ĐỀU DO NHÂN DUYÊN SANH " của đức Phật
chủ trương qua trạng thái DUY THỨC BIẾN.
C.- LỢI ÍCH CỦA DUY THỨC HỌC:
Như trước đã trình bày, Duy Thức Học là một môn học nhằm mục đích nghiên
cứu những hình tướng giả tạo do Nhân Duyên Sanh của các sự vật để tìm
hiểu nguồn gốc sanh khởi vạn pháp. Từ đó, những học giả nào nếu như đã
hiểu rõ Duy Thức thì lẽ đương nhiên những người đó đã giác ngộ được sự
thật của vạn pháp, nhận thức đúng nguyên lý, phân biệt một cách rõ ràng
lẽ chánh tà, chân vọng và họ không còn bị mê hoặc, không còn bị lầm lẫn
bởi những chủ thuyết ảo tưởng, những chủ nghĩa giả tạo. Đồng thời họ
cũng tẩy trừ được bệnh chấp trước (chấp ngã, chấp pháp) và giải thoát
khỏi nguồn gốc sinh tử luân hồi trong ba cõi. Thế là những học giả nói
trên đã chứng được trạng thái Niết Bàn Tịch Tịnh Hữu Dư (Nghĩa là tâm
người đó đã đạt được trạng thái Niết Bàn, nhưng thân thể của họ còn bị ô
nhiễm khổ đau nên gọi là Hữu Dư Niết Bàn).
Duy Thức Học lại còn mục đích nữa là liên kết mọi yếu tố cần thiết trong
chiều hướng trở về nguồn tâm trí căn bản của chúng sanh để làm nền tảng
cho sự chứng ngộ mà những học giả có thể nhận thức được rằng: Ngoài
những hiện tượng giả tạo đã được kết hợp bởi hình thức duyên sanh, con
người còn có Tâm Trí ở trong và Tâm Trí đó đã được chuyển hóa từ Tâm
Thức. Tâm Trí này là tâm chân thật không sanh diệt, không nhơ sạch,
không tăng giảm và nó chính là yếu tố vô cùng trọng đại trong mọi lãnh
vực sanh tồn của chúng sanh.
Vì chú trọng giá trị tinh thần của Tâm Trí nói trên, những học giả Duy
Thức Học sẽ cố gắng gia công cải tiến Tâm Trí của mình để được tốt đẹp,
để được thuần lương và để làm môi trường cho sự tiến tu đạo nghiệp, ngỏ
hầu sớm ra khỏi vòng đai sinh tử luân hồi trong ba cõi (trong Tam Giới),
đồng thời đạt thành chánh giác qua phương pháp tu Duy Thức Quán.
Ngoaì ra, với tính cách mổ xẻ, phân tích chi ly các sự vật phức tạp hiện
có mặt trong thế gian này để nhận thức về tính chất, giá trị và ý nghĩa
của vạn pháp, Duy Thức Học còn làm thỏa mãn một phần nào những dữ kiện
mà các nhà Khoa Học cần đến, đồng thời Duy Thức Học cũng là kim chỉ nam,
cũng là chìa khóa giúp cho các nhà nghiên cứu Phật Học đi vào kho tàng
Giáo Lý Đại Thừa.
D.- SỰ HÌNH THÀNH DUY THỨC HỌC:
(Phần lịch sử của Duy Thức Học):
(Phần lịch sử của Duy Thức Học):
Duy Thức Học là một trong những môn học về Tạng Luận, bắt đầu bằng sự
hiểu biết nên gọi là Thức. Người sáng lập ra môn học này phần đông là
các vị Bồ Tát.
Đầu tiên đức Phật Thích Ca khi còn tại thế thường giảng Duy Thức trong
nhiều bộ Kinh như: Kinh Lăng Già, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Giải Thâm Mật,
Kinh Mật Nghiêm, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Công Đức Trang Nghiêm v.v... cho
các hàng đại Bồ Tát. Trong các đệ tử của đức Phật, Ngài Di Lặc
(Maitreya) là một vị Bồ Tát đã đắc đạo về môn học này.
Khoảng 900 năm sau Phật nhập diệt, Ngài Vô Trước (Asanga) cũng là vị Bồ
Tát ra đời, thọ giáo với Bồ Tát Di Lặc tại cung trời Đâu Xuất về môn học
Duy Thức này. Sau khi đắc pháp, Bồ Tát Vô Trước đứng ra khởi xướng và
phát huy môn học Duy Thức tại Ấn Độ. Em Ngài Vô Trước là Ngài Thế Thân
(Vasubandhu) theo anh học Đạo. Đầu tiên Ngài Thế Thân sáng tác quyển
"DUY THỨC TAM THẬP TỤNG" và quyển này được truyền bá khắp nơi trong nước
Ấn Độ. Hệ phái tư tưởng Duy Thức được thành lập từ đây.
Đến thế kỷ thứ VI Tây Lịch, có nhiều đại Luận Sư rất lỗi lạc, nổi tiếng
về môn học Duy Thức đã được xuất hiện tại Ấn Độ như: Thân Thắng, Hỏa
Biện, Đức Tuệ, Trần Na, An Tuệ, Nan Đà, Tịnh Nguyệt, Hộ Nguyệt, Hộ Pháp,
Giới Hiền, mỗi vị đều có sáng tác và chú thích nhiều bộ Luận để phát
huy Duy Thức Học.
Đến đời nhà Đường bên Trung Hoa, niên hiệu Trinh Quán năm thứ 3 (636TL)
có ngài Pháp Sư Huyền Trang du học ở Ấn Độ. Tại Đại học Nalanda, Ngài
thọ giáo với Luận Sư Giới Hiền về môn học Duy Thức hơn mười năm.
Sau khi về nước, Ngài Huyền Trang đứng ra phát huy tư tưởng Duy Thức
khắp Trung Hoa với tác phẩm: "THÀNH DUY THỨC LUẬN" do Ngài sáng tác.
Ngoài ra Ngài Huyền Trang còn dịch nhiều bộ luận rất liên hệ về môn học
Duy Thức, chuyển ngữ từ chữ Phạn ra chữ Hán. Đệ tử Ngài Huyền Tang, có
các ngài như: Khuy Cơ, Tuệ Chiếu, Trí Châu v.v... thay nhau truyền bá
môn học này.
Đến cuối đời nhà Nguyên (1279TL), môn học Duy Thức không người kế thừa nên bị mất tích tại Trung Hoa.
Mãi đến Dân Quốc năm 1912, có cư sĩ Dương Nhơn Sơn ở Nhật Bản, mang môn
học Duy Thức về Trung Hoa phát huy trở lại và thành lập "NỘI HỌC VIỆN
CHI NA" để làm cơ sở nghiên cứu môn học Duy Thức cho những học giả trí
thức trong nước. Nhờ đó môn học Duy Thức tại Trung Hoa được phục hưng
trở lại và mở rộng sang Việt Nam.
Riêng ở Việt Nam, môn học Duy Thức cũng được phổ biến từ lâu và những
Luận Sư nổi tiếng về môn học này như: Thiện Hoa, Tuệ Nhuận, Thạc Đứ,
Nhất Hạnh v.v... Đây là sự tiến trình môn học Duy Thức thành một hệ
thống tư tưởng siêu đẳng và đã được lan tràn khắp nơi trên thế giới.
http://thuvienhoasen.org/p24a7652/chuong-1-y-nghia-va-su-hinh-thanh-duy-thuc-hoc