Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

TRÍ TUỆ

HT. Thích Thiện Hoa


I- ĐỊNH NGHĨA

Trí tuệ là cái tánh sáng suốt xét soi cùng khắp không bị ngăn che, trở ngại. Trí tuệ tiếng Phạn gọi là "Prajna", tiếng Trung hoa dịch âm là Bát nhã, hay Đại trí tuệ. Để chỉ rõ cái rộng lớn, linh diệu, hiệu quả của trí tuệ, nhiều khi trong Kinh còn gọi là Bát nhã Ba la Mật, nghìa là trí tuệ sáng suốt cùng tột và chắc chắn sẽ đưa người tu hành đến quả vị Phật.

Nếu vô minh là cái màn đen tối bao trùm vạn vật, làm cho chúng sanh không nhận được sự thật của vũ trụ vạn hữu và do đó làm cho chúng sanh phải đau khổ, thì trí tuệ trái lại, là cái khí giới duy nhất có công dụng phá tan được màn vô minh ấy, làm cho chúng sanh thấy rõ được sự thật vũ trụ vạn hữu, và thể nhập vào sự thật ấy để sống một cuộc sống an vui, tốt đẹp.

Nói về trí tuệ, trong kinh Di giáo, Phật có dạy:

"Người có trí tuệ không tham trước, tự tại, sáng suốt, tránh khỏi hố hầm tội lỗi; trí tuệ chân thật là chiếc thuyền kiên cố, đưa chúng sanh khỏi biển khổ sông mê, là ngọn đèn sáng soi miền hắc ám, là liều thuốc chữa được muôn ngàn bệnh tật, là chiếc búa sắt đập tan rừng phiền não, là lưỡi dao bén cắt đứt lưới vô minh".

II.- SỰ SAI KHÁC GIỮA TÁNH THÔNG MINH HIỂU BIẾT CỦA ĐỜI VÀ TRÍ TUỆ CỦA PHẬT

Khi nói đến trí tuệ, nhiều người tưởng lầm trí tuệ theo nghĩa trong đạo Phật cũng như sự thông minh hiểu biết của thế gian, nhưng chỉ khác là trí tuệ của Phật rộng rãi, sáng suốt hơn. Thật ra, sự thông minh hiểu biết của thế gian và trí tuệ của Phật có nhiểu điểm sai khác. Do sự sai khác đó, giáo lý kinh điển Phật giáo phân biệt hai thứ trí tuệ: Trí tuệ thế gian và trí tuệ trong đạo Phật.

1.- Trí tuệ thế gian:

Là cái biết của thế gian, cái biết còn nhiều sai lầm, sơ sót khiến cho người ta cứ trôi lăn mãi trong ba cõi sáu đường.

Trí tuệ thế gian có thể chia làm hai thứ:

a. Có thứ thông minh láu lỉnh, thấy rộng biết nhiều, nhưng bất thiện; nó chỉ biết phụng sự cho dục vọng, ích kỹ, thỏa mãn bản ngã hẹp hòi, làm tay sai cho cái ác. Cái biết nầy thật là nguy hiểm hơn cả cái ngu si nữa, vì nó làm cho con người mất hết cả lương tri, ác hơn cầm thú. Cho nên Đức Phật bảo rằng cái thông minh nầy là một cái nạn lớn trong tám nạn.

b. Có thứ thông minh mẫn tiệp, hiểu biết đâu là thiện nên làm, đâu là ác nên tránh, biết làm những điều lợi ích cho nhân quần xã hội. Tuy thế cái biết này không giúp cho con người thoát ra ngoài vòng khổ não, luân hồi.

Vì thế cho nên gọi là trí tuệ thế gian.

2. Trí tuệ trong đạo Phật: Có hai thứ:

a. Hữu lậu trí: Cái trí chưa có năng lực đoạn các phiền não hữu lậu. Nghĩa là trong lúc ở địa vị phàm phu tu nhơn, tuy dùng trí tuệ quán sát thân bất tịnh, thọ là khổ, tâm vô thường pháp vô ngã, nhưng rồi lúc nào cũng thấy là tịnh, là vui, là thường là thật ngã, còn bị phiền não hữu lậu lấn áp, không thể phá trừ được.

b. Vô lậu trí: Cũng gọi la Bát nhã trí; trí nầy đã phá trừ các phiền não hữu lậu, đạt đến chỗ rốt ráo thanh tịnh, nhưng chỉ khi đặng thánh quả mới có, trí nầy có hai phần:

- Về phương diện "thể" tức là căn bản trí, cũng gọi là thật trí, vô phân biệt trí, như lý trí, chơn trí v.v... Kinh nói: "Như Lai dùng căn bản trí (vô phân biệt trí) duyên chơn như, tâm và cảnh không hai, không có năng sở", hay nói: "Dùng thật trí thấy rõ thật tướng của các pháp".

- Về phương diện "dụng", tức là hậu đắc trí. Sau khi đặng căn bản trí rồi mới có trí nầy, cũng gọi là quyền trí, sai biệt trí. Kinh nói: "Đức Như Lai dùng quyền trí, thấu rõ các pháp sai biệt, giáo hóa chúng sanh".

III.- CÔNG NĂNG CỦA TRÍ TUỆ

Người ta sống trong đời như thể đi trong đêm tối, như chèo ghe giữa biển mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Trí tuệ thế gian là ngọn đèn soi sáng khoảng đường ta đi, là địa bàn chỉ phương hướng cho ta đến. Người hơn vạn vật, làm chủ được muôn loài là nhờ trí tuệ, nền văn minh tiến bộ về vật chất của nhơn loại như ngày nay cũng nhờ trí tuệ.

Nhưng dù văn minh đến đâu thì loài người cũng không vượt thoát được cảnh giới Ta bà này, cũng vẫn còn đau khổ, vẫn còn chịu sự chi phối của bệnh tật, già yếu, chết chóc, sầu thương... Muốn thoát khỏi cảnh khổ thế gian, phải nhờ trí tuệ của Phật. Trí tuệ của Phật có nhiều công năng, diệu dụng khác với thế gian trí. Dựa theo tánh cách của công năng, diệu dụng ấy, Duy thức học chia trí tuệ ra làm bốn loại, có bốn tên khác nhau: Khi ở địa vị phàm phu, còn trong vòng mê muội, thì mỗi người có tám thức và năm mươi mốt món tâm sở, đến khi chứng đặng Thánh vị thì tám thức và năm mươi mốt món tâm sở ấy đều chuyển thành trí. Thức thứ tám là A lại gia, có công năng gìn giữ thân mạng, chủng tử và thế giới. Khi đạt đến địa vị vô lậu thì thức này biến thành "Đại viên cảnh trí": Trí sáng suốt như bức gương lớn và tròn đầy, chỉ thị cho thể tánh chơn như.

Thức thứ bảy là Mạt na, có công năng thường chấp ngã, khi đạt đến địa vị vô lậu, biến thành "Bình đẳng tánh trí": nhận thức các pháp là đúng với tánh bình đẳng vô giá của nó.

Thức thứ sáu là ý thức có công năng phân biệt so đo, khi đạt đến địa vị vô lậu, biến thành "Diệu quán sát trí": Năng lực quán sát thần diệu.

Năm thức trước (Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức) có công năng tiếp xúc trần cảnh, khi đạt đến địa vị vô lậu, biến thành "Thành sở tác trí": Có năng lực nhận thức cùng khắp, thành tựu mọi công việc.

IV.- GƯƠNG TRÍ TUỆ CỦA ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA

Đức Phật, cũng được gọi là đấng Giác ngộ. Danh từ này được nhân loại từ xưa đến nay công nhận và tôn xưng.

Đức Phật Thích Ca, ngay từ khi còn thơ ấu đã tỏ ra trí tuệ hơn người. Lúc mới bảy tuổi, một hôm đi xem lễ cày, thấy cảnh tương tàn tương sát giữa sanh vật, ngài nhận chân được nỗi khổ của kiếp sống, và cái định luật khắc nghiệt của cõi đời là sự sống chồng lên sự chết của muôn loài muôn vật. Ngài chỉ học một mà biết mười, nên đã làm cho các vị giáo sư, phải ngạc nhiên và bái phục, tôn ngài lên làm thầy dạy lại họ. Mỗi lần dạo thăm một cửa thành là ngài tìm được một sự thật đen tối của cõi đời: Nào đau, nào già, nào chết. Nhưng biết sự thật ấy không phải để mà biết, hay đành xuôi tay bất lực, hay khóc than một cách tiêu cực. Ngài không dừng cái biết của ngài tại đó, mà còn đẩy xa ánh sáng trí tuệ của mình, tìm tới nguyên nhân đau khổ. Tìm được nguyên nhân đau khổ rồi, ngài lại tìm phương pháp để dứt trừ nguyên nhân đau khổ. Đến đó Ngài cũng chưa chịu dừng nghĩ, mà còn tìm một cảnh giới an vui vĩng cửu. Tất nhiênn, công cuộc tìm tòi và thành tựu mỹ mãn ấy không phải dễ dàng. Ngài phải rời bỏ tất cả những gì quý báu thân yêu, lặn lội tìm thầy, tìm bạn để học hỏi, đi hết xứ này đến xứ khác, nghe ở đâu có một vị đạo sĩ, triết gia thông minh xuất chúng là ngài đến thụ giáo, không quản ngại đường sá xa xôi, núi rừng hiểm trở. Nhưng đến đâu, ngài cũng thấy cái biết của họ chưa tột cùng, còn có những nổi thắc mắc chưa được giải quyết. Trước tình thế ấy, đành chịu đầu hàng vô minh chăng?

Không thể như thế được! Ngài quyết tâm phá tan màn vô minh mới thôi! Không thể nhờ ai dạy cho mình phương pháp diệt khổ hoàn toàn, đem vui viễn được, thì ngài tự mình tìm lấy. Từ đó, ngày đêm ngài tham thiền, nhập định quên ăn bỏ ngủ, trong suốt bốn mươi chín ngày dưới gốc Bồ đề. Và một buổi bình minh kia, trí tuệ của Ngài đã bừng sáng, chiếu khắp mười phương, soi thấy suốt từ quá khứ đến vị lai, thấy được bản thể của vũ trụ rõ ràng như thấy bàn tay mình. Từ đó, Ngài đã thành đấng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

V.- NGƯỜI PHẬT TỬ PHẢI TRAU DỒI TRÍ TUỆ NHƯ THẾ NÀO TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY?

Mỗi chúng ta đều có sẵn cái mầm trí tuệ, cái chất trí tuệ của Phật. Nhưng cái mầm ấy không được vun trồng, săn sóc, thiếu đất, thiếu nước, thiếu không khí nên không nẩy sanh được cây Bồ đề; cái chất trí tuệ ấy, như ngọc lẫn trộn trong đá, không được mài dũa nên ánh sáng không phát ra.

Muốn có được trí tuệ như Phật, chúng ta phải tu theo các pháp mà Phật đã chỉ bày. Những pháp này nhiều không xiết, nhưng chúng ta nên lựa vài pháp môn thông thường có thể thực hiện được trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Trước tiên chúng ta phải biết nghe, biết thấy (Văn). Không phải chỉ nghe những điều thiết yếu của Phật dạy, thấy những điều thiết yếu trong kinh điển là đủ. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có thể nghe thấy những điều bổ ích quanh ta. Nói một cách khác là ta phải luyện khiếu quan sát để rút ra những bài học Phật pháp quý báu. Trong khi nghe, thấy, quan sát, chúng ta cố gắng đừng để cho dục vọng, ích kỷ dính vào cái thấy, cái nghe, cái quan sát của ta. Đừng yêu, đừng ghét, đừng thiên vị cái mà dục vọng, lòng tư kỷ yêu ghét thiên vị. Nói một cách khác là đừng để cho cái "ta" hẹp hòi bắt buộc ta chỉ mở mắt nhìn cái nó thích, nghe cái nó ưa, và nhắm mắt bịt tai, không cho lọt vào mắt ta, tai ta cái nó không ưa, không thích. Đừng sợ sự thật, đừng sợ ánh sáng, nhất là khi sự thật ấy có thể làm mất lòng "cái ta", khi cái ánh sáng ấy làm chói mắt "cái ta". Ở đời biết bao nhiêu người có mắt không thấy, có tai mà không nghe, vì mắt, tai bị cái màn của thói quen, thành kiến, quyền lợi, thất tình bản ngã che lấp.

Vậy trước khi nghe, khi nhìn, hãy vén cái màn đen tối ấy lên đã.

Nghe thấy, quan sát một cách sáng suốt, khách quan cũng chưa đủ để thấy rõ được sự thật nằm bên trong sự vật. Phải dùng trí để suy nghiệm (Tư), xét soi tất cả mọi khía cạnh, chia sẻ sự vật để thấy được cái lõi, cái nguyên lý của nó. Phải luôn luôn đặt những câu hỏi: "Vì sao", "thế nào", "rồi sao nữa". Bất luận một lời, một cử chỉ, một hành động gì, trước khi làm, ta cũng phải dùng trí tuệ để soi xét cho thấu đáo ngọn ngành. Thí dụ khi ta thích ăn ngon, thích ngủ nhiều, ta phải tự hỏi xem những tánh xấu ấy rồi sẽ đưa đến kết quả gì, có làm cho ta tiến bộ hay thoái hóa; ta nhận xét xem có ai thích ăn, ngủ nhiều mà thành tựu trong đời họ không. Khi ta muốn đắm mình vào cờ bạc rượu chè, hút sách, ta phải tự hỏi xem có người nào mê say những thứ ấy mà thân hình không bạc nhược, tinh thần không sa đoạ, gia đình không tan nát không. Khi ta nói dối trá, lừa đảo người nầy, bóc lột kẻ khác, ta hãy nghiệm xem kết quả của những hành động ấy sẽ thế nào, người ta có tín nhiệm ta mãi chăng, ta có được người đời kính mến chăng, ta có được mãi mãi yên thân với những hành động xấu xa ấy chăng. Khi ta nóng giận, kiêu mạn, ta hãy hồi tâm nghĩ lại xem những tánh xấu ấy đã tàn hại cuộc đời chung và đời riêng tới mức nào. Nếu dứt trừ được những tánh ấy, tâm hồn ta sẽ nhẹ nhàng, thư thái như thế nào, cuộc sống giữa xã hội sẽ dễ thở, an vui như thế nào? Tóm tắt một lời, là phải dùng trí tuệ trong mọi ý nghĩ, lời nói, cử chỉ, hành động trong mọi địa hạt, hoàn cảnh, trong mọi thời, mọi thế. Hãy nên nhớ luôn rằng si mê là gốc của muôn tội lỗi, trí tuệ là gốc của muôn hạnh lành. Tổ sư có dạy một câu rất thâm thúy: "Bất úy tham, sân khởi, duy khủng tự giác trì" (không sợ tham sân nổi dậy, mà chỉ sợ trí tuệ, tự giác chậm chạp, không phát lộ). Nói một cách khác là ta hãy luôn luôn cảnh giác, tỉnh táo, sáng suốt, dùng đuốc trí tuệ soi sáng luôn luôn đời ta. Hãy làm cho trí tuệ của ta luôn luôn bừng dậy bằng những câu hỏi về nguyên nhân, kết quả, thực tại, quá khứ, tương lai. Hỏi luôn hỏi mãi, không bao giờ chưa rõ mà thôi hỏi. Không bao giờ chịu nhận một lời giải đáp nửa chừng mà không tìm cách làm cho nó đầy đủ, rốt ráo. Hỏi mãi, hỏi hoài, hỏi cho đến bao giờ không còn gì để hỏi nữa mới thôi.

Nhưng ở đây chúng ta cũng nên tỉnh táo, đề phòng những cạm bẫy nguy hiểm của dục vọng của cái "ta", của Vô minh, nghĩa là có những câu giải đáp như những liều thuôc ngủ, không giải đáp gì cả mà chỉ thoa dịu, vỗ về ru ta ngủ, để ta đừng hỏi nữa. Có những câu giải đáp không trả lời thẳng cho câu hỏi để mở rộng sự hiểu biết, mà chỉ nhằm tâng bốc "cái ta", làm thỏa mãn dục vọng, nâng cao cái ngã mạn, ngã ái, khiến cho lý trí ta mỗi ngày mỗi lu mờ, không còn khả năng sáng suốt để nhận rõ đâu là phải, đâu là trái, đâu là hay, đâu là dở nữa.

Nhưng ngược lại cũng nên đề phòng một khuyết điểm thứ hai là sự ham chuộng tìm biết sự thật để thỏa mãn tánh tò mò, cái biết suông, biết để mà biết, cái biết vô trách nhiệm. Cái biết của người trau dồi trí tuệ, là cái biết dựa lên tình thương, lên từ bi, cái biết làm thế nào cho mình, cho nhân loại, chúng sanh thoát ra ngoài vòng đau khổ, cái biết đem lại an vui cho tất cả, cái biết của "xuất thế gian trí".

Biết chân chính cũng chưa đủ. Cần phải thực hành theo cái biết ấy (Tu). Biết, mà có thật hành, mới có thật nghiệm; có thật nghiệm, thật chứng mới thật là biết. Thật hành là cái lò để luyện thép trí tuệ, là viên đá để mài ngọc trí tuệ. Không thật hành thì cái biết ấy chỉ là cái suông, không đủ sức để đuổi xa tà niệm, phá tan màn vô minh, thân chứng lý vô ngã, thể ngộ pháp vô sanh.

Muốn trau dồi trí tuệ cho nó kết quả, người Phật tử phải thật hành theo pháp tam vô lậu học: Giới, định, huệ.

a. Giới là ngăn chận, đón giữ tà niệm, vọng tâm không cho nó phát sinh. Giới là bức thành cao ngăn giặc phiền não, là đạo quân tinh nhuệ dẹp trừ ma vương. Giới là bóng đèn bao bọc ngọn đèn trí-tuệ, không cho gió vô minh làm xao động hay thổi tắt.

b. Định là phép làm cho thân tâm định tỉnh; là tham thiền nhập định. Định như ngọn đèn khi hết bị gió làm chao động, tập trung được ánh sáng, soi chiếu được xa. Định như ly nước được để yên một chổ, làm cho bao nhiêu cáu bẩn đều lắng xuống đáy ly. Định như mặt nước hồ im lặng, phẳng lì có thể phản chiếu được rõ ràng bầu trời cây cỏ.

c. Huệ là sự soi sáng, sự phát ra ánh sáng với bao nhiêu diệu dụng của nó, làm cho kẻ tu hành thấy biết được rõ ràng thật tướng của nhân sinh, vũ trụ nguồn gốc của đau khổ, con đường đưa đến giải thoát hoàn toàn.

Khi đã biết được đúng đắn, cùng khắp, rõ ràng như thế, gọi là Chánh biến trí. Trí tuệ khi đạt đến trình độ hiểu biết này thì nghiểm nhiên trở thành Chánh đẳng Chánh giác hay Phật.

Làm được như thế, gọi là dưỡng tánh trí tuệ của Phật mà mỗi chúng ta đều sẵn có ở trạng thái tiềm phục trong ta.

http://www.thuongchieu.net/index.php/phatphapcanban/3197-tritue