TU TUỆ
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
Hoang Phong biên dịch
Nhà Xuất Bản Phương Đông
12
Phát huy tâm thức Giác Ngộ
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
Hoang Phong biên dịch
Nhà Xuất Bản Phương Đông
12
Phát huy tâm thức Giác Ngộ
Chăm lo cho kẻ khác sẽ mang lại nhiều lợi ích
Tịch Thiên khẳng định rằng sự quyết tâm mang lại sự an lành cho tất cả chúng sinh có giác cảm sẽ làm dâng lên hạnh phúc và hân hoan trong lòng mình. Trái lại nếu chỉ biết chăm lo cho chính mình thì không sao tránh tránh khỏi mọi khó khăn, thảm kịch và tai họa xảy đến với mình (quá chăm lo cho mình là cách tạo ra nhiều tham lam và lầm lẫn, đưa đến sự xung đột về quyền lợi với những người chung quanh. Đấy chính là cách tự cô lập mình và tạo ra cho mình mọi thứ khó khăn, đưa đến tai họa và thảm kịch một cách dễ dàng). Tịch Thiên nói rằng nào có cần phải nhắc đến chuyện ấy đâu: chỉ cần nhìn vào tấm gương của Đức Phật cũng đủ. Có phải là Ngài luôn mong cầu tất cả chúng sinh được an lành và âu lo cho số phận của chúng ta hôm nay, tức cái số phận mà chúng ta hiện đang phải gánh chịu hay không? Điều ấy có thể nhận thấy thật dễ dàng khi so sánh giữa những khó khăn mà con người bình dị luôn phải đối đầu và các phẩm tính giác ngộ và trí tuệ của chư Phật. Sự so sánh đó sẽ giúp chúng ta nhận thấy sự khác biệt lớn lao giữa đức độ và những điều lợi ích mà người tu tập được thừa hưởng từ ước vọng mang lại sự tốt lành cho tất cả chúng sinh có giác cảm, và những điều bất lợi cũng như các hoàn cảnh thiệt thòi của những người ích kỷ chỉ biết chăm lo cho quyền lợi của riêng mình.
Tịch Thiên nêu lên một sự thắc mắc như sau: trong khi tất cả chúng sinh cũng như chúng ta đều ước mong tìm được hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau, thì tại sao riêng chúng lại chỉ biết âu lo cho quyền lợi cá nhân của riêng mình và tạo ra mọi thứ thiệt thòi cho kẻ khác - đến độ không còn biết nghĩ đến bất cứ một người nào nữa? Sự thắc mắc ấy nêu lên một sự thật vô cùng quan trọng. Chúng sinh cũng như tất cả mỗi người trong chúng ta đều ước mong tìm được hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau, thế nhưng tại sao các cảm nhận hân hoan và hạnh phúc của chúng ta lại cứ đưa đến một tình trạng bất toại nguyện triền miên? (các cảm nhận về hạnh phúc và hân hoan rất phù du, thế nhưng chúng ta lại cứ muốn chúng phải trường tồn hay ít ra cũng phải kéo dài hơn, sự mong muốn đó khiến chúng ta cảm thấy lúc nào cũng thiếu thốn và thèm khát triền miên). Với danh nghĩa một con người tôi có quyền thực hiện nguyện vọng ấy của tôi, thế nhưng tại sao những kẻ khác lại không được hưởng cái quyền ấy? Thật hết sức quan trọng là phải công nhận sự bình đẳng căn bản đó.
Vậy giữa kẻ khác và chúng ta có những sự khác biệt nào? Dù rằng tất cả các kẻ khác đều thật quan trọng và quý giá, thế nhưng chúng ta thì lại chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của một cá nhân duy nhất. Dù cho sự đau đớn của kẻ khác có hành hạ họ đến mức nào đi nữa thì chúng ta cũng chỉ quan tâm đên sự an lành của riêng mình mà thôi. Mỗi khi nghĩ đến sự an vui của tất cả các chúng sinh có giác cảm khác thì chúng ta cũng nên hiểu rằng cách gọi các chúng sinh khác sẽ có nghĩa là vô lượng chúng sinh. Dù sự đau đớn của một chúng sinh khác không đáng cho chúng ta quan tâm, thế nhưng tất cả những sự đau đớn của những chúng sinh khác khi góp lại thì quả là vô biên. Do đó trên phương diện số lượng, sự an lành của những kẻ khác sẽ phải to lớn hơn sự an lành của riêng mình gấp bội.
Dù răng chúng ta chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của riêng mình, thế nhưng phải hiểu rằng khi nào các kẻ khác được hài lòng và hạnh phúc thì khi đó chúng ta mới được hưởng lây. Trái lại, nếu những kẻ khác lâm vào tình trạng đau khổ triền miên thì chúng ta tránh sao khỏi phải chịu chung số phận. Thật hết sức rõ ràng là quyền lợi của kẻ khác liên hệ chặt chẽ với quyền lợi của chính mình. Thật vậy, qua kinh nghiệm bản thân chúng ta cũng có thể nhận thấy rõ ràng là nếu mình càng bám víu vào "cái tôi" - tức càng chăm lo cho quyền lợi của riêng mình - thì các khó khăn tâm lý cũng như các thứ xúc cảm đủ loại sẽ càng trở nên trầm trọng hơn (chúng ta cảm thấy cô đơn và lẻ loi hơn).
Chăm lo cho chính mình tất nhiên phải là điều quan trọng. Thế nhưng nếu thực sự muốn chăm lo cho mình thì phải cần thực tế hơn, tức là không nên xem trọng quyền lợi của mình một cách quá đáng mà phải dành nhiều thì giờ hơn để nghĩ đến người khác. Thật vậy, phát động lòng vị tha và tôn trọng sự an lành của kẻ khác là một cách hành xử thật lành mạnh (tức không phải là một sự ích kỷ) dù chỉ vì mục đích thỏa mãn các quyền lợi của riêng mình. Khi hành xử như thế, chúng ta sẽ nhận thấy những biến cải thật quan trong trong nội tâm mình: một cảm giác lắng dịu sẽ hiện ra với mình. Chúng ta sẽ không còn phản ứng một cách phi lý trước những chuyện vụn vặt nữa, cứ như liên hệ đến cả mạng sống của chính mình, hoặc tương tự như thanh danh, bản ngã và cả sự tồn vong của mình đang bị hăm dọa. Nếu chúng ta lúc nào cũng chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của mình - và hoàn toàn không quan tâm đến sự an vui của kẻ khác - thì ngay cả các biến cố nhỏ nhoi cũng có thể gây ra những sự bấn loạn trầm trọng, hay những vết thương trong nội tâm mình. Chúng ta có thể nhận thấy rất rõ những điều đó qua các kinh nghiệm bản thân của minh.
Tóm lại, thái độ vị tha đó thật hết sức lợi ích cho kẻ khác và cho cả chính mình. Nếu cứ mặc cho tâm thức lâm vào cảnh nô lệ của sự ích kỷ thì cảm tính bất toại nguyện, chán nản và bất hạnh sẽ kéo dài thêm. Chúng ta sẽ đánh mất đi không biết bao nhiêu cơ hội tốt lành mà mình đang có - chẳng hạn như được làm thân con người, được thừa hưởng những khả năng tuyệt vời của trí thông minh, giúp chúng ta thực hiện được những mục tiêu vượt bực. Vì thế thật hết sức quan trọng là phải biết cân nhắc giữa các kết quả ngắn hạn và lâu dài mang lại từ các hành động của mình. Nhằm mang lại ý nghĩa cho sự hiện hữu dưới thể dạng con người của mình thì sẽ chẳng có một phương cách nào tuyệt với hơn là sự suy tư về Bồ Đề Tâm (Bodhicita), tức là ước vọng vị tha mong sao đạt được Giác Ngộ để mang lại sự an lành cho tất cả chúng sinh có giác cảm?
Phát huy tâm thức Giác Ngộ
Đối với riêng tôi, quả thật tôi cũng không dám tự nhận là mình đã đạt được tâm thức Giác Ngộ - hay Bồ Đề Tâm -, một phẩm tính mà tôi luôn ngưỡng mộ. Dầu sao thì tôi cũng có cảm giác rằng sự ngưỡng mộ ấy đã mang lại cho tôi sự phong phú và một nguồn nghị lực lớn lao, và cũng là nền móng giúp tôi xây dựng tất cả những niềm hạnh phúc của tôi; và cũng chính là nhờ vào những niềm hạnh phúc đó mà tôi có thể hội đủ khả năng để giúp đỡ những người khác cũng được hạnh phúc như tôi, và đối với riêng tôi thì tôi cũng cảm nhận được một cảm tính toại nguyện và hài lòng nào đó. Tôi hoàn toàn hy sinh cho lý tưởng vị tha ấy và tôi nguyện sẽ luôn trung thành với lý tưởng đó - dù cho tôi đang ốm đau hay khoẻ mạnh, dù trong lúc tuổi già hay khi nhắm mắt - tôi tin chắc rằng tôi sẽ không bao giờ đánh mất lòng tin đối với lý tưởng đó, một lý tưởng mà lúc nào tôi cũng mến phục thật sâu xa. Này các bạn, tôi mong các bạn nên cố gắng đến gần với Bồ Đề Tâm, càng gần càng tốt. Nếu có thể thì các bạn cũng không nên ngần ngại dốc hết nỗ lực để làm hiện ra trong nội tâm mình lòng nhân ái và từ bi.
Việc phát huy tâm thức Giác Ngộ đòi hỏi nhiều năm luyện tập thiền định - có khi suốt cả đời người. Thực hiện tâm thức Giác Ngộ không chỉ có nghĩa là hiểu được Bồ Đề Tâm là gì trên phương diện trí thức đơn thuần, cũng không phải là cách phát lộ mang tính cách trực giác về một sự mong cầu nào đó, chẳng hạn như: "Mong sao cho tất cả chúng sinh có giác cảm đạt được Giác Ngộ hoàn hảo". Thực hiện tâm thức Giác Ngộ là một điều nên làm, bởi vì không có một phép tu tập Dhamma (Đạo Pháp) nào có thể sâu xa hơn. Vì thế chính Tịch Thiên cũng đã nói lên như sau:
Tiết I.10. Việc tu tập ấy sẽ biến thân xác ô uế này trở thành một biểu tượng bằng vàng ròng vô giá của một vị Phật. Hãy cầm thật chặt trong tay bát thuốc mầu nhiệm này, tên của bát thuốc ấy là Tư Duy Giác Ngộ!
Suy tư một cách hời hợt về Bồ Đề Tâm cũng không phải là chuyện quá khó, thế nhưng cũng chẳng phải là hấp dẫn lắm. Các phép thiền định tan-tra (các phép thiền định của Kim Cương Thừa) dựa vào các mạn-đà-la (các biểu đồ biểu trưng cho sự thiêng liêng của các vị thần linh, nhằm giúp cho việc thiền định) và các thần linh có thể là những gì thật huyền bí đối với quý vị, và cũng chính vì thế nên các thứ ấy cũng có vẻ hấp dẫn hơn đối với quý vị. Thế nhưng chỉ khi nào bước vào con đường tu tập thật sự thì Bồ Đề Tâm mới cho thấy tính cách vô tận của nó. Không bao giờ Bồ Đề Tâm mang lại sự thất vọng hay thối chí, trong khi đó các phép thiền định dựa vào các vị thần linh, việc tụng niệm man-tra(các câu thần chú mang tính cách thiêng liêng) hay các cách tu tập khác, đôi khi cũng có thể mang lại sự thất vọng, bởi vì chúng ta thường hay đặt quá nhiều tham vọng vào các cách tu tập ấy. Sau nhiều năm tu tập, biết đâu chúng ta cũng có thể thốt lên rằng: "Mặc dù chuyên cần thiền định dựa vào các vị thần linh và thường xuyên tụng niệm tất cả các câu man-tra, thế nhưng tôi chẳng thấy một chút tiến bộ nào cả, cũng chẳng phát hiện được một kinh nghiệm cảm nhận thần bí nào". Trái lại phép luyện tập Bồ Đề Tâm không bao giờ đưa đến những thất vọng như thế.
Việc thực hiện Bồ Đề Tâm đòi hỏi một thời gian luyện tập lâu dài. Thật hết sức quan trọng là ngay từ khi mới bắt đầu đạt được một ít kinh nghiệm thì phải phát lộ ngay sự quyết tâm của mình bằng cách xướng lên những lời ước vọng dưới sự chứng kiến của một vị đạo sư (tức một vị thầy tu tập tan-tra) hay một vị đại diện cho Đức Phật (có nghĩa là với bất cứ một vị xuất gia hay tại gia nào, tương tự như trường hợp khi quy y). Quyết tâm đó sẽ làm gia tăng thêm khả năng thực hiện Bồ Đề Tâm của mình. Việc thệ nguyện thực hiện Bồ Đề Tâm được đánh dấu bởi một nghi lễ đặc biệt, mục đích của nghi lễ là tạo dịp cho chúng ta xác nhận trước mặt một vị thầy lòng quyết tâm của mình mong sao đạt được Giác Ngộ hầu giúp mình hội đủ khả năng để mang lại sự an lành cho tất cả chúng sinh.
Phần thứ nhất của nghi lễ xoay quanh việc khơi động ước vọng thực hiện Bồ Đề Tâm. Phát huy ước vọng vị tha mong cầu đạt được Phật Tính vì sự an lành của tất cả chúng sinh, là cách nói lên sự cam kết của mình là sẽ không từ bỏ, cũng không lơ là trước ước vọng đó, chẳng những trong kiếp sống này mà cả trong những kiếp sống tương lai. Nếu muốn giữ được những lời cam kết ấy thì phải tuân thủ một số giới luật. Phần thứ hai của nghi lễ sẽ được tổ chức xoay quanh việc phát nguyện của người Bồ-tát; phần nghi lễ này chỉ được tổ chức cho những ai đã thật sự khơi động được ước vọng của mình trong phần thứ nhất của nghi lễ trên đây.
Sau khi đã phát nguyện, dù muốn hay không và dù điều ấy có mang lại một sự thích thú hay không, thì cũng phải xem những ước vọng ấy quý giá hơn mạng sống của chính mình. Nếu muốn giữ được sự cam kết đó (tức là ước vọng đạt được Phật Tính để thành Phật vì sự an lành của tất cả chúng sinh) thì quyết tâm của mình phải vững chắc như một quả núi; và nhất là ngay từ lúc này quý vị phải tuân thủ các giới luật của người Bồ-tát (có một số giới luật mà người Bồ-tát phải có bổn phận tuân thủ nhằm mục đích mang lại sự an lành cho chúng sinh, sơ đẳng nhất là không sát sinh chẳng hạn) và chọn một cuộc sống phù hợp với việc tu tập nhằm giúp mình hướng vào sự Giác Ngộ.
Tất nhiên cũng sẽ có một số người đọc quyển sách này không phải là những người Phật Giáo thuần thành. Một số khác tuy là người Phật Giáo thế nhưng cũng có thể cảm thấy không thích chọn cho mình các ước vọng của người Bồ-tát, nhất là bước vào giai đoạn thứ hai của nghi lễ. Nếu quý vị nghĩ rằng mình không đủ khả năng tuân thủ các giới luật của người Bồ-tát thì không nên phát nguyên. Tuy nhiên điều đó cũng không ngăn cấm quý vị khơi động lòng nhân ái của mình để cầu mong cho tất cả chúng sinh có giác cảm đều được hạnh phúc và xin cho mình hội đủ được khả năng đạt được sự Giác Ngộ vì sự an lành của kẻ khác. Làm được như thế cũng đủ: đó cũng là cách giúp quý vị thừa hưởng những điều xứng đáng do Bồ Đề Tâm mang lại, mà không cần phải tuân thủ các giới luật (xin thận trọng không nên hiểu câu này một cách lệch lạc: có nghĩa là muốn làm gì thì làm và chỉ cần mong cầu sao cho tất cả chúng sinh đạt được hạnh phúc là cũng đủ khiến cho mình trở thành một con người đạo hạnh và sẽ đạt được Giác Ngộ. Nếu vô minh, hận thù và tham vọng vẫn còn chi phối hành động và tư duy của mình khiến mình không sao tuân thủ được giới luật thì cũng nên nghĩ đến sự an lành và hạnh phúc của kẻ khác. Điều đó sẽ dần dần sẽ khiến mình đến thức tỉnh và giúp mình bước vào con đường đạo đức, và từ đó sẽ mở ra cho mình một bầu không gian ngập tràn yêu thương, sự hy sinh và lòng từ bi đích thật. Trong bầu không gian đó sẽ hiện ra với mình con đường thênh thang của người Bồ-tát, và mình sẽ không còn nghĩ đến việc quay trở về với con đường chật hẹp của mình trước đây nữa). Theo cách đó quý vị sẽ ít bị rơi vào tình trạng bất chấp đến giới luật hơn. Nếu không muốn phát nguyện thì quý vị cũng có thể chỉ cần khơi động ước vọng trổi lên bởi Bồ Đề Tâm. Dầu sao tất cả cũng tùy vào sự nhận định của quý vị.
Thúc đẩy bởi lòng ước vọng giải thoát cho tất cả chúng sinh,
Tôi xin quy y
Nơi Phật, Đạo Pháp và Tăng Đoàn,
Cho đến khi nào đạt được Giác Ngộ hoàn hảo.
Tôi xin quy y
Nơi Phật, Đạo Pháp và Tăng Đoàn,
Cho đến khi nào đạt được Giác Ngộ hoàn hảo.
Thúc dục bởi trí tuệ và lòng từ bi,
Hôm nay trước mặt Phật,
Tôi xin khơi động trong tôi tâm thức Giác Ngộ,
Vì sự an lành của tất cả chúng sinh.
Hôm nay trước mặt Phật,
Tôi xin khơi động trong tôi tâm thức Giác Ngộ,
Vì sự an lành của tất cả chúng sinh.
Khi nào không gian còn tỏa rộng,
Khi nào chúng sinh còn hiện hữu,
Thì tôi sẽ còn cầu xin vẫn được còn đây,
Để làm tan biến khổ đau của thế gian này.
Khi nào chúng sinh còn hiện hữu,
Thì tôi sẽ còn cầu xin vẫn được còn đây,
Để làm tan biến khổ đau của thế gian này.
(Quyển sách nói về trí tuệ thế nhưng lại chấm dứt bằng cách tu tập về lòng từ bi. Thật vậy đối với Phật Giáo trí tuệ và từ bi, từ bi và trí tuệ, luôn phải đi đôi với nhau. Tu tập từ bi không trí tuệ thì cũng chẳng khác gì như những sự sinh hoạt giải trí cho vui. Phát huy trí tuệ không từ bi thì cũng chẳng khác gì những trò kênh kiệu, tự mãn, ngây thơ và lố bịch)
Thư Mục
Kinh
Pratityasamutpada adivibhanga nirdesha sutra (rten cing ‘brel bar ‘byung ba dang po dang rnam par dbye ba bstan pa), mdo sde, quyển tsha, 123b-125a, trong bộ Kinh Tạng Kangyur của Tây Tạng (T 221), (kinh sách tiếng Việt gọi là Duyên Khởi Kinh).
Prajnaparamita Hridayana Sutra (shes rab kyi pha rol du phyin pa’i snying po), sbes pbyin, quyển ka, 144b-146a, trích từ bộ Kinh Tạng Kangyur của Tây Tạng (T 21), (Bát Nhã Tâm Kinh).
Các tập bình giải của Phật Giáo Ấn Độ
Aryadeva (Thánh Thiên) : Tập luận Bốn Trăm Tiết, Chatubshatakashastra (rnal ‘byaor spyod pa bzhi brgya pa), dbu ma, quyển tsha, 1b-18a, trong bộ Luận Tạng Tengyur của Tây Tạng (T 3944), (kinh sách tiếng Việt gọi là Quảng Bách Luận).
Aryashura : Giản Yếu về sự Hoàn thiện, Paramitasamasa (pha rol du phyin pa bsdus pa), dhu ma, quyển khi, 217b-235a, trong bộ Luận Tạng Tengyur của Tây Tạng (T 3944) (luận giải về Lục Ba-la-mật).
Asanga (Vô Trước) : Các địa giới của người Bồ-tát, Bodhisattvabhumi (rnal ‘byor spyod pa’i sa las byang chub sems pa’i sa) sem tsam, quyểnvi, 1b-213a, trong bộ Luận Tạng Tengyur (T 4037), (kinh sách tiếng Việt gọi là Bồ-tát Địa).
Asanga: Giản yếu về A-tì-đàm, Abhidharmasamuccaya (chos mngo pa kun las btus pa), sem tsam, quyển ri, 1b-77a, 44b-120a, trong bộ Luận Tạng Tengyur của Tây Tạng (T4049), (kinh sách tiếng Việt gọi là A-tì-đạt-ma tập luận).
Asanga: Sự tiếp nối tối thượng, Uttaratantra-sastra (theg pa chen po rgyud bla ma), sems tsam quyển phi, 54b-73a, trong bộ Luận Tạng Tengyur của Tây Tạng (T4024).
Bhavaviveka (Thanh Biện) : Sách tự phê về các tiết tâm điểm của Trung Đạo, Tarkajvala (dbuma rtog ge ‘bar ba), dbu ma, quyển dza, trong bộ Luận Tạng Tengyur của Tây Tạng (T 3856). (kinh sách tiếng Việt gọi là Trung Quán tâm quang minh biện luận).
Chandrakirti (Nguyệt Xứng) : Minh giải các từ ngữ, Mulamadhyamakavritti-Prasannadapa, Bình giải tập Luận căn bản của Long Thọ(Nagarjuna) (dhu ma rtsa ba’i grel pa tshig gsal ba), dbu ma, quyển ha, 1b-200a, trong bộ Luận Tạng Tengyur (T3860), (kinh sách tiếng Việt gọi là Căn bản Trung quán luận thích).
Chandrakirti: Bình giảng về tập luận Bốn Trăm Tiết của Thánh Thiên (Aryadeva), Chatushatakatika (bshi brgya pa’i rgya cher ‘grel pa), dbu ma, quyển ya, 30b-239a, trong bộ Luận Tạng Tengyur của Tây Tạng (T 3865). (kinh sách tiếng Việt gọi là Chú thích Tứ Bách Luận tập).
Chandrakirti: Dẫn Nhập về Trung Dạo, Madhyamakavatara (dbu ma la ‘jug pa), dbu ma, quyển ha, 201b-219a, trong Bộ Luận Tạng Tengyur của Tây Tạng (T 3861), (giản yếu về tập Nhập Trung Luận của Long Thụ).
Chandrakirti: Cửa vào ở giữa, bản tiếng Pháp L'entrée au Milieu dịch từ bản gốc bằng tiếng Tây Tạng là Madhvanzakavatara, nhà phát hành Boisset-et-Gaujac, nhà xuất bản Dharma, 1988.
Dharmakirti (Pháp Xứng) : Luận giải về sự hợp lý, Pramanavarttika (tshad ma rnam n’grel gyi tsbig le’ur byas pa), tshad ma, quyển ce, 94b-151a, trong bộ Luận Tạng Tengyur của Tây Tạng (T 4210), (kinh sách tiếng Việt gọi là Lượng Thích Luận).
Nagarjuna (Long Thụ) : Luận Giải về tâm thức Giác ngộ, Bodhicittavivarana (byang chup sems kyi n’grel pa), rgyud, quyển ngi, 38a-42b, 42b-45a, trong bộ Luận Tạng của Tây TạngTengyur (T 1800 và 1801).
Nagarjuna: Giản yếu vể các kinh su-tra, Sutrasamuccaya (mdo kunn las nbtus pa), dbu ma, quyển ki, 148b-215a, trong bộ Luận Tạng Tengyur (3934) của Tây Tạng. (kinh sách tiếng Việt gọi là Kinh Luận Tập).
Nagarjuna: Vòng Bảo Châu, Ratnavali (rgyal po la gtam bya ba rin po che’i phreng ba) spring yig, quyển ge, 107a-126a, trong bộ Luận Tạng Tengyur của Tây Tạng (T4158), (kinh sách tiếng Việt gọi là Bảo hành vương chính luận).
Nagarjuna: Căn Bản về Con Đường Trung Quán, còn mang tên là " Sự Hiểu Biết" hay "Tập Luận Giải Căn Bản", Mulamadhyamakakarika (dbu ma rtsa ba’i tshig le’ur byas pa),dbu ma, quyển tsa, 1b-19a, trong bộ Luận Tạng Tengyur của Tây Tạng (T3824), kinh sách tiếng Việt gọi là Căn bản Trung Quán Luận Tụng).
Prajnakaramati : Luận giải những điểm khó trong tập Nhập Bồ - đề Hành Luận (Bodhicaryavatara), Bodhicaryavatarapanjika (byang chub gyi spyod pa la’jug pa’i dka’ ‘grel), dbu ma, quyển la, 288b-349a, trong bộ Luận Tạng Tengyur của Tây Tạng (3873).
Shantarakshita (Tịch Hộ): Tô Điểm Con Đường Trung Quán, Madhyamakalamkara (dbu ma rgyan gyi tshig le’ur byas pa), dbu ma, quyển sa, 53a-56b, trong bộ Luận Tạng Tengur của Tây Tạng (T 3884).
Shantideva (Tịch Thiên) : Giản yếu về tu tập, Shikshasamuccaya (bslab pa kun las btus pa), dbu ma, quyển khi, 3a-194b, trong bộ Luận Tạng Tengyur của Tây Tạng (T 3940), (kinh sách tiếng Việt gọi là Bồ-tát Học Luận).
Shantideva: Hành Trình đến Giác Ngộ, Bodhicaryavatara (byang chub sems pa’i spyod pa la ‘jug pa), dbu ma, quyển la, 1b-40a) trong bộ Luận Tạng Tengyur của Tây Tạng (T 3871), bản dịch tiếng Pháp La Marche vers l'Eveil, nhà xuất bản Padmakara, 1992, (kinh sách tiếng Việt gọi là Nhập Bồ-đề Hành Luận).
Vasubandhu (Thế Thân) : Kho báu A-tì-đạt-ma, Abhidharmakosha (chos mngo pa mdzod kyi tsbig le’ur byas pa), mngon pa, quyển ku, 1b-25a, trong bộ Luận Tạng Tengyur của Tây Tạng (T 4089), (kinh sách tiếng Việt gọi là A-tì-đạt-ma Câu Xá Luận).
Một vài văn bản bình giải của Phật Giáo Tây Tạng về chương IX tác phẩm Hành Trình đến Giác Ngộ
Khentchen Kungzang Palden : Phương thuốc trường sinh trong những lời giảng của Văn-thù Sư-lỵ (Manjushri), Byang chub sems dpa’i spyod pa la ‘jug-pa tsbig’grel’jam dbyangs bla ma’i zbal lung bdud risi’i tbigs-pa. Toàn bộ, quyển 1, Nhà xuất bản Lama Ngodrup (Dilgo Rinpoché, Paro, Bouthan), 1982.
Minyak Kunzang Seunam : Ngọn Đuốc Sáng Ngời, tập I và II, Shesrab le’u’i spyi don rim par phye bazab mo rten ‘byung gi de kho na nyid yang qsal sgron me và Shes rab le’u’i gzhung ‘grel, Grande Imprimerie de Dergué (bản khắc gỗ), và bản in Bod kyi shes rig spar khang, Bắc kinh, 1990.
Mipam Rinpoché (mi pham phyogs las rnam rgyal) : Luận giải về chương IX tập Hành trình đến giác ngộ, trích trong Expanded Redaction of the complete Works of Ju Mipham Series, quyển 14 (Ca), do Lama Ngodrup phát hành thay cho Dilgo Khyentsé Rinpoché, Paro, 1984-1991.
Mipham Rinpoché: Viên ngọc sáng ngời (Nor bu nke ta ka), Stéphane Arguillère giới thiệu và dịch thuật dưới tựa đề Trésor du Bouddhisme(Kho tàng Phật giáo), nhà xuất bản Fayard, Paris, 2004.
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma : Khi nào không gian còn tỏa rộng, sách Pháp ngữ do Marie-Stella Boussemart dịch từ tiếng Tây tạng, dưới sự hướng dẫn của Dagpo Rinpoché, tựa đề Tant que durera l’Espace, thuộc bộ sách "Spiritualité", nhà xuất bản Albin Michel, Paris, 1996.
Djé Tsongkhapa (Tông-khách-ba): Sự trong sáng của tâm thức (Clarté de l’esprit) (blo gsal-ba).
Gyaltsab Darma Rintchen : Bàn đạp giúp người Bồ-tát nhảy vọt (Le tremplin des Bodhisattvas) (Darthik rGyal sras ‘jug ngogs).
Shétchen Gyaltsab Péma Namgyal : Hai cách bình giảng về chương IX, Œuvres comlplètes, quyển tha, Paro, 1985.
Các lời bình giải về tám chương đầu tiên của tác phẩm Hành Trình đến Giác Ngộ do Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thuyết giảng tại vùng Dordogne (Pháp Quốc) vào năm 1991
Đức Đạt-Lai Lat-Ma : Như một tia chớp xé rách đêm đen (Comme un éclair déchire la nuit), Nhà xuất bản Albin Michel, Paris, 1992.
Các bản dịch tiếng Pháp của quyển
Hành Trình đến Giác Ngộ (Bodhicaryavatara)
Hành trình vào ánh sáng (La marche à la lumière), do Louis Finot dịch, Nhà xuất bản Brossard, 1920 ; Nhà xuất bản Les Deux Océans, Paris, tái bản năm 1987.
Hành Trình đến Giác Ngộ (La marche vers l’éveil), bản dịch do Ủy ban dịch thuật Padmakara đảm trách dựa theo bản dịch của Louis Finot, Nhà xuất bản Padmakara, 1992.
http://thuvienhoasen.org/p21a17901/12/12-phat-huy-tam-thuc-giac-ngo