Tiêu Thụ
Sân Hận Qua Các Giác Quan Khác
Tất cả chúng ta cần phải biết cách xử lý và chăm sóc
cơn giận. Muốn vậy ta phải chú ý đến khía cạnh sinh-hóa (bio-chemical) của sân
hận, bởi vì cơn giận có gốc rễ từ thể chất cũng như từ tinh thần. Phân tích cho sâu sắc ta có thể
khám phá ra những yếu tố sinh lý của cơn giận. Vì vậy cần xét kỹ lại cách chúng
ta ăn, uống, tiêu thụ cũng như săn sóc thể xác trong đời sống hằng ngày.
Cơn Giận
Không Phải Chỉ Là Một Hiện Tượng Tâm Lý
Theo lời Bụt dạy, thân và tâm không thể tách rời. Thân chính là tâm
và đồng thời tâm cũng chính là thân.
Vì thân và tâm liên hệ chặt chẽ và không thể tách rời
cho nên cơn giận không phải chỉ là một hiện tượng thuần túy tâm lý. Trong Đạo Bụt
có danh từ namarupa. Namarupa tương đương với danh từ psycho-soma của khoa học
Tây phương. Danh từ Namarupa hay psycho-soma có thể dịch là tâm-sinh-lý, là
thân và tâm như một hợp thể. Cùng là một
hiện tượng mà có khi phát hiện ra như thuộc về tâm, có khi phát hiện ra như thuộc
về thân.
Quan sát tánh chất của
các hạt cơ bản (elementary particle) các nhà khoa học vật lý khám phá ra rằng
các hạt cơ bản có khi biểu hiện ra dưới một dạng sóng (wave), có khi biểu hiện
ra như một hạt vật chất. Sóng rất khác với vật chất. Sóng chỉ có thể là sóng,
nó không thể là vật chất. Nhưng đối với một hạt cơ bản thì sóng và vật chất
cùng là một. Vì vậy thay vì gọi các hạt cơ bản là sóng hay vật chất, các nhà
khoa học đã phối hợp hai danh từ wave và particle lại với nhau và gọi hạt cơ bản
là 'wavicle'.
Thân và tâm cũng vậy.
Do nhận thức nhị nguyên (dualistic
view) mà ta nghĩ rằng tâm không thể là thân và thân không thể là tâm. Nhưng nếu
quán chiếu cho sâu ta sẽ thấy rằng thân tức là tâm và tâm tức là thân. Nếu vượt
thoát được lối nhìn nhị nguyên cho rằng thân và tâm là hai thực thể riêng biệt
thì có thể đạt đến rất gần chân lý thực tại.
Nhiều người đã bắt đầu ý thức rằng tất cả những gì xẩy
đến cho thân thì cũng xẩy đến cho tâm và ngược lại. Y khoa hiện đại đã nhận ra
rằng thể xác bị bệnh có thể do tâm thần
gây nên và tâm thần bị bệnh có thể do thể xác gây nên. Thân và tâm không phải
là hai thực thể riêng biệt mà chỉ là một.
Muốn chăm sóc cơn giận chúng ta trước phải chăm sóc
thân thể. Cách chúng ta ăn uống,
tiêu thụ vì vậy rất quan trọng.
Những
Gì Chúng Ta Ăn Quyết Định Con Người Chúng Ta
Sân hận, bực bội, tuyệt vọng tất cả đều có gốc rễ từ
thể chất của ta và các thức ăn ta tiêu thụ. Ta phải có một kế hoạch ăn uống, tiêu thụ như thế nào để cho khỏi
phải bị sân hận, bạo động xâm chiếm. Ăn uống là một khía cạnh của văn minh xã hội.
Cách ta chế tác thức ăn, các loại thực phẩm ta tiêu thụ, cách ta ăn uống tất cả
đều có quan hệ tới nền văn minh bởi vì sự lựa chọn của ta trong việc ăn uống có
thể đem lại hòa bình và làm vơi bớt khổ đau.
Thức ăn đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát
khởi sân hận. Thức ăn có thể chứa đầy
sân hận. Khi ăn miếng thịt của một con bò bị bệnh 'bò điên' (mad cow
disease) thì cái 'chất điên' của con bò có sẵn trong miếng thịt. Không những thế,
khi ăn một cái trứng hay một miếng thịt gà ta cũng phải biết rằng cái trứng hay
miếng thị gà đó cũng có thể chứa đầy 'chất sân hận'. Chúng ta ăn chất sân hận
và sẽ phát khởi sân hận.
Hiện nay người ta
nuôi gà theo kiểu sản xuất hàng loạt trong những nông trại tối tân. Trong các
nông trại này, gà không được thả rông tìm ăn ngoài vườn mà bị nhốt trong chuồng
chật hẹp. Trong các chuồng ấy ngày đêm gà chỉ có thể đứng một chỗ, không thể đi
rông tìm ăn như gà thường. Chúng chỉ được người nuôi bằng thức ăn chế sẵn. Hãy
tưởng tượng ngày đêm chúng ta bị nhốt đứng yên một chỗ, không được phép đi lại,
chắc chắn chúng ta sẽ nổi điên. Gà cũng vậy. Gà bị nhốt như vậy cũng sẽ nổi
điên.
Để cho gà đẻ trứng nhiều hơn, người ta dùng ánh sáng
nhân tạo trong trại nuôi để tạo ra ngày và đêm ngắn hơn hai mươi bốn giờ khiến
cho con gà theo nhịp độ ánh sáng mà đẻ trứng nhiều lần hơn, cung cấp nhiều trứng
hơn. Gà được nuôi bằng phương pháp trên đây chắc chắn là bực bội, đau khổ vô
cùng cho nên thường hay cắn mổ gà các chuồng bên cạnh có khi đến chết. Vì vậy
mà trong các nông trại này người ta phải cắt cụt mỏ nhọn các con gà.
Thế cho nên khi ăn trứng hay thịt các con gà nuôi theo
phương pháp trên là ăn căm giận, bực bội của các con gà đó. Vậy ta phải cẩn thận
lắm mới được. Nếu ăn sân hận vào thì sẽ phát khởi sân hận. Nếu ăn bực bội, tuyệt
vọng vào thì sẽ phát khởi bực bội, tuyệt vọng.
Ta nên ăn trứng do các con gà được nuôi một cách thảnh thơi, hạnh phúc. Không nên uống sữa từ những
con bò có mang chất căm giận trong mình, nên uống sữa của các con bò được nuôi
bằng thực phẩm và phương pháp tự nhiên. Phải hỗ trợ các nông gia chăn nuôi súc
vật bằng những phương pháp nhân đạo, tự nhiên. Nên ăn các loại rau được trồng
theo phương pháp hữu cơ. Rau cải hữu cơ có thể mắc tiền hơn, để bù lại ta có thể
tập ăn ít đi. Ăn ít là một điều có thể tập được.