TU TUỆ
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
Hoang Phong biên dịch
Nhà Xuất Bản Phương Đông
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
Hoang Phong biên dịch
Nhà Xuất Bản Phương Đông
Chú Thích
1- Tupten Jinpa, sinh năm 1958 ở Tây Tạng, lưu vong ở Ấn Độ và xuất gia từ thuở nhỏ, đỗ tiến sĩ triết học tại Đại Học Cambridge Anh Quốc. Ông là một trong những người chuyên dịch sách của Đức Đạt-lai Lạt-ma sang tiếng Anh.
2- Khentchen Kunzang Palden (1872-1943) là một vị đại sư thuộc học phái Ninh-mã (Nyingmapa). Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tập bình giảng chương IX trong tác phẩm"Hành trình đến Giác Ngộ" của Tịch Thiên.
3- Minyak Kungzang Seunam, một đại sư thuộc học phái Cách-lỗ (Guelougpa), và cũng là người đã đưa ra những lời bình giải về chương IX trong tác phẩm của Tịch Thiên theo quan điểm của học phái này.
Cả hai cách bình giải của Khentchen Kungzang Palden và Minyak Kungzang Seunam đều đã được dịch sang các ngôn ngữ Tây Phương và gộp chung trong một quyển sách khá nổi tiếng đã được rất nhiều nhà xuất bản ấn hành và tái bản. Xin giới thiệu hai trong số các ấn bản này: một bằng tiếng Pháp và một bằng tiếng Anh:
- Khentchen Kungzang Palden & Minyak Kungzang Seunam: Comprendre la Vacuité, Ed. Padmakara, 1993
- Khentchen Kungzan Palden & Minyak Kungzang Sönam: Wisdom: Two Buddhist Commentaries on the Ninth Chapter of Shantideva's Bhodicharyavatara, Ed. Padmakara, 1993.
4- Long Thụ (Nagarjuna), một vị đại sư và triết gia người Ấn, sáng lập ra học phái Trung Quán. Ông là một trong những vị luận sư vĩ đại nhất trong lịch sử Phật Giáo, tác giả của nhiều tập luận triết học thật sâu sắc, và cũng là người đầu tiên không dùng tiếng Pa-li mà chỉ sử dụng tiếng Phạn để trước tác. Là một trong những vị trụ trì đầu tiên của đại học Na-lan-đà và là người có công rất lớn trong việc chấn hưng Đại Thừa thế nhưng tiểu sử của ông thì lại hết sức mơ hồ và gần như gồm toàn huyền thoại. Người ta chỉ biết rằng ông sống vào khoảng thế kỷ thứ II (trong khoảng thời gian từ giữa hậu bán thế kỷ thứ I đến đầu thế kỷ thứ III).
5- Phật Giáo Tây Tạng gồm có bốn học phái lớn là: Ninh-mã phái (Nyingmapa), Ca Nhĩ Cư phái (Kagyupa), Tát Ca phái (Sakyapa) và Cách Lỗ phái (Guelugpa). Tất cả bốn học phái đều chủ trương cùng một nền tảng giáo lý Phật Giáo như nhau, thế nhưng các khái niệm chính yếu thì lại được đặt vào các cấp bậc mang tầm quan trọng khác nhau. Ngoài ra các phương pháp tu tập và thiền định của bốn học phái cũng cho thấy có một vài khác biệt.
6- Vô Trước (Asanga, nguyên nghĩa là "người không bám víu"), là một vị đại sư và triết gia sống vào thế kỷ thứ III. Ông sinh ở Kashmir trong một thị trấn gần Peshawar thuộc Pakistan ngày nay và là người đã sáng lập ra học phái Duy Thức.
7- Tịch Hộ (Shantarakshita, nguyên nghĩa là "người bảo vệ an bình") là một vị đại sư người Ấn sống vào thế kỷ thứ VIII, đã mang Tạng Luật (tạng thứ nhất trong Tam Tạng Kinh) và học thuyết Trung Quán vào Tây Tạng.
8- Liên Hoa Sinh (Padmasambhava, nguyên nghĩa là "sinh ra từ hoa sen") là một vị đại sư người Ấn thuộc thế kỷ VIII, sinh ra trong vùng thung lũng Swat thuộc Pakistan ngày nay. Ông là một trong những người đã mang Phật Giáo vào Tây Tạng. Uy danh và công lao của ông rất lớn đối với Tây Tạng, người dân ở đây thường xem ông như là vị Phật thứ hai (sau Đức Phật Thích-ca Mâu-ni).
9- Trisongdetsen (742-797) là một nhà vua Tây Tạng, đã có công giúp đỡ và truyền bá Phật Giáo trong nước. Ông là một vì vua rất giỏi, cả về tôn giáo lẫn chính trị, và đã đưa đạo Phật lên hàng quốc giáo. Dưới triều đại của ông nước Tây Tạng rất mở mang và phồn thịnh. Về phương bắc lãnh thổ Tây Tạng mở rộng đến vùng Đôn Hoàng (thuộc tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc ngày nay), nơi có nhiều hang động cất chứa rất nhiều di tích Phật Giáo. Về phía tây, lãnh thổ Tây Tạng mở rộng sang gần hết vùng Trung Á, và về phương nam thì gồm toàn bộ vùng phía nam của Hy-mã-lạp-sơn và cả xứ Nepal ngày nay.
10- Còn gọi là Thập nhị nhân duyên, có nghĩa là một chuỗi lôi kéo gồm 12 nguyên nhân và hậu quả: từ nguyên nhân này làm phát sinh ra hậu quả kia, hậu quả kia lại trở thành nguyên nhân khác để làm phát sinh ra hậu quả khác... Chuỗi lôi kéo đó như sau: vô minh (1) làm phát sinh ra nghiệp (2), nghiệp làm phát sinh ra tri thức (3), tri thức làm phát sinh ra danh xưng và hành tướng - tức là một nhân dạng (4), danh xưng và hình tướng làm phát sinh ra lục giác - tức là ngũ giác và tâm thức (6), lục giác làm phát sinh ra sự cảm nhận (7), sự cảm nhận làm phát sinh ra sự ham muốn và thèm khát (8), sự ham muốn và thèm khát làm phát sinh ra sự nắm bắt và bám víu (9), sự nắm bắt và bám víu đưa đến sự hình thành và mong muốn được kéo dài sự hiện hữu (10), sự hình thành và mong muốn được kéo dài sự hiện hữu sẽ đưa đến sự tái sinh (11), sự tái sinh sẽ đưa đến già nua và cái chết (12).
11- Thánh Thiên (Aryadeva, nguyên nghĩa là "thiên nhân cao quý"), sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ II hay đầu thế kỷ thứ III ở Tích Lan, là một vị làu thông kinh sách Theravada. Ông lên miền bắc Ấn để hành hương và tu học thêm rồi gặp được Long Thụ và được vị này nhận làm đệ tử. Nhờ đó ông được học hỏi về Trung Quán và tất cả các kinh trong bộ Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajnaparamita) của Đại Thừa. Ông trở thành một học giả thông thạo về tất cả mọi học phái Phật Giáo và cả ngoài Phật Giáo, và được nhiều người biết đến. Một hôm ông được đại học Na-lan-đà mời đến để tranh biện với một vị Bà-la-môn rất lỗi lạc là Durdhasakala mà từ trước đến nay không ai thắng được ông ta. Trên đường đến Na-lan-đà ông gặp một bà lão xin ông một con mắt để tu luyện, ông bèn móc mắt cho ngay, cử chỉ này cho thấy ông không bám víu vào bất cứ một thứ gì kể cả thân xác và sự đau đớn của mình, và cũng từ đó ông có thêm một biệt danh là Độc Nhãn Bồ-tát. Trong cuộc tranh luận ở đại học Na-lan-đà ông thắng Dhurdhasakala, vị này bèn xin quy y Phật Giáo. Sau đó ít lâu ông được mời giữ chức trụ trì của Na-lan-đà. Trong thời gian ở bắc Ấn ông thiết lập được 24 tu viện, và sau khi đã lớn tuổi thì ông quay về quê nhà ở miền nam.
12- Nguyệt Xứng (Chandrakirti, còn viết là Candrakirti, tiếng Phạn candra là mặt trăng, kirti là nổi tiếng, lừng danh) sinh vào cuối thế kỷ thứ VI, là một đại luận sư người Ấn thuộc Trung Quán - Cụ Duyên Tông (Madhyamaka-Prasangika), từng là vị trụ trì của đại học Na-lan-đà và đã trước tác nhiều tập luận quan trọng. Ông nổi danh là một triết gia uyên bác và có tải hùng biện. Chính ông và một luận sư khác là Nguyệt Cung (Chandragomin) thuộc tông phái Duy Thức do Vô Trước (Asanga) sáng lập đã cùng nhau tranh cãi trong các buổi thảo luận được tổ chức theo định kỳ trong bảy năm liên tiếp tại đại học Na-lan-đà, với số cử tọa luôn luôn đông đảo. Trong suốt thời gian này không bên nào cho thấy là mình thắng thế rõ rệt. Lý do có thể là vì Nguyệt Xứng đứng về phía Trung Quán Tông và đưa ra các luận cứ thuộc lãnh vực Luận Lý OHọc và Triết Học Siêu Hình, trong khi đó thì Nguyệt Cung đại diện cho Duy Thức Học và nêu lên các luận cứ thuộc lãnh vực Tâm Lý Học nhiều hơn. Dầu sao thì đây cũng là cuộc tranh luận kéo dài nhất trong lịch sử của đại học Na-lan-đà.
13- Mipham còn gọi là Mip'am Rinpoché (1846-1912) là một vị đại luận sư Tây Tạng thuộc Ninh-mã phái. Lúc mới 14 tuổi ông đã ẩn cư suốt mười tám tháng liền và đắc đạo sau đó. Người đương thời thường xem ông ngang hàng với Văn Thù Sư Lợi (Manjusri). Ông có trí thông minh khác thường và đã trước tác được khoảng ba mươi tập luận thuộc mọi lãnh vực: triết học, thiên văn, y khoa, hội họa... Trong một tâp luận về Trung Quán Tông ông có bình giải chương IX trong quyển Hành Trình đến Giác Ngộ của Tịch Thiên.
14- Tông Khách Ba (Tsongkapa, 1357-1419) là một vị đại luận sư và Lạt-ma Tây Tạng, được thụ giới khi mới ba tuổi. Ông là người sáng lập ra tông phái Cách-lỗ và là tác giả của rất nhiều trước tác đã trở thành kinh sách giáo khoa.
15- Quyển sách Bình Giải về tâ m thức Giác Ngộ này của Long Thụ đã được dịch sang tiếng Pháp và Anh: Commentaire sur l'esprit d'éveil /Commentary on Bodhicita (Bodhicitta-vivarana-nama, Ârya Nagarjuna). Có thể xem phiên bản song ngữ Tây Tạng - Pháp - Anh của quyển sách này trên mạng Internet:
16- Chữ Tiểu Thừa được dịch từ chữ Hinayana trong bản gốc. Thuật ngữ Hinayana hay Tiểu Thừa sở dĩ đã được đặt ra duy nhất là chỉ nhằm vào mục đích giúp phân biệt giữa Tiểu và Đại Thừa (Mahayana). Hơn nữa cũng xin hiểu thuật ngữ này trong bối cảnh Phật Giáo vào thế kỷ thứ VIII khi Tịch Thiên trước tác tập Hành trình đến Giác Ngộ.
17- Mười sáu thuộc tính của Bốn Sự Thật Cao Quý gồm có:
- A) Bốn thuộc tính của sự thật về khổ đau: 1- vô thường (anytia), 2- khổ đau đúng nghĩa của nó (duhkha), 3- tánh không(sunyata), 4- không có "cái tôi" tức là "vô ngã" (anatman).
- B) Bốn thuộc tính của sự thật về nguyên nhân mang lại khổ đau: 5- nguyên nhân (hetu), tức có nghĩa là nghiệp, 6- nguồn gốc (samudaya), tức là các hành động tạo ra nghiệp, 7- sự tạo tác (prabhava), tức là sự hình thành của các thể dạng hiện hữu trong cõi luân hồi, 8- điều kiện (pratyaya) làm phát sinh ra khổ đau, tức là dục vọng và các hành động ô nhiễm tạo ra các điều kiện đưa đến các hoàn cảnh làm phát sinh ra khổ đau.
- C) Bốn thuộc tính của sự thật mang lại sự chấm dứt khổ đau: 9- sự đình chỉ (nirodha), tức là sự giải thoát khỏi mọi nguyên nhân tạo ra dục vọng đưa đến khổ đau, 10- sự an bình (santa), tức là sự giải thoát khỏi mọi khổ đau, 11- sự vượt bực (pranita), có nghĩa là không có gì hoàn hảo hơn là sự chấm dứt khổ đau vì đấy chính là niềm phúc hạnh đích thật, 12- sự từ bỏ (niryana), tức là thoát ra khỏi khổ đau và đạt được niềm an vui vĩnh cửu.
- D) Bốn thuộc tính của sự thật về con đường: 13- con đường (marga), có nghĩa là quán nhận được không có cái tôi - tức vô ngã - là con đường giúp đạt được sự giải thoát, 14- sự hiểu biết (vidya), tức là trí tuệ giúp quán thấy được là không có cái tôi và đấy cũng là liều thuốc hóa giải vô minh và ngăn chận sự phát sinh của dục vọng, 15- sự thực hiện (pratipatti), có nghĩa là sự tu tập giúp hiểu được bản chất của tâm thức, 16- sự giải thoát cuối cùng (nairyanika), có nghĩa là sự hiểu biết không có cái tôi và sự tu tập theo đúng con đường sẽ mang lại sự giải thoát cuối cùng và vĩnh viễn mọi thứ khổ đau, tức là thể dạng niết bàn.
http://thuvienhoasen.org/p21a17902/12/chu-thich