Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

ÐỨC QUÁN THẾ ÂM CÓ PHẢI LÀ BẬC ÐẠI THIÊN VĂN VẬT LÝ KHÔNG?


ÐỨC QUÁN THẾ ÂM CÓ PHẢI LÀ BẬC ÐẠI THIÊN VĂN VẬT LÝ KHÔNG?

Trong kinh Lăng Nghiêm, Quyển 6, trang 389 – 390, trong phần trình bày về pháp môn Nhĩ căn viên thông, Ðiều 14, Ðức Quán Thế Âm (QTA) Bồ tát đã nói:

“Trong cái Thế giới Tam thiên đại thiên này có trăm ức mặt trời, mặt trăng”.

Theo thiển ý, Ngài muốn nói vô vàn vô số Thái dương hệ và hành tinh mà người ta thường nói “giàu đến thiên ức vạn tải”. Trong kinh Phật thường hay dùng những danh từ như Na do tha, Hằng hà sa, nghĩa là nhiều quá không đếm được; hoặc dùng những con số tượng trưng như 84,000 con vi trùng, hay 84,000 pháp môn ...

Ðức Phật cũng đã nói rằng “Trong bầu trời có vô vàn, vô số thế giới nhiều như số cát sông Hằng”.

Thái dương hệ là một hệ thống gồm có Mặt trời ở giữa và chín Hành tinh (trong đó có Trái dất của chúng ta) chạy vòng quanh quĩ đạo của nó. Còn Hành tinh hệ là những hệ thống mà khoa học mới khám phá gần đây gồm có Sao Mặt trời ở giữa và những Hành tinh chạy chung quanh quĩ đạo của nó. Sao Mặt trời không có nghĩa là Mặt trời mà là ngôi sao đứng giữa. Tỉ dụ Sao Mạch (Pulsar star PSR 1257 + 10) có những Hành tinh chạy quanh quĩ đạo của nó.

Rất tiếc tài liệu về vấn đề này mà tôi thu thập trong 8 – 9 năm qua quá ít so với tài liệu của NASA, JPL ... Tôi chọn 10 bài để chứng minh rằng đức QTA đã nói đúng. Thật ra chỉ cần một vài bài là đủ. Nhưng tiện đây tôi cũng muốn trình bày cùng qúi vị những khám phá mới của khoa học về lĩnh vực Thiên văn Vật lý.

Sau đây, xin mời quí vị xem những điều trích dẫn trong một số bài báo Mỹ tường trình về việc khám phá những Tinh tú, Thiên hà, (Galaxy), và Hành tinh hệ (Planetery system) ở ngoài giải Ngân Hà (The Milky Way Galaxy) của chúng ta.

“Trong cái Thế giới Tam thiên đại thiên này có trăm ức mặt trời, mặt trăng”.

Viễn vọng kính Hubble khám phá thêm nhiều bí mật vũ trụ (20)

Tám năm trước, khi triển khai thuyết Tương đối chung, Einstein nghĩ rằng vũ trụ chỉ có một Thiên hà (Galaxy) duy nhất là Giải Ngân Hà (The Milky Way Galaxy).

Năm 1924, Thiên văn gia Edwin Hubble mà Viễn Vọng kính không gian được đặt tên của ông, chứng minh rằng có hàng tỉ Thiên hà và hàng tỉ tỉ (trillion) Tinh tú ở ngoài Giải Ngân hà của chúng ta.

Cơ quan Hàng Không Không Gian (NASA) sẵn sàng tìm kiếm đời sống sinh vật ở ngoài Trái đất (21)

Ðể tìm kiếm đời sống sinh vật ở ngoài Trái đất, trong 10 năm tới, những viễn vọng kính đặt tại miền nam California và Puerto Rico sẽ nghe ngóng 400 tỉ tinh tú ở trong Giải Ngân hà để tìm kiếm dấu vết của những nền văn minh khác lạ.

Thiên văn gia Frank Drake thuộc SETI (Search for Extra Terrestrial Intelligence), tạm dịch là (Chương trình tìm kiếm những nền văn minh ngoài Trái đất), phỏng chừng có 10,000 nền văn minh ở trong Giải Ngân Hà đã có ý hoặc vô tình gởi tín hiệu đi, và những tín hiệu này đã băng qua Trái đất.

Drake không chú trọng đến việc nghe ngóng tín hiệu của 200 tỉ Thiên Hà trong vũ trụ bởi vì chúng ở quá xa. Nếu Drake nói đúng và nếu những hành tinh có đời sống sinh vật được đặt trong những khoảng cách bằng nhau thì Hành tinh gần nhất chúng ta cũng cách xa 1,000 quang niên.

Gửi một tín hiệu từ Trái đất và nhận điện đáp phải mất 2,000 năm. Một phi thuyền bay nhanh 10 lần tốc độ của những phi thuyền hiện nay phải mất 40,000 năm mới tới những vì sao chỉ cách Trái đất 10 quang niên.

Phối hợp những sự kiện khoa học với những lý thuyết mới triển khai, Drake làm bản ước lượng những may mắn (chance) giúp chúng ta phát hiện đời sống sinh vật ở một Hành tinh khác với Trái đất của chúng ta như sau:

- Tinh tú ở trong Giải Ngân hà: 400 tỉ.

- Tinh tú giống như Mặt trời: 40 tỉ.

- Sao Mặt trời (Sun like star) chạy quanh Hành tinh: 20 tỉ.

- Sao Mặt trời có những Hành tinh giống Trái đất chạy quanh quĩ đạo trong 10 tỉ năm lịch sử của Giải Ngân hà: 10 tỉ.

- Những nền văn minh gửi tín hiệu băng qua Trái đất ước lược đời sống sinh vật kéo dài 1,000 triệu năm, và những nền văn minh này gửi tín hiệu trung bình trong 10,000 năm.

Bức trường thành Thiên hà lớn nhất trong vũ trụ (22)

Hai Thiên văn gia Margaret Geller và John Huchra thuộc trung tâm Thiên văn Vật lý Harvard Smithsonian (Harvard Smithsonian Center for Astrophysics) đã khám phá ra một cấu trúc vĩ đại nhất chưa từng thấy trong vũ trụ.

Cấu trúc này có tên là Bức Trường thành Thiên hà (The Great Wall of Galaxies) gồm có những Thiên hà dệt thành một tấm thảm dài ít nhất 500 triệu quang niên, hay vào khoảng 3,000 tỉ tỉ (trillion) dặm.

Tấm thảm này mắt thường không thấy được, chạy dài từ chân trời nọ đến chân trời kia ở phía Bắc bán cầu.

Các Thiên văn gia nói sau việc khám phá này, người ta nêu lên những câu hỏi rộng rãi về nguồn gốc của vũ trụ và việc có nên xây một Thiên văn đài lớn để theo dõi những cấu trúc vĩ đại này?

Gell nói “Kích thước của cấu trúc này chứng tỏ rằng những lý thuyết nói về sự hình thành của vũ trụ không đúng vì những ước đoán quá xa vời. Không có một lực nào có thể tạo nên một cấu trúc lớn lao như thế kể từ thời gian vũ trụ mới được thành lập. Những lý thuyết hiện tại cho rằng vũ trụ bắt đầu bùng nổ cách đây 15 tỉ năm và bành trướng nhanh chóng thành một hợp chất đồng đều giữa Thể chất và Năng lượng.

Tất cả những sự kết hợp của Thể chất và Năng lượng từ những ngôi sao lẻ loi đến những Thiên hà là sự tập hợp của hàng tỉ ngôi sao cho đến những Chòm Thiên hà (Cluster of Galaxies) bao gồm hàng ngàn Thiên hà phải bắt nguồn từ những sự thay đổi tỉ trọng nhỏ bé của hợp chất này.

Gell “ Tấm thảm Thiên hà có chiều dài bằng 200 quang niên, nhưng chiều rộng chỉ độ 15 triệu quang niên".

Chiều dài của Bức Trường thành Thiên hà được ước lượng 500 triệu quang niên hầu như làm sai lạc hết những so sánh đã ấn định. Thiên hà của Trái đất (Giải Ngân Hà) chỉ có chiều dài 100,000 quang niên, và chiều dài vũ trụ được ước tính từ 10 đến 20 tỉ quang niên.

Phát hiện Ðịa lục Thiên hà trong vũ trụ (23)

Các Thiên văn gia loan báo đã khám phá một sự tập hợp của các vì sao lớn nhất chưa từng thấy.

Việc khám phá này có thể thay đổi lối suy nghĩ về cấu trúc của vũ trụ.

Ðược gọi là “Sự Hấp Dẫn Vĩ Ðại” (The Great Attracter) và cách Trái đất 150 triệu quang niên, cấu trúc vĩ đại này có Trọng trường lôi kéo Giải Ngân Hà và hàng triệu các Thiên hà khác.

Việc khám phá nói trên xác định những lý thuyết đã được các Thiên van gia bàn cãi trong mấy năm qua cho rằng những Vật thể căn bản trong vũ trụ còn to lớn rất nhiều và quá phức tạp hơn họ đã tưởng. Những Vật thể này không phải là những Thiên hà hay Chòm Thiên hà giản dị mà là những “Ðịa lục Thiên hà” lớn hơn cả trăm lần.

Alexander thuộc Viện Carnegie ở Washington, trưởng toán, đã khám phá ra “Ðịa lục Thiên hà” này tuyên bố “Nó lớn quá và che lấp bầu trời làm chẳng ai để ý đến nó”.

Dresser tin rằng còn có nhiều Ðại lục thiên hà như vậy nữa.

Các Thiên văn gia không rõ những vật gì đã cấu tạo thành Ðịa lục Thiên hà, nhưng họ tin rằng chúng phải là Chất tối (Dark matter). Chất tối là những chất cũng giống như những Chòm Thiên hà đặc và lớn, không phát ra ánh sáng nên không thể thấy được.

Thay vì bành trưóng và tách rời nhau như những Thiên hà khác trong vũ trụ, những Thiên hà trong Ðịa lục Thiên hà này lại tụ hội thành một vùng dài đến hàng trăm triệu quang niên.

Dùng viễn vọng kính, người ta chỉ thấy được một phần của Ðịa lục Thiên hà này. Ðịa lục Thiên hà này bao trùm 1/3 bầu trời về đêm từ Chòm Sao Centaurus đến một đầu của Pavo và một đầu kia của Indus.

Trong mấy năm qua, các lý thuyết gia cho rằng “Ðịa lục Thiên hà Vĩ đại” và bức “Trường thành Vĩ Ðại” đã hiển hiện. bức Trường Thành Vĩ Ðại có chiều dài bằng một tỉ quang niên.

Những Thiên thể lớn như vậy đã gây nhiều khó khăn cho những lý thuyết nói về nguồn gốc của vũ trụ.

Những lý thuyết này tùy thuộc ý kiến cho rằng khi vũ trụ Bùng nổ (The Big Bang), các Vật thể bị bắn tung đi khắp hướng, được Trọng trường thu hút tụ hội thành những khối lượng và đột nhiên trở thành Tinh tú và Thiên hà.

Những vật thể phát hiện gần các Tinh tú được tin là những Hành tinh (24)

Các Thiên văn gia Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại đã phát hiện 10 Thiên thể giống như Hành tinh chạy quanh quĩ đạo một ngôi sao rất xa.

Việc khám phá này khiến người ta càng thêm tin tưởng có đời sống sinh vật ở ngoài Trái đất.

Theo bản tường trình đọc trong một cuộc họp của Nghiệp đoàn Thiên văn Quốc Tế, các Thiên văn gia thuộc đài Thiên văn Vật lý Smithsonian ở Cambridge, Mass; tuyên bố họ đã phát hiện một Thiên thể giống như Hành tinh chạy quanh qũi đạo của một ngôi sao cách xa Trái đất 90 quang niên.

Một Thiên văn gia tại Ðại học Victoria, Anh Quốc; đã phát hiện chín Hành tinh chạy quanh quĩ đạo của chín ngôi sao, nói rằng có phân nửa số sao ở giải Ngân Hà đều có Hành tinh hệ.

Bruce Campell, Toán trưởng Gia Nã Ðại tuyên bố theo kết quả sưu tầm của ông, việc phát hiện một số Hành tinh hệ có thể là dấu hiệu của những Hành tinh có đời sống thích hợp giống như Trái đất.

Cả hai toán Thiên văn gia khám phá ra các Hành tinh nói trên bằng cách phân tích việc đổi màu ánh sáng, thâu nhận ở các vì sao. Ánh sáng từ một nguồn sáng xa sẽ hơi đổi màu nếu nguồn sáng đó di động. Ánh sáng đổi thành màu đỏ nếu nguồn sáng di chuyển nhanh hơn, và đổi thành màu xanh khi nguồn sáng di chuyển phía người quan sát. Bằng cách đo lường tỉ mỉ việc đổi màu này, các nhà Thiên văn có thể phát hiện được hướng đi của các vì sao. Hướng đi này có thể là do Trọng trường của một Thiên hà gần, và tốc độ di chuyển giúp các khoa học gia đo được kích thước của vì sao đó.

Latham nói Vật thể đã phát hiện giống như Hành tinh lớn hơn Mộc tinh (Jupiter) 20 lần đang chạy chung quanh quĩ đạo của Sao HD 114762 nóng hơn lò lửa. Sao HD 114762 lớn hơn Trái đất 3,000 lần, cách xa Trái đất 90 quang niên, hay 522 tỉ tỉ dặm.

Campell nói ông và toán Thiên văn gia Gia Nã Ðại đã áp dụng một kỹ thuật nhạy bén hơn quang cụ của Latham nên đã phát hiện được chín Vật thể giống Hành tinh sau khi đã nghiên cứu 18 ngôi sao ... Ông nói thêm rằng bàng chứng rõ ràng nhất là Hành tinh lớn đang chạy chung quanh quĩ đạo của sao HD 114762 có tên là Tau Ceti.

Tất cả những ngôi sao do toán Gia Nã Ðại phát hiện đều rất sáng. Ðộ sáng vào khoảng 4 (Magnitude 4). Chúng đều lớn bằng Mặt trời và cách xa Trái đất 100 quang niên, hay 580 tỉ tỉ dặm.

Tại đài Thiên văn Oak Ridge ở Harvard, Mass; Latham quan sát những ngôi sao rất mờ, và Sao HD 114762 có Ðộ sáng 7, nghĩa là mắt thường không thấy được. Các vì sao càng mờ tối khi Ðộ sáng tăng lên. Ðộ sáng 6 là độ mờ nhất đối với mắt thường.

Chuyên viên NASA phát hiện một số Hành tinh chạy quanh quĩ đạo của Tinh tú trong giải Ngân HÀ (25)

Kenneth Marsh, một Thiên văn gia Vật lý thuộc Phòng Thí Nghiệm Phản Lực (Jet Propulsion Laboratory – JPL) thuộc NASA, và Michal J Mahoney; đã phát hiện một số Hành tinh có thể chạy quanh quĩ đạo của bảy ngôi sao ở trong Giải Ngân hà của chúng ta.

Kenneth nói” Những Hành tinh này ở cách xa Trái đất 2,650 tỉ tỉ dặm có thể là những Sao bạn (Companion Star), hay Sao Nâu Lùn (Brown dwarf), là những khối hơi khí quá lớn để thành những Hành tinh và quá nhỏ để thành những Tinh tú.

Marsh tường trìinh rằng ông và Mahoney đã tìm thấy chín ngôi sao có thể có những Vật thể chạy chung qunh quĩ đạo của chúng. Họ xác định hai trong chín Thiên thể này là những vì sao mờ. Bảy Thiên thể kia có thể có những Hành tinh chạy chung quanh quĩ đạo của chúng là những vì sao mờ tối, hoặc Sao Nâu Lùn. Họ chắc chắn rằng Sao GH Tauri có Sao Nâu Lùn và hai hay nhiều Hành tinh khác đang chạy quanh quĩ đạo của nó.

Bảy vì sao ở trong Chòm sao Taurus Auriga là một vùng tập trung các vì sao đầy hơi khí và những đám mây bụi cách xa Trái đất vào khoảng 450 quang niên hay 2,650 tỉ tỉ dặm.

Một Hành tinh là một Thiên thể có bề rộng ít nhất 600 dặm, chạy chung quanh quĩ đạo một vì sao, và tương đối phát ra ít Năng lượng. Sao Nâu Lùn lớn hơn từ hai đến 80 Trọng khối của Mộc tinh, và có thể chạy quanh quĩ đạo của một ngôi sao. Chúng phát ra Năng lượng khi tự thu hẹp bởi Trọng trường (Gravity) của nó.

Phát hiện Hành tinh chạy quanh quĩ đạo của Sao Pegasus 52

Ngày 10-6-95, hai Thiên văn gia Thụy sĩ Mayer và Dider Queloz loan báo họ đã phát hiện một Hành tinh cỡ bằng Mộc tinh (Jupiter) chạy vòng quanh quĩ đạo của Sao Pegasus 51 ở cách xa Trái đất 42 quang niên.

Vật phát hiện thứ hai là một Thiên thể lớn bằng 20 lần Trọng khối của Mộc tinh, hình như đang chạy vòng quĩ đạo của một Sao nhỏ GL 229 cách xa Trái đất 30 quang niên.

Thiên thể chạy vòng quĩ đạo của hai ngôi sao nói trên có thể là Hành tinh hoặc Sao Nâu Lùn.

Việc phát hiện hai Hành tinh hệ (Planetery system) này đã được xác nhận.

Viễn vọng kính Hubble nhìn thấy “Bảo sinh viện Tinh tú” (26)

Các khoa học gia đã nín thở khi thấy tấm hình chụp cách xa Trái đất 7,000 quang niên.

Những tấm hình Viễn vọnh kính Hubble mới chụp khiến các Thiên văn gia lần đầu tiên thấy tận mắt những vì sao nhỏ mới sinh trong một nơi gọi là “Bảo sinh viện Tinh tú” (Galartic nursery).

Jeff Haster, Thiên văn gia thuộc Ðại học Arizona nói trong một buổi họp rằng “Những Tinh tú mới đang thành hình ngay trước mắt chúng ta”.

Khác với quá trình hình thành thông thường của các vì sao mà Viễn vọng kính Hubble đã chụp từ trước, sự hình thành của những vì sao này trông rất rõ rệt nhờ những cơn gió mạnh từ các ngôi sao khổng lồ thổi bay đám mây che đậy những khối hơi khí đang tụ hội thành những Thai bào Tinh tú (Embryonic stars).

Khi thổi bay gần hết hơi khí, gió này cho thấy những vì sao được hình thành rất nhỏ mặc dầu có đủ chất liệu để lớn mạnh.

Hester nói “Từ lâu, các Thiên văn gia đã tìm hiểu quá trình nào đã ấn định kích thước của Tinh tú”.

Việc khám phá nói trên giúp các Thiên văn gia hiểu nhiều hơn về quá trình hình thành của Tinh tú cũng như những nơi Tinh tú thường xuất hiện trong vũ trụ.

Việc này cũng giúp phát hiện được những Vật thể Thất thoát (Missing mass) mà người ta tin rằng có hiện diện trong vũ trụ dưới những dạng thức chưa được biết.

Viễn vọng kính Hubble khám phá thêm nhiều Hành tinh mới (27)

Những Thai bào Thái dương hệ (Embryonic Solar system) khuấy bụi sắp thành những Hành tinh mới được Viễn vọng kính Hubble phát hiện chạy vòng quanh những vì sao rất xa đã tăng cường lý thuyết cho rằng có những thế giới giống như Trái đất của chúng ta đang chạy chung quanh quĩ đạo của những ngôi sao giống như Mặt trời.

Edward J Weiler, chuyên thảo chương trình cho Viễn vọng kính không gian tuyên bố “Chúng tôi đã tìm thấy một nơi có hàng triệu Hành tinh sẽ được hình thành trong vài triệu năm nữa. Chúng tôi gần có bằng chứng đầy đủ về sự hiện diện của những Hành tinh có đời sống sinh vật này”.

Robert O’Dell, Thiên văn gia tại đại học Rice nói khi nghiên cứu những tấm hình Viễn vọng kính Hubble đã chụp một phần của Tinh vân Orion (Orion Nebula), ông đã thấy 15 vì sao chạy quanh những Dĩa hành tinh sáng (Photoplanetery disk), hay những đám bụi mù là những chất liệu cấu tạo Tinh tú.

Các Thiên văn gia tuyên bố có hàng tỉ tỉ Tinh tú trong vũ trụ được các Dĩa Hành tinh (Planetery disk) cấu tạo.

Tinh vân Orion (Orion Nebula) là một vùng hình thành vô số các vì sao. Các Thiên văn gia khi nghiên cứu vùng này đã tìm được những mấu chốt về tiến trình hình thành của những Thiên thể trong vũ trụ. Tinh vân Orion ở cách xa Trái đất 1,500 quang niên là một phần của Giải Ngân Hà (The Milky Way Galaxy) trong đó có Mặt trời.

Stepen Strom, Thiên văn gia tại đại học Rice, Mass; nói “Những tấm hình này cho thấy đủ chất liệu để tạo thành những Hành tinh hệ giống như những Hành tinh chạy chung quanh Mặt trời. Chúng tôi có đủ chất liệu để thành lập một Thái dương hệ”.



Tóm lược những Hành tinh hệ đã được phát hiện Thế nào là một Hành tinh?

Hành tinh là một Thiên thể có bề rộng ít nhất 600 dặm, chạy vòng quanh quĩ đạo của một ngôi sao, và tương đối phát ra ít Năng lượng.

1-2. Tiến sĩ Alexander Wolzczan thhuộc đại học Cornell, và Dale A. Frail thuộc Ðài Thiên văn Vô tuyến Quốc gia ở Socorro, NM; đã phát hiện hai Hành tinh chạy quanh quĩ đạo của Sao B1257 + 12.B1257 + 12 là tàn tích của một ngôi sao đã bùng nổ gọi là Sao Neutron (Neutron star). Vì từ trường của Sao này thâu hút Âm điện tử khiến những Phân tử này chiếu sáng như một ngọn hải đăng nên Sao B 1257 + 12 còn được gọi là Sao Mạch (Pulsar).

Hai Hành tinh này chạy quanh quĩ đạo của Sao B1257 + 12 với một khoảng cách bằng khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời, hay 1 AU (Astronomical Unit = 93 triệu dặm). Mỗi Hành tinh này có Trọng khối lớn hơn ba lần Trọng khối của Trái đất, có tỉ trọng và cấu tạo giống như Trái đất và Kim tinh (Venus). Hai Hành tinh giống Trái đất này không thể có sinh vật vì nhiệt độ của nó nóng trên độ nóng của nước sôi. Chúng ở cách xa Trái đất, 1,300 quang niên nên chúng ta chưa đủ phương tiên bay đến đó được.

2-3. Ngoài Sao Mạch B1257 + 12 mới được phát hiện, Sao Mạch PSR1829-10 có Hành tinh chạy chung quanh đã được phát hiện từ tháng 7 -1992.

313. Các Thiên văn gia Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại đã phát hiện 10 Thiên thể giống Hành tinh chạy vòng quanh quĩ đạo của một ngôi sao ở rất xa.

13-23. Các Thiên văn gia thuộc Ðài Thiên văn Vật lý Smithsonian ở Cambridge, Mass; đã phát hiện một Thiên thể giống Hành tinh chạy quanh quĩ đạo của Sao HD114762 nóng hơn lò lửa ở cách xa Trái đất 90 quang niên. Thiên thể này lớn hơn Mộc tinh (jupiter) 20 lần và hơn Trái đất 3,000 lần.

23-32. Thiên văn gia Kenneth Marsh và Mohoney đã phát hiện chín ngôi sao có thể có những Vật thể chạy chung quanh quĩ đạo của chúng. bảy trong chín Thiên thể này ở trong Chòm sao Taurus-Auriga ở cách xa Trái đất 450 quang niên.

32-34. Ngày 10-6-1995, hai Thiên văn gia Thụy sĩ Mayer và Dider Queloz đã phát hiện hai Hành tinh cỡ bằng nửa Mộc tinh chạy vòng quĩ đạo của Sao Pegasus 51 cách xa Trái đất 40 quang niên. Nhưng vì ở gần Sao Pegasus quá nóng nên không thể có sinh vật. Vật phát hiện thứ hai là một Thiên thể lớn hơn Mộc tinh 20 lần, hình như đang chạy vòng quanh quĩ đạo của Sao nhỏ GL 229 ở cách xa Trái đất 30 quang niên.

Việc phát hiện hai Hành tinh hệ này đã được xác nhận.

34-49. Robert O’Dell, Thiên văn gia tại đại học Rice, nói ông đã phát hiện 15 vì sao chạy quanh những Dĩa Hành tinh sáng (Photoplanetery).

49-51. Tiến sĩ Geoffrey và Paul Butler; đã phát hiện hai Hành tinh chạy quanh quĩ đạo của Sao 70 Virginis ở trong Chòm sao Vigro (Xử Nữ). Hành tinh thứ nhất có nhiệt độ của một ly trà nóng nên có thể có nước. Hành tinh thứ hai chạy quanh quĩ đạo của Sao 47 Ursae Major (Ðại Hùng tinh) nên nhiệt độ quá lạnh.

Butler nói “Chúng tôi chưa từng thấy Hành tinh hệ nào giống nhiều như Thái dương hệ của chúng ta”.

52-52. Trong năm 1996, một Hành tinh đã được phát hiện chạy quanh quĩ đạo của sao 55 Cancri ở trong Chòm sao Bắc Giải (Cancer), hay Con cua (The Crab).

52-53. Thiên văn gia George Gatewood, sau 60 năm quan sát, đã phát hiện hai hay ba Hành tinh chạy quanh quĩ đạo của Sao Lalande 21185 chỉ cách xa Trái đất 8.1 quang niên. Gate wood ước tính rằng Hành tinh ở xa Sao Lalande phải mất 30 năm mới chạy hết quĩ đạo của Sao này, và Hành tinh ở gần phải mất 8 năm.

Ông nói “Ðây là Hành tinh hệ đầu tiên giống như Thái dương hệ của chúng ta được phát hiện". Vì ở xa Sao Lalande nên hai Hành tinh nay không thể có đời sống sinh vật.

Sao Lalande rất mờ nên mắt thường không trông thấy được. Sao này đang bay về hướng Trái đất với tốc độ trên 50 dặm/giây.

53-54. Các Thiên văn gia ở California đã phát hiện một Hành tinh ở cách xa Trái đất trên 60 quang niên là Hành tinh xa nhất.

54-55. Geoffrey Macy và đồng nghiệp thuộc đại học San Francisco, đã phát hiện một Hành tinh lớn gấp bốn lần mộc tinh đang chạy quanh quĩ đạo cách xa HR5185 độ vài triệu dặm. Sao này còn có tên là tau Boo.

55-56. Các Thiên văn gia thuộc đại học San Francisco, đã phát hiện một Hành tinh chạy quanh quĩ đạo của Sao HR3522 cách xa Trái đất khoảng 40 quang niên.

Ngoài những Hành tinh đã phát hiện, các Thiên văn gia ước đoán sẽ khám phá hàng tỉ tỉ các Hành tinh các như sau:

a. “Những Thai bào thái dương hệ (Embryonic solar system) sắp thành những Hành tinh mới đã được Viễn vọng kính Hubble phát hiện chạy quanh quĩ đạo của những vì sao ở đất xa ...”

b. Edward J Weiler tuyên bố “Chúng tôi đã tìm thấy một nơi có hàng triệu Hành tinh sẽ được thành hình trong vài triệu năm nữa”.

c. Các Thiên văn gia tuyên bố có hàng tỉ tỉ Tinh tú trong vũ trụ được các Diã Hành tinh (Planetery disk) cấu tạo.

d. Tinh vân Orion (Orion Nebula) là một vùng hình thành vô số các vì sao. Tinh vân Orion ở cách xa Trái đất 1,500 quang niên, là một phần của Giải Ngân hà của chúng ta.

Phát hiện thêm một Thái dương hệ mới

Tháng 10-1996, báo chí Mỹ loan báo rằng Trưởng toán Thiên văn William D. Cochran thuộc đại học Texas, và một toán Thiên văn gia ở San Francisco; đã phát hiện thêm một Thái dương hệ mới gồm có một Hành tinh và một Sao đôi ở cách Trái đất 70 quang niên và nằm ở trong Chòm sao Cygnus có tên là Vùng Chữ Thập Bắc.

Hành tinh phát hiện chạy quanh quĩ đạo của một ngôi sao nhỏ có tên là 16 Cygni B, và một ngôi sao lớn có tên là 16 Cygni A. Sao 16 Cygni B giống Mặt trời về nhiệt độ và Trọng khối. Cứ 250,000 năm, Sao Cygni A và B chạy cách nhau 65 tỉ dặm là khoảng cách tiêu chuẩn sát nút của các Tinh tú.

Vì gần nhau nên Trọng trường của Sao Cygni A đã lôi kéo Sao Cygni B khiến Sao này không chạy theo quĩ đạo tròn như những Hành tinh trong Thái dương hệ của chúng ta mà chạy theo quĩ đạo hình bầu dục.

Hành tinh này không có đời sống sinh vật bởi vì nó thuộc loại Hành tinh hơi khí như Mộc tinh (Jupiter) và Thổ tinh (Saturn).

Cochran kết luận rằng quĩ đạo bất thường của Hành tinh nói trên khiến các Thiên văn gia phải duyệt xét lại lý thuyết nói về sự hình thành của các Hành tinh.

Qua những việc phát hiện nói trên, quí vị thấy trong vũ trụ có khoảng 200 tỉ Thiên hà (Galaxies) và 400 tỉ Tinh tú. Một Thiên hà có khoảng 100 tỉ Tinh tú, và có đường kính từ 1,500 đến 100,000 quang niên.

Riêng Giải Ngân hà của chúng ta có độ 400 tỉ Tinh tú.Ðịa lục Thiên hà (Continent of galaxies) lớn hơn Chòm Thiên hà 100 lần, và chiếm 1/3 bầu trời từ Nam Bán cầu đến Chòm sao Centurus. Bức Trường thành Thiên hà là một tập hợp của vô vàn vô số Thiên hà chạy dài đến một tỉ quang niên mà kinh Hoa Nghiêm gọi là Thế giới võng. Ðịa lục thiên hà có thể gọi là Thế giới hải.

Ngoài Thái dương hệ, khoa học đã dần dần khám phá ra một số Hành tinh hệ, và họ tin rằng còn vô số vô vàn Hành tinh hệ ở ngoài Giải Ngân hà đang chờ chúng ta phát hiện.

Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát đã dạy “Ở trong cái Thế giới Tam Thiên Ðại Thiên này có trăm ức Mặt trời, Mặt trăng”.

Ðức Phổ Hiền cũng dạy “Có vi trần số hình dạng thế giới như vậy".

Ðức Phật dạy “Khắp nơi, khắp xứ, chỗ nào cũng có quang minh cùng những loài chúng sinh cư ngụ. Trong bầu trời, có vô vàn, vô số Thế giới nhiều như số cát sông Hằng”.

Lời dạy của các Ngài đã được khoa học xác nhận vì thỉnh thoảng họ phát hiện được một số Hành tinh hệ và Thái dương hệ mới. Rồi 100, 1000 năm, hay vô lượng năm sau; họ cứ tiếp tục tìm kiếm mãi mà không bao giờ tìm hết được những Thế giới mà các Ngài đã dạy.

Ðức Quán Thế Âm, Ðức phổ Hiền, và Ðức Văn Thù Sư Lợi đều là những vị cổ Phật đã xuất hiện cách đây Na do tha, Hằng hà sa, và vô lượng kiếp. Ðối với các Ngài, không có thời gian và không gian; không có quá khứ, hiện tại và vị lai. Thời gian vô thỉ vô chung thì sự trường tồn của các Ngài cũng như thế. (Xin xem Phẩm Như Lai thọ mạng trong bài tới).

Nếu tạm lấy Phật lịch 2,540 làm thời điểm thì các Ngài đã thấy vi trần số Thế giới cùng hình dạng của nó trên 25 thế kỷ rồi. Lúc đó, các Ngài đâu có những phương tiện tối tân và hiện đại để quan sát vũ trụ.

Thiên tài như Albert Einstein đã nói trong Vũ trụ chỉ có độc nhất một Giải Ngân hà. Thế mà, các Ngài đã nói trong Vũ trụ có vô vàn vô số - hay nói theo nhà Phật – có Na do tha, Hằng hà sa, Bất khả xưng, Bất khả sổ, Bất khả thuyết vi trần số Thái dương hệ và Hành tinh hệ.

Như vậy, qúi vị có đồng ý với tôi ràng Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát có phải là bậc đại Thiên Văn Vật Lý không?

http://quangduc.com/khoahoc/67dpshk3.html#ÐỨC QUÁN THẾ ÂM CÓ PHẢI LÀ BẬC ÐẠI THIÊN VĂN VẬT LÝ KHÔNG