Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

ÐỨC PHỔ HIỀN CÓ PHẢI BẬC THIÊN VĂN ÐỊA LÝ KHÔNG?


ÐỨC PHỔ HIỀN CÓ PHẢI BẬC THIÊN VĂN ÐỊA LÝ KHÔNG?

Hình dạng các Thiên thể và Vũ trụ:

Trong kinh Hoa Nghiêm, Tập 1, Phẩm Hoa Tạng Thế Giới, trang 401 và 410 – 415; đức Phổ Hiền đã nói:

“Chư Phật tử! Tất cả thế giới chủng đó hình dạng đều khác nhau: Hoặc hình núi Tu Di, hình sông, hình xoay chuyển (trôn ốc), hình nước xoáy, hình trục xe, hình lễ đàn (bàn thờ), hình rừng cây, hình lầu các, hình sơn tràng, hình vuông góc, hình hoa sen, hình thai tạng, hình khư lặc ca (cái rỗ), hình thân chúng sinh, hình mây, hình ông Phật, hình viên quang (tròn sáng), hình lưới, hình tam giác, hình bán nguyệt, hình thành quách rộng lớn, hình bảo hoa xoay nở, hình tứ châu, hình tròn, hình như Kim cang, hình như Ma ni bửu, hình chữ vạn, hình như tòa Sư tử v.v... “

Ngài nói thêm, “ Có vi trần số hình dạng như vậy".

Vậy ta thử tìm hiểu xem đức Phổ Hiền nói có đúng không? Trước hết, Ngài dùng chữ Thế giới mà khoa học ngày nay hiểu là World hay Planet (Hành tinh). Ở trong Thái Dương hệ, tất cả những Hành tinh và Vệ tinh, kể cả Mặt trời, đều hình tròn. Vì vậy, tôi nghĩ ràng đức Phổ Hiền muốn nói đến hình dạng của một số thiên thể (Celestial bodies) trong vũ trụ. Trong vũ trụ có những Vi thiên thể (Planetsimal) như Vẫn thạch (Meteorites) có đường kính khoảng 2 cm, Sao băng (Meteor), Sao chổi (Comet), Tiểu hành tinh (Asteroid) có đường kính từ vài trăm thước đến dặm nghìn cây số, Tinh tú, Chòm sao (Constellation), Tinh Vân (Nebula), Sao đột sáng (Nova), Thiên hà (Galaxy), và Chòm Thiên hà (Cluster of galaxies).

Chỉ có một số Thiên hà như Chòm sao, Tinh vân, Sao đột sáng, Thiên hà, và Chòm Thiên hà mới có những hình dạng như đức Phổ Hiền đã mô tả.

Nói về Thiên thể, kinh Hoa Nghiêm đã dùng những chữ như: Cõi, Thế giới, Phật sát, Phật sát hải, Phật quốc, Phật quốc độ, Thế giới hệ, Thế giới chủng, Thế giới võng, và Thế giới hải (Biển thế giới).

Theo thiển nghĩ, Cõi, Thế giới, Phật sát, Phật quốc độ là một. Nếu dịch ra tiếng Anh có thể là World hay Planet (Hành tinh). Về Thế giới võng, kinh định nghĩa, “Tất cả thế giới đều liên tiếp nhau thành thế giới võng, kiến lập nhiều hình thức sai khác khắp cùng nơi”. Vì vậy, Thế giới hệ, Thế giới chủng, và Thế giới võng cũng là một, và có thể hiểu là Cụm sao (Cluster of stars), Chòm sao (Constellation), Thái dương hệ (Solar system), Chòm Thiên hà (Cluster of galaxies), hay Bức Trường Thành Thiên Hà (The Great Wall of galaxies).

Cho đến nay, các Thiên văn gia đã phát hiện hình dạng của một số Thiên thể đúng với lời mô tả của đức Phổ Hiền như sau:

Hình sông, hình Xoay chuyển, hình nước xoáy, hình Trục xe, hình Thai tạng, hình Viên quang (Tròn sáng), hình lưới, hình Ma Ni Bửu (Ngọc quí), hình Bảo hoa Xoay nở, hình chữ Vạn ... Ngoài ra, các thiên văn gia cũng đã phát hiện dạng của một số Thiên thể khác như sau: Hình chim Phượng, hình mắt Mèo, hình cái Nhẫn, hình cánh Bướm, hình con Cua, hình Vòng xuyến, hình Chòm sao Viên quang, hình Bầu dục v.v...

Ngoài những Thiên thể có hình dạng rõ ràng còn có những Chòm sao có những hình dạng được tượng hình bằng những con vật trong thần thoại Hy lạp.

Ðức Phổ Hiền không những đã thấy vi trần số hình dạng Thiên thể trong Vũ trục mà còn thấy hình dạng của Vũ trụ nữa. Cụ Nghiêm Xuân Hồng kể, “Tất cả những Thế giới hải bao la bát ngát ấy chỉ là những tế bào, những bộ phận kết lại thành những cánh hoa, rồi cánh hoa kết lại thành bông Ðại Bửu Liên Hoa, lúc nở ra lúc héo hắt đi, và bông Liên Hoa đó trụ trên cái cọng hoa gọi là Chủng Chủng Quang minh Nhụy Hương Tràng”.

Nhân tiện, tôi xin nói phép nói qua về Hoa tạng thế giới như kinh Hoa Nghiêm (trang 377 – 507) đã mô tả, và Nhị Khóa Hiệp Giải (trang 191 – 219) cùng Lăng Kính Ðại Thừa (trang 126 – 131) đã nói lại.

Nhị Khóa Hiệp Giải chỉ thuật lại sự mô tả của kinh Hoa Nghiêm, Lăng Kính Ðại Thừa của cụ Nghiêm Xuân Hồng diễn nôm lại một cách ngắn gọn và dễ hiểu hơn nhiều.

Ðể quí vị có khái niệm về hình dạng của vũ trụ theo kinh Hoa Nghiêm tôi xin phép trích dẫn những giòng sau đây ở cuốn Lăng Kính Ðại Thừa (trang 126 – 127):

“Ngài (Phổ Hiền) nói rõ danh hiệu các cõi, các thế giới, các thế giới chủng, các thế giới hải ở mười phương, cùng hồng danh chư Phật Như Lai ngự trị tại các quốc độ đó. Ngài nói rõ về các cõi hình trạng như thế nào, an lập như thế nào, nương về đâu, trụ về đâu, thành thành hoại hoại xoay vần, tương tự như lá mọc rồi lại rụng. Và Ngài cũng dạy rõ ràng tất cả những thế giới hải bao la bát ngát ấy đều là những tế bào, những bộ phận két hợp lại thành cánh hoa, rồi cánh hoa hợp lại thành một bông Ðại Bảo Liên Hoa, lúc nở ra lúc héo hắt đi và bông Liên Hoa đó trụ trên cái cọng hoa gọi là Chủng Chủng Quang minh Nhụy Hương Tràng.

Trang 130 – 11, cụ Hồng diễn nghĩa Hoa Tạng thế giới cùng sự Bùng Nổ Lớn (The Big Bang) và sự Co Rút Lớn (The Big Crunch) của vũ trụ như sau:

“Hoa Tạng thế giới là một bông Ðại Liên Hoa (Hoa Sen Lớn), và thế giới hải, hoặc Giải Ngân Hà (nói theo sự hiểu biết của người đời nay) chỉ là những bộ phận vi ti của những cánh hoa.

Gần đây, các nhà Thiên văn học thấy có những Giải Ngân Hà (xin hiểu là những Thiên hà) hình như nở ra vi các tinh tú càng ngày càng xoay vần, chạy cách xa nhau với một thế tốc rất lớn, nên họ đã đưa ra thuyết Big Bang, nghĩa là có vụ Nổ tung rất lớn khiến các tinh tú bắn tóe ra xa nhau ... Nhưng rồi họ lại nhận thấy rằng có những Giải Ngân Hà (xin hiểu là Thiên Hà) hình như co lại, vì trong đó các tinh tú càng ngày càng xích lại gần nhau hơn ...

Thiết tưởng rất có thể là những chu kỳ nở ra hoặc cụp lại của những cánh Hoa tạng Thế giới ... Nên nhớ rằng lời kinh không mảy may hư vọng vì những bậc nói kinh đều là bậc Ðại giác, có đủ ngũ nhãn chứ không phải chỉ có đôi mắt thịt với mấy chiếc ống nhòm như các khoa học gia đâu”. (*)

Trở lại vấn đề Hoa tạng Thế giới, theo định nghĩa của các nhà Thiên văn Vật lý, Vũ trụ không có hình dạng và không có biên giới. Họ cắt nghĩa muốn biết hình dạng của một vật, ta phải đứng ngoài vật đó để quan sát. Ví dụ ta đứng trong khu Disneyland, ta không thấy được hình dạng của nó. Nhưng đứng cách đó dăm ba cây số, ta sẽ thấy hình dạng nó liền.

Theo kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phổ Hiền chẳng những đã thấy hình dạng của vi trần số thế giới (xin hiểu là Thiên thể) mà còn thấy hình dạng của Vũ trụ là một Hoa Sen Lớn có những cánh hoa là sự kết hợp của vô vàn, vô số Thiên hà nhỏ bé như những tế bào vi ti được đặt trên một cái cọng hoa tên là Chủng Chủng Quang Minh Nhụy Hương Tràng.

Ngài Phổ Hiền cũng như đức Quán Thế Âm Bồ Tát đều là những vị cổ Phật có đủ ngũ nhãn cho nên một vị thấy được vi trần số Thiên thể và một vị thấy được hình dạng của Hằng hà sa số thiên thể trong Vũ trụ.

Tại sao các Ngài thấy được mà chúng ta không thấy được? là vì chúng ta chỉ quan sát sự vật với “đôi mắt thịt với vài chiếc ống nhòm”. Muốn được như các Ngài, chúng ta phải tu hành; và khi đắc quả sẽ có đủ ngũ nhãn.

Kinh Pháp Hoa, Phẩm “Pháp sư Công đức” thứ mười chín, trang 431, nói “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân thụ trì kinh Pháp Hoa, người đó, nhục nhãn thanh tịnh của cha mẹ sinh ra, thấy khắp cõi Tam Thiên Ðại Thiên Thế Giới, trong ngoài có những núi, rừng, sông biển, dưới đến địa ngục A tỳ, trên đến cõi Trời Hữu đỉnh ...”

Ðó là tu hành được ngũ căn thanh tịnh. Tu được ngũ căn hổ tương có nhiều diệu dụng hơn nữa.

Ví dụ, kinh Lăng Nghiêm, khi dạy về “Lục căn viên thông”, trang 306, Phật nói “Ông A Na Luật Ðà không mắt mà thấy, ông Bạc Nan Ðà Long không tai mà nghe, nàng Cang Ðà thần nữ không mũi mà biết mùi hương, ông Kiều Phạm Ba Ðề không lưỡi mà biết vị, thần Thuấn Nhã Ca không có thân mà biết xúc ...”

Ðó gọi là sáu căn hổ tương, nghĩa là căn nọ hư thì căn kia làm thế. Truyện gần đây, một cô gái người Nga tên là Rosa bị mù từ lúc lên hai tuổi. Cô tập nhìn đồ vật bằng mười ngón tay trong nhiều năm trời, và cuối cùng nhìn được nhờ mười ngón tay.

Như vậy, kinh Phật không mảy may nói những điều hư vọng như một số người huệ căn còn quá thấp kém nên cho rằng những điều nói trong kinh có vẻ mơ hồ, huyễn hoặc, nếu không nói là bịa đặt.

Ngài Phổ Hiền và đức Quán Thế Âm Bồ Tát đã thấy được những điều nói trên cách đây mấy chục thế kỷ.

Ðể quí vị có ý niệm về sự trường cửu của các Ngài, tôi xin trích dẫn Phẩm “Hóa thành dụ” nói về thọ mạng Như Lai trong kinh Pháp Hoa, trang 211 như sau:

Phật dạy “Các tỳ kheo! Từ khi Ðức Phật đó (Ðại Thông Trí Thắng Như lai) diệt độ nhẫn đến nay rất là lâu xa, thí như địa chủng trong cõi Tam thiên đại thiên, giả sử có người đem mài làm mực, rồi đi khỏi một nghìn cõi nước ở phương đông bèn chấm một điểm chừng bằng bụi nhỏ, lại qua một nghìn cõi nước nữa cũng chấm một điểm, cứ như thế lần lượt chấm hết mực mài bằng địa chủng ở trên. Ý các ông nghĩ sao? Các cõi nước đó hoặc thầy toán hoặc đệ tử của thầy toán có thể biết được ngằn mé đó không?

Ngài lại tiếp “Các Tỳ kheo! Những cõi nước của người đó đi qua hoặc có chấm, hoặc không chấm mực đều nghiền nát cả ra làm bụi, một hột bụi là một kiếp, từ Ðức Phật diệt độ đến nay lại lâu hơn số đó vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức A tăng tỳ kiếp.

Ta dùng sức tri kiến của Như Lai xem thuở lâu xa đó dường như hiện ngày nay”.

Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phổ Hiền đã mô tả một số hình dạng Thiên thể, và nói rằng Ngài còn thấy vi trần số hình đạng những Thiên thể khác nữa. Ngày nay, các nhà Thiên văn Vật lý đã phát hiện một số Thiên thể có hình dạng đúng như đức Phổ Hiền đã mô tả.

Có những Thiên thể ở cách xa Trái đất hàng tỉ quang niên (một quang niên = 5.88 tỉ dặm) mà Ngài đã thấy tinh tường. Khoa học ngày nay, mặc dầu có những Viễn vọng kính tối tân, mới chỉ quan sát được 10% những Vật thể trong vũ trụ, còn lại 90% là Chất tối (Dark matter). Không quan sát được Chất tối vì nó không phát ra ánh sáng.

Ðó là đối với những con mắt phàm phu. Ðối với chư Phật, chúng ta thấy xa, Phật thấy gần, chúng ta thấy tối, Phật thấy sáng; và không có gì Phật không Thấy, Nghe, Hay, Biết.

Như vậy, quí vị có dồng ý với tôi rằng đức Phổ Hiền là một bậc đại Thiên Văn Vật Lý hay không?

(*) Lăng Kính Ðại Thừa của cụ Nghiêm Xuân Hồng.

http://quangduc.com/khoahoc/67dpshk3.html#ÐỨC PHỔ HIỀN CÓ PHẢI BẬC THIÊN VĂN ÐỊA LÝ KHÔNG