Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Tìm Hiểu Bản Chất Của Cơn Giận

Giận 8 
Thích Nhất Hạnh

Khi ai làm cho ta giận ta thường cho rằng chính người đó đã làm cho ta khổ.
Ta đỗ lỗi hoàn toàn cho người đó. Tuy nhiên, nếu xét cho thật kỹ, ta sẽ khám phá ra rằng cơn giận đã có sẵn trong ta dưới hình thức một hạt giống, hạt giống giận. Hạt giống giận trong ta mới là nguyên nhân chính làm ta giận và khổ.


Có rất nhiều người cũng gặp hoàn cảnh giống ta mà lại không nổi giận như ta. Cũng cùng một lời nói, cũng cùng một cử chỉ  mà người kia thì giữ được bình tĩnh trong khi ta lại giận dữ. Tại sao ta có thể nổi giận dễ dàng như vậy? Có thể là vì hạt giống giận trong ta quá mạnh. Và vì ta không có cơ hội tu tập chăm sóc cơn giận cho nên hạt giống giận đã được tưới tẩm quá nhiều trong quá khứ.

Tất cả chúng ta đều có sẵn hạt giống giận trong chiều sâu của tâm thức. Nhưng trong vài người hạt giống giận đã trở thành mạnh hơn những hạt giống của hiểu biết, thương yêu. Lý do là vì trong quá khứ những người ấy đã không tu tập.

Khi bắt đầu tu tập và chế tác năng lượng chánh niệm thì tuệ giác đầu tiên mà ta có được là ta khám phá ra rằng nguyên nhân chính của khổ đau của ta không phải là tự người kia mà do ở hạt giống giận trong tâm ta. Thấy được như thế ta sẽ không còn trách móc người làm ta giận, làm ta khổ. Người kia chỉ là nguyên nhân thứ yếu của niềm đau nỗi khổ của ta.

Tuệ giác này giúp ta bớt khổ rất nhiều. Nhưng người kia thì vì không biết tu tập nên vẫn còn ở trong địa ngục.  Nhờ có chăm sóc cơn giận, ta ý thức rằng người kia còn đang đau khổ, và ta bắt đầu để tâm đến người ấy.

Nên Giúp, Không Nên Phạt

Một người không biết xử lý đau khổ của mình thường vung vãi đau khổ ra chung quanh. Mình khổ và làm người khác khổ. Thường thường là như vậy. Vì vậy cho nên phải học cách xử lý đau khổ để đừng có vung vãi đau khổ ra chung quanh.

Nếu là cha hay là mẹ thì bạn phải biết rằng hạnh phúc trong gia đình bạn là một điều rất quan trọng. Vì tình thương đối với những người thân mà bạn không muốn làm cho họ khổ lây khi bạn khổ. Bạn thực tập chăm sóc khổ đau là vì khổ đau của bạn không phải là một vấn đề của riêng bạn. Khổ đau không phải là một vấn đề cá nhân. Hạnh phúc cũng không phải là một vấn đề cá nhân.

Khi một người giận mà không biết cách chăm sóc cơn giận cho nên đau khổ, cô đơn rồi làm cho những người chung quanh cùng khổ. Thoạt đầu chúng ta nghĩ rằng người đó đáng bị ta trừng phạt. Ta muốn trừng phạt vì người ấy làm cho ta khổ. Nhưng chỉ sau mươi, mười lăm phút thiền hành và quán chiếu ta khám phá ra rằng người ấy cần được giúp đỡ hơn là trừng phạt. Đây là một tuệ giác tốt đẹp.

Người kia có thể là người rất thân của ta, là vợ hay chồng, hay là con cái của ta. Nếu chính ta không giúp những người ta thương thì ai giúp họ bây giờ?

Vì biết ôm ấp cơn giận mà bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhưng bạn nhận ra rằng người kia đang khổ. Nhờ thấy như vậy mà bạn có ý muốn đến với người ấy. Không ai giúp đỡ cho người ấy được ngoại trừ bạn. Và bây giờ trong lòng bạn tràn đầy ý muốn giúp đỡ. Đây là một ý tưởng hoàn toàn khác hẳn - ý muốn trừng phạt không còn nữa. Sân hận của bạn đã biến thành tình thương.

Thực tập Chánh Niệm đưa đến Định và Tuệ. Tuệ giác là hoa trái của sự tu tập. Nhờ đó mà bạn có khả năng thương yêu và tha thứ. Chỉ trong mười lăm phút hay nửa giờ sự thực tập có thể giải phóng bạn ra khỏi tâm sân hận và biến bạn thành một người dễ thương. Đây là sức mạnh của giáo pháp. Đây là mầu nhiệm của tu tập.

Cắt Đứt Vòng Luân Hồi Sân Hận

Có một thiếu niên mười hai tuổi thường đến Làng Mai vào các mùa hè để tu tập với một số bạn trẻ. Ở nhà cứ mỗi khi em lầm lỗi gì hay cả khi em vấp té trầy da, chảy máu thì Ba của em thay vì giúp em lại la mắng nặng lời. "Cái thằng ngu này, tại sao mày làm vậy?"

Em rất buồn và bất mãn với ba và nghĩ rằng ba em không thương em. Em tự nhủ rằng khi em lớn lên, lập gia đình, có con em sẽ không đối xử với con của em như thế. Nếu con em té ngã, bị trầy da, chảy máu em sẽ không bao giờ la con nặng lời mà sẽ ôm ấp và săn sóc nó.

Thế rồi, năm sau người thiếu niên ấy trở lại Làng Mai, lần này có em gái cùng đi theo. Một hôm em gái của em nằm chơi trên võng rồi bị té xuống đất. Bỗng nhiên em cảm thấy rất giận và cũng muốn hét lên "Cái con ngu này, Tại sao mày làm vậy?" giống hệt như ba em ở nhà. Nhưng nhờ có tu tập tại Làng Mai hai mùa hè nên em đã dừng lại được.

Thay vì la mắng, em đã thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm và chỉ trong mấy phút em đã giác ngộ một điều. Em thấy rõ phản ứng giận dữ của mình chính là năng lượng của tập khí do ba em truyền lại. Em đã muốn hành xử với em gái giống hệt như ba. Em chính là tiếp nối của ba em. Em chẳng bao giờ muốn đối xử với em gái như thế nhưng vì năng lượng của tập khí quá mạnh mà suýt nữa em đã hành động như ba em.

Đối với một thiếu niên mười hai tuổi đây là một giác ngộ khá lớn. Rồi em tiếp tục thiền hành và bỗng nhiên nẩy sinh quyết tâm tu tập để chuyển hóa năng lượng tập khí giận dữ trong người; hy vọng rằng em sẽ không trao truyền năng lượng tập khí ấy cho con em sau này. Em biết rằng chỉ có tu tập chánh niệm mới giúp cắt đứt vòng luân hồi của khổ đau do tập khí sân hận gây nên.

Cậu bé ấy cũng đã ý thức rằng ba của em cũng là nạn nhân của sự trao truyền tập khí sân hận. Ba của em chắc không muốn đối xử với em như vậy. Ông ta đã hành động như vậy chỉ vì tập khí trong ông quá mạnh. Khi cậu bé ý thức rằng ba của em là nạn nhân của sự trao truyền thì em không còn giận ba nữa. Liền sau đó em có ý muốn trở về nhà ngay để mời ba em cùng tu tập.

Đây quả là quyết định khá lớn của một thiếu niên trẻ mười hai tuổi.

       Thích Nhất Hạnh
         http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/tac-phm/130-gin/771-gin-chng-02-dp-tt-la-gin?start=3