Giận 9
Thích Nhất Hạnh
Khi đã
cảm thông niềm đau nỗi khổ của người khác thì bạn không còn có ý muốn trừng phạt
nữa mà chỉ muốn giúp đỡ. Làm được như vậy thì bạn biết bạn thực tập đã thành công.
Bạn là một người làm vườn giỏi.
Trong mỗi
chúng ta là một khu vườn mà chúng ta phải trở về và chăm sóc. Có lẽ đã từ lâu lắm
ta đã bỏ phế khu vườn của ta. Chắc rằng ta đã biết rõ tình trạng khu vườn của
ta và biết rõ phải làm gì để phục hồi phong quang của nó. Một khu vườn được
chăm sóc kỹ lưỡng sẽ là nguồn vui cho rất nhiều người khác.
Chăm Sóc Tự Thân, Chăm Sóc Người Khác
Khi còn
nhỏ chúng ta được cha mẹ dạy tập thở, tập đi, tập ăn, tập nói. Đến khi tiếp nhận
nếp sống tâm linh, ta như được sinh ra
một lần thứ hai và phải bắt đầu tập lại. Ta lại phải tập thở, thở
trong chánh niệm, tập đi, đi trong chánh niệm, tập ăn, ăn trong chánh niệm.
Ta lại
tập nghe, nghe trong chánh niệm, nghe với tâm từ bi. Ta lại tập nói, nói trong
chánh niệm, nói với ngôn ngữ của yêu thương vì ta muốn giữ đúng lời phát nguyện
ban đầu. "Em ơi, anh đang khổ, anh đang giận và anh muốn em biết cho anh
điều đó." Nói như vậy là giữ đúng lời phát nguyện. "Em ơi, anh sẽ cố
gắng hết lòng.
Anh sẽ chăm sóc tâm
giận của anh, chăm sóc cho anh và cả cho em. Anh sẽ thực tập những gì mà anh học
được của Thầy, của tăng thân." Câu nói này sẽ làm cho người kia tâm phục
và tin tưởng. Và câu nói sau cùng "Em
ơi, anh cần em giúp anh." Đây là một lời tuyên bố mãnh liệt, bởi vì khi giận
thì thường thường ta nói "Tôi không cần ai!'
Nếu nói
được ba câu ấy một cách thành thực, nếu ba câu nói phát xuất từ đáy lòng thì sẽ
có một sự chuyển hóa nơi người kia. Chắc chắn là như vậy. Và nhờ cách hành xử
đó mà ta sẽ khuyến khích được người kia cùng tu tập. Người kia sẽ tự nhủ:
"Anh ấy còn chung thủy với mình, anh ấy giữ lời phát nguyện. Anh ấy đang cố
gắng thì mình cũng phải cố gắng mới được."
Vậy thì chăm sóc tự
thân tức là chăm sóc người thương. Có khả năng thương mình mới có khả năng
thương người khác. Nếu bạn không chăm sóc bản thân, không hạnh phúc, không an lạc
thì làm sao bạn có thể làm cho người khác hạnh phúc, an lạc? Làm sao bạn có thể
giúp đỡ người kia và có thể thương yêu? Khả năng thương yêu người khác hoàn
toàn tùy thuộc vào khả năng thương yêu, chăm sóc chính bản thân bạn.
Chữa Trị Em Bé Bị Thương Tích Trong Ta
Rất nhiều
người trong chúng ta đang có một em bé bị thương tích ở trong mình.
Thương tích đó có thể là do cha hay mẹ truyền lại. Cha hay mẹ cũng có thể đã bị
thương tích khi còn nhỏ. Vì cha mẹ ta không biết cách chữa trị em bé bị thương
tích của thời ấu thơ cho nên đã truyền lại thương tích ấy cho ta. Nếu ta không
biết cách chữa trị cho em bé bị thương tích trong ta thì ta sẽ trao truyền những
thương tích ấy cho con, cho cháu. Vì vậy mà ta phải trở về với em bé bị thương
tích trong ta mà tìm cách chữa trị.
Em bé bị
thương tích trong ta rất cần được ta lưu tâm. Từ sâu thẳm của tâm thức ta, em
bé mời gọi ta chú ý. Nếu có chánh niệm ta sẽ nghe được tiếng kêu cứu của em và
ta sẽ trở về ôm ấp em bé thương tích trong ta "Thở vào, tôi sẽ trở về với
em bé bị thương tích trong tôi. Thở ra, tôi sẽ chăm sóc em bé bị thương tích
trong tôi."
Muốn
chăm sóc bản thân, ta phải trở về chăm sóc em bé thương tích trong ta. Mỗi ngày
ta phải thực tập trở về với em. Phải ôm ấp em trong nâng niu, hiền dịu như người
anh cả, người chị cả. Hãy thì thầm tâm sự với em bé bị thương tích ấy. Bạn có thể viết vài
ba trang thư cho em để nói cho em biết rằng bạn biết là em đang có đó và hứa
sẽ chăm sóc thương tích của em.
Khi nói
đến hạnh lắng nghe với tâm từ bi, ta cứ nghĩ rằng lắng nghe chỉ là lắng
nghe một người khác. Nhưng ta cũng phải lắng nghe em bé bị thương tích trong ta
nữa.
Em bé bị
thương tích có mặt trong ta ngay trong giây phút này đây. Và ta có thể chữa
lành em bé ngay trong giây phút này.
"Này em bé bị thương tích. Tôi đang có mặt cho em và đang lắng nghe
em. Em hãy nói cho tôi nghe tất cả niềm đau nỗi khổ của em.
Tôi
đang lắng nghe em chăm chú." Nếu bạn bỏ ra năm mười phút mỗi ngày lắng
nghe em bé thì sự chữa trị sẽ có kết quả. Mỗi khi dạo chơi cảnh đẹp đồi cao bạn
hãy mời em bé cùng dạo chơi. Mỗi khi ngắm ánh chiều tà rực rỡ bạn hãy mời em bé
cùng ngắm. Làm như vậy trong vài tuần hay vài tháng thì thương
tích trong em bé lần lần sẽ được chữa lành. Đó là diệu dụng của năng lượng
chánh niệm.
Thích Nhất Hạnh
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/tac-phm/130-gin/771-gin-chng-02-dp-tt-la-gin?start=4