Giận 7
Thích
Nhất Hạnh
Người
làm vườn sử dụng phân xanh (compost) sẽ không bao giờ vất bỏ rác. Người ấy biết
rằng rác là cần thiết để biến đổi thành phân xanh, nhờ đó mà có được rau cải,
hoa trái. Trên đường thực tập, bạn cũng là một người làm vườn đang sử dụng
phương pháp hữu cơ.
Cơn giận
và tình yêu cũng có tính chất hữu cơ nghĩa
là cả hai đều có thể thay đổi. Bạn hẳn đã biết tình yêu có thể biến
thành thù hận. Tình yêu lúc ban đầu thì rất cao đẹp, rất nồng ấm.
Tưởng chừng như nếu xa người mình yêu thì không thể nào sống nổi. Nhưng nếu
không thực tập chánh niệm thì chỉ cần một năm, hai năm là tình yêu lý tưởng ấy
có thể biến thành thù hận. Sống với nhau không chịu nổi được nhau và chỉ còn một
con đường là ly dị. Tình yêu đã biến thành thù hận, bông hoa đã biến thành rác.
Nhưng với năng lượng chánh niệm ta có thể nhìn rác và nói: "Ta không sợ.
Ta có khả năng chuyển rác lại thành hoa, chuyển thù hận lại thành yêu thương."
Nếu bạn
khám ra một vài cọng rác trong tâm như sợ hãi, tuyệt vọng, thù hận chẳng hạn
thì đừng có hoảng sợ. Như một nhà
làm vườn giỏi, như một hành giả tu tập vững bạn có thể đối diện với rác trong bạn.
"Tôi ý thức là đang có rác trong
tôi. Tôi sẽ chuyển đổi rác ấy thành phân xanh để vun bón cho thương yêu được
phục hồi."
Những
ai tin tưởng vào pháp môn tu tập sẽ
không bao giờ chạy trốn khi gặp khó khăn trong liên hệ của cuộc sống. Khi
đã nắm vững phép tu theo dõi hơi thở, bước chân chánh niệm, đi, đứng, nằm, ngồi,
ăn uống trong chánh niệm ta có thể chế tác năng lượng chánh niệm để ôm ấp sân hận,
tuyệt vọng trong ta. Chỉ cần ôm ấp thôi cũng đã đủ thoa dịu. Sau đó, trong khi
vẫn tiếp tục ôm ấp ta sẽ quán chiếu sâu sắc vào bản chất của tâm sân hận trong ta.
Vậy thì
phép thực tập gồm có hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là ôm ấp và nhận diện.
"Sân hận của ta ơi! Ta biết ngươi có đó. Ta sẽ chăm sóc ngươi cẩn thận."
Giai đoạn thứ hai là quán chiếu bản chất của cơn giận để tìm hiểu vì sao mà nó
phát khởi.
Chăm Sóc Em Bé Sân Hận
Chúng
ta phải như là một bà mẹ luôn luôn lắng nghe tiếng con khóc. Một bà mẹ ở trong bếp nghe tiếng con khóc
liền buông bỏ tất cả để chạy vào phòng
con. Dầu đang nấu một nồi canh ngon bà cũng bỏ đó mà đến với em bé. Sự hiện
diện của bà mẹ đầy ấm áp, lo lắng, dịu hiền giống như những tia ấm mặt trời. Việc
trước nhất là bà ẵm em bé lên và ôm em vào lòng. Khi bồng con, ôm ấp con, năng
lượng yêu thương của mẹ thấm vào cơ thể con và thoa dịu con.
Đây
chính là điều mà chúng ta phải thực tập khi
cơn giận bắt đầu xuất hiện trong ta. Phải buông bỏ tất cả những gì đang làm
bởi vì điều quan trọng nhất lúc này là trở về với thân tâm mà chăm sóc em bé
sân hận. Không có gì cấp thiết hơn là việc chăm sóc em bé sân hận trong ta.
Hãy nhớ
lại hồi thơ ấu, khi chúng ta bị sốt. Mặc dầu đã được cho uống bao nhiêu thuốc
nhưng không có gì làm cho ta cảm thấy khỏe khoắn hơn cho đến khi mẹ vào đặt tay lên trán. Dễ chịu làm sao! Bàn tay mẹ
như bàn tay thiên thần. Bàn tay chuyền mát dịu và thương yêu vào cơ thể. Bàn
tay của mẹ chính là bàn tay của bạn hôm nay. Nếu có chánh niệm, nếu thực tập
hơi thở có ý thức bạn sẽ nhận ra rằng bàn tay của mẹ vẫn đang còn sống động
trong bàn tay mình. Rồi nếu bạn đặt tay mình lên trán thì đó chính là bàn tay của
mẹ với bao thương yêu dịu hiền. Khả năng thương yêu, dịu hiền của mẹ vẫn còn đó
trong bạn ngày hôm nay.
Mẹ ẵm
em bé trong tay với tất cả chánh niệm, chú tâm. Em bé sẽ cảm thấy an ổn vì được
mẹ ấp ủ, như một bông hoa dưới ánh mặt trời. Nhưng mẹ không phải chỉ ẵm em bé
mà thôi mà còn để ý tìm xem có gì xảy ra cho em bé, và mẹ đã tìm ra rất nhanh,
nhờ tình thương, nhờ tài ba của mẹ. Mẹ quả thật là một chuyên gia giỏi chăm sóc
em bé.
Là một
hành giả thiền tập chúng ta cũng phải là những chuyên gia giỏi chăm sóc cơn giận.
Chúng ta phải chăm sóc sân hận, phải thực tập cho đến khi chúng ta hiểu rõ nguồn
gốc và vận hành của tâm sân hận trong ta.
Ôm Ấp Em Bé
Khi bồng
em bé trong tay bà mẹ khám phá ra một cách dễ dàng lý do vì sao mà em bé khóc
(nóng sốt, đói sữa hay ướt tã) và biết ngay là cần phải làm gì để cho em bé êm
trở lại.
Chúng
ta cũng vậy. Để đối trị với cơn giận ta phải ôm ấp cơn giận như bà mẹ ôm ấp em
bé. Ta theo dõi hơi thở, đi thiền hành để ru dịu cơn giận. Năng lượng chánh niệm
sẽ thấm vào cơn giận cũng như năng lượng của bà mẹ thấm vào em bé. Và cũng như
bà mẹ ta biết ngay là cần phải làm gì để
cho cơn giận êm dịu. Chẳng có gì khác. Nếu biết thực tập hơi thở, nụ cười
chánh niệm và bước chân chánh niệm thì chắc chắn là ta sẽ phục hồi bình an
trong vòng năm, mười, mười lăm phút.
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/tac-phm/130-gin/771-gin-chng-02-dp-tt-la-gin?start=2