Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

DẬP TẮT LỬA GIẬN

Giận 5
Thích Nhất Hạnh

Cứu Căn Nhà Cháy

Khi ai làm cho ta giận thì ta khổ. Ta muốn nói một câu hay làm một việc gì đó để cho người kia khổ, nghĩ rằng làm như thế thì ta sẽ bớt khổ. Ta tự bảo: "Tôi muốn trừng phạt anh. Tôi muốn làm cho anh đau khổ vì anh đã làm cho tôi đau khổ. Thấy anh đau khổ tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn."


Rất nhiều người có xu hướng hành động một cách trẻ con như vậy. Sự thật là khi ta làm cho người kia đau khổ thì người ấy sẽ trả đũa bằng cách làm cho ta đau khổ thêm. Kết quả là leo thang đau khổ cho cả hai bên. Đáng lẽ ra thì cả hai bên đều cần tình thương, cần giúp đỡ. Không ai đáng bị trừng phạt cả.

Khi ta giận, khi một ai đó làm cho ta giận thì ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình. Không nên nói gì hết. Không nên làm gì hết. Khi đang giận mà nói năng hay hành động thì chỉ gây thêm đổ vỡ mà thôi.

Phần lớn chúng ta không làm được điều đó. Chúng ta không muốn trở về với tự thân. Chúng ta chỉ muốn theo đuổi người kia để trừng phạt.

Nếu một cái nhà đang cháy thì việc trước nhất phải làm là chữa cháy căn nhà chứ không phải chạy theo đuổi bắt người đốt nhà. Nếu chỉ lo chạy theo người mà ta nghi là đã đốt nhà thì căn nhà sẽ cháy rụi trong khi ta chạy theo đuổi bắt người kia. Như thế là không khôn ngoan. Phải trở về dập tắt lửa trước đã. Vậy thì khi giận, nếu tiếp tục đối đầu, tranh cãi với người làm cho ta giận, nếu chỉ muốn trừng phạt người ấy thì ta đã hành động y như người chạy theo người đốt nhà trong khi căn nhà của ta đang bốc lửa.


Dụng Cụ Chữa Lửa

Bụt cho chúng ta nhiều dụng cụ rất hữu hiệu để dập tắt ngọn lửa đang thiêu đốt tâm ta. Đó là hơi thở chánh niệm. Đó là bước đi chánh niệm. Đó là thực tập ôm ấp sân hận, quán chiếu tri giác. Đó là phương pháp nhìn sâu vào người đã làm ta giận để nhận ra rằng người kia cũng đang đau khổ và cần được giúp đỡ. Những phương pháp trên đây rất thực tế và do chính đích thân Bụt dạy.

Hơi thở có ý thức là khi thở vào thì biết mình thở vào, biết là không khí đang đi vào cơ thể, khi thở ra thì biết là thở ra, biết là không khí đang đi ra khỏi cơ thể. Thở như thế thì tiếp xúc được với cả không khí và cơ thể đồng thời cũng tiếp xúc được cả với tâm bởi vì tâm đang tập trung chú ý vào hơi thở. Chỉ cần một hơi thở có ý thức là có thể trở về tiếp xúc với thân, tâm và những gì đang xẩy ra chung quanh. Chỉ cần ba hơi thở có ý thức là có thể duy trì được sự tiếp xúc đó.

Khi ta không đứng, không ngồi, không nằm thì ta đi. Nhưng mà ta đi đâu? Ta đã tới! Mỗi bước chân có thể đem ta về với giây phút hiện tại. Mỗi bước chân có thể đưa ta tiếp xúc với Tịnh Độ, tiếp xúc với Nước Chúa. Khi đi từ góc phòng này đến góc phòng kia, từ căn nhà này đến căn nhà kia, ta phải ý thức từng bước đi, ý thức bàn chân đang tiếp xúc với mặt đất, theo dõi hơi thở, theo dõi không khí vào ra cơ thể theo mỗi bước chân. Như thế chúng ta có thể đếm biết ra rằng ta đã bước thoải mái được bao nhiêu bước trong một hơi thở vào hay một hơi thở ra. Khi thở vào ta nói thầm "vào", khi thở ra ta nói thầm "ra". Như thế ta thực tập suốt ngày. Đây là một thực tập luôn luôn có sẵn và nhờ đó mà có thể thay đổi cả cuộc sống.

Có nhiều người chỉ ưa đọc sách nói về các truyền thống tâm linh, chỉ ưa lễ nghi hình thức mà ít khi thực tập các giáo lý đã dạy. Giáo lý của bất cứ truyền thống tâm linh nào cũng có thể chuyển hóa với điều kiện là phải đem ra mà thực tập. Thực tập như trên thì ta có thể 'biến hầm lửa thành hồ sen.' Và như thế không những có thể chấm dứt đau khổ trong ta mà còn là một nguồn vui tươi hạnh phúc cho những người chung quanh.
          www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/tac-phm/130-gin/771-gin-chng-02-dp-tt-la-gin