Giận 4
Tâm sân
hận được nuôi dưỡng không phải chỉ bằng các thức ăn mà còn bằng những gì ta
tiêu thụ qua mắt, tai, và ý thức. Như vậy tiêu thụ những sản phẩm văn hóa cũng
có liên hệ tới tâm sân hận. Cho nên hoạch định một đường lối tiêu thụ là rất
quan trọng.
Tất cả
những gì ta đọc trong báo chí, xem trên truyền hình đều có thể độc hại vì có thể
chứa đầy những yếu tố sân hận, bức xúc. Một cuốn phim trên màn ảnh, cũng như một
miếng thịt bò, có thể chứa đầy sân hận. Báo chí cũng như chuyện trò cũng có thể
chứa đầy sân hận.
Đôi khi
vì cảm thấy trống trải mà ta chuyện trò. Nhưng chỉ nội trong một giờ những lời
nói của người kia có thể đưa vào tâm thức ta rất nhiều độc tố. Nếu ta tiêu thụ
quá nhiều độc tố sân hận thì một ngày nào đó sân hận sẽ phát hiện. Vì vậy cho
nên tiêu thụ cho có chánh niệm là một điều rất quan trọng. Khi nghe tin tức
hay đọc một bài báo, khi bàn luận một vấn đề gì với người khác cũng có thể là
ta đang tiếp nhận những độc tố như khi ta ăn uống thiếu chánh niệm.
Ăn Cho
Đúng Và Ăn Ít Lại
Có nhiều
người ăn thật nhiều để quên đi buồn phiền, trầm cảm. Nhưng ăn nhiều quá sẽ gây
hại cho bộ phận tiêu hóa và sân hận dễ phát khởi. Ăn nhiều quá sẽ tạo ra quá
nhiều năng lượng. Nếu không biết xử lý thì năng lượng ấy có thể biến thành năng
lượng của sân hận, tình dục và bạo động.
Khi ăn
đúng thì có thể ăn ít lại. Chúng ta chỉ cần phân nửa số lượng thực phẩm tiêu thụ
hằng ngày. Muốn ăn cho đúng thì nên nhai ít nhất là năm mươi lần trước khi nuốt.
Khi ăn thật chậm, nhai thật kỹ thì thức ăn trong miệng sẽ nhừ nát và dễ tiêu,
các chất bổ dưỡng sẽ dễ thấm vào cơ thể. Như thế tuy ăn ít mà lợi cho cơ thể
còn hơn là ăn nhiều mà không tiêu hóa.
Ăn là một
thực tập sâu sắc. Khi tôi ăn, tôi tận hưởng từng miếng ăn. Tôi ý thức rõ rệt từng
miếng ăn trong miệng tôi, tôi ý thức là tôi đang ăn. Chúng ta thực tập chánh niệm
về ăn uống bằng cách ý thức rõ là ta đang nhai thức ăn. Nhai thật cẩn thận,
nhai với niềm vui trong lòng, thỉnh thoảng dừng lại để nhìn những người thân, bạn
bè, tăng thân đang cùng ngồi ăn. Được ngồi thảnh thơi ăn chung với nhau là một
niềm vui lớn. Khi ăn trong chánh niệm chúng ta sẽ không ăn trong buồn, giận, lo
lắng, không ăn những dự án tương lai. Ăn những thức ăn do những người khác nấu
trong thương yêu là một niềm vui lớn.
Khi miếng
ăn được nhai càng nhuyễn thì hương vị của miếng ăn càng đậm đà và sẽ ngon gấp bội. Bạn
thử tập ăn như vậy một lần đi. Hãy ý thức mỗi cái nhai. Ngay cả khi chỉ nhai một
miếng bánh mì cũng vậy. Không cần phải có bơ hay mức ngọt (jelly) kèm theo mà
cũng đã rất ngon. Bạn có thể dùng thêm một ít sữa. Tôi không bao giờ uống sữa.
Tôi nhai sữa. Sau khi bỏ miếng bánh vào miệng và nhai trong chánh niệm vài lần
tôi múc một muỗng sữa cho vào miệng và tiếp tục nhai cẩn thận. Nên biết
rằng chỉ nhai bánh mì với một chút sữa như vậy mà ngon không biết chừng nào!
Bánh mì
và sữa khi đã được nghiền nát trong miệng đến loãng ra thì đã được tiêu hóa được
phần nửa rồi. Khi vào đến bao tử hay ruột thì sẽ tiêu hóa một cách dễ dàng. Bạn
sẽ có được rất nhiều niềm vui và tự do khi nhai thức ăn như thế. Ăn như thế thì
tự nhiên không cần ăn nhiều.
Khi lấy
thức ăn, nên coi chừng con mắt. Đừng quá tin vào con mắt. Chính con mắt
xúi giục ta lấy thật nhiều thức ăn. Chúng ta đâu có cần quá nhiều thức ăn. Nếu
biết ăn trong chánh niệm và niềm vui thì chỉ cần phân nửa thức ăn mà mắt chúng
ta xúi ta lấy. Xin mời bạn thử đi một lần. Nhai một miếng khoai tây, cà-rốt,
hay nhai một miếng bánh mì với sữa đơn sơ như vậy có thể là một bữa ăn ngon nhất,
trong đời. Mầu nhiệm vô cùng.
Tại
Làng Mai, trung tâm thiền tập của chúng tôi tại Pháp, rất nhiều người trong
chúng tôi luôn luôn ăn như vậy, nhai rất
chậm rãi trong chánh niệm. Ăn như vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho thể xác và
từ đó cho phần tâm linh.
"Con
mắt lớn hơn bao tử".Phải biết tập trung năng lượng chánh niệm vào
đôi mắt để ý thức rõ rệt số lượng thức ăn cần dùng. Tiếng Trung Hoa dùng danh từ
'Ứng lượng khí (đồ dùng đựng vừa đủ)' để chỉ cái bình bát của các Thầy, Cô
trong chùa. Cái bình bát đó giúp giới hạn thức ăn. Lấy thức ăn đầy ngang miệng
bình là và đủ ăn. Nếu biết ăn uống trong chánh niệm thì sẽ thấy rằng chỉ cần một
phân nửa thức ăn mà mắt đang xúi giục ta gắp vào đĩa. Tập ăn ít lại có thể tiết
kiệm tiền để mua các thực phẩm hữu cơ và hỗ trợ các nhà trồng trọt hữu cơ. Điều
này mỗi chúng ta, mỗi gia đình đều có thể làm được.
Thực Tập
Chánh Niệm Giới Thứ Năm
Tất cả
chúng ta cần có một kế hoạch tiết thực (diệt) thông minh, trên căn bản của lý
tưởng thương yêu và phụng sự. Năm phép Thực Tập Chánh Niệm (Năm Giới Quý Báu)
là con đường thoát khổ cho nhân loại và cho riêng mỗi cá nhân. (xem phụ bản A).
Quán
chiếu sâu sắc vào cách tiêu thụ là mục đích của phép Thực Tập Chánh Niệm Giới
Thứ Năm. Vì ý thức đau khổ do tiêu thụ thiếu chánh niệm gây nên cho nên chúng
ta nguyện:
". . . . xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng
cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ
tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia
đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy,
không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm
truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. . ."
Nếu muốn
chăm sóc tâm sân hận, bực bội, tuyệt vọng thì phải áp dụng Thực Tập Chánh Niệm
Giới Thứ Năm này vào đời sống. Nếu uống rượu mà có chánh niệm thì sẽ thấy rằng
rượu tạo ra đau khổ. Rượu gây tật bệnh cho cơ thể và gây nên tai nạn chết người.
Chế tạo rượu cũng gây nên đau khổ. Dùng các loại ngũ cốc để chế ra rượu có thể
tạo ra nạn thiếu thực phẩm trên thế giới. Ăn uống có chánh niệm đem lại những
tuệ giác có khả năng giải phóng như thế.
Hãy bàn
thảo với những người thân trong gia đình, kể cả với các cháu còn nhỏ tuổi, về một
đường lối tiêu thụ. Các cháu tuy còn nhỏ nhưng có thể hiểu vấn đề này và chúng
ta nên cho các cháu tham dự bàn thảo. Cả nhà sẽ cùng nhau quyết định nên ăn gì,
uống gì xem những chương trình truyền hình nào, chuyện trò về những đề mục nào.
Làm như thế là để tự bảo vệ.
Chúng
ta không thể nói tới tâm sân hận, không thể luận về cách thức đối trị tâm sân hận
mà không chú ý đến những gì mà chúng ta đang tiêu thụ, bởi vì tâm sân hận có
liên hệ chặt chẽ với những gì mà chúng ta đang tiêu thụ. Hãy thảo luận
với cộng đồng về một đường lối tiêu thụ có chánh niệm. Tại Làng Mai chúng tôi nỗ
lực để tự bảo vệ. Chúng tôi không tiêu thụ những gì có thể nuôi lớn tâm sân hận,
bực bội và sợ hãi. Trong mục đích tiêu thụ cho có chánh niệm, hãy thường xuyên
thảo luận về những gì chúng ta ăn, cách thức chúng ta ăn uống, làm sao để bớt
mua sắm, làm sao để chỉ tiêu thụ những thức ăn tốt cho cả thân lẫn tâm.