Bách khoa toàn thư mở
Wikipedia
Mật tông (zh. 密宗 mì-zōng) là từ gốc Hán dùng để gọi pháp
môn bí mật bắt nguồn từ Phật giáo Đại thừa, được hình thành vào khoảng
thế kỷ thứ 5, 6 tại Ấn Độ. Có một số ý kiến cho rằng có sự đồng nhất giữa tên gọi
Mật Tông với Kim cương thừa (Vajrayāna).
Tuy nhiên, tên gọi
Kim Cương Thừa chỉ thấy xuất phát từ Tây Tạng, còn các nguồn kinh điển Hán tạng
xưa không đề cập đến tên gọi này. Vấn đề này có thể thấy rõ qua nét khác biệt của
hai đường lối tu giữa hai trường phái.
Mật Tông xuất phát
từ Trung Quốc sử dụng sự kết hợp giáo nghĩa của cả hai Kim Cương Giới và Thai Tạng
Giới, trong khi đó Mật Tông Tây Tạng hiếm khi đề cập đến Thai Tạng Giới và Kinh
Đại Nhật.
Mật Tông du nhập
vào Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ 7 và thịnh hành vào thế kỷ thứ 8 với sự xuất
hện của ba vị Cao tăng Ấn Độ sang truyền pháp là Thiện Vô Uý (zh. 善無畏, sa.
śubhākārasiṃha; 637-735), Kim Cương Trí (zh. 金剛智, sa. vajrabodhi;
663-723) và Bất Không Kim Cương (zh. 不空金剛, sa. amoghavajra;
705-774).
Ba ngài được tôn
vinh là Khai Nguyên Tam Đại Sĩ. Thiện Vô Uý, được phong Quốc sư, là người dịch
Đại Nhật kinh (sa. mahāvairocana-sūtra), kinh căn bản của tông này, ra chữ Hán
với sự hỗ trợ của Sư Nhất Hạnh. Dòng truyền thừa vào Trung Quốc xuất phát từ
trung tâm Phật học Na Lan Đà. Cả 3 Ngài: Kim Cang Trí, Thiện Vô Úy và Bất Không
từng được Sư Long Trí (là đệ tử của Ngài Long Thọ) truyền pháp.
Pháp môn này truyền
vào Tây Tạng muộn hơn Trung Quốc, vào khoảng cuối thế kỷ thứ 8 bởi Đại Sư Liên
Hoa Sinh và tại đây Kim cương thừa đã hòa nhập với Phật giáo Đại
thừa sẵn có của Tây Tạng và được gọi là Lạt Ma giáo. Ở Tây Tạng,
đệ tử chỉ được thu nhận vào Mật tông thông qua một nghi lễ khai ngộ
(initiation) đặc biệt được tiến hành bởi một lạt ma có tên tuổi. Mật tông cũng chủ trương sự tự giác ngộ thông qua việc thiền định (meditation) và niệm chân ngôn (mantra). Dòng truyền thừa vào Tây Tạng xuất phát từ
trung tâm Phật học Vikramasila.
Mật tông du nhập
vào Nhật Bản vào khoảng cuối thế kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9 bởi Hoằng Pháp Đại
Sư Không Hải (zh. 空海, ja. kūkai). Sư đã đi sang Trung Quốc tầm sư học đạo và
làm môn đệ của Đại sư Huệ Quả, một môn đệ của Bất Không. Sau khi về nước và lập
ra trường phái Chân ngôn tông (ja. shingon-shū) rất hưng thịnh và là một
trong những tông phái quan trọng của nền Phật giáo Nhật Bản.
Các yếu tố quan trọng
của Mật tông là phép niệm chân ngôn, phép bắt ấn (sa. mudrā) và sử dụng Mạn-đồ-la cũng như
các lần Quán đỉnh (zh. 灌頂, sa. abhiṣeka). Mật tông là giáo pháp mà sư phụ truyền cho học trò bằng lời (khẩu quyết) và đó là lí do mà Mật tông không được truyền
bá rộng rãi. Mật Tông tại Trung Quốc rất thịnh hành vào đời Đường, nhưng dần dần
thoái trào và về sau này thì tuởng như suy vi hẳn. Thật ra, sau này do nhiều
pháp sư lạm dụng sự huyền bí của chơn ngôn nên mật tông dần co cụm lại và truyền
thụ cho những nguời có duyên với pháp môn này.
Tại Việt Nam, hiện
có khá nhiều đạo tràng tu tập thiền tông khế hợp với mật tông. Có nhiều tác giả
dịch thuật những bài kinh thuộc tạng kinh mật giáo như Thích Thiền Tâm, Thích
Viên Đức, Thiền sư Nhẫn Tế v.v., ngoài ra còn có những vị tu theo mật pháp như Tịnh
Danh Pháp Chủ, Nhật Quang, Phương Nghi Huyền Thạch công, Kim Cang Sư Thích Minh
Đức v.v. Những tự viện từng theo pháp tu mật tông như chùa Tây Tạng (Bình
Dương), Tịnh viện Hải Triều Âm (Đại Ninh)..
http://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%ADt_t%C3%B4ng