Các phương thuốc của thế giới này,
đa dạng và nhiều vô kể,
Thế nhưng chẳng có một phương thuốc nào có thể sánh với Đạo
Pháp.
Vì thế, này các tỳ kheo, hãy cầm bát thuốc lên mà uống.
Uống bát thuốc Đạo Pháp,
sẽ không còn tuổi tác nữa, sẽ vượt sang bên kia cái chết,
và sẽ khơi động và quán thấy được sự thật,
Này các tỳ kheo, đấy là cách giúp cho hết khát,
và sẽ giải thoát khỏi cái khát.
Đức Phật
Lời giới thiệu của người dịch: Trong một quyển sách nhỏ mang tựa
đề "Phật Giáo nhập môn" (ABC du Bouddhisme, nhà xuất bản Grancher,
2008), tác giả Fabrice Midal đã dành một chương để trình bày về vấn đề Đạo Đức
và các Giới Luật trong Phật Giáo. "Tam giới" hay "ngũ giới"
là những gì khá sơ đẳng và "quen thuộc" ít nhất là đối với những
người tu tập đang bước trên Con Đường, thế nhưng dưới ngòi bút của Fabrice
Midal chúng ta cũng sẽ khám phá ra một vài góc nhìn thật mới lạ. Dưới đây là
phần chuyển ngữ toàn bộ chương III (tr. 43-59) của quyển sách, trình bày về chủ
đề này. Người dịch cũng xin mạn phép được ghép thêm một vài lời ghi chú với hy
vọng nhằm giúp người đọc dễ theo dõi hơn ý của một vài câu trong bản gốc. Các
ghi chú này sẽ được trình bày bằng chữ nghiêng và được đặt trong hai dấu ngoặc.
*****
Phật Giáo có khuyến khích đạo đức hay không, và nếu có thì các
nguyên tắc của đạo đức ấy là gì?
Câu hỏi trên đây có vẻ thật đơn giản thế nhưng thực ra thì vô
cùng phức tạp. Vậy trước hết theo chúng ta thì đạo đức là gì ?
Đối với cơ sở triết học siêu hình Tây Phương cũng như đối với
các tôn giáo dựa vào Kinh Thánh thì đạo đức là sự tùng phục các tiêu chuẩn mang
tính cách siêu nhiên, chẳng hạn như về cái xấu hay cái tốt do Thượng Đế quy
định hay là do lý trí áp đặt.
Phật Giáo không hề chủ trương một khái niệm nào tương tự như
thế.
Thật ra có thể nói đấy là cách giúp chúng ta biết cư xử một cách
đúng đắn. Các lời kinh trong Phật Giáo không phải là các giới luật được thiết
đặt sẵn hay các sắc luật ghi trên các tấm bảng biểu trưng cho luật pháp (ý muốn
nói đến các tấm bảng bằng đá ghi khắc luật pháp của các tôn giáo dựa vào Kinh
Thánh). Các lời dạy của Đức Phật không phải là những phán lệnh của một vị Trời
độc tôn, bất biến, toàn năng và sáng tạo ra tất cả. Luân lý Phật Giáo hoàn toàn
độc lập với bất cứ một ý chí tối thượng hay một cách hành xử thiêng liêng nào.
Luân lý Phật Giáo được xây dựng dựa vào sự quan sát phương cách mà chúng ta
đang sống, và mỗi con người trong chúng ta đều có thể làm được việc ấy (có
nghĩa là mỗi người trong chúng ta phải tự nhìn lại mình, quán xét hành động của
chính mình và tạo cho mình một cách hành xử phù hợp với luân thường đạo lý).
Theo một cách hiểu nào đó, nếu xem Phật Giáo như là một thứ giáo
điều (doctrine) thì tức khắc chúng ta sẽ phải đối đầu với một sự bế tắc không
lối thoát (nếu xem Phật Giáo là một giáo thuyết với các giáo lệnh được quy định
sẵn, thì luân lý Phật Giáo không thể mang tính cách tự nguyện được, vì đấy sẽ
là một sự nghịch lý). Vậy thì có một hình thức Phật Giáo chính thống hay nguyên
thủy nào tương tự như Ki-tô Giáo hoặc Hồi Giáo hay không?
Nhất định là không!
Điểm then chốt chính là chỗ đó. Nếu Phật Giáo trở thành một giáo
thuyết với các lề luật và quy tắc được quy định sẵn, thì đấy sẽ là cách mà Phật
Giáo tự chối bỏ mình. Chúng ta (những người Phật Giáo) không nên tìm kiếm một
nền tảng đạo đức dưới hình thức giáo điều để theo đó mà nhắm mắt tuân thủ.
Chúng ta phải tự quán xét xem mình đang làm gì, đang mong ước điều gì và đang
sống như thế nào...
Đạo đức chỉ có thể phát sinh từ đáy lòng của mỗi con người nhằm
giúp chúng ta hòa nhập một cách tuyệt đối với một thực tại đúng như thế, bằng
một sự mở rộng thật kiên quyết của lòng mình.
Những lời mà Đức Phật đã nói lên sở dĩ luôn giữ được sự sinh
động cho đến ngày nay cũng vì đấy là những lời dành cho chúng ta, bảo vệ chúng
ta và khiến cho chúng ta phải xúc động (những lời khuyên bảo của Đức Phật vang
lên trong lòng mình khiến cho mình phải xúc động thì cũng chẳng khác gì như Đức
Phật đang dạy bảo mình, khuyên nhủ con tim của chính mình trong ngày hôm nay và
trong những giây phút này, và đấy chính là sự sống động trong những lời giáo
huấn của Đức Phật. Sự sống động đó chính là căn bản của Đạo Đức Phật Giáo, và
nhất thiết đấy không phải là một cơ cấu luân lý áp đặt, mang tính cách tuyệt
đối và bất di dịch). Nếu nhìn theo góc cạnh đó thì nhất định sẽ không có gì phi
lý hơn là cách cố tình thiết lập một căn bản lý thuyết nhằm dựa vào đó để tạo
dựng một nền móng đạo đức Phật Giáo.
Tất cả các vấn đề đạo đức mà thế giới Tây Phương thường mang ra
tranh cãi - chẳng hạn như các vấn đề tình dục (đồng tính luyến ái, bao cao-su,
thuốc ngừa thai, v.v...), tự tử, gây chết bằng các phương tiện y khoa để tránh
đau đớn (euthanasia), các thái độ hành xử trong xã hội (comportement social /
social behavior)... - không mang cùng ý nghĩa với tinh thần Phật Giáo (các xã
hội Đông Phương ngày nay thật ra cũng đã bị thu hút bởi các giá trị vật chất
của thế giới Tây Phương và cũng ôm luôn cả các vấn đề đạo đức không lối thoát
và đôi khi rất phi lý mà không hề hay biết). Động cơ thúc đẩy và sự cảnh giác
trong tâm thức của mỗi cá nhân con người nhằm ứng xử với từng bối cảnh cá biệt
xảy ra vào một thời điểm nhất định, sẽ quan trọng hơn nhiều so với cách chỉ
biết tìm kiếm một giải pháp bất di dịch. Phật Giáo không phải chỉ biết nhấn
mạnh đến tính cách tương đối của mọi hiện tượng (tính cách vô thường và ảo giác
của mọi hiện tượng biểu trưng cho một sự thật tương đối) mà còn nêu cao giá trị
cá biệt nơi mỗi con người trong từng tình huống. Đối với Phật Giáo thì luân lý
chỉ mang tính cách tạm thời và chắp vá, luôn tìm cách để thích ứng với chuỗi
dài lôi kéo bất tận giữa hành động và hậu quả. Thật thế, nếu tìm cách cụ thể
hóa cái chuỗi dài liên kết đó để biến nó trở thành một thứ gì cứng nhắc thì quả
thật đấy sẽ chỉ là một chuyện hoài công.
Trên đây là những gì cho thấy Đức Phật khác hẳn với các vị sáng
lập ra các tôn giáo khác. Moses (vị sáng lập ra Do Thái Giáo) cho khắc Luật
Pháp vào một tấm đá và dân tộc của Ngài phải theo đó mà tuân thủ, nếu vi phạm
vào đấy thì sẽ bị Trời trừng phạt (xin ghi chú thêm là tác giả lớn lên trong
một gia đình Do Thái Giáo). Toàn bộ tập thể xã hội phải trung thành với Luật
Pháp đó.
Viễn ảnh mà Đức Phật mở ra thì lại hoàn toàn khác hẳn. Đức Phật
đã làm gương cho chúng ta noi theo để tự nhìn lại mình và biến cải lấy mình.
Đạo đức Phật Giáo luôn gắn liền với thiền định như thế nào?
Muốn thấu triệt ý nghĩa của đạo đức Phật Giáo là gì thì nhất
thiết phải ý thức được là nền tảng đạo đức đó không thể tách rời ra khỏi thiền
định, tức có nghĩa là chúng ta phải hành xử như thế nào để giữ cho sự an bình
luôn sinh động trong con tim của mình.
Đối với chúng ta (những người Tây Phương) thì luân lý giữ vai
trò quy định các lề lối hành xử mà chúng ta phải noi theo. Thế nhưng trên
phương diện thực hành thì lại không hề bảo cho chúng ta biết là phải làm như
thế nào. Chẳng hạn như dạy cho trẻ con và lứa tuổi vị thanh niên phải tuân thủ
một số các quy tắc nào đó, thế nhưng lại không giải thích cho chúng hiểu là sự
tuân thủ đó nhất thiết phải phát xuất từ chính nội tâm của chúng (thí dụ chúng
ta dạy bảo trẻ con không được giết hại thú vật, thế nhưng lại không giải thích
cho chúng hiểu đấy là cách giúp chúng biết kính trọng và yêu thương sự sống, và
đấy cũng là cách tập cho chúng biết phát động tinh thần bất bạo động).
Chúng ta (những người Tây Phương) không hề ý thức được là chúng
ta chỉ biết quan tâm đến khía cạnh lý thuyết của đạo đức để nhằm phân biệt nó
với thực hành, và đối với phần thực hành thì chúng ta lại chỉ xem đấy là cách
ứng dụng các nguyên tắc đã được thiết đặt từ trước bằng lý trí (tức là lý
thuyết).
Sự tách rời đó hoàn toàn xa lạ đối với Phật Giáo. Bởi vì theo
quan điểm của Phật Giáo thì bất cứ một tư duy nào không phát sinh từ kinh
nghiệm cảm nhận của con người tại nơi này và trong giây phút này đều nhất thiết
chỉ là một thứ tư duy lạc hướng (rơi ra ngoài hiện thực và mất hết giá trị
thiết thực của nó). Con đường của Đức Phật cho biết rằng chúng ta luôn bị che
khuất bởi các dấu vết lưu lại từ các sự tin tưởng quả quyết và các niềm tin sẵn
có của mình. Tìm cách thoát ra khỏi những thứ ấy - thì đấy mới là một thứ tư
duy sinh động! Trên phương diện ứng dụng nếu tư duy ấy không đủ sáng suốt hầu
giúp chúng ta đối phó với một cảnh huống xảy ra thì tư duy ấy cũng sẽ chỉ là
một thứ tư duy mù quáng và vô hiệu lực (thoát ra khỏi những sự quyết đoán và
các niềm tin sẵn có mới có thể mang lại cho mình những tư duy sinh động - tức
là sự tự do - thế nhưng các tư duy tự do đó nếu không hòa nhập được với các
kinh nghiệm cảm nhận của chúng ta trước hiện thực nhằm giúp chúng ta ứng xử một
cách thích nghi với mọi cảnh huống xảy ra thì các tư duy ấy dù là tự do nhưng
cũng chỉ là các tư duy mù quáng và rời xa hiện thực).
Đối với Đức Phật thì dù cho ta có hành động phù hợp với luân lý
đi nữa thế nhưng nếu trong lòng mang đầy oán hận và lo sợ thì đấy không phải là
một hành động đạo đức đích thật (dù bên ngoài là một hành động đạo đức thế
nhưng sự oán hận và lo sợ trong lòng sẽ in đậm dấu vết trên dòng tri thức của
mình để tạo ra nghiệp không tốt lành cho chính mình). Trái lại, đôi khi cũng
cần phải hành động một cách thô bạo, bất chấp các tiêu chuẩn luân lý thông
thuờng hầu có thể đáp ứng một cách thích đáng hơn với một cảnh huống xảy ra
(thí dụ như phản kháng thật quyết liệt nhằm chận đứng một hành động hung bạo để
bảo vệ sự công bằng và nhân đạo, hoặc để che chở cho một chúng sinh đang bị lâm
nguy chẳng hạn).
Vậy thì có những khác biệt nào giữa các giới luật đạo đức Phật
Giáo và các phán lệnh bất di dịch của luân lý Tây Phương, chẳng hạn như những
gì đã được triết gia Kant nêu lên và đã ăn sâu vào đời sống trong xã hội phương
Tây?
Đạo đức Phật Giáo gồm có năm giới luật, và trong số này thì ba
giới luật đầu tiên mang tầm quan trọng lớn hơn so với hai giới luật sau cùng.
Năm giới luật ấy như sau:
- Tránh không giết hại các sinh vật có giác cảm
- Tránh không trộm cắp
- Tránh không giao du tính dục gây ra phương hại
- Tránh không nói dối, không ăn nói ba hoa vô tích sự hay là nói
những lời vu khống
- Tránh không dùng những chất độc hại
Đạo đức Phật Giáo không đặc biệt chủ ý cấm đoán bất cứ một thứ
gì và cũng không bắt buộc phải giữ một thái độ nhất định nào, mà đúng hơn chỉ
khuyên chúng ta phải tránh một số thái độ hành xử nào đó. Các giới luật đạo đức
Phật Giáo không phải là các phán lệnh mang tính cách tuyệt đối và được thiết
lập dựa vào lý trí, và theo quan điểm của Kant (một triết gia người
Đức,1724-1804, sáng lập ra thuyết "lý tưởng siêu nhiên" -
transcendental idealism) thì các phán lệnh ấy đồng thời cũng là các bổn phận
mang tính cách thực dụng và có giá trị toàn cầu. Trái lại các giới luật đạo đức
Phật Giáo thì chỉ là các chuẩn mực được thiết đặt dựa vào sự quan sát về cuộc
sống con người. Theo Đức Phật thì con người cần phải biến cải tâm thức mình
tương tự như một nhà thể thao phải luyện tập cơ thể. Động cơ thúc đẩy chúng ta
trong quyết tâm đó chính là lòng mong muốn sao cho mình ngày càng biết xử thế
một cách nhân bản hơn trước mọi cảnh huống và trong từng giây phút một. Sự
quyết tâm đó chỉ có thể xuất phát từ nơi con người của chúng ta trong sự toàn
vẹn của nó - không phải chỉ dựa vào các cách suy nghĩ đạo đức, vào lý trí hay
luân lý là đủ.
Hầu hết những người bước theo con đường Phật Giáo đều tự nguyện
tuân thủ ba giới luật đầu tiên, hoặc tất cả năm giới luật, hoặc có thể là nhiều
hơn. Họ chọn một thời điểm nhất định nào đó trong ngày để ôn lại các giới luật
phải giữ (chẳng hạn như trước khi đi ngủ, vào buổi sáng khi thức dậy... phải
dành ra vài phút để nhớ đến các giới luật mà mình quyết tâm tuân thủ).
Tránh không sát sinh có nghĩa là gì?
Không sát sinh có nghĩa là không được phép tước đoạt sự sống của
bất cứ một sinh vật nào. Sát nhân tất nhiên phải bị cấm đoán (không thể chấp
nhận án tử hình trong một quốc gia thấm nhuần Phật Giáo) thế nhưng sự cấm đoán
đó cũng phải được tôn trọng đối với tất cả sinh vật từ các loài sinh vật có vú,
cho đến chim chóc, cá và cả các loại côn trùng. Đối với Phật Giáo, sự sống của
tất cả các loài sinh vật có giác cảm nhận biết được khổ đau đều phải được tôn
trọng. Chúng ta không được phép gây ra đau đớn cho bất cứ một sinh vật nào.
Đối với Đức Phật, sát sinh có nghĩa là cố tình tước đoạt sự sống
của một chúng sinh. Người tu hành phải tuân thủ một số giới luật do chính Đức
Phật đưa ra, và hơn thế nữa Ngài còn giải thích thật rõ ràng thế nào là một
hành động sát sinh:
- [Trước hết] phải có một sinh vật (sự hiện hữu đích thật của
một chúng sinh bên ngoài tâm thức)
- Chúng ta nhận biết là có một sinh vật (sự xuất hiện của một
đối tượng bên trong tâm thức)
- Chúng ta phát lộ ý định sát sinh (tác ý xuất hiện trong tâm
thức)
- Chúng ta giết con vật bằng cách sử dụng một phương pháp nào đó
(tác ý chuyển thành hành động)
Sở dĩ Đức Phật phân tích quá trình trên đây là để nhấn mạnh đến
vai trò của xung năng bên trong tâm thức thúc đẩy chúng ta hành động. Đấy là
cách nhắc nhở chúng ta luôn phải gia tăng sự cảnh giác, và phải hiểu rằng một
con côn trùng cũng là một sinh vật có giác cảm (être sentant, être sensible /
sensitive being / một chúng sinh biết đau đớn. Một vài kinh sách tiếng Việt
dịch chữ này từ tiếng Hán là "chúng sinh hữu tình" (?), thì đấy là
một cách dịch không đúng nghĩa) do đó chúng ta không được phép tước đoạt sự
sống của nó; và nếu ý thức được như thế thì đấy cũng sẽ đã là một cách tu tập.
Nếu trông thấy một con côn trùng bò đến gần mình (hay bám vào người mình) thì
đấy cũng không phải là một lý do để mà đương nhiên giết nó. Tránh không giết nó
sẽ giúp chúng ta ý thức được một cách thật minh bạch là chúng ta vừa phát động
được cả một cơ cấu vận hành (trong tâm thức mình) giúp mình không gây ra khổ
đau, và hơn nữa còn giúp mình không áp đặt uy quyền của mình lên bất cứ một thứ
gì.
Sát sinh là một hành động vô cùng hung bạo vì đấy là một hành
động hủy diệt hiện thực (sự sống của một sinh vật cũng là thành phần của hiện
thực và trong cái hiện thực đó cũng có sự sống của chính mình). Trong khi đó
con đường của Đức Phật lại là cách phải biết đón nhận hiện thực đúng như thế
(tức trong sự toàn vẹn của nó).
Tại sao lại không được trộm cắp?
Đức Phật dạy chúng ta không được lấy bất cứ gì mà người khác
không cho mình.
Hành động nghe người khác nói cũng đã là một cách cho thấy chúng
ta đang tiếp nhận rất nhiều thứ không thuộc của mình, tuy rằng không mấy khi
chúng ta ý thức được điều ấy. Đấy là cách mà chúng ta thường vơ quàng nhiều thứ
thuộc vào lãnh vực tình cảm và xem đấy là sở hữu của chính mình, đấy chẳng qua
cũng vì chúng ta bị thúc đẩy bởi các thứ ham muốn dưới các hình thức tình cảm
mà mình đang thiếu thốn hay không có.
Con đường của Đức Phật khuyên chúng ta nên can đảm nhìn thẳng
vào các thứ cảm tính ấy để hiểu rằng chúng phát sinh từ một sự thiếu tự tin
thật phi lý (chúng ta cần đến một số xúc cảm yêu thương chẳng hạn và chúng ta
tìm cách ôm lấy những thứ ấy từ bên ngoài để bù đắp cho sự thiếu thốn của mình,
và sở dĩ chúng ta thiếu thốn chẳng qua cũng vì chúng ta đánh mất sự tự tin nơi
mình).
Trên con đường tu tập thì sự viên mãn (plénitude / fullness,
fulfillment / sự phong phú và tròn đầy) không hề lệ thuộc vào những thứ vụn vặt
mà chúng ta cứ muốn vơ vét để làm của riêng. Sự viên mãn phát sinh từ cách phát
lộ sự tự tin nơi nhân phẩm của chính mình. Nên tuân theo quy tắc ấy, đấy là một
phương tiện giúp tái tạo lại nhân phẩm của mình và để tôn vinh nó. (Giới luật
liên quan đến hành động trộm cắp quả cũng không quá khó để hiểu nếu vật ăn cắp
là một hiện vật nào đó. Có lẽ vì thế mà tác giả không cần phải giải thích dông
dài về sự kiện này mà chỉ nêu lên một hình thức "ăn cắp" hay "vơ
vét" tinh tế hơn trên phương diện tình cảm hay tâm lý, tức là một sự chiếm
đoạt những thứ xúc cảm hay tình cảm mà mình cảm thấy "thiếu thốn". Sự
chiếm giữ hay ôm quàng đó sẽ hiển hiện dưới hình thức tác ý, và đấy chính là
những gì sẽ lưu lại các vết hằn sâu đậm trên dòng tri thức của mình. Nói cách
khác thì đấy là cách tạo ra "nghiệp" tồn lưu trên dòng chảy liên tục
của tri thức để buộc mình vào vòng luân hồi. Vì thế không những chỉ phải tránh
không được phát lộ các tác ý tham lam khiến cho mình nhìn chằm chằm vào một vật
thể nào đó, mà còn phải cảnh giác trước những sự "vơ vét" mang hình
thức xúc cảm hay tình cảm tức là các thể dạng tâm lý hiển lộ trong tâm thức
mình. Đấy chính là cách tinh khiết hóa tâm thức và con tim của mình giúp cho
mình tự tin hơn nơi nhân phẩm của chính mình. Nhờ đó tâm thức và con tim mình
cũng sẽ trở nên tròn đầy và phong phú hơn, và sự giàu có đó sẽ khiến cho mình
cảm thấy sẵn sàng hiến dâng bằng hai tay những gì mà mình có trong tim khi
trông thấy những người khác đang thiếu thốn. Hơn nữa sự tròn đầy đó trong lòng
mình cũng sẽ giúp cho mình nhận thấy là không còn có gì bên ngoài đáng để cho
mình vơ vét nữa dù đấy là một vật thể hay một thứ tình cảm nào cũng thế).
Tránh không phạm vào các giao du tính dục gây ra phương hại có
nghĩa là gì, và tại sao lại phải tuân thủ giới luật ấy?
Tùy theo từng học phái mà vấn đề tính dục kém đạo đức được hiểu
khác nhau, tuy nhiên thông thường thì đấy có nghĩa là một hành vi tính dục gây
ra khổ đau. Hiểu một cách bao quát hơn nữa thì tính dục kém đạo đức có nghĩa là
một hành vi tính dục không kính trọng người khác, không nhằm tạo ra một mối
liên hệ thật sự nào với người ấy và cũng không cần biết đến các hậu quả xảy ra.
Đấy là một hành vi làm phương hại đến sự hiện hữu thiêng liêng của Đức Phật
trong lòng mình, và không khơi động được sự chú tâm cho chính mình.
Tại sao phải luôn giữ cách hành xử đạo đức?
Một số học phái triển khai nhiều phương cách suy luận thật tinh
tế nhằm khuyến khích con người nên thực thi một thái độ hành xử đạo đức, và nếu
dựa vào cách phát biểu chung trong kinh sách Phật Giáo thì có thể gọi đấy là
cách giữ gìn không được gây ra khổ đau cho người khác.
Trong một xã hội Phật Giáo mối quan tâm lớn nhất là phải ý thức
được rằng một hành động phương hại - chẳng hạn như sát sinh, hãm hiếp, ăn cắp,
nói dối, phỉ báng - đương nhiên sẽ mang lại những hậu quả tiêu cực bóp ngạt và
nhận chìm chúng ta trong khổ đau. Hận thù đưa đến hận thù. Hung bạo kéo theo
hung bạo.
Ở một cấp bậc sâu xa hơn và cũng thật hết sức dễ hiểu là nếu
biết chọn cho mình một thái độ hành xử đạo đức thì đấy cũng là cách giúp mình
trở về với chính mình. Vi phạm vào các hành động đáng hổ thẹn trái lại chỉ
khiến cho mình rời xa khỏi chính mình, tách ra khỏi sự sống của chính mình. Quả
cũng lạ, trong ngôn ngữ Pháp chữ độc ác (méchant / nasty, evil.../ hung ác,
biển lận, xấu xa...) mang một ý nghĩa rất là Phật Giáo tức có nghĩa là "rơi
vào sự sai lầm" (mal chu / falling into the wrong). Qua cách diễn đạt theo
ngôn ngữ Pháp thì người ta không cố tình độc ác mà chỉ vì "rơi vào sự sai
lầm". Vì thế độc ác là một thái độ hành xử thuộc bên ngoài chúng ta và bên
ngoài cả nguyện vọng của chính mình. Nếu không luyện tập thiền định thật kiên
trì thì quả hết sức khó cho chúng ta giữ cho con tim mình không vướng vào sự
ganh tị, hận thù và oán giận. Trong khi đó thì những gì hiển nhiên nhất mà
chúng ta phải tạo ra cho mình lại chính là hạnh phúc.
Người Phật Giáo nhìn vấn đề tính dục như thế nào, có sự nghi kỵ
nào đối với vấn đề này giống như đối với các tôn giáo dựa vào Kinh Thánh hay
không?
Dưới nhãn quan của Phật Giáo thì vấn đề tính dục không phải là
một tội lỗi. Chỉ cần phải thận trọng thế thôi, đấy chẳng qua là vì nó rất dễ
đưa đến một tình trạng mù quáng khá lạ lùng (bị thúc đẩy bởi xung năng của
nghiệp và bị chi phối bởi bản năng truyền giống khiến ta có thể rơi vào một
tình trang si mê và say đắm - giống như bị sét đánh - không còn đủ sáng suốt để
cân nhắc hay suy nghĩ gì nữa). Cảnh giác trước sự ham muốn tính dục và không
biến nó trở thành một thứ xung năng đơn thuần chỉ nhằm để kích động mình, chính
là một cách tu tập lành mạnh, tươi tắn và thật cần thiết.
Phật Giáo nhìn vấn đề đồng tính luyến ái như thế nào?
Ai lại chẳng biết vấn đề đồng tính luyến ái xưa như trái đất,
thế nhưng không hề thấy có một trang kinh sách nào đề cập đến vấn đề này. Sự
giao du tính dục giữa hai người có cùng một giới tính hay không thì cũng không
phải là một lý do để vin vào đó mà phán đoán là hành vi tính dục của họ có đúng
đắn hay không. Xúc cảm và sự chủ tâm của họ mới là các tiêu chuẩn giúp để đánh
giá hành vi của họ. Điều thiết yếu nhất là không được gây ra khổ đau cho người
khác.
Trên dòng lịch sử Phật Giáo người ta thấy phát sinh nhiều quan
điểm khá khác biệt nhau.
Tại Nhật Bản, đồng tính luyến ái được cho phép ngay cả bên trong
các tu viện, đôi khi còn được tổ chức dưới hình thức nghi lễ nữa. Các nhà sư
thường xuất thân từ giới quý tộc hay võ biền, và trong các giới này thì đồng
tính luyến ái được xem là một hình thức văn hóa tao nhã và đặc biệt được quý
trọng, không như là sự giao hợp hạ cấp giữa người nam và nữ.
Phần đông trong các xã hội bảo thủ, chẳng hạn như Trung Quốc thì
đồng tính luyến ái bị lên án vì đấy là một sự tuyệt tự, không sinh con đẻ cái
để nối dõi tông đường - tức là không có con cháu để thờ cúng ông bà và lưu
truyền dòng họ.
Đồng tính luyến ái trước đây từng bị cấm đoán thật gắt gao trong
xã hội Tây Tạng. Một số các vị thầy ngày nay vẫn còn tiếp tục giữ đúng theo
quan điểm đã được nêu lên trong rất nhiều kinh sách Tây Tạng, cho rằng "các
cơ quan sinh dục là để giúp vào việc sinh sản giữa hai thành phần nam và nữ
giới; và theo quan điểm Phật Giáo thì mọi hình thức lệch lạc đều không thể chấp
nhận được". Quả thật hết sức ngạc nhiên khi thấy các lời phát biểu mang
tính cách "sinh học hóa" như trên đây lại được thốt ra từ miệng của
các vị thầy thuộc lãnh vực tâm linh (rất có thể quan điểm của các vị thầy trên
đây đã chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi một trong các khái niệm chủ yếu nhất của
Phật Giáo Tây Tạng là sự kết hợp bất khả phân giữa từ bi và trí tuệ, và sự kết
hợp này thì lại thường được biểu trưng bằng hình ảnh kết hợp giữa nam tính và
nữ tính, do đó một số các vị thầy "bảo thủ" luôn muốn bảo vệ hình ảnh
"cổ truyền" này và không muốn cho nó bị sứt mẻ).
Tuy nhiên cũng có các vị thầy Tây Tạng khác cho rằng đồng tính
luyến ái chẳng là vấn đề gì cả - những gì chủ yếu hơn là phải thành thật và
biết kính trọng lẫn nhau trong sự giao du, đấy mới đích thật là các tiêu chuẩn
để đánh giá một hành vi tính dục có chính đáng hay không.
Tóm lại mỗi người tự nhìn ra cửa nhà mình để xem có phải đúng
giữa trưa hay không (câu tục ngữ này của Pháp có nghĩa là xét đoán một thứ gì
hay một sự kiện nào đó tùy theo quan điểm riêng của mình).
Ở phương Tây thì lại khác, chúng ta phải tự vấn xem có nên ngả
theo khuynh hướng thù ghét đồng tính luyến ái (homophobie / homophobia) hay
không, một thứ khuynh hướng luôn đi đôi với chủ nghĩa tôn thờ nam giới
(machisme / male chauvinism) thật cực đoan của một vài dân tộc Á Châu (ý của
câu này vô cùng khúc triết nếu không muốn nói là rất khó để thấu triệt: có thể
tác giả muốn nói lên là đồng tính luyến ái chủ trương sự bình đẳng tuyệt đối
trên phương diện giới tính - tức nam và nam, nữ và nữ - trong khi đó thì sự thù
ghét đồng tính luyến ái là một hình thức gián tiếp chủ trương ngược lại, tức là
trọng nam khinh nữ, và đấy là một tình trạng lạc hậu mà người Tây Phương phải
nên tự vấn trước khi ngả theo khuynh hướng thù ghét đồng tính luyến ái).
Chúng ta (những người Phật Giáo) nào có bổn phận phải sửa đổi
các giới luật đạo đức Phật Giáo và chỉ trích các thành kiến lâu đời mà theo
chúng ta thì ngày nay không thể nào còn chấp nhận được? Phải chăng chúng ta
cũng không hề có nghĩa vụ phải chấp nhận các điều ấy, mà theo chúng ta thì ngày
nay không còn phù hợp với những lời giáo huấn của Đức Phật nữa, dù cho các điều
ấy được khẳng định bởi các cấp lãnh đạo uy tín? (ý của câu này lại còn khúc
triết hơn cả ý của câu trên đây. Trước hết nên ghi nhận tác giả là người Tây
Phương, viết cho người Tây Phương, trong bối cảnh của xã hội Tây Phương dưới áp
lực nặng nề của xu hướng thù ghét đồng tính luyến ái, và áp lực đó là những gì
phát sinh từ căn bản tín ngưỡng lâu đời của họ. Phần lớn những người Tây Phương
bảo thủ cảm thấy mình có bổn phận phải chống lại đồng tính luyến ái vì "tệ
nạn" này đi ngược lại với những nguyên tắc căn bản trong các truyền thống
tín ngưỡng lâu đời của họ.
Trong khi đó thì những người Phật Giáo có một thái độ phóng
khoáng hơn, họ không hề có trách nhiệm phải sửa đổi đạo đức Phật Giáo nhằm
thích ứng với bối cảnh ngày nay, họ cũng không có bổn phận phải chấp nhận những
điều mà theo họ thì ngày nay không còn phù hợp với những lời giáo huấn của Đức
Phật, dù rằng các điều ấy là do các "cấp lãnh đạo uy tín" buộc họ
phải chấp nhận.
Đối với Phật Giáo thì đồng tính luyến ái là một hiện tượng tương
tự như muôn ngàn hiện tượng khác trong vũ trụ. Nếu nhìn dưới một góc cạnh giới
hạn hơn thì đấy là một hiện tượng xã hội tương tự như các hiện tượng xã hội
khác, và nếu đặt hiện tượng đó vào một lãnh vực thu hẹp hơn nữa thì đấy là
nghiệp của một cá thể. Đã nói đến nghiệp thì phải hiểu rằng đấy không phải là
một hình phạt, một định mệnh, cũng không biểu trưng cho một thứ tội lỗi nào cả.
Người ta thường hiểu sai một cách máy móc rằng nghiệp là một thứ
hậu quả mang tính cách tiêu cực, tương tự như một hình phạt mà một cá thể phải
gánh chịu. Thế nhưng nghĩa từ chương của nghiệp là "hành động" (karma),
và ý nghĩa sâu xa nhất của nó cũng là "hành động". Nếu đã là một
"hành động" thì nó luôn hàm chứa ý nghĩa của một sự tự do nào đó.
Tương tự như thế thì đồng tính luyến ái cũng mang một khía cạnh tự do nào đó,
một cá thể "tự do" nhận lãnh hậu quả mang lại từ hành động của mình
và đồng thời cũng "tự do" tạo ra nghiệp cho mình bằng các hành động
của chính mình. Tóm lại theo quan điểm Phật Giáo thì không có một giới luật hay
một quy tắc nào nhằm lên án đồng tính luyến ái như là một sự sai lầm trầm
trọng, một thứ tội lỗi mà người vi phạm phải bị gạt ra bên lề xã hội.
Đồng tính luyến ái cũng xuất hiện trong các xã hội Á Châu tương
tự như trong các quốc gia Tây Phương thế nhưng với ít nhiều kín đáo và có vẻ
khá bình thường. Trái lại trong các quốc gia Tây Phương thì đồng tính luyến ái
lại là một vấn đề thật gai góc, hàng trăm ngàn cho đến hàng triệu người biểu
tình hàng năm tại khắp các thành phố lớn để đòi hỏi quyền sống, nhân phẩm, cũng
như sự bình đẳng của họ trong xã hội và trước pháp luật.
Các xã hội Tây Phương chủ trương tự do cá nhân tuyệt đối, thế
nhưng trên phương diện "đạo lý" thì lại chịu ảnh hưởng quá nặng nề
bởi các truyền thống tín ngưỡng lâu đời, luôn tìm cách lên án một số hành vi
mang tính cách hoàn toàn thuộc vào lãnh vực cá nhân (ngừa thai, đồng tính luyến
ái, bao cao-su...). Đấy chính là lý đo đưa đến một sự mâu thuẫn và nghịch lý
thật nan giải. Thật ra thì cái "của ấy" là của riêng của mỗi người,
sử dụng nó như thế nào hay là không sử dụng nó, ấy là cái quyền tự do của từng
người. Vai trò của đạo đức là phải tự đặt mình vào một vị thế cao hơn để hướng
vào sự an vui và hài hòa trong xã hội, không nên rình mò những chuyện ấy để mà
lên án, vì đấy chỉ là một hình thức đạo đức lạc hướng.
Đối với người Phật Giáo thì nên nhìn vào vấn đề tính dục nói
chung - dưới mọi hình thức đa dạng và lệch lạc của nó - như là một cách "cụ
thể hóa" của bản năng truyền giống. Nếu đã là bản năng thì đấy cũng chỉ là
một phương tiện mà nghiệp sử dụng để chi phối và trói buộc con người. Nếu nhìn vào
mười hai mối dây trói buộc - còn gọi là thập nhị nhân duyên - buộc chặt chúng
sinh vào cõi luân hồi, thì sẽ thấy rằng mối dây thứ nhất, tượng trưng cho vô
minh nguyên thủy, là nguyên nhân sâu xa nhất đưa đến sự sinh. Vì thế nếu muốn
kết án thì nên kết án sự sinh, không nên kết án một hình thức "cụ thể hóa"
nào cả của bản năng truyền giống, dù cho chúng có bị lệch lạc nhiều hay ít, vì
đấy chỉ là hậu quả tất yếu của sự sinh mà thôi).
Phải chăng đã đến lúc cần phải chống lại sự hung bạo của các tôn
giáo, một thứ công an canh chừng tâm linh và thể xác con người mà các tôn giáo
ấy chỉ muốn áp đặt cho con người, kể cả đôi khi bằng sức mạnh.
Phật Giáo quan niệm thế nào về cách sử dụng đồng tiền?
Phật Giáo rất ít đề cập đến cách kiếm tiền mà trái lại chỉ quan
tâm đến thái độ đối với đồng tiền.
Thật vậy, chối bỏ của cải và phát nguyện chọn cho mình một cuộc
sống nghèo khó (xuất gia) là một phương pháp thật sâu sắc giúp đối phó dễ dàng
hơn trước sự chi phối của đồng tiền. Đấy là con đường của các vị tu hành, họ
khất thực từng ngày để kiếm miếng ăn và chẳng có một chút của cải nào ngoài
manh áo cà-sa trên người cùng chiếc bình bát trên tay.
Trái lại, đối với người thế tục thì họ tự do tìm kiếm một phương
tiện mưu sinh mang lại cho mình một cuộc sống thoải mái nhất, miễn là không nên
để cho phương tiện mưu sinh ấy đưa mình đi quá xa để rồi phải rơi vào thất vọng
(không nên quá tham vọng, dự trù quá lớn, hoạch định quá xa, vượt khỏi khả năng
của mình để rồi phải gánh lấy thất bại). Phật Giáo không xem sự nghèo khó là
một lý tưởng giống như trong Thiên Chúa Giáo.
Ham muốn tiền bạc cũng chẳng khác gì ham muốn các thứ khác, nếu
xem đấy là một cách biểu lộ cái ngã của mình thì nó sẽ khiến cho mình dễ bị rơi
vào sự mù quáng. Là một người Phật Giáo thì không được bám víu vào tiền bạc,
không nên để mình nô lệ cho tiền bạc - thế nhưng không phải vì thế mà phải
khước từ và chối bỏ tiền bạc, không được phép đụng chạm vào nó.
Con đường ấy gọi là con đường trung đạo. Thế nhưng trung đạo là
gì? Quả thật đấy là một thứ gì khá xa lạ đối với chúng ta (người Tây Phương),
bởi vì chúng ta thường có thói quen suy nghĩ dựa vào nguyên tắc nhị nguyên (nhị
nguyên ở đây có nghĩa là một sự tương phản hay một sự đối nghịch: tham tiền
hoặc là không tham tiền. Trung đạo là con đường ở giữa hai cực đoan đó). Trung
đạo có nghĩa là không được ham muốn tiền bạc, cũng không phải là không muốn có
tiền bạc (đây là cách diễn đạt theo "tứ đoạn luận" của Long Thụ:
"không-muốn-có" cũng "không-phải là không-muốn-có", đấy là
hai vế trong số bốn vế của phép lôgic gọi là tứ đoạn luận). Tóm lại là chúng ta
phải phát động được một mối tương quan thật phóng khoáng đối với tiền bạc.
Nói một cách khác, nếu xem việc tìm kiếm tiền bạc là mục đích
của sự hiện hữu con người thì đấy sẽ là một thái độ vô cùng thiển cận và phi
lý, và đấy cũng chẳng khác gì với thái độ ngược lại tức là chối bỏ tiền bạc.
Tóm lại điều quan trọng hơn cả chính là động cơ thúc đẩy từ bên trong nội tâm
của chính mình.
Chúng ta có thể chỉ muốn kiếm được ít tiền thế nhưng lúc nào
cũng cứ để cho đồng tiền ám ảnh mình, hoặc ngược lại thì cứ làm ra thật nhiều
tiền thế nhưng biết tiêu xài đồng tiền để mang lại một cuộc sống tiện nghi hơn,
và đồng thời chẳng những không bám víu vào đồng tiền mà biết đâu chúng ta lại
còn biết sử dụng nó để biến mình trở thành một con người hào phóng nữa.
Làm thế nào để có thể biết được là hành động của mình có đúng
hay không trong khi phải phản ứng nhanh chóng trước một biến cố đang xảy ra?
Đấy là nhờ vào cách phân tích các dấu vết lưu lại từ các hành
động của mình.
Bước theo bước chân của Đức Phật có nghĩa là phải phân tích được
từng cảnh huống xảy ra ngày càng chính xác hơn hầu tìm cách ứng xử với chúng
một cách thích nghi nhất. Không có một quy tắc nhất định nào được thiết lập sẵn
để chúng ta có thể dựa theo đó mà ứng xử. Kinh sách có đề cập đến một trường
hợp bắt buộc phải phạm vào hành động sát nhân - đấy là trường hợp phải hạ sát
một tên cướp sắp ra tay giết hết cả một đoàn thương nhân để cướp của. (đây là
một câu chuyện về một vị Bồ-tát tiền thân của Đức Phật giết tên cướp để cứu
đoàn người trên thương thuyền).
Cách ứng xử trên đây thật hoàn toàn khác lạ khi đem so với quan
điểm của triết gia Kant. Đối với triết gia này thì điều khoản cấm nói dối chẳng
hạn phải được tôn trọng một cách tuyệt đối, không được phép vi phạm bất cứ
trong trường hợp nào. Nếu là như thế thì nào có khó khăn gì để biết rằng mình
có đúng hay không, chỉ cần biết tuân hành luật pháp là đủ.
Phật Giáo mở ra một tầm nhìn hoàn toàn khác hẳn. Phải quán xét
hành động của mình và cả động cơ thúc đẩy hành động ấy nữa (hành động phát sinh
từ một tác ý trong tâm thức, và tác ý thì phát sinh từ một vết hằn của nghiệp
tồn lưu trên dòng tiếp nối liên tục của tri thức. Sở dĩ vết hằn chuyển thành
tác ý là vì tri thức diễn đạt những gì mà ngũ giác cảm nhận được khi tiếp xúc
với ngoại cảnh, và sự diễn đạt đó đã "đánh thức" và "kích động"
vết hằn để chuyển nó trở thành tác ý. Tiếp theo đó thì tác ý phát lộ ra bên
ngoài bằng hành động hay ngôn từ. Tóm lại các phản ứng đó - tức là hành động
phát lộ trên thân xác hay ngôn từ - luôn phản ảnh các xung năng sâu kín tồn lưu
trên dòng tri thức. Một người tu tập phải quán thấy và theo dõi được quá trình
diễn biến đó hầu giúp mình chủ động được hành động và ngôn từ của mình, không
cho phép các tác ý nguy hại điều khiển mình. Người tu tập không nên chỉ biết
nhìn vào hành động tức là hậu quả mà còn phải nhìn vào nguyên nhân tức là các
xung năng sâu kín trong tâm thức mình).
Bạn có thể tự hỏi là mình hành động vì hạnh phúc của chúng sinh
hay chỉ để thực hiện các ý đồ và tham vọng cá nhân của mình? Nói cách khác thì
động cơ thúc đẩy hành động của bạn có phải là con tim thức tỉnh (bodhicitta) -
(bồ-đề tâm) - của bạn, hay đấy chỉ là cách biểu lộ nhằm đề cao bản thân mình
(narcissique / narcissistic) hay là vì một sự lo sợ nào đó?
Nếu nhìn theo khía cạnh này thì đạo đức Phật Giáo sẽ gần với một
hình thức đạo lý (sagesse / wisdom / sự khéo léo hay khôn ngoan) hơn là một
hình thức luân lý.
Hối hận và mặc cảm tội lỗi có giữ một vai trò nào trong Phật
Giáo hay không?
Không có lý do gì để phải mang nặng cảm tính tội lỗi. Chẳng
những mặc cảm tội lỗi không có lợi ích gì mà còn có nguy cơ khiến cho chúng ta
tự giam thân vào chính mình. Đấy không phải là một cảm tính mang tính cách Phật
Giáo, bởi vì đối với Phật Giáo khái niệm về tội tổ tông hoàn toàn xa lạ, và hơn
nữa Phật Giáo lại luôn nhấn mạnh đến sự kiện là từ bên trong của tất cả mọi con
người đều có tàng ẩn một sự toàn thiện, và chỉ cần làm cho nó hiện ra.
Trái lại hối hận có thể mang lại lợi ích. Nếu lỡ phạm một giới
luật mà trước đây mình đã nguyện phải tuân thủ, và nếu cảm thấy mình không đủ
nghị lực để thực thi lời nguyện ước đó của mình, thì điều quan trọng hơn hết là
phải ý thức được thực trạng ấy. Không nên bó tay cam phận mà cũng không nên
ngoảnh mặt làm ngơ trước sự kiện đó. Cả hai thái độ đều chứng tỏ mình là người
thiếu trách nhiệm, không xứng đáng là một con người trưởng thành.
Hối tiếc đã tự buông thả (để làm một việc không nên làm) sẽ
khiến cho con tim mình bị va chạm, đấy cũng là cách giúp mình nhìn thấy minh
bạch hơn cách mà mình đã phạm vào lỗi lầm và nhờ đó mình sẽ biết giữ gìn đạo
đức cẩn thận hơn.
Khi nào cảm giác hối hận không còn dày vò mình nữa thì cũng nên
mượn cái đà đó để phát động lòng quyết tâm thật vững chắc bước theo con đường
của Đức Phật.
Tại sao đạo đức Phật Giáo lại được phát huy dựa vào thiền định?
Đạo đức Phật Giáo luôn đòi hỏi mỗi giây phút trong cuộc sống đều
phải là những giây phút hoàn hảo. Vị thiền sư Zen Shunryu Suzuki từng phát biểu
như sau: "Làm bếp hay nấu ăn không nhất thiết chỉ là việc nấu nướng mà còn
là một sự tu tập nữa. Khi làm bếp thì bạn phải biểu lộ được chính mình qua các
động tác của việc làm bếp. Nấu ăn không chỉ có nghĩa là chế biến thức ăn cho
một người nào đó hay là cho bạn; đấy là một dịp để biểu lộ sự ngay thật
(sincérité / sincerity / sự đơn sơ, giản dị và chân thật) của mình. Khi nấu ăn
thì bạn phải phát lộ được sự hiện hữu của bạn qua các động tác liên quan đến
việc bếp núc. Bạn phải đặt tất cả sự chú tâm của mình vào việc làm bếp, bạn cứ
nấu nướng thế nhưng tâm thức luôn trong một thể dạng thanh thản và không mong
cầu bất cứ điều gì. Bạn chỉ cần biết là mình đang nấu ăn thế thôi! Đấy là
phương cách làm hiển lộ thể dạng chân thật và đơn sơ của bạn và đấy cũng là một
cách góp phần vào việc tu tập của chính bạn".
Chúng ta sẽ bị đánh lạc hướng khi tin rằng việc tu tập tâm linh
là một cách tạo ra một sự nối kết nào đó với một thể dạng tuyệt đối, với một sự
thật tối hậu, với Trời hay với sự giác ngộ. Đấy là cách mà chúng ta nghĩ rằng
con đường tu tập tâm linh mà chúng ta đang bước theo phải đưa chúng ta đến một
nơi không còn các ảo giác của thế gian này. Thế nhưng thật ra thì đấy lại không
phải là con đường của Đức Phật. [Bước đi trên con đường ấy thì ] chẳng hề có
một nơi nào khác (để mà mong cầu), cũng không có gì gọi là lý tưởng (để mà nhắm
đến).
Tu tập Phật Giáo là cách trực tiếp quan tâm đến thực tại với tất
cả sự đơn sơ của nó. Đấy không phải là cách giúp mình tìm kiếm một lối thoát.
Tất cả mọi cử chỉ và hành động đều góp phần vào việc tu tập, chẳng hạn như cất
lời để chào một người nào đó khi gặp nhau, phát lộ một thái độ nào đó, mặc áo,
ăn cơm... - tất cả đều là đạo đức (phải luôn ý thức và cảnh giác trong từng cử
chỉ nhỏ nhặt của mình).
Không được phép thả lỏng tâm thức để cho nó tha hồ đi nghỉ mát.
Không-hành-động có nghĩa là gì và tại sao nó lại biểu trưng cho
ý nghĩa sâu xa nhất của đạo đức Phật Giáo?
Đối với Phật Giáo, sống một cuộc sống đạo đức có nghĩa là luôn
quán thấy được sự đúng đắn và tốt lành trong từng cảnh huống xảy ra nhằm giúp
mình ứng xử một cách tự nhiên và phù hợp theo chiều hướng đó.
Đạo đức Phật Giáo được hình thành từ các kinh nghiệm cảm nhận
trong cuộc sống hằng ngày của con người. Ta đi ngoài đường và đang nghĩ đến
buổi họp mà mình sắp tham dự, bỗng dưng trông thấy một người đang đi phía trước
gặp nạn (bị cướp giật, hành hung hay vấp ngã...). Vậy ta phải phản ứng như thế
nào? Một hành động đạo đức không nhất thiết chỉ được phát động dựa vào sự cân
nhắc hay lý luận mà thông thường là nhờ vào khả năng ứng xử nhanh chóng trước
một biến cố đang xảy ra.
Đấy là một cách đáp ứng tự nhiên trước một cảnh huống đặc biệt
nào đó, và sau đấy thì nó phải được tiếp tục phát huy bởi trí thông minh trực
giác (prajna) (trí tuệ). Phật Giáo gọi một hành động không phát sinh từ bất cứ
một sự cân nhắc nào là "không-hành-động".
Không-hành-động không có nghĩa là "không làm gì cả" mà
thật ra là có làm - thế nhưng không phải vì thế mà hành động "làm" không
phát lộ được quyết tâm của một chủ thể rõ rệt nhằm mục đích làm nổi bật cái chủ
thể ấy lên (thí dụ ta bố thí thế nhưng lại không hề ý thức được là mình bố thí,
bố thí cái gì và bố thí cho ai, như thế gọi là không-bố-thí thế nhưng thật ra
thì lại là bố-thí, vì phía sau hành động bố thí ấy vẫn tàng ẩn một sự quyết tâm
của một chủ thể với một con tim mở rộng và đôi bàn tay để ngửa).
Sự kiện không-hành-động bên trong hành-động (chẳng hạn như bố
thí mà không biết rằng mình là người bố thí) có vẻ như là một sự nghịch lý, thế
nhưng cũng có thể hiểu như một cá thể hành động và hành động của cá thể ấy vượt
lên trên tính cách nhị nguyên (không có chủ thể và đối tượng). Tuy cá thể ấy
hành động, thế nhưng không để cho ý niệm về cái ngã trong đầu mình tìm thấy một
khe hở nào khả dĩ có thể quan sát được bối cảnh đang diễn biến bên ngoài (liên
quan đến hành động của cá thể ấy). Kinh nghiệm cảm nhận ấy thật hết sức đơn
giản và bất cứ ai cũng có thể thực hiện được. Thí dụ như trong khi thi đấu thể
dục (phải chú tâm vào các động tác, chẳng hạn như nhảy cao, hay dùng chân đá
vào một quả bóng), đi thi (chú tâm vào đề tài thi), nấu ăn (xem nồi nước đã sôi
chưa, đã đến lúc phải cho rau vào nồi hay chưa...) - trong những lúc đó ý niệm
về cái ngã của mình có thể sẽ bị xóa mờ đi giúp cho mình hoà nhập vào những gì
mình đang làm.
Nghệ thuật Phật Giáo nói chung và đặc biệt nhất là nghệ thuật
Nhật Bản thường gợi lên thật rõ rệt tính cách không-hành-động đó. Ngọn bút lông
của một người viết thư pháp lướt trên mặt giấy có vẻ như theo ý muốn của chính
nó, người nghệ sĩ không hề nghĩ đến chính mình là người điều khiển các chuyển
động nơi đầu ngọn bút. Một nhạc sĩ đang kéo đàn hồ cầm thế nhưng lại có cảm
giác là không phải mình đang chơi nhạc mà âm nhạc tự nó đang réo rắt. Người
nhạc sĩ hoàn toàn hội nhập với những gì mình đang làm, đến độ không còn ý thức
được chuyển động của các ngón tay, cũng không ý thức được nhạc cụ mà mình đang
sử dụng kể cả sự kiện là mình đang chơi nhạc. Người quan sát - tức cái ngã -
thông thường giữ vai trò phẩm bình và phán đoán những gì mà chúng ta đang thực
thi (diễn đạt các hiện tượng đang xảy ra) bỗng dưng biến mất. Chúng ta hoàn
toàn hòa nhập vào hành động mà chúng ta đang thực thi. Thế nhưng không phải vì
vậy để có thể bảo rằng chúng ta rơi vào một tình trạng "vô thức",
trái lại là đằng khác bởi vì ngay chính những lúc ấy thì sự hiện diện của chúng
ta trong thực tại trở nên vững chắc hơn bao giờ cả (ta hội nhập vào những gì
đang xảy ra và theo đó cái ngã cũng sẽ tan biến đi, ta trở thành hiện thực và
hiện thực cũng chính là ta, không có con người nào cả, cũng chẳng có cái ngã
nào cả).
Tại sao trên dòng lịch sử Phật Giáo lại có những vị thầy bất
chấp đến đạo đức, đôi khi lại còn có vẻ như khinh thường người khác nữa? Điều
ấy có phải là một sự chướng mắt hay không?
Thật thế, tại các quốc gia như Trung Quốc, Triều Tiên, Tây
Tạng..., quả không còn là chuyện lạ khi trông thấy một số các vị thầy thật quái
dị, bất chấp đạo đức và rất thích tìm cách trêu chọc những ai có khuynh hướng
suy nghĩ ngay thật và một chiều. Thái độ bất tuân thủ (các quy ước và các lề
lối công thức) đôi khi cũng được xem như là một phép tu tập đối với một số học
phái Phật Giáo - đấy cũng là một cách làm phát lộ sức mạnh và tính cách gây
chấn động trong các lời giảng của Đức Phật.
Đúng ra thì chẳng có một vị thầy nào chế nhạo đạo đức cả. Đấy
chẳng qua là vì trong số họ có một vài vị nhận thấy đạo đức rất dễ bị biến thể
để trở thành một thứ chủ nghĩa rập khuôn (conformism) đôi khi còn có thể xem
như là một thứ đạo đức giả trong xã hội nữa.
Đấy chỉ là cách ứng xử mà các vị thầy này đã dùng để thích ứng
với các cảnh huống xảy ra (có những cảnh huống phải ứng xử bằng sự khiêu khích
và thô bạo). Đấy cũng là một cách nhắc cho chúng ta hiểu rằng sự giác ngộ đôi
khi cũng phát hiện qua một một sự chấn động (choquant / shocking) nào đó. Đạo
đức cũng là một phép tập luyện tuyệt vời nhất giúp chúng ta trút bớt gánh nặng
của cảm tính hẹp hòi luôn tự xem mình là trung tâm, và nhất là ý thức được là
không phải chỉ biết tuân thủ đạo đức là đủ mà còn phải giải thoát con người ra
khỏi những gì quá đỗi tầm thường và cả sự lo sợ trong lòng họ (lo sợ phạm vào
sai lầm hay không tuân thủ được các giới luật...). Một thái độ hành xử thích
nghi nhất đối với một cảnh huống xảy ra không nhất thiết có thể nhận biết được
từ một góc nhìn thuộc bên ngoài thái độ đó (có nghĩa là rất khó cho chúng ta
đánh giá một hành động hay một cách ứng xử khi mình đứng vào vị trí thứ ba).
Người ta thường nói đến hiện tượng này và xem đấy như là một
"sự điên rồ đầy khôn ngoan" ("une folle sagesse" / "a
mad wisdom"), một sự khôn ngoan trở nên điên loạn khi bắt buộc phải ứng xử
thật thích nghi với luân lý, một sự khôn ngoan dám chấp nhận sự điên rồ để có
thể biểu lộ được quan điểm của mình một cách tư do hơn. Thế nhưng đấy lại chính
là một cách biểu lộ chân thật nhất của tình thương yêu, một thể dạng tối hậu
của đạo đức (vị thiền sư Lâm Tế không ngần ngại gì khi trợn mắt và chặt phăng
ngón tay của một người đệ tử khi người này bắt chước ông đưa một ngón tay lên
và không trả lời mỗi lần có ai hỏi bất cứ điều gì. Vị thiền sư không tức giận
vì tên đệ tử dám cả gan bắt chước ông mà ông chỉ thương cho hắn bám víu và bắt
chước một cách ngu xuẩn những gì người khác làm. Tên đệ tử quá sợ ôm bàn tay
đầy máu me và phóng chạy. Vị thiền sư chưa chịu tha mà còn cầm dao đuổi theo.
Tên đệ tử quay lại thấy thầy mình trợn mắt và đưa một ngón tay lên, trong khi
ngón tay của mình thì đã bị chặt mất, hắn chợt bừng tỉnh và bất thần đạt được
giác ngộ. Chỉ xin mạn phép nhắc nhở những ai mà tình thương trong lòng mình
chưa đủ phát lộ một sức mạnh tương tự như thiền sư Lâm Tế thì cũng không nên
bắt chước theo cách giảng dạy ấy của ông).
Thiền định, đạo đức và sự hiểu biết trực giác
Đối với phần đông các người tu tập Phật Giáo thì toàn bộ giáo
huấn của Đức Phật có thể tóm lược thành ba điểm chính như sau: đạo đức (shila),
thiền định (samadhi) và sự hiểu biết trực giác (prajna - trí tuệ). Đấy là ba
sức mạnh góp phần giải thoát cho tâm thức của chúng ta. Con đường của Đức Phật
là sự kết hợp của ba phép luyện tập ấy (tu giới, tu định và tu tuệ).
Đạo đức là chiếc áo đẹp nhất mà con người có thể khoác lên người
mình. Chiếc áo đó phát sinh từ con tim mình để tỏa sáng và chiếu rọi bên trong
con người mình, và sau đó thì tỏa rộng ra trong toàn thế giới. Nó giúp chúng ta
bảo vệ được thể dạng vẹn toàn và xứng đáng nhất của mình. Chiếc áo ấy sẽ tác
động đến từng hành động, cử chỉ và ngôn từ của chúng ta.
Thiền định giữ chúng ta trên mặt đất này và mở ra cho chúng ta
một bầu không gian đầy sinh động. Nó cũng chẳng khác gì một con ngựa để chúng
ta cưỡi hầu giúp chúng ta có thể quay trở về với tâm thức của chính mình và
tránh cho mình không trở thành nạn nhân của mọi thứ lo âu và ngờ vực.
Sự hiểu biết trực giác giúp chúng ta quán nhận được một cách
minh bạch mọi sự vật đúng như thế. Sự học hỏi đúng nghĩa của nó không nhất
thiết chỉ là một cách gom góp sự hiểu biết hay là để trở thành một nhà bác học,
mà hơn thế còn giúp chúng ta nhận biết được tại sao và bằng cách nào chúng ta
lại không thực sự là chính mình.
Người ta thường mượn hình ảnh một cái bình đựng nước và bóng của
con trăng phản chiếu trong bình để biểu trưng cho tầm quan trọng và mối tương
quan giữa ba nguồn năng lực trên đây (đạo đức, thiền định và trí tuệ).
Đạo đức là cái bình, biểu trưng cho thái độ hành xử của chúng ta
và đấy cũng là những gì góp phần bảo vệ con người của chính mình.
Thiền định có thể ví như nước đựng trong bình. Chúng ta phải
luyện tập như thế nào để giữ cho nước được yên lặng nhằm biến nó trở thảnh một
tấm gương thật trong sáng.
Sự hiểu biết trực giác tượng trưng bởi hình bóng rạng ngời của
mặt trăng phản chiếu trong đáy nước.
Nếu chiếc bình dơ bẩn và lắc lư thì mặt nước sẽ chòng chành và
không phản chiếu được bóng trăng của trí tuệ.
Nếu bóng trăng bị chao đảo thì làm thế nào nước trong bình và cả
cái bình có thể đón nhận được vẻ đẹp tròn đầy của thiên thể ấy trong vũ trụ.
Bures-Sur-Yvette, 25.04.12
Hoang Phong chuyển ngữ
http://www.phathoc.net/mobile/?CategoryID=160&GroupID=9027&ContentID=72E41A