Quay về nương tựa
Bụt nói
rằng có một nơi rất an toàn mà mình
có thể trở về bất cứ lúc nào mình muốn: đó là hải đảo tự thân.
Trong tự
thân bạn có một hải đảo an toàn, nếu trở về đấy thì bạn sẽ không còn bị sóng
gió cuộc đời kéo đi nữa. Attadipasaranam có nghĩa là quay về nương tựa
(saranam) nơi hải đảo (dìpa) của tự thân. Khi bạn trở về với hơi thở ý thức, bạn
trở về với chính bạn, bạn tiếp xúc với hải đảo an toàn nơi tự thân bạn, nơi ấy
có tổ tiên, quê hương và tam bảo là Bụt, Pháp và Tăng.
Thở và
để ý tới hơi thở là bắt đầu quay về. Quay về với hơi thở, với thân thể, với cảm
thọ, với tri giác, tâm tư và với tâm thức mình. Đó là năm yếu tố làm nên tự
thân: thân thể (sắc), cảm giác (thọ), tri giác (tưởng), tâm tư (hành), và nhận
thức (thức) của mình.
Năm yếu
tố ấy được gọi là năm uẩn (skandha). Hơi thở có ý thức đem thân tâm về một mối,
trong khi thở, tất cả thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức của bạn
đều trở về tiếp xúc với hơi thở ấy, như khi bạn cất lên tiếng hát thì mọi người
trong gia đình đều im lặng lắng nghe!
Hơi thở
sẽ làm lắng dịu thân và tâm, đưa thân và tâm về một mối và tạo ra được sự hài
hòa giữa năm uẩn. Chính lúc ấy, hải đảo tự thân biểu hiện làm chỗ nương tựa an
toàn cho tất cả năm uẩn.
Bài kệ
đầy đủ như sau:
Quay về
nương tựa hải đảo tự thân
Chánh niệm
là Bụt soi sáng xa gần
Hơi thở
là pháp bảo hộ thân tâm
Năm uẩn
là Tăng, phối hợp tinh cần.
Thở
vào, thở ra
Là hoa
tươi mát
Là núi
vững vàng
Nước
tĩnh lặng chiếu
Không
gian thênh thang.
Bài kệ
này bạn có thể thực tập trong những lúc gặp khó khăn, hiểm nguy, lúc bạn cần phải
có đủ bình tĩnh để biết được mình nên làm gì và không nên làm gì trong giây phút ấy.
Ví dụ
ngồi trên máy bay nghe báo có không tặc đang đe dọa phi hành đoàn, thay vì cuống
cuồng lo sợ và có những hành động làm cho tình thế trở thành nguy hiểm hơn, thì
bạn trở về với hơi thở và thực tập phần đầu của bài kệ này.
Sự có mặt
của chánh niệm là sự có mặt của Bụt, đang soi sáng cho mình để mình biết nên
làm gì và không nên làm gì.
Hơi thở
chánh niệm là sự có mặt của chánh pháp đang bảo hộ cho thân và tâm. Và năm uẩn
của bạn đang nương tựa vào Bụt và Pháp, đang được đặt trong sự che chở của Bụt
và Pháp, và đại diện cho Tăng, có hòa hợp, có trầm tĩnh, có lắng dịu, được hơi
thở điều hợp thành một thực tại, năm uẩn đó là ngôi báu thứ ba, đó là Tăng. Có
Bụt, Pháp và Tăng bảo hộ, bạn không cần phải lo lắng gì nữa cả. Trong trạng
thái trầm tĩnh ấy, bạn sẽ hành xử đúng pháp để giúp cho tình trạng trở nên an
toàn.
Vào những
lúc bình thường, thực tập bài kệ này đem lại nhiều vững chãi và an lạc; đây là
thực tập quy y (quay về nương tựa) nơi tam bảo một cách đích thực, vì trong khi
thực tập, năng lượng của Bụt, Pháp và Tăng đang thực sự có mặt cho bạn. Không
thể có sự an toàn nào lớn hơn nữa. Dù có chết ta cũng chết trong sự bình an.
Là Hoa
Tươi Mát
Ta chỉ
có hạnh phúc khi ta có đủ yếu tố tươi mát. Với yếu tố tươi mát, ta có thể làm
cho người khác hạnh phúc. Ta phải là một đóa hoa thật sự trong khu vườn nhân loại.
Một em
bé đang chơi, đang ngủ; nhìn em bé ta thấy quả thật nó là một bông hoa. Cái mặt
nó là một bông hoa, bàn tay nó là một bông hoa, bàn chân nó là một bông hoa,
cái miệng nó là một bông hoa. a cũng đã từng là một bông hoa như nó, nhưng những
phiền tạp của cuộc đời đã làm cho ta mất bớt rất nhiều tính chất tươi mát của
ta. Khóc nhiều quá thì hai mắt bạn đâu còn trong được nữa? Nguyễn Bính viết:
Em không
khóc nữa, không than nữa
Đây một
bài thơ hận cuối cùng
Không
than chắc hẳn hồn tươi lại
Không
khóc tha hồ đôi mắt trong.
Bạn hãy
thở vào đi, buông thư thân thể và mỉm cười. Nét nhăn trên mặt bạn không còn nữa,
nụ cười trên môi bạn giúp bạn phục hồi lại đóa hoa tươi mát. Các nhà điêu khắc
trong quá khứ đã cố diễn tả nụ cười tươi mát trầm tĩnh và từ bi trên mặt các tượng
Bụt.
Trên mặt
bạn có gần ba trăm cơ bắp; mỗi khi lo lắng, buồn giận hoặc sợ hãi, những cơ bắp
ấy co rúm lại hoặc căng thẳng ra, người khác nhìn và thấy sợ. Nếu bạn thở vào
có ý thức về sự căng thẳng đó thì khi bạn thở ra, bạn có thể buông thư và mỉm
cười. Như thế thì những căng thẳng đó sẽ biến mất và bạn phục hồi được tính
tươi mát của bông hoa nhân loại sẵn có trong bạn.
Lắng dịu,
thư giãn, phục hồi sự tươi mát, đó là sự thực tập thiền chỉ. Chỉ là dừng lại,
là làm cho lắng dịu, cho tươi mát. Thở vào, tôi thấy tôi là một bông hoa; thở
ra, tôi cảm thấy sự tươi mát của bông hoa là tôi.
Là Núi
Vững Vàng
Hạnh
phúc và bình an không thể có mặt nếu ta không có yếu tố vững chãi. Thiếu sự ổn
định trong thân và tâm, ta trở nên bất an, và kẻ khác không thể nương tựa và
trông cậy nơi ta.
Cho
nên, tu tập để đem lại sự vững chãi và ổn định nơi thân và tâm là việc rất thiết
yếu. Với hơi thở chánh niệm, với thế ngồi vững chãi, ta có thể thiết lập lại sự
vững vàng trong ta. Trong tư thế kiết già hay bán già (gọi là tư thế hoa sen),
thân tâm bạn dễ có được sự vững chãi, nhất là khi bạn biết điều phục hơi thở để
đem năm uẩn về một mối. (Năm uẩn: hình hài, cảm giác, tri giác, tâm hành và nhận
thức).
Nếu bạn
nắm vững được hơi thở, nhận diện được những cảm giác và cảm xúc trong bạn, biết
chấp nhận và ôm ấp chúng, thì bạn sẽ có nhiều niềm tin nơi khả năng của bạn và
điều này sẽ làm tăng tiến tính cách vững chãi nơi bạn. Biết sử dụng thông minh
và tình thương, bạn có thể giải quyết được những khó khăn trong sự sống hằng
ngày, đức tự tin này cũng sẽ làm tăng tiến tính cách vững chãi nơi bạn.
Thở
vào, tôi ngồi vững như một trái núi; thở ra, tôi cảm thấy sự vững chãi và ổn định
trong tôi. Thực tập quay về nương tựa nơi hải đảo của tự thân giúp bạn chế tác
được thêm tính vững chãi của bạn.
Có một
con đường thực tập tâm linh, biết mình đang đi trên con đường ấy, bạn sẽ không
còn e ngại, sợ hãi, điều này cũng giúp nhiều cho sự vững chãi của bạn. “Đã có
đường đi rồi, con không còn lo sợ.”
Con đường
này là con đường Niệm Định Tuệ, con đường của sự thực tập năm giới: bảo vệ sự sống,
chia sẻ thì giờ và tài vật của mình với những kẻ thiếu thốn, tự bảo hộ và bảo hộ
cho mọi người được an toàn không bị nạn tà dâm và sự lạm dụng tình dục tàn hại,
thực tập ái ngữ và lắng nghe, và tiêu thụ trong chánh niệm để đừng làm bại hoại
thân tâm.
Nước
Tĩnh Lặng Chiếu
Nước
tĩnh lặng chiếu là hình ảnh của tâm bình lặng. Tâm bình lặng là khi tâm không bị
những tâm hành giận hờn, ghen tị, sợ hãi và lo lắng làm cho xao động. Bạn cứ
hình dung một mặt hồ nước tĩnh trên núi, phản chiếu mây trời và các đỉnh núi rõ
nét cho đến nỗi ta có thể chụp hình mây trời và đỉnh núi khi đưa ống kính hướng
về mặt hồ.
Tâm ta
tĩnh lặng thì ta cũng phản chiếu được sự thực một cách trung thực, không làm
cho sự thực méo mó. Hơi thở và thế ngồi cũng như bước chân chánh niệm có thể
làm lắng dịu lại được những tâm hành như giận hờn, sợ hãi, tuyệt vọng...
Trong
kinh Quán Niệm Hơi Thở, Bụt có đưa ra một bài tập gọi là An tịnh tâm hành, làm
cho tâm hành an tịnh. Tâm hành đây là những trạng thái giận hờn, sợ hãi, lo lắng,
v.v... “Thở vào, tôi nhận diện được tâm hành đang có mặt trong tôi.” Bạn có thể
gọi tên tâm hành ấy. Nó là sự bực bội. Nó là sự lo lắng, v.v...
Ta
không cần phải đàn áp nó, chê trách nó, xua đuổi nó. Ta chỉ cần nhận diện sự có
mặt của nó là đủ. Đó là phép nhận diện đơn thuần, không tìm cách níu kéo cũng
không tìm cách xua đuổi. “Thở ra, tôi làm lắng dịu tâm hành trong tôi.”
Hơi thở
chánh niệm khi nhận diện và ôm ấp tâm hành có khả năng làm lắng dịu tâm hành.
Bài tập này cũng giống như bài tập mà bạn đã học để làm lắng dịu thân hành,
nghĩa là lắng dịu những căng thẳng và đau nhức trong thân. Bài này cũng là của
Bụt dạy trong kinh Quán Niệm Hơi Thở.
Bạn là
người hành giả, nghĩa là người thực tập thiền quán, chứ không phải chỉ là một học
giả hay một lý thuyết gia về thiền. Vì vậy, bạn nên luyện tập để làm lắng dịu
những tâm hành, những cảm xúc của mình khi chúng bắt đầu phát hiện. Như vậy bạn
mới có thể làm chủ được thân tâm và không gây đổ vỡ trong bạn cũng như người
khác, kể cả người thương của bạn.
Đi qua
cơn bão
Có những
cái bạn ôm đồm cất giữ, nhưng những cái ấy đã không có ích gì cho bạn mà còn
làm cho bạn mất thảnh thơi. Phải có can đảm buông bỏ những cái ấy.
Chiếc
thuyền của bạn chở khẳm quá, dễ bị sóng gió làm lật nhào. Phải bỏ bớt để cho
thuyền nhẹ. Thuyền sẽ đi mau và sẽ an toàn hơn. Bạn có thể hiến tặng cho người
thương sự thảnh thơi ấy, và bạn chỉ có thể làm như vậy khi chính bạn có sự thảnh
thơi ấy trong lòng.
Có những
người trẻ không có khả năng đối phó với các cơn cảm xúc lớn như: uất ức, giận hờn,
chán nản, tuyệt vọng, v.v... cho nên đã đi tự tử. Đối với họ, tự tử là phương
cách duy nhất để chấm dứt khổ đau. Nhưng nếu ta có dịp cho họ phương pháp đối
trị cảm xúc, họ sẽ có cơ hội làm lắng dịu và vượt thắng được những cảm xúc ấy.
Ta phải
nắm được bí quyết trước khi ta chỉ bày cho họ. Ở Pháp, mỗi ngày có khoảng 33
người trẻ tự tử. Trong trường học, không ai dạy cho người trẻ cách thức đối trị
cảm xúc. Bạn đừng để khi cảm xúc trào dâng mới bắt đầu thực tập. Cứ bắt đầu thực
tập ngay bây giờ đi. Mai mốt, khi cảm xúc trào dâng, bạn sẽ nhớ thực tập.
Trước hết,
bạn phải biết rằng, một cảm xúc chỉ là một cảm xúc, dù đó là một cảm xúc mạnh.
Lãnh thổ con người bạn rất bao la: thân thể, cảm giác, tri giác, tâm hành và nhận
thức.
Cảm xúc
chỉ là một trong số 51 tâm hành. Nó đến, nó ở lại một thời gian rồi nó đi, tại
sao ta phải chết vì nó? Ta hãy xem nó như một cơn bão tố. Nếu ta biết cách chống
đỡ, ta sẽ được an toàn trong khi cơn bão xảy ra. Cơn bão có thể kéo dài một giờ,
vài giờ hay một ngày.
Nếu ta
nắm được phương pháp thực tập thì ta sẽ đi ngang qua cơn bão dễ dàng. Trong tư
thế hoa sen, hoặc trong tư thế nằm ngửa, bạn có thể bắt đầu bằng cách thở bụng.
Đặt hết tâm ý vào bụng, thấy được bụng phồng ra khi ta thở vào và xẹp xuống
trong khi ta thở ra.
Bạn có
thể thở thật sâu và hoàn toàn chú ý tới bụng. Đừng suy nghĩ gì hết. Chấm dứt mọi
suy nghĩ, chỉ nhớ tới chuyện thở. Trong cơn bão, đọt cây là chỗ dễ bị gãy đổ nhất.
Thân cây vững chãi hơn, có nhiều rễ bám sâu vào lòng đất. Đọt cây tượng trưng
cho cái đầu hay suy nghĩ của bạn. Bạn hãy rời đọt cây, đi xuống gốc cây cho vững
chãi hơn.
Gốc cây
là ở bụng dưới, dưới rốn một chút, ở huyệt đan điền. Để hết tâm ý vào bụng dưới
và thở thật sâu. Đừng suy nghĩ gì hết và bạn sẽ an toàn trong khi cơn bão tố cảm
xúc đang diễn ra. Mỗi ngày, thực tập năm phút, sau ba tuần lễ, bạn đã có thói
quen và khi cảm xúc tới, bạn sẽ nhớ để mà thực tập.
Đi qua
được cơn bão rồi, bạn sẽ có niềm tin. Bạn tự bảo: kỳ sau, nếu cơn bão cảm xúc
trở lại, bạn không còn sợ hãi nó, vì bạn đã biết cách xử lý nó. Bạn cũng có thể
dạy cho con bạn, em bạn, để chúng biết phương pháp thở bụng.
Nắm tay
em bé, bạn bảo em bé cùng thở với bạn, đặt hết tâm ý vào bụng dưới. Tuy là một
em bé, nó cũng đã có thể có cảm xúc mạnh rồi, và nó có thể học thở để vượt thắng
cảm xúc. Ban đầu, nó cần sự yểm trợ của bạn, nhưng sau này, nó có thể tự làm một
mình.
Nếu bạn
là cô giáo, hay thầy giáo, bạn có thể dạy cho tất cả các học sinh trong lớp
cách thức thở bụng. Có thể trong số học sinh của bạn có những đứa sẽ thực tập,
sau này khi cơn lốc cảm xúc đi tới với chúng và chúng sẽ không đi tự tử. Như vậy
là bạn đã cứu mạng được cho những đứa ấy.
Thực tập
trong tư thế ngồi là tốt nhất. Trong tư thế nằm, bạn có thể để trên bụng một
túi nước nóng.
Hiểu và
Thương
Có một
phép tu gọi là từ bi quán, có công năng đem lại cho bạn nhiều thảnh thơi và hạnh
phúc. Từ có nghĩa là đem lại hạnh
phúc cho người; Bi có nghĩa là làm cho người bớt khổ.
Chìa
khóa để mở cánh cửa từ bi là khả năng hiểu biết của mình về chính những khổ đau
và khó khăn của mình, cũng như về những khổ đau và khó khăn của kẻ kia.
Thấy và
hiểu được những khổ đau và khó khăn của mình thì mình có thể dễ dàng thấy và hiểu
được những khó khăn và khổ đau của người kia. Thấy và hiểu được những khổ đau
và khó khăn của người kia thì mình cũng có thể dễ dàng thấy và hiểu được những
khổ đau và khó khăn của chính mình.
Đó là sự
thực tập nhìn sâu vào sự thật thứ nhất và sự thật thứ hai của Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu
Đế là bốn sự thực mầu nhiệm và thánh thiện. Chính là nhờ ở cái thấy của chúng
ta về khổ đau và khó khăn mà ta thấy được con đường thoát khổ. Con đường thoát
khổ là sự thực tập thứ tư, gọi là Đạo Đế.
Sự chuyển
hóa và chấm dứt khổ đau là sự thực thứ ba, gọi là Diệt Đế. Diệt là sự không có
mặt của khổ đau.
Đây là
một ví dụ của sự thực tập: một người cha đang làm khổ đau một người con. Người
cha không thấy được rằng mình đang làm khổ con và làm khổ chính mình. Người cha
ngỡ rằng, đối xử với con như thế thì mình bớt khổ. Sự thật thì không như thế.
Sự thật
là người cha có nhiều khổ đau và khó khăn nhưng không ý thức được những khổ đau
và khó khăn đó (sự thật thứ nhất, khổ đế), và không thấy được những nguyên cớ của
những đau khổ và khó khăn ấy (sự thật thứ hai, tập đế). Mình không có khả năng
xử lý những khổ đau của mình và mình làm khổ người khác, cho rằng người khác ấy
là gốc rễ của niềm đau, nỗi khổ của mình.
Có thể
là từ lúc ấu thơ, người cha đã phải hứng chịu khổ đau, đã được đối xử tàn nhẫn
bởi người ông. Người ông đã trút hết giận dữ và đau khổ xuống người cha, và người
cha bây giờ đang làm như người ông, trút hết giận dữ và đau khổ xuống người
con. Khổ đau đi luân hồi, khổ đau truyền xuống từ thế hệ này tới thế hệ khác.
Người
cha không biết gốc rễ của khổ đau mình (tập đế). Bây giờ người con có thể thực
tập như sau:
Thở
vào, tôi thấy tôi là một cậu bé năm tuổi,
Thở ra,
tôi mỉm cười với cậu bé năm tuổi vẫn còn trong tôi.
Thở
vào, tôi thấy cậu bé năm tuổi trong tôi mong manh, dễ bị thương tích, mình đầy
thương tích,
Thở ra,
tôi ôm lấy cậu bé năm tuổi trong tôi với tất cả hiểu biết và tình thương.
Đó là
giai đoạn đầu của sự thực tập. Bạn trở về nhận diện và ôm ấp em bé trong bạn.
Lâu nay, bạn quá bận rộn, không có cơ hội làm công việc đó. Bây giờ, bạn trở về
nói chuyện với em bé và ôm lấy em bé. Quá trình trị liệu đã có thể bắt đầu.
Cha tôi
trong tôi
Thực tập
thành công rồi, người con đi vào phần thứ hai:
Thở
vào, tôi thấy cha tôi là một cậu bé năm tuổi,
Thở ra,
tôi mỉm cười với cậu bé năm tuổi là cha tôi.
Có thể
bạn chưa bao giờ hình dung được là ông thân sinh của bạn là một em bé trai bốn
năm tuổi. Sự thật là hồi ấy ông cũng mong manh, dễ bị thương tích như bất cứ cậu
bé hay cô bé nào.
Thở
vào, tôi thấy cậu bé năm tuổi là cha tôi, mong manh, dễ bị thương tích, mình đầy
thương tích,
Thở ra,
tôi nhìn cậu bé năm tuổi đầy thương tích ấy với tất cả hiểu biết và thương yêu.
Có một
điều bạn chưa biết là cậu bé năm tuổi đã trở thành ông thân sinh của bạn cũng
đang có mặt trong bạn, chứ không phải chỉ đang có trong mặt trong ông ta mà
thôi.
Và cậu
bé năm tuổi đầy thương tích ấy cùng với cậu bé năm tuổi đầy thương tích ngày
xưa đã trở thành bạn hôm nay. Hai cậu bé ấy không hẳn là hai cậu bé khác nhau,
tuy rằng hai cậu bé ấy không phải chỉ là một cậu bé duy nhất.
Cái thấy
mầu nhiệm này được gọi là cái thấy Phi nhất phi nhị (Không phải là một mà không
phải là khác nhau). Bạn ôm được cậu bé này thì bạn cũng ôm được cậu bé kia. Mà
một khi bạn đã ôm được cậu bé kia thì quá trình chuyển hóa sẽ xảy ra thật
nhanh. Nếu ông thân sinh của bạn ngày xưa đã gặp người chỉ dẫn phép tu này thì
ông đã không tự làm khổ và làm khổ bạn.
Nhưng
ông đã không có may mắn ấy. Vì vậy, bạn phải thực tập cho bạn và cho cả ông
thân sinh của bạn trong bạn. Chuyển hóa được ông thân sinh của bạn trong bạn rồi
thì giúp chuyển hóa cho ông thân sinh của bạn ngoài bạn sẽ trở thành dễ dàng
hơn nhiều. Có người đã có khó khăn với bố, có người đã có khó khăn với mẹ.
Tập như
thế là chuyển hóa được cho cả mình và bố mẹ, và mình sẽ chắc chắn không lặp lại
cách đối xử ấy với các con của mình. Và như thế là “vòng luân hồi” chấm dứt.
Cái thấy, cái hiểu về khổ đau và nguồn gốc của khổ đau đem tới cái thương và
cái chấp nhận. Thương và chấp nhận được rồi mình sẽ khỏe ra và mình sẽ có khả
năng giúp được người kia chuyển hóa.
Người
kia có thể là: chú, bác, cô, dì, anh, chị, em hoặc bạn bè. Trong bạn có một tâm
hành gọi là Tuệ. Tuệ tức là cái hiểu. Đem tâm hành Tuệ vào can thiệp thì tình
trạng đổi khác liền lập tức. Tuệ (Prajñà) trước hết là cái thấy và cái hiểu về
khổ đau và bản chất của khổ đau.
Thực tập
nhìn sâu, như trong bài tập vừa rồi, ta làm lớn Tuệ trong ta. Tuệ phải tham dự
vào mọi sinh hoạt tâm ý. Nhưng có khi ta quên, không chịu hoặc không muốn sử dụng
Tuệ, nhất là những lúc ta có đam mê. Lúc bấy giờ, ta phải cần đến Niệm can thiệp.
Niệm là một tâm hành cần thiết vào bậc nhất cho sự thực tập. Ta phải nhờ Niệm
đưa Tuệ tới.
Có Tuệ
thì ta đi tới chấp nhận, tha thứ, yêu thương, và hạnh phúc. Thiếu Tuệ thì ta đi
tới giận dữ, ganh ghét, khổ đau và hận thù.
THÍCH NHẤT HẠNH
http://langmai.org/thien-duong/thien-tap-cho-nguoi-ban-ron/