Hiển thị các bài đăng có nhãn thuvienhoasen. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn thuvienhoasen. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

CÁI CÒN LẠI TRONG TÁNH KHÔNG

Hồng Dương

Trong kinh Tiểu Không (Trung Bộ 3, số 121; Trung A Hàm, số 190), đức Phật xác nhận nhờ an trú Không nên đã an trú rất nhiều. Ngài giảng kinh này để khích lệ các vị Tỳ kheo nên hành trì Không tánh một cách chơn thật không điên đảo. Tại trú xứ nào, những gì tại trú xứ ấy không có, thời phải quán là không có. Nhưng những gì tại trú xứ ấy thực có, thời phải quán là thực có. Tại thiền chứng nào chứng được, những gì thiền chứng ấy không có, thời phải quán là không có, nhưng những gì thiền chứng ấy có, thời phải quán là thực có.

"Ví như lâu đài Lộc mẫu này không có voi, bò, ngựa, ngựa cái, không có vàng và bạc, không có đàn bà, đàn ông tụ hội", thời phải quán những sự vật ấy là không. Nhưng có cái không phải không, là sự hiện diện của chúng Tăng ở trong tịnh xá, thời phải quán chúng Tăng thật sự là có, nói cho rõ hơn, ý tưởng về xóm làng không có nhưng ý tưởng về người thì có. Đó là an trú chơn thật tánh Không, không điên đảo.

Tiến lên một bậc, Tỳ kheo nào nếu muốn an trú nhiều trong Không tánh, Tỳ kheo ấy đừng suy niệm đến ý tưởng về xóm làng, đừng suy niệm đến ý tưởng về người, mà thường suy niệm đến một ý tưởng thuần nhất về rừng vắng. Vị đó quán xóm làng là không, người là không, nhưng có cái không phải không, là vì ở trong rừng, nên rừng là thật có. Vị ấy tuệ tri "Các ưu phiền do ý tưởng về xóm làng, do ý tưởng về người không có hiện hữu, nhưng các ưu phiền do ý tưởng thuần nhất về rừng vắng thời thật sự có mặt ở đây." Cái gì không có mặt, vị ấy xem là không có mặt. Cái gì có mặt, vị ấy xem như vậy là thật có. Hành trì như vậy được gọi là hành trì "Không tánh".

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Bản thể của Phật

Bìa quyển sách "Sự Hiện Diện của Phật Giáo"
(Hình pho tượng Phật Nằm ở Pagu, 
Miến Đìện, thế kỷ thứ X,

Xin lưu ý bóng dáng bé tí của một nhà sư 
ngồi bên dưới để so sánh với kích thước
 khổng lồ của pho tượng.

Daisetz Teitaro Suzuki 
(Hoang Phong chuyển ngữ)

Lời giới thiệu của người dịch:

Bản-thể-của-Phật còn gọi là Như Lai Tạng, Phật Tính, Pháp Giới, Chân Như... (tiếng Phạn là Tathagatagarbha), là một khái niệm quan trọng của Đại Thừa Phật Giáo. Tathagatagarbha được ghép từ hai chữ Tathagata và garbha: Tathagata có nghĩa là như thế, Đức Phật thường tự xưng mình chỉ là như thế, hiện ra nơi đây là như thế, dịch ra tiếng Hán là Như Lai; chữ garbha có nghĩa từ chương là "nguyên nhân" hay "bên trong" (của một thứ gì đó)..., tiếng Hán dịch là chủng tử. Vậy Tathagatagharba hay Bản-thể-của-Phật mang một ý nghĩa như thế nào trong Phật Giáo?

Dưới đây là một bài viết ngắn của thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966) giải thích về Bản-thể-của-Phật. Giới thiệu dông dài về D.T. Suzuki có lẽ cũng bằng thừa, bởi vì hầu hết những ai đã từng dày công học Phật cũng đều biết đến ông, người đã mang thiền học Zen vào thế giới Tây Phuơng trong tiền bán thế kỷ XX. Bài viết này được tìm thấy trong tập san France-Asie, số đặc biệt với chủ đề Phật Giáo, được phát hành tại Sài-gòn năm 1959. Số đặc biệt này đã góp nhặt các bài viết của một số các học giả Phật Giáo lỗi lạc nhất thế giới vào thời bấy giờ. Số báo này được tái bản tại Pháp lần thứ nhất năm 1987 và lần thứ hai năm 2008. Gọi là một số báo đặc biệt thế nhưng thật ra đây lại là một quyển sách đồ sộ mang tựa đề là "Présence du Bouddhisme" ("Sự Hiện Diện của Phật Giáo"). Lần tái bản thứ hai chỉ giữ lại phần giáo lý thế mà cũng đã dày gần 600 trang chữ nhỏ.

Người dịch xin mạn phép ghép thêm một vài ghi chú nhỏ với hy vọng có thể giúp người đọc dễ theo dõi bản gốc hơn. Các lời ghi chú này được trình bày bằng chữ nghiêng và đặt trong hai dấu ngoặc.

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Ngũ giới

Huệ giáo

Để trở thành một người Phật tử, việc phát nguyện Quy y Tam Bảo và giữ gìn Ngũ giới là tâm nguyện, là việc cần làm đầu tiên. Do đó, chúng ta cần phải học và tìm hiểu, để thực hành hầu mang lại nhiều lợi lạc cho chính chúng ta, gia đình và khả dĩ kiến tạo một xã hội tốt đẹp.

I- Ngũ giới

Ngũ Giới là năm điều răn cấm mà Đức Phật đã chế dành cho Phật tử tại gia, là nền tảng để bước lên những giới pháp rộng lớn hơn. Ý nghĩa của năm giới nhằm mục đích giúp cho người con Phật ngăn ngừa những ý tưởng xấu ác, những hành động bất chánh và những lời nói thiếu cẩn trọng để khỏi phải hại mình hại người.

Giới nhà Phật chế ra, mục đích khiến mỗi người tự hoàn thiện lấy mình và hướng tới một con người toàn diện, chân - thiện - mỹ. Giới nhà Phật không phải là sự bắt buộc, áp đặt vào một ai mà chính là sự tự nguyện thực hiện của mỗi người nhận lãnh. Đức Phật không phải là một vị thần linh tối cao, cũng chẳng phải là vị quan tòa cầm cân nảy mực mang tích chất thưởng phạt. Ngài chỉ là một vị Thầy dẫn đường cho chúng ta thấy đâu là con đường trong sáng, cao thượng cần phải đi và đâu là con đường tối tăm cần phải tránh.

Bát chánh đạo

Huệ Giáo


I/ Mở đề

Bát Chánh Đạo hoặc Bát Thánh Đạo là giáo lý căn bản của Đạo đế (trong Tứ Đế) gồm ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Đây là những phương tiện hành trì phổ biến sâu rộng chung cho Ngũ thừa Phật giáo.

Trong bài pháp Tứ đế đầu tiên đức Phật giảng tại vườn Lộc Uyển, về phương pháp hành trì hay Đạo đế, con đường dẫn đến an vui Niết bàn. Đức Phật đã long trọng chỉ Bát thánh đạo cho năm bạn đồng tu là nhhóm Kiều Trần Như. Đó là con đường thánh gồm tám chi: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. 

II/ Nhập đề

A- Định nghĩa: 

Bát chánh đạo là con đường chân chánh có tám chi, giúp chúng sanh hướng đến một đời sống cao thượng, hạnh phúc. Bát thánh đạo là tám phương tiện vi diệu đưa chúng sanh đến đời sống an lạc, giải thóat, tiến đến địa vị giác ngộ. Những bậc Hiền, Thánh nương theo tám phương tiện này để đi đến Niết bàn, Phật quả. 

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

CÂU CHUYỆN MỘT CON ĐƯỜNG...

Hoang Phong

Đức Thích-ca Mâu-ni là vị Phật lịch sử và cách nay đã lâu lắm, đã khám phá ra một Con Đường thật độc đáo, đấy là Con Đường giúp chúng ta loại bỏ mọi khổ đau và tìm thấy một sự tự do đích thật. Sau khi khám phá ra Con Đường đó thì Đức Phật, lúc ấy còn rất trẻ, đã hy sinh phần còn lại của kiếp nhân sinh cuối cùng của mình để trỏ cho chúng ta trông thấy Con Đường ấy bằng ngón tay của chính Ngài. Hôm nay chúng ta là những người đang tu tập bằng cách hướng theo ngón tay của Ngài và bước theo các vết chân của Ngài vẫn còn in đậm trên Con Đường ấy.

Chúng ta cũng không khác gì một đoàn người cùng bước đi trên Con Đường, một đoàn người vô cùng phức tạp: khác biệt nhau về đủ mọi mặt, từ tuổi tác, sức khỏe, văn hóa đến trình độ hiểu biết... Có những người thanh thản và yên lặng tiến bước; có những người bận rộn ngược xuôi nhằm khuyến khích và dìu dắt người khác, thậm chí đưa cả lưng mình để cõng người yếu đuối; lại cũng có kẻ chỉ thích đứng ở các trạm đón xe và chờ người đến rước. Ấy là chưa nói đến các cảnh tượng chen lấn và móc túi, hoặc lường gạt và lợi dụng nhau... Hơn nữa cũng có nhiều người không nhìn theo hướng ngón tay để tiến bước mà chỉ lanh quanh tìm kiếm của cải của người khác đánh rơi hoặc vứt bỏ lại, để rồi nào ôm, nào vác, nào đội lên đầu để mà vừa đi vừa vấp ngã. Không những thế, trên đường lại cũng có những đoàn người đi ngược chiều và chúng ta phải nép sang một bên để tránh không đâm sầm vào họ. Nhìn sang hai bên vệ đường thì chúng ta cũng sẽ thấy nhiều cảnh tượng thật huyên náo: nào chợ búa, cửa hàng, nhà hát, sòng bài, kể cả những cảnh lường gạt, đâm chém, bắn giết, bom nổ, nhà cháy, cầu sập..., và cũng có một số người dừng lại để mải mê nhìn và trong lòng thì vẫn còn cứ muốn xông vào để tham gia.

CHUẨN BỊ NHƯ THẾ NÀO CHO CÁI CHẾT CỦA MÌNH

Dagpo Rimpoché
Hoang Phong chuyển ngữ

Lời giới thiệu của người dịch :

Khi vừa mới một tuổi thì Dagpo Rimpoché đã được Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thứ XIII xác nhận là vị hóa thân (toulku) của Ngài Mã-nhĩ-ba (Marpa, 1012-1097) một vị Đại sư của Tây tạng và là thầy của Đại sư Mật-lặc Nhật-ba (Milarepa, 1052-1135). Dagpo Rimpoché sinh năm 1932, vào chùa từ lúc sáu tuổi, học tại các tu viện đại học danh tiếng nhất ở Tây tạng, tốt nghiệp tiến sĩ Phật học. Ngài rời Tây Tạng vượt sang Ấn vào năm 1959 và sau đó thì lưu trú tại Pháp từ năm 1960. Hiện nay Dagpo Rimpoché là một gương mặt lớn của Phật giáo Tây tạng tại Âu châu.

Bài chuyển ngữ dưới đây được trích từ một tài liệu ghi chép lại buổi thuyết trình của ông ngày 19 tháng 9 năm 2003 tại một ngôi chùa Tây tạng trên đất Pháp. Thông dịch viên :Marie-Stelle Boussemart. Ghi chép : Laurence Harié, Michel Langlois, Cathérine Baguet, Marie-Stella Boussemart.

Trong số quý vị đến đây hôm nay tôi nhận ra một vài người đã đến nghe tôi thuyết giảng tại Genève cách đây khoảng hai hay ba năm. Các vị khác thì có lẽ mới đến nghe lần đầu. Ngoài ra tôi cũng được gặp lại vài người bạn cũ mà từ nhiều năm nay tôi chưa có dịp gặp lại. Thật vô cùng vui sướng cho tôi được tiếp xúc tối nay với từng vị một.

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Bệnh tâm thần & thiền định

Mỹ Thanh dịch


Bất cứ người nào theo học khóa thiền Vipassana trong vòng mười ngày, đều có thể nhìn thấy sự sai lầm về mặt này của khoa tâm lý học hiện đại. Anh ta biết ngay từ kinh nghiệm bản thân là các sự kiện tâm lý nội tại có thể được quan sát trực tiếp. Mỗi thiền sinh của Vipassana đều trở thành một bác sĩ tâm lý thực thụ cho chính mình. Và xuyên qua môn khoa học thuần khiết về quán sát tự thân, anh ta bắt đầu thoát khỏi đau khổ.

Hiện nay, thế giới đang có sự rối loạn, không hiểu biết, tranh cãi về bệnh tâm thần, thiền định, và sự liên hệ giữa hai đề tài này. Các chuyên gia về sức khỏe thể chất, và tâm thần cũng không hiểu rõ phạm vi nghề nghiệp của họ. Họ cũng không hiểu cái gì là thiền định. Bởi vậy đối với người bình thường họ sẽ rất bối rối.

Nhẫn nhục

Trích từ: 

BỒ TÁT HẠNH (Bodhicaryàvatàra)
Santideva (Tịch Thiên)
Thích Trí Siêu dịch

1) Tất cả hạnh lành tích tụ trong nhiều kiếp như bố thí, lễ Phật, v.v.. chỉ cần một giây phút sân hận thôi cũng đủ đốt cháy tiêu tất cả.

2) Không có tội nào tai hại hơn sân hận, cũng không có khổ hạnh nào dũng cảm hơn hạnh nhẫn nhục. Do đó, bằng mọi cách, ta (Bồ Tát) sẽ nuôi dưỡng, tăng trưởng tánh nhẫn nhục.

3) Ta sẽ không bao giờ an ổn hay nếm được mùi vị sung sướng thảnh thơi, không bao giờ được yên ngủ tự tại nếu ngày đó nọc độc sân hận còn nằm ở trong tâm .

4) Dù được dạy dỗ, bảo vệ, nhưng một khi chán ghét, bực tức, người đệ tử có thể mong muốn hủy diệt vị thầy của mình.

5) Nếu ta giống như người đệ tử trên thì anh em, bạn bè sẽ ghê tởm, xa lánh ta. Dù ta có rộng rãi bố thí đi nữa, họ cũng không tin tưởng ta. Tóm lại, sự an vui không thể đến với người sân hận.

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

CÁI CHẾT

Đức Dalai Lama 14

Đức Phật đã nói rằng trong tất cả những mùa khác nhau để cày cấy, mùa thu là mùa tốt nhất, trong tất cả những loại nhiên liệu để đốt, thì phân bò là tốt nhất, và trong tất cả những loại tỉnh giác khác nhau, sự tỉnh giác về sự vô thường và cái chết thì hữu hiệu nhất. 
Cái chết là điều nhất định, nhưng khi nào nó giáng xuống thì bất định. Nếu chúng ta thực sự đương đầu với sự việc, chúng ta không biết được cái gì sẽ tới trước – ngày mai hay cái chết. Chúng ta không thể hoàn toàn quả quyết rằng người già sẽ chết trước và người trẻ còn ở lại phía sau.

Thái độ thực tế nhất mà ta có thể nuôi dưỡng là hy vọng điều tốt đẹp nhất nhưng chuẩn bị điều tồi tệ nhất. Nếu điều xấu nhất không xảy ra thì mọi sự đều tốt đẹp, nhưng nếu nó xảy ra, nó sẽ không tấn công chúng ta bất ngờ.

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

MỘT ĐỜI NGƯỜI MỘT CÂU THẦN CHÚ

Tác Giả: Nguyên Thành biên soạn 

ĐÔI DÒNG CẢM TƯỞNG


Tôi là người rất ngại “viết lách”. Viết, đối với tôi là cả một cuộc “vật lộn” với chữ nghĩa. Vậy mà từ khi được duyên may mắn, là người đầu tiên đọc tác phẩm Một đời người, một câu thần chú của giáo thọ Nguyên Thành vừa viết xong, như có ai đó thúc giục tôi một cách mãnh liệt, rằng phải viết lên những niềm hỷ lạc mà tôi đã nhận được từ sự gia trì của Bổn Tôn qua tác phẩm này. Do vậy, tôi “đành” phải “chấp bút”.

Tuy là người đã hành trì giáo pháp Mật tông, và cũng đã đọc một số kinh điển giảng luận của các đạo sư và các thánh tăng, viết về lợi ích của việc thực hành trì niệm thần chú nhưng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng và choáng ngợp bởi sự hoành tráng, đầy đủ mọi khía cạnh nông sâu của thần chú Om mani padme hum. Tựa như những viên pha lê đầy màu sắc trước kia để ẩn khuất từng nơi, nay được gom tụ vào một chỗ thì ánh sáng lấp lánh của chúng tăng lên gấp ngàn lần vậy. Tôi như một chú ếch đã tạm hiểu được sự rộng sâu của một dòng sông nhưng vẫn phải nổ tung trước sự mênh mông bao la không bến bờ của đại dương. Vậy đối với những ai có duyên lành với Phật pháp và mong muốn am tường về thần chú Om mani padme hum của Bồ Tát Quán Âm, thì Một đời người, một câu thần chú là một tác phẩm chứa đựng đầy đủ. 

SÁT SANH TRONG TƯ TƯỞNG

Thích Nhật Từ

Khi chia sẻ một vài quan điểm hóa giải lòng hận thù theo tinh thần đức Phật dạy ở hai phần đầu, chúng tôi có đề cập đến câu chuyện ngụ ngôn trong kinhĐại Bảo Tích, liên hệ về phản ứng của sư tử và chó trước một khúc xương. Câu chuyện ngụ ngôn đó nói về đối tượng của lòng thù hận chính nó đã tạo ra khổ đau cho con người.

Con chó nghĩ rằng cục xương là tác nhân tạo ra sự đau đớn thân xác của chúng nên đã cấu xé khúc xương. Sư tử, ngược lại, biết rất rõ tác nhân không phải là khúc xương mà là con người, nên định hướng được nơi mà khúc xương xuất phát.

Phật dạy, ta nhìn nhận tác nhân không phải nằm ở sự kiện, sự vật, ngay cả con người, mà nằm ở lòng tham, sân, si của người thiếu sự kiểm soát tâm. Trong cuộc sống nhiều người có khuynh hướng tâm lý ngã hóa đối tượng, tức là hình dung đối tượng đã tạo ra nỗi khổ niềm đau cho mình và định vị đối tượng đó. Thay vì, thấy rõ được con người là do hợp thể của năm uẩn tạo thành thì ta lại đi mê mẩn cái giả tạm đó. Tiến trình ngã hóa đối tượng làm cho con người tìm kiếm cơ hội để phóng thích nỗi khổ niềm đau qua lòng thù hận.

GIỚI KHÔNG SÁT SINH


Trong suốt bốn mươi chín năm hoằng pháp, Đức Phật đã để lại rất nhiều kinh điển, nhưng nội dung tất cả đều không ngoài ba điều:
- một là không làm các điều ác, 
- hai là siêng làm các việc lành 
- ba là tự ngưng dứt dòng vọng tưởng liên tục của ý thức.
(chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý), trong đó về hai điều đầu tiên -- không làm các điều ác và siêng làm các việc lành --, hai điều này thâu gồm hầu hết giới luật của nhà Phật. 
Trên ý nghĩa cơ bản, giới được đặt trên nền tảng từ bi thương xót đến tất cả muôn loài chúng sinh, không làm những gì có hại cho mình, cho chúng sinh, hoặc hại cả hai, và về ba phương diện thân, khẩu, ý thì phải tích cực làm mọi việc để đem lại hạnh phúc, an lạc cho mình và cho chúng sinh. 

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Tánh Không là gì

Buddhadasa Bhikkhu 



CỐT LÕI CỦA CỘI BỒ ĐỀ 

TÁNH KHÔNG LÀ GÌ 

Buddhadasa Bhikkhu 

(Hoang Phong chuyển ngữ)



Lời giới thiệu của người dịch:

Tánh không là một chủ đề thật quan trọng và chủ yếu trong giáo lý Phật Giáo, nhưng cũng phức tạp, cao thâm và khó nắm bắt, bằng chứng là khái niệm về tánh không cũng đã được hiểu khác nhau giữa Phật Giáo Theravada và các học phái Phật Giáo Đại Thừa.

Tánh không cũng là một khái niệm đặc thù và độc đáo nhất trong giáo lý Phật Giáo. Thật vậy, không có một nền văn minh nào, một hệ thống tư tưởng nào, một triết học nào, một tôn giáo nào, một khoa học nào nêu lên khái niệm này ngoài Phật Giáo. Đấy là một khái niệm vượt lên trên tất cảcác tôn giáo, kể cả "Phật Giáo" dưới các hình thức "tín ngưỡng" mang tính cách đại chúng. Ngày nay khái niệm về tánh không, cũng như một số các khái niệm khác của Phật Giáo, vẫn còn tiếp tục làm các nhà tư tưởng, các triết gia, học giả, khoa học gia... thuộc mọi lãnh vực trên toàn thế giới kinh ngạc.

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Những điểm chính yếu nhất trong giáo huấn của Đức Phật (Phần 1)

CỐT LÕI CỦA CỘI BỒ ĐỀ 


Buddhadasa Bhikkhu 

Hoang Phong chuyển ngữ

Lời giới thiệu của người dịch

Năm 1961 một nhóm tu học Phật Pháp của nhân viên bệnh viện Siriraj ở Bangkok có mời một vị đại sư Thái Lan là Buddhadasa Bikkhu đến thuyết giảng trong ba ngày. Nội dung của ba buổi thuyết giảng này được ghi lại và in thành một quyển sách nhỏ. Năm 1984, một Phật tử người Thái dịch quyển sách này sang tiếng Anh với tựa đề là "Heartwood from the Bodhi tree" (Cốt lõi của cội Bồ-đề) và đến năm 2011 thì quyển sách này được một tỳ kheo ni người Pháp là Jeanne Schut dịch sang tiếng Pháp với tựa đề "Le coeur du message du Bouddha" (Tâm điểm thông điệp của Đức Phật).

Buddhadasa xuất gia năm 1926 khi vừa được hai mươi tuổi. Sau vài năm tu học trong một ngôi chùa tại Bangkok ông nhận ra rằng "sự tinh khiết không thể nào tìm thấy ở những thành phố lớn", nên bèn rời chùa và trở về quê ông ở miền nam Thái Lan. Ông sửa lại một ngôi chùa hoang phế và đến năm 1932 thì biến ngôi chùa này thành một trung tâm giảng dạy Phật Pháp rất nổi tiếng tên là "Suan Mokkhabalarama"(Khu vườn của Giác Ngộ), một trong những nơi đầu tiên tại Thái Lan giảng dạy về thiền Vipassana.

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

NỔI GIẬN

Kyabje Lama Zopa Rinpoche 


Tuệ Uyển chuyển ngữ

Bạn có thể thấy gia đình bạn như một vị đạo sư tâm linh vĩ đại. Đây là những gì Đức Phật đã nói: người mà bạn gọi là kẻ thù, người làm cho bạn giận dữ, là vị đạo sư tâm linh của bạn.

Zopa Rinpoche khuyên bảo đến một Phật tử, người thưa rằng đã rất hay giận dữ với gia đình.
Bạn đã nhận ra rằng giận dữ sinh khởi là không tốt và bạn phải làm điều gì đấy về việc này. Bạn có trách nhiệm chấm dứt rắc rối ấy. Thậm chí điều này là tiến trình đối với an bình và hạnh phúc. Không có phát hiện này trước, thì không có ngày này qua ngày kia, phút này đến phút nọ có hòa bình cho bạn và những người khác. Bạn càng có thể dừng giận dữ bao nhiêu và ít giận dữ hơn bao nhiêu, bạn càng mang đến hòa bình và hạnh phúc cho tất cả mọi loài chúng sinh, đặc biệt là nhân loại, loài vật, và hơn thế nữa cho thế giới này. Tất cả sáu tỉ con người trên thế giới được hòa bình và an lạc nhiều như thế và hàng tỉ con người trong quốc gia bạn cũng có thể hưởng được hòa bình an lạc như vậy. Dĩ nhiên, không cần hỏi về gia đình bạn, hàng xóm bạn, và chính bạn.

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Xả... stress không phải uống thuốc

BS. Đỗ Hồng Ngọc

Không có stress có lẽ con người cũng không thể tồn tại. Thế nhưng, vượt ngưỡng đến một mức nào đó thì con người cũng…không thể tồn tại, bởi chính stress gây ra nhiều thứ bệnh về thể chất và tâm thần, nên rất cần biết cách “xả” stress trong cuộc sống đầy căng thẳng, âu lo hiện nay.
Stress là một phản ứng bảo vệ, khi cơ thể bị một mối đe dọa, mối nguy hiểm xảy đến cho nó. Người ta gọi nó là phản ứng (hay đáp ứng) “chiến đấu hoặc bỏ chạy” (fight or flight response), nghĩa là trong tình huống đó, chỉ có hai cách để chọn lựa: chiến đấu để sinh tồn hoặc bỏ chạy để… sinh tồn!

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

ĐẠO PHẬT, VŨ TRỤ HỌC, VÀ TIẾN HÓA

Tác giả: David Loy 

Chuyển ngữ: Tuệ Uyển

Hình ảnh bề mặt từ kính viễn vọng không gian Hubble, của một thiên hà xoắn ốc được cấu trúc bởi một lỗ đen ở trung tâm của nó. Vòng dày đặc chung quanh cái lõi màu vàng là một khu vực của hoạt động sinh sao. Những cánh tay xoắn ốc thì thấy mờ nhạt.

Ngay cả với tất cả những lý thuyết khoa học sâu xa này về khởi nguyên của vũ trụ, tôi gợi lại những câu hỏi quan trọng: Điều gì tồn tại trước big bang? Big bang đến từ chốn nào? Nguyên nhân làm ra nó là gì? Tại sao hành tinh của chúng ta tiến hóa để hổ trợ cho sự sống? Mối quan hệ giữa vũ trụ và những thứ hiện hữu đã tiến hóa trong ấy là gì? Các nhà khoa học có thể gạt qua những câu hỏi này như vô lý, hay họ có thể nhận thức tầm quan trọng của chúng nhưng phủ nhận rằng chúng thuộc lãnh vực thẩm tra của khoa học. Tuy nhiên, cả những sự tiếp cận này sẽ có hệ quả về những giới hạn tri thức rõ ràng đối với kiến thức khoa học về khởi nguyên vũ trụ của chúng ta. Tôi không lệ thuộc vào những câu thúc chuyên môn hay lý tưởng của một quan điểm căn bản vật chất trần gian.

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

VÔ NIỆM, VÔ SANH?

Lê Sỹ Minh Tùng



Ngày nay người đệ tử Phật khắp mọi nơi trên thế giới thực hành nhiều pháp môn khác nhau để mong đạt đến cứu cánh tối thượng là có giải thoát giác ngộ. Có người lên tận núi tuyết sống cô đơn lạnh lẽo rất nhiều tháng để tham thiền, lại có người nhập thất tịnh khẩu tịnh thân tịnh ý để mau có tịnh tâm và ép chế tâm để đạt đến trạng thái vô niệm mà có được vô sanh. 

Con người có mặt trên thế gian này được xem là một sinh vật tối linh với đầy đủ lục căn mắt, tai, mũi, thân và ý để tiếp nhận và giao cảm với thế giới bên ngoài là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp để phát hiện tất cả những ý tưởng của cuộc đời. Bây giờ nếu chúng ta ngồi thiền, niệm Phật để biến con người thành vô tri, vô giác không còn ý niệm (vô niệm) thì con người bây giờ có khác gì những người máy, tượng gỗ hay cục đá. Nhưng người máy, cục đá thì bao giờ thành Phật?

VÔ NIỆM KHÔNG PHẢI LÀ VÔ CHÁNH NIỆM

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Có người cho rằng chữ niệm ở trong vô niệm cũng giống như chữ niệm ở trong chánh niệm. Không phải vậy!

Chữ niệm ở trong vô niệm có nghĩa là một tư tưởng, một cái tưởng, một tri giác (perception), một ý niệm (idea), một quan niệm (notion). Vô niệm tức là vượt thoát những tư tưởng, những ý niệm, những tri giác đó. Tại vì mình có những tư tưởng, những ý niệm, những tri giác đó, và đôi khi mình đồng nhất nó với sự thật tuyệt đối. Vì vậy mình phải vượt thoát ý niệm đó thì mình mới có thể tiếp xúc được với sự thật.

THỜI GIAN CÓ HAY KHÔNG?

Nguyễn Thế Đăng


1. Quan niệm thời gian trong vật lý hiện đại

Chúng ta tóm tắt những điểm chính của bài viết Is time an illusion? của Giáo sư Triết học Craig Callender Đại học California trên tạp chí Scientific American tháng 6/2010, do Cao Chi biên dịch với tựa đề Thời gian phải chăng là một ảo tưởng? đăng trên tạp chí Tia Sáng số 14/7/2010.“Thời gian chỉ là một phương thức thuận tiện để đo đạc các quá trình trong vũtrụ. Thời gian không tồn tại độc lập. Chúng ta chỉ cảm nhận được thời gian vì chúng ta là một hệ con bị ràng buộc với các hệ con khác trong vũ trụ bởi nhiều mối liên quan. Thời gian được ví như tiền tệ vốn chỉ là một phương tiện giao dịch, thuận tiện hơn phương thức trao đổi trực tiếp bằng hiện vật”.