Nguyễn Thế Đăng
1. Quan niệm thời gian trong vật lý hiện đại
Chúng ta tóm tắt những điểm chính của bài viết Is time an illusion? của Giáo sư Triết học Craig Callender Đại học California trên tạp chí Scientific American tháng 6/2010, do Cao Chi biên dịch với tựa đề Thời gian phải chăng là một ảo tưởng? đăng trên tạp chí Tia Sáng số 14/7/2010.“Thời gian chỉ là một phương thức thuận tiện để đo đạc các quá trình trong vũtrụ. Thời gian không tồn tại độc lập. Chúng ta chỉ cảm nhận được thời gian vì chúng ta là một hệ con bị ràng buộc với các hệ con khác trong vũ trụ bởi nhiều mối liên quan. Thời gian được ví như tiền tệ vốn chỉ là một phương tiện giao dịch, thuận tiện hơn phương thức trao đổi trực tiếp bằng hiện vật”.
“Thời gian cổ điển là thời gian Newton. Về thực chất, Newtonđòi hỏi rằng vũ trụ song hành với sự tồn tại một đồng hồ chủ (master clock) có giá trị quy chiếu cho toàn vũ trụ. Mũi tên thời gian (arrow of the time) kết dính với đồng hồ chủ. Sau đó quan niệm thời gian này bị tấn công vào cuối thếkỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ludwig Boltzman nói: Nếu các định luật Newton là đúng cho cả hai chiều của thời gian thì sẽ không có mũi tên thời gian luôn hướng về tương lai”.
“Một mục đích tối cao của vật lý là thống nhất lý thuyết tương đối rộng với lý thuyết lượng tử để tạo nên một lý thuyết duy nhất: lý thuyết lượng tử của hấp dẫn… Các nhà lý thuyết mong muốn loại bỏ thời gian khi xây dựng một lý thuyết thống nhất nhưng lại bối rối bởi vì trong khi có thểloại bỏ thời gian trong thuyết tương đối rộng thì trong lý thuyết lượng tử thời gian lại có vai trò quan trọng: đó chính là nguồn gốc khó khăn trong quá trình hình thành một lý thuyết thống nhất”.
“Vào những năm 1950, 1960 khi John Wheeler và Bryce DeWitt tìm cách viết những phương trình Einstein dưới dạng giống như những phương trình của Điện động lực học lượng tử thì họ đãđi đến một kết quả hết sức bất ngờ: phương trình bây giờ được gọi là phương trình Wheeler-DeWitt hoàn toàn không chứa thời gian. Ký hiệu t biểu diễn thời gian đã bị loại mất. Nếu nói một cách tường minh hơn thì thời gian không tồn tại. Carlo Rovelli (Đại học Marseille, Pháp) cùng với nhà vật lý người Anh Julian Barbour đã tìm cách viết lại lý thuyết lượng tử trong một khuôn khổ không chứa thời gian như lý thuyết tương đối đòi hỏi, ý tưởng chính của hai tác giả là: nếu không tồn tại một thời gian tổng thể(global time) thì chúng ta cần nối liền một hệ thống vật lý này với một hệthống vật lý khác. Thay vì theo dõi tóc trên đầu bạn đã bạc đi như thế nào theo thời gian thì bạn có thể nối liền quá trình bạc tóc của bạn với quỹ đạo của vệtinh. Thời gian trở nên thừa. Mọi sự thay đổi có thể mô tả không cần thời gian. Tương tự như tiền tệ thuận tiện hơn là trao đổi hiện vật khi phải thanh toán một ly cà phê: thời gian thuận tiện trong việc nối liền một hệ thống vật lý với một hệ thống vật lý khác. Và thời gian quả là một ảo giác thuận tiện hơn bất cứ điều gì trong vũ trụ, giống như đồng tiền trong cuộc sống thường nhật”.
“Toàn vũ trụ có thể không có thời gian; song, hãy tưởng tượng vũ trụ bị phân chia thành nhiều hệ con thì một số hệ con lại đóng vai trò ‘đồng hồ’ cho các hệ con khác. Chúng ta cảm nhận thời gian chỉ vì theo bản chất, chúng ta là một hệ con. Nhà triết học Pháp Merleau Ponty nói rằng bản thân thời gian thực tế không chảy và sở dĩta cảm nhận dòng chảy của thời gian vì ‘ta đã lén đặt vào dòng sông một chứng nhân của dòng chảy’.
Bài viết kết luận: “Vậy thời gian là không tồn tại độc lập. Ta cảm nhận dòng chảy của thời gian chỉ vì ta là một hệ con có nhiều mối quan hệ với các hệ con khác trong vũtrụ”.
2. Quan niệm thời gian trong Phật giáo
Những gì các luận sư Phật giáo nói về thời gian khi y cứ vào kinh điển thì không khác với kết luận trên. Chẳng hạn, một nhà Trung đạo (Madhyamaka) thì nói: “Thời gian không tồn tại độc lập vì do nhiều duyên mà sanh khởi. Thời gian là chân lý quyước cho một hữu thể sống tách biệt theo cái ngã của mình khi y tự quy chiếu với những sự vật khác trong vũ trụ. Trong chân lý tuyệt đối, thời gian không có tựtánh, nên hoàn toàn không có”. Một nhà Duy thức sẽ nói: “Thời gian chỉ là mộtảo tưởng của tâm thức, do tâm thức biến hiện”.
Sự giải thoát của Phật giáo là giải thoát khỏi sanh lão bệnh tử, nghĩa là giải thoát khỏi thời gian. Có thể giải thoát khỏi thời gian được, chính vì thời gian thì vô tựtánh, giả hợp theo duyên và do đó giả danh. Có thể giải thoát khỏi thời gian vì thời gian chỉ là một cái thấy hư vọng, một ảo tưởng do tâm thức dệt tạo nên.
Tuy cùng đạt đến một kết luận căn bản là không có thời gian, nhưng Phật giáo khác với khoa học và triết học là ở chỗ: thay vì chỉ đạt đến điều đó bằng một công thức toán học vật lý hay một tư duy triết học (nghĩa là chỉ giới hạn trong tư tưởng hay ý thức) thì Phật giáo, bằng thiền định và thiền quán, đi đến tận cùng chiều sâu của thân tâm mình và bằng cách loại bỏ ảo tưởng “có thời gian”, nhổ hết gốc rễ vô minh và do đó chuyển hóa toàn bộ thân tâm mình. Cái biết của Phật giáo không còn là hiểu biết thông thường mà là sự tự chứng ngộ, tự thực hiện. Không có thời gian không chỉ là một ý tưởng đẹp khi có khi không trong cuộc sống, mà là một chứng nghiệm, một thân chứng vĩnh viễn một khi đã loại bỏ vô minh cho rằng thời gian là có thật. Với người Phật giáo, không có thời giankhông chỉ là một ý tưởng, mà đó là toàn bộ đời sống, toàn bộ thực tại.
Sau đây chúng tađi xa hơn trong việc tìm hiểu thời gian. Theo hệ thống Hoa Nghiêm, có bốn cấpđộ đời sống, bốn cấp độ thế giới, nghĩa là bốn cấp độ thời gian:
1/ Thế giới của Sự. Đây là thế giới sựvật của giác quan và của ý thức phân biệt. Các sự vật biệt lập với nhau, do đó có thời gian quy ước, giả danh. Ở đây có thời gian, nhưng nói theo Callender trong bài viết trên, thời gian chỉ là một thứ tiền tệ quy ước thuận tiện cho sựtính toán trao đổi trong tương quan vật chất. Cái vô minh của chúng ta là không hiểu thời gian chỉ là một loại tiền tệ quy ước để sống trong cuộc sống vật lý, mà cho rằng nó thật một cách tuyệt đối. Nó chỉ là chân lý quy ước, tương đối (tục đế), chứ không phải chân lý tối hậu, tuyệt đối (chân đế). Khi xem thời gian quy ước tương đối này là tuyệt đối, chúng ta làm nô lệ cho nó. Do đó mà có phiền não, khổ đau, có sanh tử.
2/ Thế giới của Lý. Đây là “thế giới”, là“đời sống” không có thời gian. Mà đã không có thời gian chia cắt thì cũng không có không gian tách biệt nhau. Lĩnh vực này là đối tượng của việc siêu vượt khỏi ý thức phân biệt, đạt đến trí vô phân biệt. Và vì không có phân biệt, “không là một hệ thống con trong nhiều mối quan hệ với các hệ thống con khác trong vũ trụ”nên “không có dòng chảy của thời gian”.
Mọi tông phái Phật giáo đều nhắm vào cái “nguyên lý không có thời gian” này, bằng giới định huệ,để thực sự đạt đến cái không có thời gian, nghĩa là không có sanh tử. Trong cáckinh Bát Nhã đều nói trí huệ thấu suốt tánh Không (cái không có thời gian) là chung cho cả ba thừa, Thanh Văn thừa, Bồ-tát thừa và Phật thừa. Chẳng hạn, kinh Kim Cương nói phải chứng đắc cái không có thời gian: “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc”.
Ở đây, tuy cùng một kết luận với khoa học và triết học rằng thời gian không có thực, nhưng Phật giáo thì đem thân tâm với tất cả bề sâu bề rộng của nó để thể nghiệm điều đó, do đó mà không chỉ là hiểu biết, nhưng là chứng ngộ, giác ngộ. Cái biết trọn vẹn trong tận cùng thân tâm làm thân tâm hoàn toàn thay đổi, chuyển hóa. Từ nay người thực hành sống trong một chiều kích mới, chiều kích đích thực của đời sống: chiều kích không có thời gian không có không gian. Đó là giải thoát.
3/ Thế giới Lý Sự vô ngại. Bồ-tát vừa là người tự giải thoát cho mình bằng trí huệ thấu suốt tánh Không, vừa giúp đỡngười khác đi trên con đường giải thoát. Người ấy sống một lúc cả hai chiều kích: chiều kích không có thời gian (Lý) và chiều kích có thời gian (Sự) nhưchúng sanh vẫn sống trong ba cõi. Bồ-tát sống cả hai chiều kích Lý và Sự nhưvậy, nên gọi là cấp độ Lý Sự vô ngại.
Trong các kinhĐại thừa có nói Bồ-tát sống không có thời gian nhưng không hủy hoại tướng thời gian của chúng sanh; sống cái vô tướng nhưng không ngăn ngại phá hủy cái có tướng của chúng sanh. Hẹn ai giờ nào là đúng giờ ấy tới, chứ không lấy cớ là tôi sống không có thời gian, tôi sống trong vĩnh cửu, rồi muốn tới giờ nào cũngđược. Nói cách khác, Bồ-tát sống chân lý tuyệt đối và tối hậu nhưng vẫn “tùy thuận” với chân lý tương đối và quy ước. Như thế là Bồ-tát đầy đủ cả Trí Huệ vàĐại Bi.
Chúng ta thấy bậc Thanh văn chỉ nhắm đến chân lý tuyệt đối và tối hậu không có thời gian và khi đạt được chân lý tuyệt đối ấy thì chứng nhập chân lý tuyệt đối nên hoàn toàn giải thoát khỏi ba cõi. Còn vị Bồ-tát thì dầu nhắm đến và đạt đến chân lý tuyệt đối không có thời gian, nhưng vì không bỏ chúng sanh cho nên vẫn chấp nhận, không xóa bỏ chân lý quy ước tương đối “có thời gian”. Đây là một điều khó khăn, như kinh Đại Bát Nhã nói trong phẩm Học Không Bất Chứng:
“Tôi chẳng nên rời bỏ tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh chìm trong cái không thật, tôi phải cứuđộ họ… Phải biết Bồ-tát này thành tựu sức phương tiện, lúc chưa được thành Phật, hành ba môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô tác mà chẳng giữa đường chứng lấy thiệt tế (chân lý tuyệt đối không có thời gian)… Chỗ làm của Bồ-tát thật là rất sâu. Tại sao vậy? Vì dầu Bồ-tát học Các Pháp Không, học Thiệt Tế, học Pháp tánh, học Rốt Ráo Không nhẫn đến học Tự Tướng Không và ba môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô tác, mà trọn chẳng giữa đường sa vào bậc Nhị thừa: Thanh văn vàĐộc giác Phật. Thật là ít có vậy”.
Tóm lại, sốngđược Lý Sự vô ngại, sự vô ngại của có thời gian và không có thời gian, sự vô ngại của sanh tử và Niết-bàn, cho nên Bồ-tát sẽ tròn đủ hai sự tích tập: Trí Huệ (thế giới của Lý) và Công Đức (thế giới của Sự) để thành Phật.
4/ Thế giới Sự Sự vô ngại. Khi mỗi khoảnh khắc thời gian (Sự) và cái không có thời gian (Lý) hòa nhập và dung chứa vô ngại với nhau đạt đến mức hoàn hảo, mỗi khoảnh khắc thời gian (Sự) sẽ hòa nhập và dung chứa mỗi và tất cả khoảnh khắc thời gian khác (Sự) tạo ra một trùng trùng tương dung tương nhiếp vô tận. Đây là thế giới Sự Sự vô ngại.
Chúng ta trích vài đoạn trong kinh Hoa Nghiêm nói vềcấp độ này:
Trong mỗi mỗi chân lông
Ức cõi chẳng nghĩ bàn
Các thứ tướng trang nghiêm
Mà chưa từng chật hẹp.
(Hoa Tạng Thế Giới thứ 5)
Vị lai trong quá khứ
Hiện tại trong vị lai
Ba thời thấy lẫn nhau
Mỗi mỗi đều rõ ràng.
(Phổ Hiền Hạnh thứ 36)
Hoặc vô lượng kiếp vào một kiếp
Hoặc lại một kiếp vào nhiều kiếp…
Hoặc sự trang nghiêm trong một kiếp
Vào khắp tất cảvô biên kiếp.
(Thế Giới Thành Tựu thứ 4)
“Trong một vi trần nhập trong vô số thế giới khởi, trong vô số thế giới vi trần nhập trong một vi trần khởi… Một niệm nhập trong ức kiếp khởi, ức kiếp nhập trong một niệm khởi… Ba thời quá khứ hiện tại vị lai nhập trong một khoảnh khắc khởi, một khoảnh khắc nhập trong ba thời khởi” (Phẩm Thập địnhthứ 27).
Phật giáo nói rằng “tất cả do tâm tạo”. Tâm càng thanh tịnh, càng vi tế, càng trong sáng, càng cao rộng thì sẽ chứng nghiệm được những “cảnh giới” cao rộng của thời gian và cái không có thời gian.
Bốn cấp độ của thế giới cũng là bốn cấp độ của tâm vậy.
3. Kết luận
Về mặt lý thuyết, khoa học có thể triệt tiêu thời gian – nỗi ám ảnh lo sợ lớn nhất của con người. Về mặt thực hành, có thể khoa học chế tạo ra một cái máy triệt tiêu thời gian, nhưng cái máy đó không dành cho con người, bước vào đó con người sẽtiêu tan.
Phật giáo đồng ý với khoa học có thể triệt tiêu thời gian về mặt lý thuyết, nhưng Phật giáo còn có những pháp môn thực hành phù hợp với con người để con người có thể thểnghiệm chính ngay trong thân tâm này cái không có thời gian ấy.
Như thế Phật giáo không bác bỏ hay chống đối khoa học. Trái lại, Phật giáo là sự nối dài, sựmở rộng của khoa học đến những biên giới tận cùng của thân và tâm – nhất là tâm– của con người. Mở rộng chiều kích của tâm để mở rộng chiều kích của thời gian là việc làm của những thực hành Phật giáo (mà chúng ta thường gọi là tu hành tâm thức). Qua những sự thực hành, tâm thức chúng ta sẽ mở rộng hơn, và tùy theo độ mở rộng ấy, chúng ta sẽ thể nghiệm sự mở rộng của thời gian và không gian cho tới vô tận.
Con đường Phật giáo là sự thể nghiệm, tự chứng những cấp độ của thời gian, đi từ thời gian ảo tưởng do tâm thức chấp trụ, quy chiếu vào nhiều thứ hữu hạn mà tạo ra, cho đến cái thời gian đích thật là không có thời gian vì tâm thức không trụ vào một nơi nào cả. Đó là con đường của giải thoát (khỏi thời gian giới hạn) và tự do (vì không còn điểm nào để quy chiếu) và an vui (vì không còn những phiền não do bịtrói buộc vào dòng chảy của thời gian một chiều và hữu hạn).
Văn Hóa Phật Giáo số 113
http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-121_4-6645_5-50_6-2_17-90_14-1_15-1/