DUY BIỂU HỌC
Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Lá Bối
CHƯƠNG KẾT: NHỮNG NỖ LỰC ĐỂ HỆ THỐNG HÓA DUY BIỂU
CHƯƠNG KẾT: NHỮNG NỖ LỰC ĐỂ HỆ THỐNG HÓA DUY BIỂU
Nói tới những cố gắng, những nỗ lực để hệ thống hóa tư tưởng Duy Biểu, trước hết chúng ta phải nói tới Thầy Vô Trước (Asanga). Thầy Vô Trước là anh của Thầy Thế Thân (Vasubandhu). Thầy Vô Trước viết Nhiếp Đại Thừa Luận. Trong chương đầu của Nhiếp Đại Thừa Luận Thầy gọi thức A-lại-gia thức là Sở Tri Y, tức là nền tảng của đối tượng nhận thức: núi, sông, cây, cỏ, người, vật, tâm thức. Sau đó là Thầy Thế Thân. Thầy Thế Thân rất nổi tiếng,nổi tiếng hơn cả anh của thầy (là thầy Vô Trước). Đó là nhờ tác phẩm Ba Mươi Bài Tụng Duy Biểu.
Sau Thầy Thế Thân có nhiều thầy khác, nhưng mà nổi bật nhất là Thầy Trần Na (Dignāga). Thầy Trần Na sáng tác rất nhiều trong đó có Quán Sở Duyên tức là quán chiếu về đối tượng của nhận thức. Thầy Trần Na là người khai mở Duy Thức Mới. Thầy đưa vào trong Duy Biểu Học của Thầy Vô Trước và Thầy Thế Thân yếu tố luận lý học (logic) và yếu tố nhận thức luận (epistemology). Trong đạo Bụt có một môn học về lý luận học gọi là Nhân Minh Học (năm xưa tác giả có viết một tập sách về vấn đềnày ). Nhận thức luận là một phần trong triết học đã đặt vấn đề tâm thức con người có thể đạt đến chân lý tối hậu hay không, có biết được sự thật về thực tại hay không? Nếu tâm con người không có khả năng đó thì không nên cố gắng, chỉ mất công sức và thì giờ. Trong Duy Biểu Học của Thầy Trần Na có mầu sắc của luận lý học và nhận thức luận nhưng tất cả đều có bản chất tâm học (the study of mind) của Phật giáo.
Thầy Huyền Trang qua Ấn độ vào thế kỷ thứ bảy và học tại Học Viện Nalanda. Đại học Nalanda là đại học Phật Giáo được thiết lập vào khoảng thế kỷ thứ năm - thứ sáu,cách thành Vương Xá độ chừng tám cây số về phía Bắc . Đây là một đại học rất nổi tiếng có gần một ngàn thầy tới học. Khi Thầy Huyền Trang qua học thì Thầy viện trưởng là Thầy Giới Hiền. Thầy Giới Hiền (Śīlabhadra) lúc đó đã 105 tuổi. Thầy Giới Hiền là học trò của Thầy Hộ Pháp (Dharmapāla). Vì lẽ đó Thầy Huyền Trang đem về Trung Hoa những kiến thức về Duy Biểu của Thầy Hộ Pháp. Chúng ta biết rằng sau Thầy Trần Na có mười thầy rất giỏi về Duy Thức gọi là Thập Đại Luận Sư. Trong tác phẩm Thành Duy Thức Luận của Thầy Huyền Trang thỉnh thoảng Thầy có nêu lên những ý kiến của những vị luận sư đó, nhưng những ý kiến tràn ngập tác phẩm của Thầy Huyền Trang là ý kiến của Thầy Hộ Pháp. Ý kiến và sở học của Thầy Huyền Trang bị ảnh hưởng nặng nề của Thầy Hộ Pháp (hai chữ nặngnề ở đây không có nghĩa là dở).
Duy Thức Tông của Thầy Huyền Trang là Pháp Tướng Duy Thức Tông. Vì vậy cho nên, Duy Thức Học của Thầy Huyền Trang gọi cho đúng là Pháp Tướng Duy Thức Học. Và Thầy Khuy Cơ là người chính thức lập ra, là cột trụ của tông pháinày.
Pháp tướng là đối với pháp tánh. Pháp tánh là khảo cứu về thể tánh của các pháp. Ví dụ như các hệ thống về giáo lý tam luận, về không, về bát nhã thì thuộc về hệ thống pháp tánh, tức là nghiên cứu về bản tánh của các pháp. Bản tánh tức là "the nature of things" (svabhāva). Pháp tướng nghiên cứu về phần hiện tượng của vạn pháp. Rồi từ tướng mà đi vào tánh (tùng tướng nhập tánh). Tánh là thế giới bản thể, tướng là thế giới hiện tượng.
Mái chèo kia đưa hướng nước mây trôi
Thuyền hiện tượng quay về bản thể
(Thuyền về bến cũ, thơ Nhất Hạnh)
Đối với nhiều người đi trực tiếp vào tánh cũng hơi khó. Khi nghe nói "không sinh cũng không diệt", "không thường cũng không đoạn", "không tới cũng không đi" thì họ bị lạc hướng. Cho nên mới nói "có cây tùng", "có bình trà" rồi từ từ mới phân tích và đi sâu vào trong tướng trạng của những cái đó rồi đi tới ý niệm không có cũng không không. Đó gọi là tùng tướng nhập tánh. Có nhiều người không cần tùng tướng. Thiền tông thì nghiêng về phía nhập tánh, kiến tánh, trực chỉ chân tâm, khỏi phải học Duy Thức. Trong khi đó Thầy Thường Chiếu, tổ sư thiềnViệt Nam của thế kỷ 13, nói rằng: "Nếu không hiểu sư vận hành của tâm thì sự tu hành khó khăn". Có thể hiểu Thầy gián tiếp nói là phải học Duy Thức.
Trước Thầy Huyền Trang có một Thầy từ Ấn độ qua trung Hoa, tên là Chân Đế (Paramārtha 499-569). Thầy đã dịch Nhiếp Đại Thừa Luận lần đầu tiên và sau đó Thầy đã lập một tông phái gọi là Nhiếp Luận Tông, tức là một tông phái về Nhiếp Đại Thừa Luận. Nhiếp Luận Tông có sớmhơn Duy Thức Tông của Thầy Huyền Trang. Cho nên tổ Duy Thức Học ở Trung Hoa là Thầy Chân Đế.
Sau Thầy Huyền Trang, có Thầy Pháp Tạng. Thầy Pháp Tạng rất giỏi về giáo lý Hoa Nghiêm và thông hiểu Duy Thức. Trong tác phẩm lớn của Thầy, Thầy Pháp Tạng đã đem những yếu tố huyền nhiệm của Kinh Hoa Nghiêm cống hiến cho Duy Biểu Học. Nhưng ý kiến của Thầykhông được những thế hệ tiếp theo tiếp tục và không được chú ý tới. Mãi cho tới bây giờ mới có Thầy Nhất Hạnh để ý tới và đưa những ý kiến đó ra, Thầy hiện đại hóa Duy Biểu Học và cũng thêm phần của Thầy vào.
Vào khoảng thập niên 30, Giáo sư Levi có khám phá ra được tại Nepal một tác phẩm của Thầy An Huệ (Sthiramati) viết bằng tiếng Phạn để giải thích Ba Mươi Bài Tụng của Thầy Thế Thân. Giáo sư Levi đã công bố và dịch ra tiếng Pháp tác phẩm này. Nhờ vậy mà chúng ta học được những ý kiến của một vị đại luận sư là Thầy An Huệ. Nhờ sự khám phá của giáo sư Levi, bây giờ đây chúng ta có được rất nhiều ý kiến của Thầy An Huệ. Tài liệu tiếng Phạn mà giáo sư Levi tìm ra không những đã được dịch ra tiếng Pháp mà còn được dịch ra tiếng Bạch thoại. Các giáo sư Phật học ở Hồng Kông đã dịch ra và các vị đó cũng đồng ý với tác giả là dùng danh từ Duy Biểu đúng hơn danh từ Duy Thức.
Hiện đại chúng ta thấy có nhiều vị học giả Trung Hoa cũng đóng góp vào Duy Biểu Học. Có những vị học duy thức khá giỏi như là Châu Từ Ca, Đường Đại Viên, Thái Hư Đại Sư. Thầy Thái Hư đã nói rằng: "Con đường dễ nhất cho người Tây phương đi vào Phật giáo là con đường DuyThức Học".
Đóng góp của tác giả
Vậy thì Thầy Nhất Hạnh đã đóng góp gì trong Năm Mươi Bài Tụng này?
Câu trả lời dễ dàng là thầy Nhất Hạnh đóng góp vào cách trình bày. Năm Mươi Bài Tụng không giống với cách trình bày trong các tác phẩm cổ điển. Yếu tố thứ hai là phần thực tập trong Năm Mươi Bài Tụng nhiều hơn là phần thực tập trong các tác phẩm cũ.
Yếu tố thứ ba là phần thực tập trong Năm Mươi Bài Tụng được kéo về nguồn, về Đạo Bụt Nguyên Thủy. Tại vì các phương pháp thực tập mà các tổ đưa ra không làm cho tác giả thỏa mãn. Cho nên tác giả đã đưa Duy Thức về tắm lại nguồn gốc của các phép thiền quán ngày xưa. Phương pháp thực tập mà tác giả trình bày ở trong Năm Mươi Bài Tụng có thể đại diện một cách thích đáng cho những phép thiền quán của đạo Bụt vừa Nam Tông, vừa Bắc Tông, vì điều kiện của chánhniệm trong Duy Biểu quán rất quan trọng, mà chánh niệm là tinh hoa của phép thiền quán của Đạo Bụt.
Nhắn gửi các thế hệ tương lai
Chúng ta đã học xong Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu và chúng ta có thể đọc Tam Thập Tụng của Thầy Thế Thân; Bát Thức Quy Củ Tụng của Thầy Huyền Trang trong phần phụ lục, để nhận diện những gốc rễ, những yếu tố đã được sử dụng để làm nên Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu.
Quý vị có thể xem xét trở lại để thấy được sự khác nhau và giống nhau giữa Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu với các tác phẩm nói trên. Có thể là trong tương lai, trên bước đường tu tập và dạy dỗ quý vịsẽ tiếp tục công việc của Thầy, có thể phát kiến thêm, sửa chữa thêm, làm giàu thêm cho Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu để mọi người được cùng hưởng lợi lạc.
Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu ít nhất cũng đóng được vai trò của nó trong vòng 30 hay 50 năm tới, có thể được dùng để giảng dạy đường lối vận hành của tâm thức để cho sự thực tập thiền quán, tu tập chánh niệm được dễ dàng hơn. Nhưng mà mỗi thế hệ Phật tử phải đóng góp phần của mình. Chúng ta thấy điều đó đã xẩy ra trong lịch sử của Giáo Đoàn Phật Giáo. Ngay sau khi Bụt nhập diệt thì Luận Tạng đã được thành lập và thỉnh thoảng có những bậc đạo sư xuấthiện trong Giáo Đoàn và làm mới giáo lý, diễn bày giáo lý một cách mới mẻ thích hợp với tâm trạng và hoàn cảnh xã hội trong đó họ sống.
Vậy nếu chúng ta muốn thực tập một cách thông minh thì chúng ta phải có tinh thần tự do. Thông minh đó, tự do đó sẽ giúp chúng ta quán chiếu một cách rõ rệt và sẽ không làm nô lệ cho ai cả, không làm nô lệ cho Bụt mà cũng không làm nô lệ choTổ, tại vì Bụt và Tổ không bao giờ muốn chúng ta trở nên nô lệ. Các Tổ đã không làm nô lệ. Các Tổ đã tiếp tục công trình sáng tác của Bụt và đã tạo ra Đạo Bụt Đại Thừa với bao nhiêu là giáo lý, trong đó có giáo lý Duy Biểu. Vậythì với tự do đó, thông minh đó, tinh thần không nô lệ đó, chúng ta phải làm như các Tổ đã làm, như Thầy Thế Thân, Thầy Vô Trước đã làm, như là Thầy Pháp Tạng đã làm và 'con hơn cha là nhà có phúc'.
Chúng ta phải gạt bỏ thái độ nô lệ, chúng ta phải học với trí thông minh, chúng ta phải biết rằng các Tổ, các Thầy của chúng ta đã làm ra được như vậy thì muốn trả ơn chúng ta phải đi xa hơn, phải sử dụng những gì Bụt trao lại, Thầy tổ trao lại và phải luôn luôn tiếp xúc với những khó khăn, những vấn đề có thực của thời đại mình, của xã hội mình.
Giáo pháp của Bụt (Dharma) có thể tiếp xúc được qua kinh điển. Đến khi các Thầy làm ra những bộ luận để hệ thống hóa giáo lý của Bụt thì các thầy đặt tên là Abidharma (thắng pháp, vô tỉ pháp, vô đối pháp, tức là pháp không thể so sánh được, incomparableDharma) , ngụ ý rằng ngày xưa Bụt giảng giải một cách không có hệ thống, bây giờ các thầy, với khối óc thông minh tuyệt vời, đã hệ thống hóa thành những tác phẩm vĩ đại, nên các thầy gọi nó là thắng pháp, vô tỉ pháp. Trong cách đặt tên này có mang mầu sắc của một sự tự hào.
Tác giả (Nhất Hạnh) ưa dùng chữ Pháp, chứ không ưa chữ Thắng Pháp hay Vô tỉ Pháp. Vì khi chúng ta trực tiếp tới với Bụt thì chúng ta có cơ hội học còn nếu chỉ căn cứ vào Tổ, hiểu ý Bụt qua Tổ thì nhiều khi không hay bằng trực tiếp đi tới với Bụt. Chúng ta có thể bị coi là phạm tội bất kính đối với các Tổ nhưng tác giả nghĩ rằng Tổ có nguồn của Tổ và chúng ta có nguồn của chúng ta. Chỉ đi tới với Bụt qua Tổ thì chưa hay lắm. Chúng ta có thể học hỏi những cái thấy, kinh nghiệm của tổ nhưng mà chúng ta phải đi thẳng tới Bụt. Cho nên Vô Tỉ Pháp chúng ta cũng học mà Pháp chúng ta cũng học.
Trong tác phẩm Trần Triều Yên Tử Sơn, Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh bằng chữ Nôm của Hòa Thượng Tuệ Đăng (ngày xưa trụ trì Chùa Yên Tử) có nói rằng:
"Học hỏi kinh luận rất lâu", nhưng mà
"nghiệm cơ tổ bảo, giây lâu hiểu liền".
Ý nói đi ngang tổ thì mau hơn, còn nếu trực tiếp học với Bụt thì phải học nhiều năm mới được. Đây là ảnh hưởng của đường lối "đi ngang Tổ".
Trong Thiền tông có khuynh hướng nói rằng y cứ vào Tổ thì mau hơn, học kinh thì lâu. Cũng có phần đúng. Tại vì Bụt chúng ta không có trực tiếp, chúng ta chỉ có kinh nghiệm về kinh điển mà thôi. CònTổ nhiều khi có sự trực giác, có chứng ngộ ở trong con người của Tổ và nếu Tổ hướng dẫn trực tiếp nhiều khi chúng ta đạt tới mau hơn. Kinh điển dầu sao cũng không phải là sự giác ngộ tự thân. Kinh điển tức là cái hình ảnh của sự giác ngộ của Bụt thôi. CònTổ mà đang sống thì cách đi, đứng, nằm, ngồi của Tổ phát xuất từ sự chứng ngộ của Tổ, cho nên gần Tổ cũng như gần Bụt. Còn nếu chúng ta đọc Tổ thì cũng không phải là Tổ. Đọc kinh cũng không phải là đọc Bụt. Những điều Bụt nói là prajñapti (lý thuyết, giả lập - pre-preposition), những điều Tổ nói cũng chỉ là prajñapti. Nếu trong Tổ mà có sự giải thoát giác ngộ thì cái đó có thật. Nhưng nếu nói rằng nghe lời Tổ mau hơn nghe lời Bụt thì điều đó không chắc lắm.
Hồi hướng công đức
Chúng ta hồi hướng công đức Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu này trước hết là cho các Thầy Vô Trước, Thầy Thế Thân, Thầy Trần Na, mười vị Đại Luận Sư trong đó có Thầy Hộ Pháp,Thầy An Huệ và Thầy Giới Hiền. Và cố nhiên là chúng ta thừa hưởng được cái hiểu, cái thấy của Thầy Huyền Trang và học trò lớn của Thầy là Thầy Khuy Cơ.Chúng ta cũng đã tiếp xúc được với Thầy Pháp Tạng, Thầy Chân Đế. Năm Mươi Bài Tụng mà tác giả trình bày ngày hôm nay là sự thừa hưởng của tác giả trước hết từ Bụt, tiếp sau là từ tất cả các Thầy đó, không kể nhiều tác giả khác mà tác giả đã học./.
http://thuvienhoasen.org/p24a19500/chuong-ket-nhung-no-luc-de-he-thong-hoa-duy-bieu