Vấn đề giải thoát trong pháp môn Niệm Phật
GN - Tịnh độ chân nghĩa là gồm sức tự lực và tha lực, tạo thành sức mạnh tâm linh, dễ đạt được vãng sanh và chứng đắc Niết-bàn.
1.1 Khái niệm về pháp niệm Phật và cảnh giới Tịnh độ
Niệm Phật được xem là pháp môn căn bản trong các pháp môn được Đức Phật dạy trong Kinh tạng Nguyên thủy và Kinh tạng Đại thừa. Thực tiễn tu tập hiện nay cho thấy có khá nhiều người quan tâm đến pháp tu niệm Phật và cảnh giới Tịnh độ.
Niệm Phật (niệm Tam bảo) là một phương pháp mầu nhiệm giúp tâm an định, dứt trừ sợ hãi và bất an
Tịnh độ là cõi giới thanh tịnh. Kinh Phật giới thiệu nhiều cõi Tịnh độ, như Tịnh độ Phật A Di Đà, Tịnh độ Phật Dược Sư, Tịnh độ Phật Di Lặc, Tịnh độ Nhân gian (theo quan điểm kinh Duy Ma Cật), Duy tâm Tịnh độ và nhiều cảnh Tịnh độ khác.
Luận về kết quả sau cùng của sự tu niệm, thì các pháp tu đều đưa đến giải thoát trực tiếp hoặc gián tiếp. Tùy theo mục đích tu tập mà có thành quả khác nhau về sự chứng ngộ hoặc vãng sanh.
Bài viết này nhấn mạnh ý nghĩa giải thoát từ pháp Niệm Phật theo quan niệm của Tịnh Độ tông.
1.2 Niệm Phật trong kinh điển Hán tạng và Nikaya
Trước hết chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa niệm Phật được đề cập nhiều trong Kinh tạng Nikaya và A-hàm. Khi Phật tại thế, giáo lý căn bản dạy cho chúng xuất gia và tại gia là các phương pháp thiền (quán niệm), cụ thể nhất là thiền Tứ niệm xứ. Thiền là một phương pháp thanh lọc tâm phiền não, nhằm chứng đạt sự giải thoát.
Trong quá trình tu học, niệm Phật (niệm Tam bảo) là một phương pháp mầu nhiệm giúp tâm an định, dứt trừ sợ hãi và bất an trước mọi nghịch cảnh. Quán niệm oai lực của Phật để vượt thoát mọi tâm lý trầm tịch và tán loạn. Trong kinh Niệm Tam bảo, Phật dạy: Một hôm, có các vị thương gia đang định vượt qua sa mạc, có nhiều điều khó khăn và nguy hiểm. Trước khi đi, họ đến lễ Phật và được Phật dạy ý nghĩa pháp niệm Phật, niệm Tam bảo như sau: “Các ông sắp vào nơi hoang mạc, sẽ gặp nhiều khủng bố, tâm kinh hoàng dựng đứng cả lông, lúc ấy nên niệm Như Lai sự: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác,... cho đến Phật, Thế Tôn. Niệm như vậy thì mọi khủng bố đều được tiêu trừ”(1) .
Nương nhờ tha lực, hồng ân Tam bảo là nền tảng của niềm tin tu tập và cứu cánh giác ngộ. Thời đại ngày nay phần nhiều chúng ta tu tập trong hoàn cảnh khá thuận lợi, như chùa viện hay tịnh xá tại thành phố, điều kiện an ninh rất cao. Trong trường hợp hành giả ẩn cư nơi rừng núi hay đồng trống hoang vu không có hội chúng, Đức Phật dạy phải quán niệm như sau: “Nếu Tỳ-kheo nào ở nơi vắng vẻ, dưới bóng cây, trong nhà trống, đôi khi bỗng khởi lên lòng sợ hãi, kinh hoàng đến độ lông dựng lên, thì nên niệm Phật, Pháp, Tăng, nói rộng như trước. Khi niệm đến Như Lai sự, Pháp sự, Tăng sự thì mọi sự sợ hãi tự tiêu trừ” (2).
Đối với người cư sĩ, Phật dạy phát tâm tu học năm giới, tu Bát quan trai, phát tâm quán niệm Bốn pháp tăng thượng: quán về Phật, Pháp, Tăng và Giới để phát triển phẩm đức, học theo nhân cách của Phật, thanh tịnh nội tâm để vượt qua các món phiền não, sự lôi cuốn của tham ái và hoàn cảnh bên ngoài giúp tâm phát sanh nhiều năng lượng giải thoát.
Trong quá trình tu tập, hành giả luôn nhớ nghĩ đến công đức của Phật. Tâm hành giả được chan hòa trong ánh sáng từ bi và trí tuệ của Phật thì tự nhiên ác niệm không phát sanh, thiện niệm sanh khởi. Đó là pháp tu rất thiết thực chung cho mọi người. Phật dạy: “Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Như Lai cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị tiêu diệt” (3).
Mục đích tu tập là lìa bỏ mọi tham muốn dục vọng thấp hèn, tu theo Phật, chứng quả vị Phật. Người đệ tử luôn nhớ nghĩ đến Phật như tiêu chí của đạo đức, mục tiêu của sự giải thoát. Sự gắn bó chặt chẽ đời sống của mình với nhân cách của Phật để phát khởi sự tinh tấn, để bảo hộ tâm giải thoát, để làm thước đo trong mọi hành động thân khẩu ý. Lộ trình tu tập ấy, quán niệm sâu sắc về Đức Phật, tín niệm Phật để tâm thực hành đạo lý hướng đến giác ngộ, Niết-bàn là điều cần thiết. Phật dạy:“Có một pháp, này các Tỳ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là Niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỳ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn” (4).
Chính vì những lợi ích lớn lao của pháp Niệm Phật đối với sự tu tập, cho nên về sau Tịnh Độ tông chủ trương niệm Phật tiêu trừ tội chướng, niệm Phật để vãng sanh, niệm Phật để chứng đạt tâm chánh định, niệm Phật để được chứng ngộ giải thoát sanh tử luân hồi.
2.1 Ngài Huệ Viễn và pháp môn Niệm Phật
Ngài Huệ Viễn (334-416) được tôn xưng là vị Tổ sư Tịnh Độ tông, người có công khởi xướng và áp dụng pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Có thể nói, niệm Phật theo quan điểm của ngài Huệ Viễn khác xa với một vài xu hướng niệm Phật trong thực tiễn hiện nay. Huệ Viễn tuy nhấn mạnh đến niệm Phật vãng sanh, nhưng niệm Phật là phương pháp tịnh hóa tâm thức, đạt được cảnh giới chứng ngộ cao thông qua Niệm Phật tam muội. Cảnh giới niệm Phật này giống với các phương thức thiền quán. Chính nhờ niệm Phật đắc định mới thấy Phật và theo nguyện vãng sanh.
Hành trạng tu tập của ngài Huệ Viễn giúp chúng ta nhận thức rõ nét hơn về pháp môn Tịnh độ. Theo sử liệu, Huệ Viễn rất tinh thông nghĩa lý Bát-nhã, ảnh hưởng sâu sắc quan điểm tu hành của ngài Đạo An. Bên cạnh đó, Huệ Viễn còn tiếp cận với tư tưởng ngài La Thập, một dịch giả tinh thông Ba tạng giáo điển Phật giáo. Sự hội ngộ này với sự vấn đáp đạo lý Bát-nhã không tánh, kiến giải nghĩa lý Sắc Không thành tác phẩm Đại thừa Đại nghĩa chương (5).
Khía cạnh đặc biệt khác nữa, Huệ Viễn rất tinh thông tư tưởng Đại trí độ luận, luận giải phương diện tâm tánh phù hợp với quan điểm Đại thừa. Tại Lô Sơn, ngài Huệ Viễn đã chủ trì phiên dịch A-tỳ-đàm tâm luận, Tam pháp độ luận, Tu hành đạo địa thiền kinh. Chính giai đoạn tu học này đã chứng tỏ Đại sư Huệ Viễn có rất nhiều tâm đắc tu tập thiền quán.
Tuy vậy, ngài xét thấy pháp môn Niệm Phật thích hợp với mọi tầng lớp người tu học, nên nỗ lực hoằng dương Tịnh độ. Ngài lấy pháp Niệm Phật tam muội chủ đạo cho sự tu tập. Phương pháp này y cứ vào kinh Bát chu tam muội. Điều này nhận rõ trong tác phẩm Niệm Phật tam muội thi tự, ông viết: “Lại các môn Tam muội, danh mục rất nhiều, công cao dễ tu, niệm Phật là thắng” (6). Phương pháp niệm Phật này thuộc tọa thiền niệm Phật, đây là cơ sở tu học và hình thành pháp Thiền Tịnh song tu. Tư tưởng của ngài Huệ Viễn ảnh hưởng rất lớn trong sự hình thành Tịnh Độ tông.
Có quan niệm cho rằng, ngài Huệ Viễn tuy khởi xướng pháp môn Niệm Phật nhưng người phát triển giáo nghĩa thành hệ thống là ngài Đàm Loan và ngài Đạo Xước. Là người khởi xướng niệm Phật, phát nguyện vãng sanh, hành trạng hoằng pháp của ngài Huệ Viễn xứng đáng một danh tăng Đại thừa. Chí nguyện tu hành của ngài thoát tục cao vời, tâm không rời công tác phiên dịch kinh luật luận cho hậu thế tu học. Ngài là bậc danh tăng trì giới nghiêm mật, ba mươi năm an trú tại Lô Sơn phát nguyện tu niệm. Vẫn biết, các thế hệ cao tăng tiếp nối đã phát huy giáo nghĩa Tịnh độ đến hoàn hảo, nhưng ghi nhận phương thức tu học của ngài Huệ Viễn chứng minh cho giáo lý Tịnh độ là hệ thống mở, cho các tông trở về, khẳng định Tịnh độ biểu trưng vai trò và sự thích ứng kinh luận Đại thừa trong mọi thời đại.
2.2 Bốn cách niệm Phật của ngài Tông Mật (784-841)
Ngài Tông Mật, còn có biệt hiệu là Khuê Phong thiền sư, thuộc Ngũ tổ Hoa Nghiêm tông. Ngài Tông Mật giới thiệu về bốn pháp niệm Phật trong Hoa Nghiêm kinh hạnh nguyện phẩm biệt hành sớ sao. Bốn pháp đó là:
• Trì danh niệm Phật: Tức chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà, miệng niệm rõ ràng danh hiệu, tai nghe âm thanh lúc niệm, tâm chuyên chú vào câu niệm Phật.
• Quán tượng niệm Phật: Tức chuyên quán sát tượng hay hình ảnh Phật A Di Đà với tâm chuyên chú, khắc sâu hình ảnh của Phật trong tâm. Khi ngồi thiền cũng chuyên quán tưởng hình ảnh của Phật.
• Quán tưởng niệm Phật: Y cứ vào mười sáu phép quán trong kinh Quán Vô lượng thọ. Quán sát vào mười sáu đối tượng Phật, Bồ-tát, tức quán cảnh giới y báo và chánh báo cõi Phật ở Tây phương Cực lạc, nhờ sức quán tưởng mà đắc tam muội (chánh định), thành tựu công đức và tâm nguyện tu hành.
• Thật tướng niệm Phật: Niệm thật tướng các pháp, tức niệm thật tướng Phật. Đây là nhờ sức quán sát chứng đắc pháp tánh viên dung vô ngại. Lấy sự tự lực làm chủ đạo trong sự tu hành. Phương pháp này thuộc về lý niệm Phật, từ đây mà có quan điểm Duy tâm Tịnh độ.
2.3 Năm phương diện niệm Phật của Trí Giả đại sư
Năm phương diện niệm Phật của Đại sư Trí Giả đề cập trong tác phẩm Ngũ phương tiện niệm Phật mônlà thành quả của pháp niệm Phật, thực tiễn quá trình tu học cho đến chứng ngộ, là cái nhìn của bậc tu chứng phân biệt công đức thù thắng của pháp niệm Phật. Năm thành quả ấy đạt được do niệm Phật nhất tâm, chứng niệm Phật tam muội (chánh định). Chánh định ấy có năm công đức: Một là niệm danh hiệu Phật đắc tam muội được vãng sanh.
Hai là quán tướng hảo quang minh của Phật mà tội chướng tiêu trừ. Ba là từ pháp niệm Phật đắc tam muội quán các cảnh đều do tâm, đoạn trừ bệnh chấp pháp. Bốn là từ pháp niệm Phật đắc tam muội quán sát xả ly tâm và cảnh. Năm là từ pháp niệm Phật đắc tam muội chứng tánh khởi viên thông, xả ly mọi tham chấp cảnh thiền định trầm lắng để chứng đắc thật trí, thật pháp, tự tại giải thoát. Như vậy, ngoài niệm Phật với mục đích vãng sanh, nếu phát huy hết các phương thức niệm Phật có khả năng chứng ngộ thật tướng, như cảnh giới chứng ngộ của Thiền, không khác.
3.1 Vài suy nghĩ về pháp tu niệm Phật trong xã hội hiện đại
Theo như ý nghĩa và các phương pháp niệm Phật đã trình bày, chúng ta thử suy ngẫm về một vài chủ trương tu niệm Phật hiện nay. Trước hết, nhìn vào hình thức niệm Phật theo kinh điển Nguyên thủy, Đức Phật dạy niệm Phật để giúp tịnh hóa tâm thức, phát huy định lực, vượt qua mọi chướng ngại phiền não. Chính yếu là phát huy quán tưởng phẩm hạnh của mười đức hiệu Phật. Quán tưởng và đặt niềm tin trọn vẹn vào Tam bảo, tức Phật, Pháp và Tăng. Đối với hàng cư sĩ, Đức Phật luôn khích lệ tu tập trì giới và tín niệm Tam bảo, thực hành các pháp lành, đó là điều thiết thực cho sự giải thoát.
Đến thời đại Tổ sư Huệ Viễn thì chủ trương niệm Phật tam muội, ngoài vấn đề trì giới, y pháp tu học, còn xem niệm Phật là phương thức thiền định, tín nguyện Tây phương Cực lạc và chuyên tâm tu niệm Phật phát nguyện vãng sanh. Tịnh độ thời ngài Huệ Viễn khẳng định trọn vẹn ý chí tự lực và tha lực song hành, nhờ đó đã được mọi thành phần xã hội đón nhận, phát tâm tu học.
Qua thời đại ngài Đàm Loan và Đạo Xước có công hoằng dương Tịnh độ và phát huy lý thuyết Tín, Hạnh, Nguyện phổ cập số đông tín đồ tham gia niệm Phật cầu sanh Tây phương. Đặc biệt căn cứ vào kinh Vô lượng thọ, nhấn mạnh vai trò tha lực của Phật và ý nghĩa “Đới nghiệp vãng sanh” cùng “Tiêu nghiệp vãng sanh”. Kinh Quán vô lượng thọ, Phật dạy người đã từng làm điều ác mà lúc lâm chung, niệm được mười danh hiệu cũng được Phật tiếp dẫn.
Tôn tượng Đức Phật A Di Đà trước chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang)
- nơi tôn nghiêm được Phật tử lễ bái hàng ngày - Ảnh minh họa
Điều cần suy nghĩ là phải chăng giáo lý Tịnh độ chỉ chủ trương các hình thức tôn giáo như hộ niệm lúc lâm chung, nhấn mạnh sức mạnh lòng tin hoặc dạy tín đồ chuyên học kinh liên quan Tịnh độ mà quay lưng với cả kho tàng kinh điển Phật giáo? Thử hỏi những thái độ bảo thủ trong tu tập như thế có phù hợp với mục đích phát Bồ-đề tâm cầu sanh Tịnh độ hay chưa? Chắc chắn rằng, xu hướng niệm Phật như thế không phù hợp với tôn chỉ Tịnh độ trong giáo nghĩa Đại thừa.
Con người trong xã hội hiện đại với đời sống thường bận rộn, chịu nhiều áp lực. Từ đó họ dễ dàng chấp nhận một giáo lý đơn giản thuần túy niềm tin. Có niềm tin mà thiếu sự quán sát thì dễ dàng rơi vào căn bệnh cực đoan và bảo thủ trong tu học. Giáo lý Phật dạy là nêu cao chánh kiến hiện nay có nguy cơ bị hiểu sai lệch bởi những lời giảng dạy phiến diện. Để giải quyết tình trạng đó, các nhà truyền giảng Tịnh độ nên hướng dẫn tín đồ học tập kinh điển, khích lệ Phật tử thọ trì Ngũ giới, Bát quan trai giới, phát huy tinh thần tu học theo đúng quan điểm Đại thừa Phật giáo, gắn bó với thực tiễn xã hội để đưa Phật giáo vào đời, mang tính tích cực hơn.
3.2 Tính chất giải thoát từ pháp môn Niệm Phật
Ý nghĩa giải thoát từ pháp môn Niệm Phật là điều thiết thực trong giáo lý Tịnh độ, gồm hai phương thức giải thoát: Một là niệm Phật được vãng sanh về Tây phương, thoát ly sự khổ Ta-bà. Hai là niệm Phật đắc tam muội, chứng ngộ thật tướng, tự tại giải thoát ngay trong hiện tại.
Cái khổ lớn nhất trong kiếp người và chung cả chúng sanh là khổ luân hồi sanh tử. Phát tâm tu niệm Phật là khởi đầu lộ trình thoát khổ. Theo quan điểm truyền thống Nguyên thủy, thoát khổ luân hồi đồng nghĩa với sự chứng ngộ giải thoát. Nhưng theo quan niệm của Tịnh độ Đại thừa, ngoài niệm Phật có thể chứng ngộ, còn có niệm Phật A Di Đà và phát nguyện vãng sanh để được chứng ngộ vô sanh tại cõi Tây phương. Tín đồ Tịnh Độ tông luôn quan niệm vãng sanh là an toàn nhất, vì cảnh giới đó không bị thối chuyển và có nhiều duyên lành chứng ngộ Phật quả.
Người thường niệm Phật, thiện pháp phát sanh, ác pháp tiêu trừ, sống an nhiên tự tại. Niềm tin rất quan trọng, nhất là tin Phật, Pháp và Tăng. Niềm tin càng vững thì muôn công đức lành phát sanh. Người niệm Phật tinh cần đến nhất tâm, luôn được Phật hộ niệm, từ đó phát huy được tuệ giải thoát. Khi có tuệ giác người tu thấy cuộc đời khổ, vô thường, vô ngã thì phiền não tham ái tự nhiên được đoạn trừ. Niệm Phật thì tâm bạn hiển lộ đặc tính của Phật. Nếu từ cá nhân, gia đình và xã hội đều có nhiều người niệm Phật thì đời sống này thêm phần an lạc. Cho nên niệm Phật là con đường xây dựng phúc đức trí tuệ trong đời và nền tảng của sự thoát ly luân hồi sanh tử.
3.3 Niệm Phật và lý tưởng Nhân gian Tịnh độ
Có người bảo rằng tu niệm Phật suốt ngày cầu sanh Tây phương, trông ngóng giờ lâm chung, sẽ sanh thái độ bi quan với cuộc sống hiện thực. Đó là vì chưa hiểu chân nghĩa của giáo lý Tịnh độ. Đời là khổ hay vui? Nếu nói đời là khổ thì do đâu mà có khổ? Phải chăng do ái nhiễm dục lạc mới khổ. Người tu bất cứ pháp môn nào cũng có thái độ sống xả ly tham ái và chấp thủ. Tâm ấy gọi là tâm giải thoát.
Niệm Phật là lộ trình tịnh hóa tâm thức, phát khởi tâm Phật, phát khởi tâm chân như, phát khởi tâm đại bi thương tất cả chúng sanh. Cho nên tu niệm Phật không phải là bi quan, mà chỉ là giữ tâm lìa tham ái chấp thủ thế gian. Đem tâm từ bi giúp đời bớt khổ, làm mọi việc lành để vun bồi phúc đức và trí tuệ, đem sự nghiệp tu hành hồi hướng Tây phương Tịnh độ. Vãng sanh Tây phương không phải là chạy trốn cuộc đời mà để sớm hoàn thành nhân cách giải thoát như Phật và Bồ-tát để trở lại Ta-bà cứu độ chúng sanh.
Người tu Tịnh độ cần có chánh kiến, tin nhân quả, tin lời Phật dạy, tin nguyên lý y báo và chánh báo. Tâm niệm Phật và hành thiện trong đời sống này là tâm trang nghiêm Tịnh độ. Hành trang về Cực lạc là sự dấn thân vào cuộc đời để hành đạo. Cuộc đời khổ đau này là ruộng phước điền công đức vĩ đại cho người biết tu niệm Phật.
Niệm Phật hay tham thiền và tất cả các pháp môn đều là phương tiện. Rốt ráo thực hành pháp niệm Phật là để thành Phật: “Vì tất cả hiền thánh từ niệm Phật mà sanh, tất cả các món trí tuệ từ niệm Phật mà có. Cho đến hàng Thập tín Bồ-tát và Tam hiền Bồ-tát đều không xa rời niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng; không rời xa niệm Nhất thiết chủng trí. Từ Sơ địa Bồ-tát cho đến Bát địa, Cửu địa, Thập địa cũng không xa rời niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Nhất thiết chủng trí”.(7)
Nhất thiết chủng trí là Phật trí. Cho nên, hiểu niệm Phật là con đường thực tiễn giải thoát. Tất cả các cõi Tịnh độ đều xây dựng bởi tâm đại bi, đại trí của Phật và Bồ-tát. Cho nên nếu ai tu hành trong đời, phát Bồ-đề tâm cầu giác ngộ, tu muôn hạnh lành trong đời là góp phần xây dựng Nhân gian Tịnh độ. Phương tiện và cứu cánh của sự tu hành đều từ tâm mà luận. Tâm thanh tịnh thì trí quang minh. Tất cả các công hạnh tu tập hướng tới từ bi và trí tuệ, vô ngã vị tha là con đường hướng tới giác ngộ và vãng sanh Cực lạc.
4. Kết luận
Khi tu đoạn trừ được phần nào phiền não thì hiện rõ thêm phần pháp thân. Thành quả niệm Phật với sự tu tập thiện pháp luôn tương ưng với tâm nguyện cầu giải thoát. Người tu đạo luôn nghĩ ta đang sống trong ân đức và pháp thân của Phật. Tịnh độ thiết lập từ sức đại bi, đại nguyện cứu độ chúng sanh của Phật. Cho nên Tịnh độ chân nghĩa là gồm sức tự lực và tha lực của Phật, tạo thành sức mạnh tâm linh, dễ đạt được kết quả vãng sanh và chứng đắc Niết-bàn.
Quá trình tu tập tất cả các pháp môn không rời xa chánh kiến niệm Phật. Phải thường tư duy Chánh pháp để niệm Phật, để nhận thức được rằng tu bất cứ pháp môn nào cũng từ tịnh hóa tâm thức mới thành tựu tâm nguyện. Muốn sanh cõi Phật nào, cũng từ thế gian này mà hành đạo, cũng từ tâm này mà tu. Niệm Phật phải gắn liền với đời sống con người, phụng sự chúng sanh trong đời, mới có cảnh giới Tịnh độ như tâm nguyện.
Thích Đức Trí
Chú thích:
(1) Kinh Tạp A-hàm, kinh Niệm Tam bảo, số 980; Hán dịch: Tống, Tam tạng Cầu-na-bạt-đà-la; Việt dịch: Thích Đức Thắng, Hiệu đính & chú thích: Thích Tuệ Sỹ.
(2) Kinh Tạp A-hàm, kinh Cây phướn, số 981; Hán dịch: Tống, Tam tạng Cầu-na-bạt-đà-La; Việt dịch: Thích Đức Thắng, Hiệu đính & chú thích: Thích Tuệ Sỹ.
(3) Kinh Trung A-hàm, kinh Trì trai, số202, Hán dịch: Phật-đà-da-xá & Trúc Phật Niệm, Việt dịch & Hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ.
(4) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương 1, phẩm Một pháp, HT.Thích Minh Châu dịch.
(5) Tác phẩm này hiện trong Đại chánh tạng, Huệ Viễn vấn, La Thập đáp.
http://giacngo.vn/phathoc/2014/07/12/176013/
(6) Liên tông Sơ tổ Huệ Viễn đại sư, HT.Thích Thiền Tâm dịch.
(7) Thiên Thai Trí Giả đại sư biên soạn, Đại chính tân tu Đại tạng kinh, Vol.47, No1.962, Tỳ-kheo Thích Đức Trí dịch.