Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

KHỔ TRONG PHẬT GIÁO CÓ PHẢI LÀ MỘT HÌNH THỨC THAN THÂN TRÁCH PHẬN ĐỂ CHÁN ĐỜI ?

Cái khổ của con người có muôn mặt thuộc về tâm sinh lý, là một sự thực hiển nhiên ta không thể chối cải được. Phật chỉ nói khổ, vì thấy rõ được chân tướng của nó và chỉ bày phương pháp để diệt khổ.

Trong mỗi sinh hoạt hàng ngày, chúng ta chưa thấy có ai hài lòng với chính mình. Chẳng hạn người buôn bán hơi bận rộn một chút đã than bận quá, còn như lúc rãnh lại than ế ẩm. Học trò tới kỳ thi vùi đầu vào sách vở thì than bận đã đành, nhưng khi đã thi xong thì cũng còn bao nhiêu mối bận rộn khác như nghỉ hè ở đâu, tiệc vui bè bạn... Như thế con người từ khi sinh ra đời, lớn lên, già rồi chết, chúng ta gặp biết bao nhiêu cảnh khổ, không được toại ý. Khổ về tinh thần và khổ về vật chất mà Phật giáo chia làm 8 loại khổ khác nhau là : Khổ về sanh, già, bịnh, chết, yêu nhau phải xa lìa, mong cầu không được toại nguyện, thù ghét nhau nhưng phải sống chung đụng và các phần thuộc sắc, thọ, tưởng, hành, thức (5 uẩn) có sự bất bình thường cũng gây ra sự khổ.

Nêu ra cái khổ không phải để chán nản, bi quan mà là để tìm cách thoát ra nó, đạo Phật không chủ trương khổ để đưa người vào chỗ mê lộ không lối thoát, như có người cho rằng đó là tư tưởng chán đời, yếm thế ... Chữ khổ có nghĩa là DUKKHA (suffering), tức là chồng chất lẫn lộn những điều bất như ý vào trong các sinh hoạt thường ngày của chúng ta. Muốn diệt khổ, chúng ta phải biết kiên nhẫn (perseverance) và trì chí hay nhẫn nại (patience), tận tâm (thoroughness) và chăm chỉ (industry) làm hết bổn phận của mình mỗi ngày, tâm hồn sẽ an vui, thư thái. Kinh 42 Chương, phẩm "Thiểu dục và tri túc" nói :

"Người biết đủ dù ở bất cứ chỗ nào trên mặt đất, tâm trí cũng được thỏa mãn, còn người không biết đủ dù cho có ở trên thiên đường cũng không vừa ý".

Chúng ta biết được khổ để tìm cách tiêu diệt, vì không thể chạy trốn được. Người chạy trốn cái khổ mới chính là kẻ bi quan, yếm thế vậy.