Đức Phật được tượng trưng bằng trăm nghìn cách khác nhau
- Nhìn lại bản chất con người Đức Đạt-Lai Lạt-Ma và Howard Cutler
- Người Phật Giáo nhìn vạn vật như thế nào
- Ánh hào quang của Đức Phật
- Có ma hay không? Ý nghĩa và Quan niệm về Ma trong Phật Giáo
- Chưa hề có ai thấy một chiếc két sắt đặt trên một cỗ quan tài
- Đức Phật được tượng trưng bằng trăm nghìn cách khác nhau
- Một câu chuyện về vô minh
- Khái niệm về Vô Minh trong Phật Giáo
- Phật Giáo: tôn giáo, triết học, luân lý hay khoa học?
- Phần đọc thêm
- Tư tưởng của Đức Phật đã được người sau biến đổi như thế nào?
NHÌN LẠI BẢN CHẤT CON NGƯỜI
Hoang Phong biên soạn và dịch
Nhà xuất bản Phương Đông 2012
Hoang Phong biên soạn và dịch
Nhà xuất bản Phương Đông 2012
ĐỨC PHẬT ĐƯỢC TƯỢNG TRƯNG
BẰNG TRĂM NGHÌN CÁCH KHÁC NHAUGilles Béguin - Hoang Phong chuyển ngữ
BẰNG TRĂM NGHÌN CÁCH KHÁC NHAUGilles Béguin - Hoang Phong chuyển ngữ
Trong suốt một thời gian dài sau khi Đức Phật tich diệt thì người sau chỉ gợi nhớ đến Ngài bằng cách tôn kính xá lợi. Nhiều thế kỷ sau đó khi giáo lý của Đức Phật đã được truyền bá rộng rãi thì hình ảnh của Ngài mới được tượng trưng bằng nhiều biểu tượng khác nhau. Hầu hết các biểu tượng của Đức Phật đều xuất phát từ nghệ thuật Ấn độ, sau này mới biến đổi đi để thích ứng với các nền văn hóa địa phương.
Lời giới thiệu của người dịch: Dưới đây là một bài ngắn trình bày các biểu tượng khác nhau của Đức Thích-ca Mâu-ni và của các chư Phật suốt trên dòng lịch sử phát triển của Phật giáo. Tác giả là ông Gilles Béguin, hiện là giám đốc Bảo tàng viện Cernuschi, một bảo tàng viện chuyên về nghệ thuật Á châu, được khánh thành vào năm 1898 và là một trong các bảo tàng viện xưa nhất của thủ đô Paris. Bài viết được đăng trong một số đặc biệt của tạp chí Le Point (số 5, tháng 2 và 3, năm 2010) với chuyên đề Đức Phật. Hoang Phong chuyển ngữ.
Trong các thời kỳ phát triển đầu tiên, Phật giáo không có ảnh tượng nào để tượng trưng cho Đức Phật. Tại Ấn độ thời bấy giờ, những gì cụ thể chứng thực cho tín ngưỡng Phật giáo chỉ là các "nấm mồ xá lợi", còn gọi là các "bảo tháp" (stupa). Các bảo tháp đầu tiên được xây cất vào thế kỷ thứ II trước Tây lịch. Các bảo tháp này mang tính cách thiêng liêng, vì thế đã được ngăn cách với thế giới phàm tục bên ngoài bằng một bờ tường bao bọc chung quanh. Bờ tường này cũng dùng để giới hạn và hướng dẫn các đoàn phật tử diễn hành chung quanh ngôi bảo tháp. Mặt trong của bờ tường được điêu khắc bằng cách chạm nổi, các hình tượng trên tường bắt đầu bằng những cảnh tôn kính và thờ phụng, tiếp theo đó khi càng đi tới thì người Phật tử sẽ nhìn thấy những cảnh mô tả lại các kiếp trước của Đức Phật và sau hết là các tấm điêu khắc gợi lại các biến cố liên quan đến kiếp tái sinh sau cùng của Ngài. Nhưng tuyệt nhiên trên các tấm điêu khắc đó không bao giờ có hình ảnh của Đấng Thế Tôn, Đức Phật chỉ được tượng trưng bằng những ký hiệu quy ước : chẳng hạn như một chiếc ngai trống không hoặc một cái lọng mà thôi. Đôi khi ở giữa các tấm tranh chạm nổi đó là một khoảng trống, không có một điêu khắc nào cả, khoảng trống không ấy tượng trưng cho Đấng Như Lai. Các cảnh điêu khắc trên đây đôi khi cũng dùng để gợi lại các biến cố quan trọng trong cưộc đời của Đức Phật : chẳng hạn như cảnh tôn kính gốc Bồ đề nơi Đức Phật đạt được Giác ngộ, hoặc cảnh các Phật tử đang cung kính trước trụ đá kỷ niệm ở vườn Lộc Uyển nơi Đức Phật thuyết giáo lần đầu tiên...
Hình ảnh của Đức Phật
Các loại điêu khắc không nêu lên hình ảnh trực tiếp của Đức Phật mà chỉ dùng những ký hiệu tượng trưng như trên đây đã biến mất trước nhất trong các vùng Bắc Ấn và sau đó thì đến lượt các vùng Nam Ấn, nhưng các địa danh và thời điểm xảy ra các biến cố đó thì không được biết đích xác và vẫn còn là một chủ đề tranh cãi, hơn nữa lại còn gây ra nhiều cuộc bút chiến giữa các quốc gia trong vùng. Suốt từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ III, nguyên một vùng rộng lớn gồm Bắc Pakistan ngày nay, xứ Afghanistan và một phần lớn đồng bằng sông Hằng được đặt dưới quyền cai trị của triều đại Scythe (Scythia). Người Scythe là các sắc dân du mục đã đồng hóa thành dân I-ran và họ còn được gọi là người Khouchan.
Chính trong đế quốc mênh mông này hai sự kiện quan trọng đã xảy ra làm cho Phật giáo biến đổi hẳn : sự kiện thứ nhất là sự hình thành của Đại thừa và sự kiện thứ hai là sự xuất hiện các ảnh tượng của Đức Phật. Thật ra cũng phải nói rằng rất khó xác định là hai biến cố ấy có liên hệ gì với nhau hay không, hay chỉ là sự ngẫu nhiên. Người ta thấy có hai trung tâm sáng tạo nghệ thuật rất quan trọng đươc hình thành tại đế quốc Kouchan, trung tâm thứ nhất được thiết lập tại kinh đô lịch sử là thành Mathura chỉ cách Dehli 150 kilomét, trung tâm thứ hai nằm trong tỉnh Gandhara (thuộc Afghanistan ngày nay), là một vùng nông nghiệp rất giàu có thuộc lãnh thổ Taxila. Vào thế kỷ thứ I, cũng tại nơi này tập Phổ diệu kinh (Lalitavistara) (có nghĩa là "Tiểu sử khai triển tùy sở thích") được trước tác bằng tiếng Phạn kể lại lịch sử Đức Thích-ca Mâu-ni. Tập kinh này đã làm nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ trong suốt nhiều thế kỷ sau đó. Các phân đoạn trong kinh được chọn lựa, thêm bớt và thay đổi qua thời gian. Theo các chuyên gia thì những bức điêu khắc nổi chung quanh ngôi đền nổi tiếng Borobudur (thế kỷ thứ IX) trên đảo Java (Inđônêsia) đã ghi lại đầy đủ nhất tất cả các diễn biến về cuộc đời của Đức Phật.
Ảnh hưởng nghệ thuật Hy Lạp
Nghệ thuật tranh tượng liên quan đến Đức Phật dần dần được hình thành qua nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau, tuy nhiên thực chất thì vẫn tùy thuộc vào sự tiến triển của nghệ thuật Ấn độ. Lúc ban đầu, các hình tượng vẫn còn dựa vào các khuôn mẫu công thức đã có từ xưa. Vì thế mà trung tâm nghệ thuật tại thị trấn Mathura, các pho tượng tượng Đức Phật vẫn còn được tạc dựa vào các hình ảnh có sẳn từ trước là các vị "thần linh nơi rừng núi" (yaka), rất được tôn kính tại các vùng nông thôn. Các tượng điêu khắc đó có dáng dấp thấp lùn và gân guốc, ngực nở nang, giới tính rõ nét, đầu giống như búp bê, nhưng lại ăn mặc theo lối nhà sư, trong số này có hai pho tượng xưa nhất thuộc vào thế kỷ thứ I đã được xác định chắc chắn và đấy chỉ là hai pho tượng của hai vị Bồ tát tượng trưng cho Đức Thích-ca Mâu-ni trước khi Ngài đạt được Giác ngộ.
Trung tâm nghệ thuật trong vùng Gandhara thì lại chọn các khuôn mẫu muôn thuở của nghệ thuật Tây phương. Hình tượng của Đức Thích-ca Mâu-ni có thân hình to lớn và cân đối, rập theo khuôn mẫu của thần Apollo, rất phổ biến trong các vùng Cận đông đã được Hy Lạp hóa, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt là các hình tượng ấy mặc áo nhà sư thật trang nhã ôm sát vào người. Nghệ thuật Gandhara (thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ IV) mà trước đây được xem là một nghệ thuật tượng hình đặc thù thì nay danh xưng ấy đã bị lỗi thời và chỉ được xem là một thứ "nghệ thuật Hy Lạp mang đặc tính Phật giáo". Tuy nhiên nền nghệ thuật này đã có công lần thứ nhất đưa ra cả một bộ sưu tập các biểu tượng thuật lại thật mạch lạc các tình tiết trong cuộc đởi của Đức Thích-ca Mâu-ni và cả các tiền kiếp của Ngài.
Các loại thủ ấn rập theo quy ước (còn gọi là mudra, "dấu ấn" hay "dấu hiệu") trên hình tượng của Đức Thế Tôn có thể giúp để xác định ý nghĩa của các cảnh tượng điêu khắc. Từ nguyên thủy, các loại thủ ấn ấy được thiết lập để hỗ trợ các cuộc tranh luận trong việc trình bày các luận chứng bằng cử chỉ trong mục đích giúp cho những người ngồi quá xa dù không nghe được rõ nhưng vẫn theo dõi được.
Đối với tất cả các dấu hiệu trên người của Đức Phật được mô tả trong kinh sách thì các nhà tu hành sau này chỉ còn giữ lại hai dấu hiệu mà thôi: đó là cục bướu to trên đỉnh đầu (usnisa) và một chòm lông nhỏ phía dưới trán giữa hai mắt (urna). Đức Thích-ca Mâu-ni trước khi thành Phật tức là khi còn là một vị hoàng tử thì hai trái tai được căng ra cho rộng thêm, nhưng sau khi Ngài quyết tâm từ bỏ thế tục thì hai trái tai của Ngài bỗng trĩu xuống một cách tự nhiên và có hình dáng đặc biệt.
Quy tắc hóa các biểu tượng
Khoa tạo hình của nghệ thuật Gandhara đưa ra hình ảnh của Đức Thích-ca Mâu-ni trong thời kỳ đang bị một nhà tu khổ hạnh hành xác quá mức, gương mặt và thân hình của Ngài giống như một bộ xương, thật là một hình ảnh vô cùng hiện thực có thể làm người xem phải rùng mình (xem hình 1). Vùng Gandhara và các lãnh thổ lân cận nằm trên con đường tơ lụa thì rất nhộn nhịp vào thời bấy giờ, nghệ thuật trong vùng này chịu ảnh hưởng từ lối tạc tượng khổng lồ từng được ưa chuộng trong các thời kỳ cổ đại. Vảo thời kỳ này tại Gandhara nhiều tượng Phật khổng lồ đã được thực hiện, và các pho nổi tiếng nhất đã được tạc trong vùng Bamiyan (thế kỷ thứ VI và VII) thuộc lãnh thổ Afghanistan ngày nay. Tượng được tạc thẳng vào vách núi, trong số này có một bức thật nổi tiếng cao 53 m [ mà người Taliban đã đặt mìn phá tan vào năm 2001, (ghi chú của người dịch)], ngoài ra còn có các tượng Phật nằm biểu thị sự "Tắt nghỉ lớn lao của hơi thở" hay là Đại bát niết bàn (Mahaparinirvana), các pho tượng Phật nằm như thế đã xuất hiện khắp nơi trong các nước Phật giáo.
Tại miền Nam nước Ấn tượng ảnh của Đức Phật xuất hiện muộn hơn. Trong vùng lãnh thổ xứ Andhara nằm giữa hai con sông Godavari và Krishna, xuất hiện một trường phái nghệ thuật tạc tượng thật đặc thù (thế kỷ thứ I đến thứ III), người ta mượn địa danh của một nơi khai quật khảo cổ là Amaravati để đặt tên cho trường phái nghệ thuật này. Nghệ thuật Amaravati tạc những nhân vật có hình dáng thật thanh lịch, thân hình mềm mại và thon dài, cử chỉ rất linh động, các nhân vật điêu khắc thường được kết hợp lại trong những bố cục thật tinh tế.
Nghệ thuật Amaravati sau đó lại được du nhập vào Tích Lan. Các bức tượng khổng lồ ở Gal Vihara thuộc tỉnh Polonnaruva (hậu bán thế kỷ XII) trước kia được che bằng mái ngói ngày nay thì để lộ thiên, các bức tượng này có thể xem như tượng trưng cho điểm tột đỉnh của nghệ thuật Tích Lan. Sau khi vua Parakramabahu đệ I (1123 - 1186) đứng ra cải tổ tôn giáo tại Tích Lan thì hòn đảo này ngay sau đó đã trở thành một trung tâm hoằng pháp thật tích cực và đã đưa Phật giáo Nguyên thủy Theravada vào các vùng Đông nam Á châu. Nhờ việc hoàng pháp đó của Tích Lan mà nền Phật giáo đặc thù của miền Nam nước Ấn đã được truyền bá đến tận các vùng đảo Célèbes (Inđônêxia). Người ta tim thấy tại đây các tượng Phật có gương mặt thật đều đặn, thân người cân đối, quấn áo cà-sa có các nếp xếp và vải áo có ánh mờ đục tạo ra từ các đường rạch thật mịn (xem hình 2).
Dầu sao thì trước đó khá lâu vào triều đại của hoàng đế Ấn độ Gupta (thế kỷ thứ IV đến thứ VI), thì hệ thống các quy tắc dùng để tạc tượng Đức Phật đã được hoàn toàn thiết lập. Khoa tạo hình dựa vào tám biến cố quan trọng nhất để tạc tượng, đó là "Tám Biểu hiện Ảo giác Lớn" trong cuộc đời của Đức Phật, các biến cố ấy liên hệ ít nhiều đến các nơi hành hương như : Lâm-tì-ni (Lumbini) nơi đản sanh, Chính giác sơn (Bodhgaya) nơi quỷ Mara quấy phá, vườn Lộc Uyển (Sarnath) nơi thuyết giáo lần đầu, thành Xá-vệ (Sravasti) nơi Đức Phật biểu lộ sức mạnh siêu nhiên, Samkasya nơi Đức Phật hạ giới từ cõi trời Đao Lợi (Trayastrimsa), thành Vương-xá (Rajagriha) nơi Đức Phật khắc phục con voi điên Nalagiri, thành Vệ-xá-li (Vaisali) nơi này một con khỉ nhỏ đã hiến dâng mật ong, và sau hết là Câu-thi-na (Kusinagar) nơi Đức Phật nhập vào Đại bát niết bàn.
Hầu hết các nét đặc thù trên các tượng Phật thuộc triều đại Gupta đã được các trường phái mỹ thuật khắp Á châu bắt chước. Nói chung thân người của Đấng Thế Tôn đã được biến đổi dần để trở thành mềm mại và thanh thoát hơn, áo dán vào người và có nếp xếp (theo các xưởng tạc tượng ở vùng Lộc Uyển - Sarnath), hoặc vải láng ôm sát vào thân người (theo các xưởng tạc tượng ở thành Mathura), mắt thì nữa khép nữa mở, miệng đang mỉm cười phản ảnh một thể dạng tinh thần không thể mô tả ra được bằng lời, nhưng thật sự ra thì đấy là cách luyên tập du già tác động lên hai xương gò má....
Trong các tỉnh lỵ Ấn độ như Bihar và Bengale dưới triều đại Pala (khoảng năm 750 đến năm 1200), người ta lại thấy xuất hiện một nghệ thuật tạo hình mới để tạc tượng Đức Thích-ca Mâu-ni, tượng đội vương miệng và ăn mặc như một vị đế vương của thế tục, khái niệm này cũng được phổ biến sau đó khắp các quốc gia Phật giáo, kể cả Phật giáo Nguyên thủy Theravada và Phật giáo Đại thừa.
Các vị Giác ngộ
Trước hết là Đại thừa Phật giáo và sau đó là Tan-tra thừa (xuất hiện từ thế kỷ thứ VII), cả hai đều chủ trương tán dương bản thể của Đức Phật và rất nhiệt thành đến độ đã dồn tất cả những thuộc tính biểu hiện của đấng Thiêng liêng vào một vị Phật thuộc tầm cỡ vũ trụ, và tiếp sau đó là một vị Phật tối thượng. Có nhiều cảnh trình bày Đức Phật thuyết giảng những lời giáo huấn mật riêng cho một số nhỏ đồ đệ được tuyển chọn trước và một vài vị Bồ tát tại một số địa danh chính xác, tuy nhiên các chi tiết này vẫn còn đang được bàn thảo và chưa được công nhận một cách dứt khoát.
Dầu sao thì các cách tự biện trên đây cũng không mang lại ảnh hưởng nào hoặc rất ít trong việc biến đổi các quy tắc tượng trương các "Đấng Giác ngộ", ngoài những khác biệt nhỏ trong cách thủ ấn thì màu sắc trên thân thể đôi khi cũng cũng có thay đổi, tuy nhiên rất hiếm. Đấy là các cách tượng trưng cho chư Phật liên quan đến các thời kỳ xoay vần của vũ trụ. Đức Di-lặc mang biểu tượng của thời kỳ hoàng kim, được trình bày đang ngồi với hai chân buông xuống mà nhiều học giả Tây phương gọi sai là cách ngồi "theo kiểu Âu châu", [đấy là thế ngồi để chuẩn bị sẵn sáng đứng lên thực hiện việc hoằng pháp, (ghi chú của người dịch)]. Đối với ba mươi lăm vị Phật thuộc truyền thống Phật giáo Tây tạng thì cũng thế, mỗi vị giữ một trọng trách ngăn chận một lỗi lầm nào đó.
Đức A-di-đà là vị Phật thuộc vào phương Tây, được tôn kính khắp nơi tại các nước Đông Nam Á và được thờ phụng giống như Đức Thích-ca Mâu-ni. Trong số các ảnh tượng thường thấy nhất có một vị được tạc trong tư thế thuyết giáo, mặc áo cà-sa theo lối nhà sư. Căn cứ vào các người hầu cận cũng như quang cảnh chung quanh (các tòa nhà, vũng ao, những người đã quá cố tái sinh lần cuối cùng) người ta có thể suy đoán ra cảnh giới của vị này, đó là cõi An lạc của Tịnh độ quốc (Sukhavati). Các cõi An lạc khác thì cũng giống như trường hợp trên đây nhưng được chủ trì bởi các vị khác, chẳng hạn như Dược sư Phật (Bhaisajyaguru) tức là vị Phật lương y, hoặc bởi chính Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Tại các quốc gia Đông Nam Á, vị Nhật Phật còn gọi là Tì-lô-giá-na (Vairocana) được xem là vị Phật có tầm cỡ vũ trụ, vị này mặc trên người một chiếc áo mang các biểu tượng tượng trưng cho các thành phần và các cấp bậc trong thế giới hiện tượng.
Nền Phật giáo bí truyền được hình thành vào thế kỷ thứ VII và nền Phật giáo này đã xếp vị Nhật Phật (Vairocana, Tì-lô-giá-na) qua thể dạng cao siêu nhất của vị này là Đại Nhật Phật (Mahavairocana, Đại Tì-lô-giá-na) chung với Đức Phật A-di-đà trong một hệ thống liên kết chặt chẽ, các vị Phật này được tạc trong tư thế thiền định và được gọi chung là các vị Phật Tối Thắng ("Chiến thắng"). Trên đây là các biểu tượng thích ứng tùy theo trường hợp, tượng trưng cho Đức Phật xuyên qua các cách nhìn khác nhau của các Phật tử.
Bures-Sur-Yvette, ngày 03.03.10
Hoang Phong lược dịch
Hoang Phong lược dịch
Phụ lục:
Các dấu thủ ấn (Mudra)
Các dấu thủ ấn (Mudra)
Dưới triều đại Gupta (thế kỷ thứ IV đến thứ VI), sự tương quan giữa các dấu thủ ấn (mudra, còn gọi là "dấu ấn" hay "dấu hiệu") và các biến cố xảy ra trong cuộc đời của Đức Phật đã được thiết lập thật rõ ràng. Chẳng hạn như "cử chỉ lấy mặt đất làm chứng" (hình d) là cách chạm nhẹ tay phải vào mặt đất. Khi quỷ Mara tìm cách cám dỗ Đức Thích-ca Mâu-ni thì Ngài mượn thần Đất để làm chứng cho lời thề nguyện của Ngài là sẽ thuyết giáo cho tất cả chúng sinh phương pháp thoát khỏi vòng lôi kéo của nguyên nhân hậu quả, nhưng không phải Ngài chỉ muốn tự cứu lấy chính mình mà thôi. Cử chỉ "thiền định" (hình j) thực thi trong lúc Đức Phật đạt được Giác ngô là cách đặt hai bàn tay lên nhau, mu bàn tay phải đặt lên lòng bàn tay trái. Cử chỉ "quay bánh xe Đạo Pháp" (hình e) thực thi khi Đức Phật thuyết giáo lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển là cách chạm ngón cái và ngón trỏ của hai bàn tay tạo thành hai vòng tròn và đưa hai vòng tròn chạm nhẹ vào nhau, tay phải hướng về người nghe, tay trái hướng về mình. Dấu thủ ấn này có nhiều biến thể tùy theo các học phái khác nhau, nhưng lý do thì chưa được biết đích xác. Từ những biến thể đó sinh ra "cử chỉ tượng trưng cho sự giảng huấn" hay "biện luận" (hình f), đó là cách để ngón cái và ngón trỏ của bàn tay mặt chạm vào nhau và bàn tay trái thì không sử dụng đến. Cử chỉ "không sợ hãi" (hình h) là cách hướng lòng bàn tay phải ra phía trước vá các ngón thẳng lên phía trên, đấy là cử chỉ đã từng giúp cho Đức Phật khắc phục con voi điên Nalagiri trong các con phố của thành Vương Xá khi Đề-bà Đạt-đa âm mưu ám hại Ngài. "Cử chỉ bố thí" (hình c) là cách hạ tay phải thấp xuống, lòng bàn tay hướng ra phía trước và các ngón hướng xuống đất, đấy cũng là cử chỉ mà Đức Thích-ca Mâu-ni đã thực thi nơi cõi Đại lợi của Tam thập tam Thiên (ba mươi ba vị trời) trước khi giáng trần.
Hình a - Vajrahunkara mudra: tạo ra các âm tiết vững chắc như kim cương.
Hình b - Prajnalingana bhinaya: cử chỉ ôm choàng.
Hình c - Varada mudra : bố thí
Hình e - Dharmacakra mudra: thuyết giáo, chuyển "bánh xe Đạo Pháp"
Hình f - Vitarka mudra: biện luận
Hình g - Bodhyagri mudra: Giác ngộ, Trí tuệ hoàn hảo.
Hình h - Abhaya mudra : không sợ hãi
Hình i - Anjali mudra : bố thí
Hình j - Dhyana mudra: thiền định
Hình b - Prajnalingana bhinaya: cử chỉ ôm choàng.
Hình c - Varada mudra : bố thí
Hình e - Dharmacakra mudra: thuyết giáo, chuyển "bánh xe Đạo Pháp"
Hình f - Vitarka mudra: biện luận
Hình g - Bodhyagri mudra: Giác ngộ, Trí tuệ hoàn hảo.
Hình h - Abhaya mudra : không sợ hãi
Hình i - Anjali mudra : bố thí
Hình j - Dhyana mudra: thiền định
Hình 1 - Đức Thích-ca Mâu-ni lúc còn đang tu khổ hạnh (thế kỷ thứ II đền thứ III),
tạc bằng đá diệp thạch, Fatehpur Sikri (Uttar Pradesh, Ấn độ)
Hình 2 - Đức Phật Thích-ca Mâu-ni
(thế kỷ thứ VII), bằng đồng, Miền tây quần đảo Célebes (Inđônêxia)
Hình 3 - Các dấu thủ ấn
Hình 4 - Tạp chí Le Point, số đặc biệt 5, tháng 2 và 3, năm 2010