Tác giả : Ban Biên Tập
Tôi thường hay đến chùa và thỉnh thoảng có nghe vài người bạn đạo nói rằng: "Nếu kiếp này chỉ lo tu phước mà không lo tu huệ, thì sự tu phước của kiếp này sẽ là tai họa cho kiếp thứ ba. Như vậy ý này là thế nào? Và kiếp này có nên tu phước không hay là để tránh kiếp thứ ba khỏi bị tai họa thì phải ngưng tu phước mà chỉ tu huệ thôi? Và tu huệ là tu cái gì? Kính mong quý vị chỉ dẫn giùm cho chúng tôi hiểu.
Trước khi trả lời thư của vị thính giả, chúng tôi mời quý vị nghe lại bốn câu kệ trong kinh Pháp Cú:
Không làm các điều ác
Nên làm các việc lành
Tự thanh tịnh tâm ý
Đó là lời Phật dạy.
Qua bốn câu kệ trên, chúng ta thấy rằng tiến trình tu tập giải thoát của đạo Phật được thể hiện qua nhiều giai đoạn.
Không làm điều ác, nên làm điều lành là hai bước đầu tiên trong việc tu tập, tuy thế chúng ta cần biết rõ ràng thế nào là Thiện, thế nào là Ác. Đối với đạo Phật, có thể nói, tiêu chuẩn để xác định Thiện hay Ác căn cứ vào hai yếu tố hạnh phúc và khổ đau.Hành động, từ lời nói, ý nghĩ đến việc làm, nếu đem lại hạnh phúc cho chúng sinh là Thiện và hành động gây khổ đau cho chúng sinh là Ác. Nếu chỉ đem lại hạnh phúc cho cá nhân mình mà gây khổ đau cho chúng sinh khác cũng là việc làm ác. Tránh gây khổ đau cho người cũng tức là tránh tạo nghiệp ác cho mình.
Như vậy khi chúng ta làm những việc thiện lành như bố thí tiền bạc, tài sản, bố thí Pháp, chia sẻ những ưu tư, những khổ đau của người khác là chúng ta đang tu phước. Tu phước chính là gieo những hạt giống lành, hạt giống thiện, tựa như việc cất giữ tiền của vào trương mục tiết kiệm ở ngân hàng để sau này dùng dần, tức được hưởng niềm hạnh phúc an lạc. Vì niềm an lạc hạnh phúc là điều ai ai cũng mong muốn, cho nên việc gầy dựng niềm an vui hạnh phúc cho người cũng tức là tạo nhân hạnh phúc an vui cho mình, và từ đó, nhân rộng ra cho xã hội, cho chúng sinh. Niềm an lạc hạnh phúc không thể ngẫu nhiên đến với chúng ta, mà là do công phu tránh dữ làm lành, tránh tội làm phước bồi đắp hàng ngày.
Phước giúp chúng ta đẩy lùi những nghiệp xấu ác của nhiều kiếp trổ ra và có công năng giúp cho chúng ta sáng suốt, thấy rõ những sự việc sai trái trên đường đời, hoặc giúp chúng ta thoát khỏi những hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng. Có những việc chúng ta tưởng chừng như buông xuôi hàng phục, vậy mà nhờ phước rồi cũng vượt thoát được. Trong sáu hạnh tu của nhà Phật gồm Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí Tuệ, thì Bố thí là hạnh đầu tiên. Nhìn vào đó chúng ta sẽ thấy được việc gieo trồng nhân phước là quan trọng dường nào.
Thưa quý thính giả,
Con đường tu tập của Phật tử không chỉ giới hạn vào việc tu phước, vào việc làm lành tránh ác để kiếp sau khá hơn kiếp trước, vì như thế vẫn còn trôi lăn trong vòng sinh tử của thế giới tương đối, chưa phải là mục đích chính của đạo Phật. Đạo Phật xuất hiện trên đời là vì có sự giác ngộ của đức Phật, từ sự giác ngộ này, đức Phật chỉ con đường cho chúng sinh tu để giác ngộ như Ngài, tự giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Con đường giải thoát này phải thực hiện bằng trí tuệ.
Như vậy tu Tuệ hay tu giải thoát là bước thứ ba của tiến trình tu tập, còn gọi là “Tự tịnh kỳ ý”.
Tu Tuệ là công phu tu tập các phương pháp làm cho tâm lắng xuống, nhằm dứt trừ vọng tưởng để thành tựu được Trí Tuệ Bát-nhã. Bát-nhã là phiên âm của tiếng Phạn paramita, có nghĩa là "qua bờ bên kia", bờ bên kia là Niết Bàn thanh tịnh, bờ bên này là đời sống tương đối. Trí tuệ này không phải là kiến thức do học hỏi kinh sách, không phải là trí thông minh bình thường.
Do vì mỗi người có một tâm khác nhau nên cũng khó nói có một pháp tu nào áp dụng chung cho tất cả mọi người được, vì vậy đức Phật đã chỉ dạy nhiều pháp khác nhau để mỗi người tùy căn cơ áp dụng. Một số những pháp môn này như sau:
- Quán tưởng: chú tâm quán sát sâu xa về một đề mục rút trong giáo lý.
- Trì chú: chú tâm tụng niệm những câu chú gồm những chữ bí ẩn.
- Niệm Phật: chú tâm niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà.
- Tham thiền: chú tâm tham một công án hoặc một thoại đầu.
Nhưng, dù là pháp nào chăng nữa thì việc thực hành cũng là trình tự đưa tâm từ trạng thái nhiều vọng tưởng về trạng thái ít vọng tưởng rồi về nhất tâm, về sau từ từ đạt đến vô tâm, rồi liễu tâm, ngưng dứt dòng suy nghĩ miên man, liên tục của ý thức. Nhà Phật quan niệm rằng sự suy nghĩ liên tục, miên man, của ý thức, còn gọi là "tâm viên ý mã", tức là tâm ý vọng tưởng chạy nhấy như con vượn, con ngựa, có tác hại là đã che mờ mất Chân Tâm, Trí Tuệ Bát Nhã.
Hành giả nên chọn một pháp môn thích hợp với căn cơ của mình, và khi thực hành thì nên theo tông chỉ của pháp môn đó mới có kết quả. Dù thực hành theo pháp môn nào cũng nên có một vị thầy hướng dẫn.
Thưa quý thính giả,
Trở lại câu hỏi của vị thính giả: "Nếu kiếp này chỉ lo tu phước mà không lo tu tuệ, thì sự tu phước của kiếp này sẽ là tai họa cho kiếp thứ ba", như vậy ý này là thế nào? ”
Chúng tôi xin thưa rằng, theo luật Nhân Quả, tu phước trong kiếp này sẽ được quả tốt trong kiếp tới. Kiếp tới không hẳn là kiếp thứ hai mà có thể là ở một kiếp vị lai nào đó. Bởi vì nhân phải hội đủ duyên thích hợp mới trổ quả.
Do nhân tu phước ở kiếp này mà kiếp tới có thể sẽ được làm một nhân vật có quyền cao chức trọng, kẻ hầu người hạ, giầu sang sung sướng. Do được hưởng thiện báo đó mà người ta dễ buông lung trong trường dục lạc. Khi ấy thì dù có bậc thiện tri thức khuyên bảo, cũng khó làm cho họ nghe theo vì họ đang trong cơn say sưa mê đắm với dục vọng. Vì vậy nhà Phật cảnh giác người tu Phước rằng trong khi tu Phước, phải đồng thời tu Trí Tuệ, học tập giáo lý nhà Phật, dành chút thời giờ để thực tập tĩnh tâm, như thế là Phước Tuệ song tu. Chứ nếu giầu sang sung sướng, mà không có nhân hiểu biết giáo lý, không giữ gìn giới hạnh cho đàng hoàng, thì cũng rất dễ trở thành con người phóng túng, dễ tạo nghiệp xấu, thì một kiếp nào đó trong tương lai sẽ gặt quả báo xấu tuỳ theo nghiệp đã tạo. Nên mới gọi là tai hoạ cho kiếp thứ ba là thế.
Nói tóm lại tiến trình tu giải thoát của đạo Phật được thể hiện qua nhiều giai đoạn. Việc lấy thiện diệt ác, cứu giúp chúng sinh, bố thí cúng dường, chỉ là bước đầu trong con đường tu tập để đi đến giải thoát giác ngộ. Tuy là bước đầu nhưng lại là bước căn bản. Người ta thường nói “đi buôn cần vốn, đi tu cần Phước”. Cho nên việc gieo trồng nhân phước rất là quan trọng. Riêng đối với những người muốn tiến xa hơn, muốn hoàn toàn giác ngộ, giải thoát, thì bản thân hành giả phải tự mình thanh tịnh tâm, chấm dứt dòng vọng tưởng miên man che mờ Chân Tâm, để Trí Tuệ Bát Nhã, cũng còn gọi là Phật Tánh, hoặc Chân Tâm được hiển lộ.
Thưa quý thính giả,
Chúng tôi xin lược trích câu chuyện về vấn đề "gieo nhân lành được hưởng thiện báo", do đạo hữu Viên Nhẫn kể trong bài "Phước nghiệp cho hành trình tiến tu", như sau:
"Nhân đây chúng tôi (chúng tôi ở đây tức là đạo hữu Viên Nhẫn) xin kể lại một kinh nghiệm mới xảy ra cho đạo hữu N.C., một Việt kiều ở Pháp . Tháng 11-2000 , trong thời gian ở VN cô đã tham gia nhiều công tác từ thiện, nhất là mua thật nhiều cá để phát tâm cho hạnh phóng sinh. Sau khi lên núi tham quan một ngôi chùa ở Vũng Tàu trở về thì cô lâm trọng bệnh. Vì vốn có sẵn bệnh tim nên cô đã phải dùng một dược chất cực mạnh. Tuy nhiên thuốc đã không giúp được gì cho cô trong lúc này, hơi thở cô trở nên ngắn lại, cô ói mửa liên miên , đầu óc choáng váng , mở mắt ra không thấy gì chung quanh, mà chỉ thấy một cụm đen cuốn tròn như đưa vào một đường hầm đen tối, cô thấy thật là ngột ngạt, không dám mở mắt ra nữa. Sau đó cô không còn biết gì. Người nhà khẩn cấp đưa cô vào bệnh viện và theo như họ kể lại, thì lúc bấy giờ dù rằng rất yếu nhưng không hiểu tại sao cô lại có những bước đi thật vững vàng, nhanh hơn những người đang dìu cô đi, thành ra cô đã được kịp thời chạy chữa trong phòng cấp cứu. Sau này cô kể lại là bình nhật cô thường niệm Phật, nhưng lúc đó cô đã không niệm được, nhưng chuyện cô đi phóng sinh lại hiện ra trước mắt cô, nào là hình ảnh đau thương của những con ếch sắp bị chặt đầu với hai tay chắp lạy như van xin, nào là chuyện những ngày đến chợ cá thật sớm để đón mua những sinh vật sắp bị hành quyết. Tâm từ bi của cô đã khởi lên trong cận tử nghiệp, thiện pháp đã bộc phát thật mạnh trong cô và như chúng tôi đề cập về công năng của một người thường hay làm phước ở đoạn trên, cô đã nhận được luồng sóng gia hộ để vượt qua cái chết. Ðây thật là sự vi diệu của giáo lý nhân quả, phước quyết định cho mọi sự, chúng ta nên tận dùng thân người này để sống một đời vị tha, đó là con đường phải trải qua cho vơi đi bao nghiệp tội mà chúng ta đã phạm trong quá khứ".
Đạo hữu Viên Nhẫn cũng góp ý về hạnh Pháp thí như sau:
"Hạnh pháp thí gồm có truyền giảng chánh pháp cho người nghe hay trợ duyên cho việc chuyển lăn bánh xe pháp, làm cho Phật pháp ngày càng lan rộng. Sự trợ duyên này gồm có : ấn tống Kinh sách, phát hành băng , tài trợ cho quý Tăng, Ni sinh đi học, hay yểm trợ cho những khoá tu học. Gieo nhân duyên nghe pháp cho người là công đức cao nhất trong các hàng bố thí, nhờ nhân duyên pháp thí này mà quả báo mang lại cho đời sau là sớm gặp được những bậc thức giả dẫn dắt trên con đường cầu tìm học đạo. Giúp cho một người có được thiện duyên nghe pháp là giúp họ một cơ hội tiến gần đến Tam Bảo, xa dần những hệ lụy của bóng đêm nghiệp chướng , mở đường cho chuyến vượt thoát dòng sinh tử luân hồi.
Một điểm cần nêu ra ở đây để không gây ra ngộ nhận, chúng tôi không bao giờ phản bác việc tu Huệ. Phước Huệ song tu vẫn là điều tốt nhưng đừng bao giờ xem nhẹ việc làm phước , vì phước là nền tảng cho Trí Huệ, là tiến trình cho con đường vượt thoát dòng sinh tử."
Trong cuốn Bố Thí Ba La Mật, thày Thích Trí Siêu dạy:
"Nhờ bố thí đời này qua đời khác, Bồ Tát gặt được nhiều phước đức, do đó Bồ Tát tin nơi Tam Bảo, nhờ tin nơi Tam Bảo, Bồ Tát phát tâm học chánh pháp, nhờ học chánh pháp, Bồ Tát phá trừ tà kiến và vô minh, nhờ phá trừ vô minh mà trí huệ tăng trưởng. . .
Tất cả mười phương chư Phật đều bắt đầu con đường giác ngộ bằng một hạnh đầu tiên là bố thí"
Thưa quý thính giả,
Như quý vị đã thấy, bố thí vẫn là điều kiện cốt tủy cho người Phật tử, không những thế, còn là điều cốt tủy cho tất cả mọi người nói chung. Có câu: "Người CHO "được" nhiều hơn người NHẬN". Bởi vì người NHẬN chỉ được chút vật chất, nhưng người CHO được cả một niềm vui tinh thần, và cái thiện nhân bố thí sẽ còn lưu lại tới sau này.
Tuy vậy, đồng thời với bố thí là tu Phước, chúng ta cũng cần phải trau giồi giáo lý và mỗi ngày dành chút thời giờ để tĩnh tâm, đó là tu Huệ, tu Trí Tuệ. Chúng ta chỉ cần ngồi lặng lẽ tại một nơi an tĩnh, nếu tại nơi thờ Phật thì tốt, nếu không thì có thể ở bất cứ chỗ nào tĩnh mịch, góc nhà, góc vườn, vân vân, rồi tự mình theo dõi hơi thở của chính mình, mỗi lúc thở ra thở vô đều nhận biết rõ, thì đó cũng là chúng ta đang đặt viên đá đầu tiên trên con đường Tu Tuệ. Cũng như mỗi ngày chúng ta phải tắm rửa thân thể, tâm chúng ta cũng cần có chút thời giờ hoàn toàn an tịnh để tự thanh lọc.
Trong lịch sử và văn học sử, những câu chuyện đẹp về những con người sống một cuộc đời hào sảng, đầy nghệ thuật, đều là những người biết buông xả, biết bố thí và biết nhìn cuộc đời một cách phóng khoáng. Tác giả Vũ Thế Ngọc trong tác phẩm Trà Kinh, có kể câu chuyện huyền thoại về một người đàn bà nghèo nhưng hào hiệp đã vô tình sáng tạo ra loại danh trà Long Tỉnh như sau:
"Nếu nói rằng huyền thoại là một hình thức ca tụng những gì người ta yêu quý, thì trà Long Tỉnh là một thí dụ điển hình. . .
. . . Truyện kể rằng có một bà cụ chỉ trồng được một số gốc trà nhưng tính tình rất hào hiệp và lương thiện, vẫn dùng trà của mình thiết đãi tất cả những nhân công hái trà quanh vùng. Ngày kia có một phú thương đi ngang, sau khi được uống trà, ông hết sức ca tụng bà cụ và trách rằng người phúc đức như bà cụ thì Trời phải cho giầu. Bà cụ chỉ cười, nói rằng tạm no và không đói rách đã là may mắn lắm rồi.. Ông phú thương muốn giúp bà cụ nên hỏi mua cái chậu đá khổng lồ cũ kỹ ngoài sân. Chậu đá không hiểu có từ bao giờ và bị chôn lấp bởi hàng ngàn vạn lá trà hàng xóm rơi sang bao nhiêu năm. Bà cụ nhận bán và hẹn hôm sau ông phú thương cho người và xe đến dời đi. Hôm sau ông phú thương lại lấy đồ thì bà cụ đã quét dọn sạch sẽ, nhân tiện lấy số lá mục và bùn ẩm đó đắp vào mấy gốc trà của mình. Không ngờ đám lá trà thâm niên đó có một đặc tính kỳ diệu, chỉ vài ngày sau, các gốc trà đột nhiên sinh đợt mới, hương vị lạ lùng. Bà cụ không dấu một mình mà chia cành, chia hạt cho dân quanh vùng để cùng trồng một loại trà tuyệt diệu. Thế là từ đó cả vùng cùng vang danh có loại trà tuyệt phẩm".
Ban Biên Tập TVHS
http://thuvienhoasen.org/D_1-2_15-1_2-104_5-50_6-1_14-1_17-130_4-4229/cong-duc-va-phuoc-duc.html