Sau khi suy niệm chân lý của sự vô thường và sự chết, do bởi không hiểu rõ chân lý của Nghiệp nên một vài hành giả đã rơi vào quan điểm sai lạc của thuyết hư vô xác nhận rằng mọi sự không có ý nghĩa hay không đáng quan tâm.
Nghiệp được đặt nền trên những hành động mà chúng ta làm. Ta trải nghiệm những kết quả khác nhau phù hợp với những hành động đó. Những kết quả của nghiệp, hay hành động của ta là do bởi sự tương thuộc và cùng tụ hội của những nguyên nhân và điều kiện (duyên) khác nhau. Nói một cách ngắn gọn thì những hành động và nguyên nhân đức hạnh tạo nên những kết quả tốt đẹp; những hành động và nguyên nhân phi-đạo đức gây nên đau khổ.
Những hành động thuộc về nghiệp của ta bao gồm bốn nhân tố: 1) Ý định 2) Kế hoạch để hoàn thành nó 3) Tự thân hành động, và 4) Sự hoan hỉ trong khi thực hiện hành động. Khi tất cả bốn nhân tố này hiện diện, nghiệp được tạo nên thì rất mạnh mẽ. Khi những nhân tố này không hoàn toàn hiện diện thì khi ấy nó không phải là một hành động nghiệp đầy đủ. Ví dụ như nếu xe hơi của người nào đó ngẫu nhiên cán phải một con rắn mà không có ý định, không có kế hoạch và có thể có sự ân hận thì hành động đó không phải là một hành động nghiệp đầy đủ.
Nghiệp cũng có thể chín mùi tức thì, đó là trong trường hợp bị quả báo do phạm những hành động rất ghê gớm. Kết quả này có thể được hiểu qua ví dụ một con chim bay vút lên bầu trời và sau đó hạ cánh. Khi nó đáp xuống mặt đất, con chim gặp cái bóng của nó (kết quả). Nguyên nhân (con chim) và điều kiện (cái bóng của nó) cùng gặp gỡ để tạo nên một kết quả đặc biệt và bất ngờ trong khi con chim đáp xuống.
Tuy nhiên, nghiệp cũng có thể chín mùi từ từ. Khi một hạt giống được gieo trồng thì cần có thời gian để những nguyên nhân và điều kiện (duyên) cùng gặp gỡ và khiến cho nó phát triển. Những kết quả xảy ra từ từ và lớn lên theo thời gian.
Đối với chúng sinh, nghiệp chín mùi là điều chắc chắn. Nó không chín mùi trong những tảng đá, trong đất hay trong bầu trời! Nó chín mùi đối với chúng sinh và trong tâm thức của cá nhân đã tích tập hay tạo ra nghiệp đó. Nghiệp đi theo chúng ta vào bardo và quyết định ta sẽ kinh nghiệm điều gì trong tương lai.
Trong các Kinh điển có nói giống như thật tức cười khi nói rằng “một ngọn lửa lạnh bốc cháy hay mặt trời và mặt trăng có thể bị đảo ngược,” thì việc nghiệp không chín mùi cũng thật tức cười và không thể có được. Nói một cách tương đối, nghiệp sẽ nhất định chín mùi.
Những Đạo sư và Thành tựu giả giác ngộ đã chứng ngộ cấp độ tuyệt đối, tâm và bản tánh giác ngộ, thấu hiểu rằng về mặt nền tảng thì không có nghiệp. Các ngài đã siêu vượt nghiệp và những sự hạn chế của nó. Ở cấp độ này, một bậc giác ngộ thấu suốt rằng mọi hình tướng là tánh Không. Đó là lý do tại sao những bậc giác ngộ như Tilopa, Naropa hay Saraha phô diễn những loại hành vi mà bề ngoài dường như kỳ lạ hay tiêu cực, nhưng thực ra được đặt nền trên sự hoàn toàn thấu suốt về chân tánh của các hiện tượng. Đối với các ngài, năm độc (tham, sân, si, ganh tị, kiêu ngạo) xuất hiện như năm trí tuệ.
Những Đạo sư này thấu hiểu rằng nghiệp thì giống như kinh nghiệm của một giấc mộng. Nhưng khi một người bình thường không biết rằng mình đang mộng, anh ta kinh nghiệm sự khủng khiếp, sự mê lầm và nỗi khổ trong những giấc mơ, chẳng hạn như bị giết chết hay bị dã thú rượt đuổi. Những Đạo sư giác ngộ hiểu rằng kinh nghiệm giác ngộ của ta, được tạo nên bởi nghiệp, thì tương tự với một giấc mộng gây nên sự mê lầm và phiền não.
Trong một vài thực hành như Mahamudra (Đại Ấn) và Dzogchen (Đại Viên Mãn), những cảm xúc tiêu cực không bị từ bỏ nhưng thay vào đó được chuyển hóa và tự giải thoát thành năm trí tuệ. Tuy nhiên, đối với chúng ta là những người đang hoạt động trên cấp độ tương đối, chúng ta là những đầy tớ cho năm độc và không thể chuyển hùóa chúng thành năm trí tuệ.
Kinh Thiền định nói rằng: “ Tâm như không gian. Tâm như-không gian này thực hiện những hành động như-không gian và đi tới một cõi địa ngục như-không gian.” Mặc dù điều này minh họa rằng trên bình diện tuyệt đối thì nghiệp không hiện hữu, nhưng về mặt tương đối thì nó hiện hữu đối với ta. Tóm lại, chúng sinh như chúng ta có một sự tiếp nối của những hành động và kết quả, những nhân và duyên.
Là những chúng sinh bình thường, chúng ta nhìn thấy những hình tướng khác nhau và bám chấp vào chúng do bởi những kiểu thức tập quán trước đây của ta. Vì thế, chúng ta phải hành động phù hợp với luật nhân quả. Tuy nhiên ta đừng hành động trên bình diện tuyệt đối. Do đó, ta phải tự ngăn ngừa mình để không phạm vào những hành vi tiêu cực; ta không được tự lừa dối rằng ta là một Thành tựu giả chứng ngộ đang chuyển hóa những hiện tượng!
Những hành vi tiêu vực được tóm tắt bởi Mười Ác hạnh. Ác hạnh xuất hiện trên nền tảng của tham, sân và si. Nói tóm lại, chúng hoàn toàn được bắt rễ trong sự vô minh bởi nó là sự bám luyến vô minh vào một cái ngã tạo nên ác hạnh. Khi ta bám chấp vào bản ngã, sự tham muốn xuất hiện, đây là sự tham muốn có được những điều làm lợi cho bản ngã. Một khi sự tham muốn phát khởi, khi ấy chúng ta hành động để bảo vệ bản thân và duy trì hạnh phúc có được từ việc đáp ứng tham muốn đó. Khi ấy sự sân hận đối với những đối tượng không làm chúng ta hài lòng xuất hiện.
Sự từ bỏ Mười Ác hạnh tạo thành Mười Thiện hạnh.
Ba Ác hạnh của Thân và những Nghiệp Quả của chúng là:
1) Lấy đi sinh mạng của chúng sinh khác; nghiệp quả hoàn toàn chín mùi của nó là sự tái sinh trong một cõi địa ngục. Hậu quả gần của nó là, với tư cách là con người, ta sẽ có một thọ mạng ngắn ngủi.
2) Trộm cắp của cải của những người khác; nghiệp quả hoàn toàn chín mùi của nó là sự tái sinh như một ngạ quỷ. Hậu quả gần của nó là, như một con người, ta sẽ bị nghèo khốn.
3) Hành vi tà dâm, nghiệp quả hoàn toàn chín mùi của nó là sự tái sinh như một ngạ quỷ. Hậu quả gần của nó là, như một con người, ta sẽ có nhiều kẻ thù và trải nghiệm sự không hoà hợp.
Bốn Ác hạnh của Ngữ và những Nghiệp Quả của chúng là:
4) Nói dối để lừa gạt người khác vì lợi lạc của riêng mình; nghiệp quả hoàn toàn chín mùi của nó là sự tái sinh như một súc sinh. Hậu quả gần của nó là, như một con người, những người khác không để ý tới lời nói của ta; lời ta nói không có hiệu quả.
5) Vu khống những người khác; nghiệp quả hoàn toàn chín mùi của nó là sự tái sinh trong một cõi địa ngục. Hậu quả gần của nó là, như một con người, ta sẽ không có bạn hữu hay người giúp đỡ những khi cần thiết.
6) Nói ác hay nói với sự sân hận đối với người khác; nghiệp quả chín mùi của nó là sự tái sinh trong một cõi địa ngục. Hậu quả gần của nó là, như một con người, ta sẽ trải nghiệm sự vô ơn của người khác.
7) Tham dự vào những chuyện tầm phào và trò chuyện vô nghĩa; nghiệp quả hoàn toàn chín mùi của nó là sự tái sinh làm một súc sinh. Hậu quả gần của nó là, như một con người, những người khác sẽ không để ý tới lời nói của ta, coi nó như vô nghĩa.
Ba Ác hạnh của Tâm và những nghiệp Quả của chúng là:
8) Có thái độ ganh tị và thèm muốn; nghiệp quả hoàn toàn chín mùi của nó là sự tái sinh như một ngạ quỷ. Hậu quả gần của nó là, như một con người, tâm ta hướng về sự tham muốn cực độ.
9) Có một thái độ tức giận và có hại; nghiệp quả hoàn toàn chín mùi của nó là sự tái sinh trong địa ngục. Hậu quả gần của nó là, như một con người, ta sẽ có một tánh khí dễ cáu giận.
10) Có những quan điểm xuyên tạc hay sai lầm; nghiệp quả hoàn toàn chín mùi của nó là sự tái sinh như một súc sinh. Hậu quả gần của nó là, như một con người, ta sẽ bướng bỉnh, ngoan cố.
Ngay cả một hành động tiêu cực hay tích cực nhỏ bé cũng có thể chín mùi thành một kết quả to lớn, giống như một tia lửa có thể gây nên một đám cháy lớn. Cũng thế, nếu phạm vào những hành vi tiêu cực ta không thể tránh khỏi việc bị người khác làm điều đó cho ta.
Những hậu quả tiềm tàng của việc mắc phạm Mười Ác hạnh này tuỳ thuộc vào ý định và những cảm xúc đằng sau hành động. Ví dụ như một hành động có vẻ tiêu cực có thể tích cực nếu động lực hết sức tích cực và đúng đắn. Đây là trường hợp những hành động đôi khi được các Bồ Tát thực hiện vì sự lợi ích của chúng sinh. Trong một đời trước của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là một Bồ Tát, Ngài thấu suốt tư tưởng của người khác. Có một lần, một chiếc tàu sắp giương buồm tới một hòn đảo châu báu. Chiếc tàu có năm trăm thủy thủ, hầu hết trong số đó là những Bồ Tát. Viên thuyền trưởng dự tính ném tất cả những thủy thủ khác xuống biển và chiếm lấy của cải khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Trong đời đó, Đức Thích Ca Mâu Ni đã giết chết viên thuyền trưởng, nhờ đó Ngài cứu ông ta thoát khỏi nghiệp tiêu cực như thế và ngăn chặn cái chết của tất cả những bậc giác ngộ đó.
Tương tự như thế, yogi Milarepa đã nói: “Mặc dù tôi không hiểu gì về Vinaya (Luật học giảng về hành vi đúng đắn và không đúng đắn đối với một hành giả tu sĩ), nhưng nếu tôi làm chủ tâm thức tôi, thì điều đó đã là đủ.”
Vì thế, mặc dù Milarepa không nghiên cứu tất cả những vấn đề tinh tế của Luật học, nhưng cũng đủ để ngài kiểm soát những động lực và cảm xúc của tâm ngài, điều ấy ảnh hưởng tới hành vi bên ngoài của ngài.
Nghiệp dạy ta chiến thắng những cảm xúc tiêu cực. Là những người sơ cơ trên con đường, đôi khi sự mong cầu là một bộ phận của sự thực hành. Việc ta mong cầu phát khởi Bồ Đề tâm và làm lợi lạc người khác là một trạng thái đức hạnh của tâm thức và ý hướng. Kết quả sẽ tốt đẹp, mặc dù một vài sự tham và sân xuất hiện trong con đường. Khi ta tiến bộ, sự tư lợi sẽ dần dần giảm bớt đi. Hành giả tuyệt vời nhất ít tham, sân và si, nhưng vào lúc bắt đầu hầu hết đều trộn lẫn một ít những điều đó.
Ngay cả nghiệp còn sót lại hay nghiệp tiềm ẩn cũng hiện hữu trong dòng tâm thức của tất cả chúng sinh, kể cả những vị có sự thành tựu cao cấp. Những người không thấu suốt về nghiệp có thể phát triển những mối hoài nghi khi nhìn thấy một Đạo sư Vĩ đại hay Lạt Ma hiển lộ sự bệnh tật, khốn khổ và đau đớn. Họ không hiểu được tại sao một người có sự thành tựu cao cấp như thế lại phải chịu đau khổ.
Do bởi những Đạo sư Vĩ đại này hiện diện trong một thân tướng vật lý, thân tướng Hoá Thân, các ngài vẫn mang theo mình nghiệp tiềm ẩn này. Thậm chí Đức Gyalwa Karmapa thứ Ba đã viết trong tác phẩm Lời Ước Nguyện Mahamudra của ngài: “Cầu mong toàn thể nghiệp tiềm ẩn này chín mùi với tôi trong chính thân xác này và ngay trong đời này để tôi không phải trải nghiệm nó trong tương lai.” Ngay cả Milarepa khi sắp thị tịch – do uống thuốc độc – đã nói rằng việc này sẽ tịnh hóa nghiệp tiềm ẩn của ngài. Ngay cả Đức Phật cũng dẫm lên một miếng gỗ đàn hương khiến cho chân Ngài bị thương. Việc này là do sự chín mùi của nghiệp tiềm ẩn được tạo nên từ việc giết chết viên thuyền trưởng đã dự định giết chết thủy thủ đoàn của Ngài.
Nếu thái độ của bạn tuyệt hảo thì con đường và những mức độ tiến bộ trong khi thực hành sẽ tuyệt hảo. Nhưng nếu ta có một thái độ tiêu cực thì con đường và những mức độ tiến bộ sẽ tiêu cực. Nếu ta không có một quan điểm tích cực thì sẽ có những chướng ngại và sự đau khổ.
Đức Phật đã dạy rằng nghiệp tích cực được thâu hoạch nhờ Hai Tích tập công đức và trí tuệ. Phật Quả được thành tựu nhờ việc tích tập công đức và trí tuệ; chúng giống như đôi mắt. Nếu chỉ có một trong hai điều đó, hành giả không thể thành tựu sự chứng ngộ.
Công đức là một sự tích tập trong ý niệm. Việc cúng dường cho Đức Phật hay bố thí cho người nghèo sẽ dẫn tới sự tích tập công đức. Nếu ta không tích tập đầy đủ công đức, những dấu hiệu sẽ xuất hiện chẳng hạn như sẽ có nhiều chướng ngại. Chẳng hạn như mặc dù ta có một ý định tốt đẹp, nhưng hóa ra kết quả có thể không như điều ta hy vọng.
Trí tuệ thì không cụ thể. Nó được tích tập nhờ việc lắng nghe những giáo lý, suy niệm và thiền định về chúng.
Từ quan điểm của Đại thừa, sự thiền định Bồ Đề tâm là thực hành chính yếu để giảm thiểu những ác hạnh. Bởi hầu hết những điều tiêu cực mà ta mắc phạm là do bảo vệ sự tư lợi của riêng ta, vì thế sự thiền định tự hoán đổi vì sự lợi lạc của người khác rất hiệu nghiệm trong việc phát triển Bồ Đề tâm. Ta có thể giảm bớt sự tiêu cực bằng thiền định hoán đổi hạnh phúc của riêng ta để nhận lãnh những đau khổ của người khác.
Tóm lại, nghiệp và những kết quả của nó được hoàn toàn nhìn thấy ở quanh ta. Nhiều chủng loại thú vật khác lạ và đa tạp hiện diện trên trái đất là do bởi nghiệp của chúng. Nếu bạn muốn có một tái sinh tuyệt hảo, hãy thiền định về sự nhẫn nhục. Nếu bạn muốn có năng lực để làm lợi lạc người khác, hãy tôn kính Lạt Ma hay những bậc siêu phàm khác. Nếu bạn muốn có niềm tin và lòng can đảm, bạn không nên kiêu ngạo và chấp ngã. Nếu muốn thoát khỏi bệnh tật và đau khổ, hãy từ bỏ những hành động tiêu cực. Nếu muốn có hạnh phúc, hãy thiền định về lòng từ ái-thiện tâm. Nếu muốn có một giọng nói du dương, bạn nên nói sự thật. Nếu muốn có những phẩm tính tốt lành, hãy phục vụ một thiện tri thức, hoàn thiện thiền định An Định và Nội Quán, và hãy phân tích bản ngã với trí tuệ phân biệt. Nếu bạn muốn tái sinh trong những cõi cao, hãy thiền định về Bốn Tâm Vô lượng (Từ, Bi, Hỉ và Xả). Cuối cùng và là điều quan trọng nhất, nếu muốn được tái sinh làm người, bạn nên thực hành Mười Thiện hạnh (Thập Thiện).
http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-81_4-5278/nghiep-nhan-va-qua.html