Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Pháp Tứ Niệm Xứ Áp Dụng Vào Đời Sống Hiện Đại

THE SATIPATTHANA SUTTA AND ITS APPLICATION TO MODERN LIFE
Tác giả: V. F. GUNARATNA, 1963
Dịch giả: LÊ THỊ ÁNH, 1964

“Áp dụng Pháp TỨ NIỆM XỨ vào đời sống hiện đại” là đề mục buổi nói chuyện của tôi chiều nay. Trước tiên tôi sẽ cố gắng trình bày cùng quí vị vài ý niệm về TỨ NIỆM XỨ, rồi sau tôi sẽ vạch rõ tình trạng đặc biệt và phức tạp của thời đại hiện tại như thế nào, để quí vị nhận thức rằng hơn lúc nào cả, Pháp TỨ NIỆM XỨ rất cần thiết cho thời đại của chúng ta.

Cũng như quí vị đã biết, Pháp TỨ NIỆM XỨ đề cập đến sự phát triển một khả năng rất quí của Tâm, là “Sati” hay “Niệm” (chú tâm). Sự phát triển ấy có bốn cách. TỨ NIỆM XỨ có nghĩa là củng cố Niệm hoặc thực hành Niệm. Bốn cách Niệm mà ta thấy trong Kinh là:

1.Niệm-thân: Kayanupassana (niệm hơi thở thuộc về khoản này)
2.Niệm-thọ: Vedananupassana
3.Niệm-tâm: Cittanupassana 
4.Niệm-pháp: Dhammanupassana

Niệm là một trong tám Chi của Bát-Chánh-Đạo; nó là một trong Ngũ-Căn (Indriya) và cũng là một trong Thất-Giác-Chi (Bojjhanga). Như vậy quí vị cũng đủ thấy là Niệm (Sati) có một vị trí rất quan trọng trong giáo lý nhà Phật. Thật vậy, Đức Phật đã gọi nó là “Ekayano Maggo” -- con đường duy nhất – “sattanam visuddhiya” – làm cho chúng sanh trở nên thanh tịnh – “soka pariddavanam samatikkamaya” – làm cho ta vượt qua phiền não và ta thán – “dukkha domanassanam atthangamaya” – làm cho ta diệt khổ não và u sầu – “nayassa adhigamaya” -- đem ta vào Chánh-Đạo – “nibbanassa sacchikiriyaya” – để chứng quả Niết-Bàn. Bởi thế nên dù theo quan điểm của người thường, Niệm cũng là một đức độ rất đáng kỳ vọng. Lẽ thường cho ta hiểu rằng thực hành niệm sẽ làm cho ta trở nên tinh tường, đúng mực hơn, nhặm lẹ hơn và làm giảm bớt tối đa những điều sai lạc, những lỗi lầm, những sơ xuất, những tai ương. Và lẽ thường cũng cho ta hiểu thêm rằng nếu thực hành Niệm thành một thói quen, Tâm ta sẽ được quân bình, ta sẽ ý thức được sự tương quan trong mọi việc, ta sẽ có một tinh thần minh mẫn và luôn luôn ta sẽ thận trọng. Nhưng xin quí vị nên nhớ rằng Đức Phật còn cho ta biết nhiều hơn nữa về kết quả của Niệm. Đức Phật với những lời lẽ hết sức rõ ràng, như tôi vừa trích trên đây, dạy ta rằng Niệm có tác dụng làm cho chúng sanh trở nên thanh tịnh, làm cho ta vượt qua phiền não, đưa ta vào Bát-Chánh-Đạo và cuối cùng làm cho ta chứng được quả Niết-Bàn. Song le, làm thế nào để đạt được những kết quả cao quí và tốt đẹp ấy? Cho đặng thành tựu như thế thì cái Niệm mà ta thực hành không phải chỉ thuộc về thế gian này, không phải là Niệm “tại thế” (lokiya), nhưng phải là Niệm ”siêu thế” (lokuttara), nghĩa là phải có một đặc tính riêng biệt thuộc về tinh thần, và do đó phải có một “kỹ thuật” đặc biệt để thực hành Niệm. Pháp TỨ NIỆM XỨ đề cập đến bốn cách Niệm và những phương pháp cần thiết để thực hiện. Như vậy, khi ta hành về một trong TỨ NIỆM XỨ bằng phương pháp đặc biệt của nó, ta có thể thu nhập được những kết quả hứa hẹn.

Niệm cho đúng phương pháp có đặc điểm là nó đòi hỏi phải nhìn sự vật một cách khách quan, chứ không phải chủ quan: nếu Niệm không chứa đựng được yếu tố quan trọng là nhìn sự vật một cách khách quan, thì chưa chắc phải là Niệm đúng theo nghĩa của nhà Phật mà trong kinh gọi là Sati. Ta cần phải phân biệt giữa lối nhìn khách quan và lối nhìn chủ quan. Khi có người yêu cầu Pythagore định nghĩa nhà hiền triết là như thế nào, thì ông ta trả lời với một ý nghĩa cũng tương tợ như trên là khi mọi người trên thế gian nầy được mời đến dự “tiệc đời”, thì có một số người đến đặng hưởng lạc, một số nữa đến đặng cầu tiếng tăm, danh vọng, nhưng cũng có một số người khác chỉ đến để mà xem. Những hạng người sau nầy chính là những nhà hiền triết vậy. Tỷ dụ ấy ngụ ý là bậc triết nhân không đồng nhất mình với cuộc đời. Bậc triết nhân nhìn đời một cách bàng quan. Người tập luyện Sati cũng phải nhìn sự vật như thế.

Khi quí vị nhìn vật gì một cách chủ quan thì giữa quí vị và vật ấy có một ái lực về tinh thần. Quí vị đem Tâm mình đến rất gần vật ấy. Quí vị liên kết mình với đối tượng và nếu có mối liên hệ nào đó giữa quí vị và đối tượng, thì quí vị sẽ không cố gắng để ngoài Tâm mối liên hệ ấy. Trái lại mối liên hệ ấy còn ảnh hưởng rất nhiều và sẽ tô màu việc quan sát của quí vị. Rốt cuộc, quí vị không còn là người quan sát vô tư nữa. Còn như quí vị nhìn vật gì một cách khách quan thì quí vị cần giữ Tâm mình cho xa đối tượng, quí vị tách mình ra khỏi đối tượng và nếu có mối liên hệ nào giữa quí vị và đối tượng, thì quí vị sẽ không cho nó ảnh hưởng đến việc quan sát của mình. Như vậy, quí vị là người chỉ quan sát mà thôi, khác hẳn với người quan sát thiên vị. Người quan sát khách quan, không bị ngoại cảm ảnh hưởng, tất nhiên sẽ thấy rõ hơn và đúng hơn người quan sát thiên vị, vì sự nhìn của người quan sát thiên vị có thể bị sai lệch bởi tư kiến, tư lợi. Người đứng ngoài thấy rõ nước cờ hơn người đánh cờ hoặc đánh ké. Vậy, khi ta thực hành niệm, ta phải thoát ra khỏi tất cả ý tưởng về bản ngã và tư lợi, phải ráng gắn Tâm vào đối tượng mà thôi, không lưu ý đến một giả thuyết nào, một phỏng đoán nào, thiên kiến nào, thành kiến nào hay ức đoán nào cả. Tóm lại, ta cố gắng có một hình ảnh thật của đối tượng và chỉ thấy có hình ảnh ấy mà thôi (hãy chăm chăm nhìn kỹ vào nó mà không nghĩ gì khác). Chính đó là đặc tính của Niệm mà ta phải đào luyện cho kỳ được.

Tôi đã nói rằng có bốn đối tượng của Niệm: Thân, Thọ (cảm giác), Tâm (ý tưởng), và Pháp (đối tượng của ý), và đối với mỗi đối tượng ấy, ta phải hành Niệm một cách khách quan. Bất cứ là đối tượng nào của niệm, quí vị phải nhìn chỉ đối tượng ấy mà thôi. Đó là bí quyết trong việc thực hành satipatthana (TỨ NIỆM XỨ) để có hiệu quả, và bí quyết ấy Đức Phật đã giải thích rõ ràng trong rất nhiều cơ hội. Quí vị có thể tượng tượng tầm quan trọng của điều ấy khi tôi nhắc lại câu chuyện sau đây: Một hôm, trên đường đi trì bình, Đức Phật dừng bước lại để giải thích bí quyết ấy cho một người nọ. Hằng ngày, Đức Phật luôn luôn áp dụng một thời khắc biểu nhứt định và không khi nào thay đổi, như chẳng hạn trong lúc đi trì bình thì không bao giờ dừng bước lại để làm một việc nào khác. Thế mà trong trường hợp đặc biệt này, Ngài đã dừng chân lại để đàm luận cùng Bahiya, nhà lãnh đạo một giáo phái nọ. Ông Bahiya nầy đã sống một cuộc đời cực kỳ lương thiện và ông đã tự cho rằng mình đã đạt đến tầng A-la-hán. Nhưng một hôm có một vị Bồ Tát hiện đến bảo ông rằng, “Ngươi chưa phải là A-la-hán đâu, cũng chưa đến được A-la-hán đạo nữa! Ngươi đâu có biết được “kỹ thuật” (patipada) để trở thành bậc A-la-hán. Ngươi hãy đến hỏi với Đức Phật đi! Ngài là bậc A-la-hán và Ngài đang dạy phương pháp đưa chúng sinh đến tầng A-la-hán. Ngài ở cách đây rất xa, tận thành Savatthi (Xá Vệ).” Những lời khuyên của vị Bồ Tát làm cho Bahiya rất hoang mang. Ông tức khắc lên đường thẳng đến thành Savatthi. Trong Kinh chép rằng ông khao khát học tập “kỹ thuật” để trở thành bậc A-la-hán đến nỗi ông chỉ ngừng lại có một đêm trong suốt cuộc hành trình dài của ông. Khi đến Jetavana (Kỳ Viên) tại thành Savatthi, ông được biết rằng Đức Phật đã đi trì bình. Rất bối rối, ông bèn noi theo hướng Đức Phật đã đi. Gặp được Ngài, ông liền quì xuống, đặt trán lên chân Ngài và khẩn cầu Ngài chỉ dạy cho “kỹ thuật” để trở thành A-la-hán. Để thử lòng nhẫn nại của ông, hai lần ông thỉnh nguyện, cả hai lần Đức Phật đều không chấp thuận lời yêu cầu của ông, nói rằng, “Nầy Bahiya, anh đến không đúng lúc. Chúng tôi đã lên đường đi trì bình.” Khi ông thỉnh cầu đến lần thứ ba, có lẽ vì biết nghiệp của ông phải chết nội ngày ấy, nên Đức Phật mới dừng chân lại mà giải thích một cách tóm tắt như sau đây, “Nầy Bahiya anh phải tự luyện tập như thế này:

‘Ditthe dittha – mattam bhavissati
Sute suta – mattam bhavissati
Mute muta – mattam bhavissati
Vinnate vinnata – mattam bhavissati.’
‘Khi trông thấy vật gì, anh chỉ nên thấy vật ấy mà thôi. 
Khi nghe được tiếng gì, anh chỉ nên nghe tiếng ấy mà thôi. 
Khi có một ý tưởng nào, anh chỉ nên nhận thức ý tưởng ấy mà thôi. 
Khi có sự thấu đáo nào, anh chỉ nên nhận thức sự thấu đáo ấy mà thôi.’”
Bấy nhiêu lời đủ làm cho Bahiya giác ngộ!

Đó là những lời rất uyên thâm, đầy ý nghĩa. Với sự trình bày trước đây, tôi chắc rằng quí vị đã lãnh hội được đầy đủ. Nếu quí vị thực hành Niệm trên một sắc tướng nào thì quí vị phải chỉ thấy sắc tướng ấy mà thôi, chứ đừng thấy gì khác nữa. Những ý nghĩ và mối cảm kích nào do lợi ích riêng tư đã phát sinh khi quí vị thấy sắc tướng ấy, cũng không được làm sai lệch sự trông thấy của quí vị. Khi đối tượng của Niệm là một tiếng động thì phải chỉ có tiếng động ấy mà thôi, chứ không nên có những ý nghĩ và cảm kích nào tạo ra vì tư kiến tư riêng. Khi ta nghe một việc gì cũng vậy, ta chỉ nên nghe việc ấy mà thôi. Đối với ba cách Niệm kia quí vị cũng nên giữ một thái độ tinh thần chính xác như thế.

Khi Đức Phật cùng các đệ tử trì bình xong trở về, Ngài thấy Bahiya nằm chết bên vệ đường, vì bị một con bò con húc. Đức Phật bảo đệ tử của ngài đem thi hài ông đi hỏa táng. Sau đó, Đức Phật mới nói rằng, “Bahiya đã vâng theo lời ta dạy. Anh đã chứng ngộ đạo quả A-la-hán!”

Giờ đây ta mới thấy sự qua trọng của lối nhìn sự vật một cách khách quan. Mỗi khi cái gì đến ta, ta không nên để nó ảnh hưởng ta. Ta phải nhìn nó một cách thật khách quan. Cái gì đến ta đó có thể là sắc, hoặc thinh (tiếng động), hoặc hương, hoặc vị, hoặc xúc, hoặc một ý tưởng. Trong Anh ngữ không có danh từ nào đồng nghĩa với ý tưởng “cái gì đến trên con đường ta”. Danh từ Pali là “arammana” thường được dịch là ”đối tượng”. Ấy là những gì đến với ta trên đường đời và nếu ta nhìn những việc ấy một cách khách quan, thay vì để nó chế ngự ta, thì ta sẽ sống một cuộc đời đúng đắn không lầm lạc. Hiện nay thế gian đang khổ vì không quan sát cho đúng những “sự việc gặp gỡ” ấy. Trước những “sự việc gặp gỡ” ấy ta hồi tưởng lại bao nhiêu là phản ứng của ta đối với nó trong quá khứ, bao nhiêu là khuynh hướng của ta trong hiện tại, rồi ta vội vàng kết luận và hành động. Như vậy là điên cuồng! Ta cứ hãy để cho những hình ảnh thật đó tự nó in vào đầy đủ trong tâm thức ta một cách tự nhiên và khách quan. Trái lại, nếu ta không chịu khách quan chờ xem có một sự hiểu biết đầy đủ nào về “sự việc gặp gỡ” đó, thì những nét sơ thiển của nó cũng đủ ảnh hưởng ta và khiến ta vội vàng suy đoán và hành động xai sót!

Thí dụ, quí vị thử xem một điều gọi là ác (như tham, sân, si chẳng hạn). Quí vị nên nhìn nó một cách khách quan, thay vì để những phản ứng thường tình do nó gây nên xen vào trong tâm thức quí vị. Quí vị hãy cố gắng đạt hết ý nghĩa của cảnh tượng ấy. Hãy vô tư, hãy thành thật, hãy bình tĩnh mà xem. Hãy nhìn nó cho lâu, đừng để cho những dục vọng (ước muốn), những cảm kích (vui, buồn, giận, thương, ghét), những quan niệm (phải trái, đúng sai, tốt xấu) mà cảnh tượng ấy có thể gợi lên trong tâm thức quí vị, làm xao xuyến, ham muốn, tức tối quí vị. Đừng kết luận, cũng đừng ước đoán. Cứ chỉ nhìn, nhìn một cách khách quan hồi lâu, thì chắc chắn rằng bộ mặt giả dối bên ngoài của điều xấu sẽ mất đi và quí vị sẽ không bị lầm lạc. Cái bề ngoài dễ thương của mọi điều ác quyến rũ một số không ít những người nhẹ dạ, không nghi ngờ gì cả, nhưng sẽ biến mất trước cái nhìn chăm chăm, không lay chuyển của người quan sát khách quan. Và người này sẽ thấy vạn vật đúng theo chân tướng của nó -- yatha – bhuta – nana – dassana – và một khi quí vị thấy vạn vật đúng theo chân tướng của nó thì quí vị không còn là nạn nhân của si mê sân hận nữa. Đó là sứ mệnh cao cả của Satipatthana (TỨ NIỆM XỨ).

Tôi vừa nói về ý nghĩa đặc biệt của chữ Niệm. Giờ đây chúng ta hãy bàn qua phương pháp đặc biệt để thực hành Niệm. Trước hết ta nên nói rằng phương pháp đặc biệt ấy nhắm vào sự thực hành đối tượng thứ nhất của Niệm, là Niệm-thân. Lối Niệm này đặc biệt nhắm vào cách Niệm về thân, là Niệm hơi thở “anapana-sati”. Thực hành loại Niệm này cần chọn một giờ nhất định và một cách ngồi riêng biệt. Các loại Niệm kia có thể thực hành bất kỳ chỗ nào, bất cứ giờ nào, tùy theo cơ hội thuận tiện.

Vậy thực hành Niệm về hơi thở cần phải ở nơi nào? Trong kinh có chép “arannagato va rukkhamulagato va sunnagaragato va” – “trong một khu rừng, dưới một cội cây, hoặc trong một ngôi nhà trống”. Ba chốn được kể ra đây bao hàm ý nghĩa phải chọn một chỗ yên tĩnh, một nơi mà ta có thể lui về để tránh sự ồn ào, sự náo nhiệt, sự xôn xao của nếp sống bận rộn hàng ngày. Đây là một điều mà thế giới hiện đại rất cần có. Nhưng, rừng rú thì càng ngày càng bớt đi, ở thành thị thì rất hiếm có vườn tược với những cổ thụ có bóng mát. Ở thôn quê thì có vườn tược và cây cối, nhưng thôn quê cũng đang mau trở thành xầm uất và nơi đó hết phải là những nơi vắng vẻ, yên lặng và tĩnh mịch như hồi xưa. Những người sống ở thành phố rộn rịp hoặc ở thôn quê phát triển chỉ còn có giải pháp thứ ba là ngôi nhà trống (Sunnagara). Ngay đến ngôi nhà trống cũng không dễ gì tìm ra, vậy ta phải tìm một căn phòng trống. Trong đời sống hiện đại vấn đề chỗ ở khó khăn đến nỗi một căn phòng trống cũng không bao nhiêu người có đặng. Lối sống chen chúc và cách sống ở “building” hay “apartment” ngày nay làm cho ta càng khó có riêng một căn phòng trống. Điều cần thiết đó là chọn một góc yên tịnh trong căn phòng, hoặc hơn nữa quí vị nên Niệm hơi thở trên giường buổi tối hay sáng sớm khi đâu đó đều thật yên lặng.

Khi chọn đươc một chỗ rồi, quí vị phải cố giữ chỗ ấy luôn luôn, đừng thay đổi, nếu không sẽ bất lợi nhiều. Thế rồi quí vị lại phải chọn một giờ nhất định và phải cương quyết giữ đúng giờ đó. Quí vị nên nhớ rằng thực hành số tức quan (anapana sati) tức là hành thiền, phải hành cho đều đặn, và một khi quí vị ý thức được tầm quan trọng của điều này thì quí vị không nên để bất cứ việc gì cản trở nó. Phải cứ chỗ mình đã chọn, mỗi ngày và mỗi ngày phải đúng giờ đã định. Đó là những yếu tố tâm lý quan trọng đem đến kết quả và thành công. Cơ thể con người đã được cấu tạo như thế nào để nó có thể đáp ứng dễ dàng với nhịp đều đặn trong sự hành thiền. Nếu quí vị tập cho quen việc hành thiền đúng nơi và đúng giờ, và nếu quí vị thành tâm hành thiền cho đều đặn thì chắc chắn mỗi khi đến giờ hành thiền, quí vị không còn muốn làm một việc nào khác cả. Nếu có một việc gì xảy đến làm trở ngại việc hành thiền của quí vị mà quí vị không sao tránh được, thì quí vị sẽ thấy thất vọng nhiều. Hơn nữa, khi đến giờ hành thiền, quí vị cảm thấy trong lòng thoải mái vì lúc bấy giờ tâm trạng của quí vị đã sẵn sàng chờ đón cuộc hành thiền. Quí vị sẽ ngạc nhiên mà nhận thấy tất cả những tư tưởng xấu đều dừng lại không vào được Tâm của quí vị trong giờ phút thiêng liêng này. Ngay khi quí vị đến chỗ hành thiền quen thuộc – chỗ ấy phải là thiêng liêng đối với quí vị -- quí vị cũng sẽ ngạc nhiên mà cảm thấy Tâm mình đáp ứng dễ dàng với kỷ luật mà quí vị đã áp dụng. Quí vị cũng sẽ ngạc nhiên mà nhận thấy tư tưởng xấu không vào được Tâm mình. Nếu có đi nữa, những tư tưởng ấy cũng sẽ mau chóng nhường chỗ dễ dàng cho những tư tưởng tốt. Vì thế nên quí vị cần dành riêng một thời giờ nhất định và chọn một nơi riêng biệt để hành thiền.

Tôi cũng xin nhắc quí vị rằng mỗi ngày, trong lúc rảnh rang, quí vị nên nhớ lại số tức quan mà mình đã hành buổi tối hoặc hồi sáng sớm. Mỗi ngày trong lúc rỗi, quí vị phải biết đem Tâm mình trở về với sư yên lặng, phải biết giữ cho yên tĩnh trong cảnh náo nhiệt hằng ngày. Quí vị nên nhớ đến hơi thở, dầu trong vài phút cũng được. Trong trường hợp đó tất nhiên ta không nên câu nệ nào là giờ khắc nhất định, nào là chỗ ngồi riêng biệt, nào là cách ngồi đặc biệt. Có lẽ quí vị cũng muốn hỏi, “Trong thế giới bận rộn ngày nay làm thế nào mà tìm được thì giờ để hành thiền chút ít?” Tôi sẽ nói rằng, “Dầu thế nào đi nữa, quí vị cũng có thể có thì giờ”. Đành rằng thời đại này là một thời đại luôn luôn bận rộn tạo nên bởi sự quay cuồng khủng khiếp và sự căng thẳng triền miên của mọi vật. Chẳng hạn quí vị định đi đến một nơi nào đó mà không đi suốt được phải sang xe, sang tầu. Dầu chuyến xe, chuyến tầu dù có đến thật mau đi nữa, quí vị cũng phải chờ đôi chút trước khi bước sang xe sang tầu thứ nhì. Trong lúc chờ đợi, quí vị lấy làm nóng nảy. Tâm trạng của quí vị rất bồn chồn. Đó là dịp mà quí vị có thể niệm một chút về số tức quan (anapana sati). Hoặc giả quí vị đến nhà ga mua vé xe lửa. Trong lúc đó đã có rất đông người đang đứng nối đuôi nhau chờ. Quí vị bực bội không biết đến chừng nào mới đến phiên mình mua được vé. Đây cũng là một cơ hội nữa mà quí vị có thể thực hành anapana sati. Quí vị đáp máy bay trên một tuyến đường phải đổi chuyến bay. Khi xuống sân bay để đợi sang chiếc khác, quí vị đi bách bộ trên sân phi trường, quí vị cũng bồn chồn nóng nảy chờ được đổi chuyến. Đây cũng là một dịp nữa để quí vị thực hành anapana sati. Xe hơi của quí vị đang chạy rất nhanh, gần đến ngã tư thì đèn xanh lại cũng vừa tắt đi và đèn vàng thay thế. Quí vị sợ vượt đèn đỏ nên phải bực mình ngừng gấp lại. Rồi lại phải chờ đèn quẹo trái từ đỏ sang xanh. Tâm trạng quí vị rất khó chịu vì dường như quí vị phải chờ đợi không biết mấy kiếp cái đèn đỏ chạy thẳng mới chịu nhường chỗ cho đèn xanh trở lại. Trong khoảng thời gian “vô tận” đó, quí vị có thể thực hành chút ít về anapana sati. Được vậy sự căng thẳng trong người của quí vị sẽ biến đi, quí vị sẽ bình tĩnh hơn và sẵn sang đối phó với bất cứ vấn đề nào cần đến sự lưu ý của quí vị. Trong phòng đợi ở sân bay, nhà ga, trong phòng khách của bác sĩ hay của nha sĩ, trên xe lửa, trong lúc đi xe nhà hoặc đi xe buýt, quí vị lại không thể thực hành được một chút về anapan sati sao? Đấy, quí vị sẽ thấy rằng trong đời sống hàng ngày ở thế giới bận rộn ngày nay cũng còn có cơ hội cho quí vị trở về với sự yên lặng của Tâm và hành “Niệm” đôi chút.

Giờ đây, sau khi xem xét về nơi và giờ hành thiền, chúng ta bàn đến cách ngồi cần thiết khi ta niệm hơi thở (anapan sati). Trong Kinh chép rằng, “Nisidati pallankam abhujitva ujum kayam panidhaya” – hành giả ngồi, hai chân tréo lại (kiết già), giữ thân mình cho ngay thẳng. Đó là một cách ngồi mà ta có thể không nhúc nhích trong một thời gian khá lâu. Có người cho rằng ngồi yên, không động đậy tay chân đến cả nửa giờ, dù có ngồi trên một chiếc ghế êm đi nữa, cũng rất là khó. Nhưng ta cần tập ngồi kiết già và ngồi không nhúc nhích. Điều đó rất cần thiết cho thời đại này vì thời đại này là một thời đại mà sự tác động của mọi vật đang lên một cách tột độ. Quí vị hãy nhìn chung quanh quí vị mà xem. Quí vị sẽ thấy toàn là sự náo động cả, và sự náo động đó sẽ đem ta đến náo động tinh thần. Tất cả những cảm giác về yên tĩnh đều mất hết, và khi sự yên tĩnh mất đi rồi thì Tâm ta mất hẳn quân bình của nó. Sự yên tĩnh là bước đầu trên con đường đi đến tinh thần thanh tịnh và tráng kiện. Rõ ràng hiện nay con người thiếu hẳn sự yên tĩnh. Một bữa nào đó quí vị thử làm một lần xem sao. Quí vị bỏ chỗ náo nhiệt, đi tìm một nơi nào yên tĩnh đoạn ngồi lại đó. Trong lúc tâm đang bị chao, ngồi yên như vậy quí vị sẽ cảm thấy nó được vô cùng thơ thới. Như thế không những làm cho thân quí vị được an mà Tâm quí vị cũng nhờ đó mà lắng xuống, yên tịnh, vững vàng. Tịnh được như vậy không khác nào Tâm ta được một liều thuốc bổ và chỉ trong một phút yên tịnh ngắn ngủi như vậy, quí vị cũng đủ cảm thấy phần nào như quí vị vừa thức giấc trong tâm trạng an lành và vững chắc. Đời sống hiện tại làm cho ta từng phút phải dao động luôn luôn, muôn ngìn hoạt động tấp nập xoay chuyển chúng ta, chúng ta sống trong tình trạng lo âu, bấn loạn, căng thẳng, đó là bao nhiêu lý do làm cho ta phải hao phí sức rất nhiều. Vậy thì, trong một dịp nào đó, quí vị thử ngồi yên, chỉ một phút thôi, quí vị sẽ thấy tâm lực của quí vị được bảo tồn nguyên vẹn. Cách ngồi kiết già như hoa sen (padmasana) thích hợp nhất, vì như thế quí vị mới ngồi được lâu mà không nhúc nhích hay mỏi mệt. Chính nhờ hai chân tréo lại và hai bàn tay chồng lên nhau mà khí lực của tâm còn nguyên vẹn và nhờ sự tham thiền, không bị hao giảm. Ngồi kiết già thì thân mình vững vàng, vì sức nặng của xác thân được phân ra đồng đều. Ngồi như thế, quí vị sẽ thấy dễ ngồi lâu không động đậy hơn là ngồi một cách nào khác. Nhờ cách ngồi thẳng lưng, quí vị hoàn toàn kiểm soát được hơi thở của mình. Quí vị có thể thong thả hơn. Vả lại, có một sự liên quan mật thiết giữa dây tủy xương sống và những cảm quan của ta. Khi quí vị ngồi như thế, quí vị dễ kềm hãm những cảm quan hơn. Nếu người nào cho cách ngồi kiết già là khó, thì có thể ngồi trên ghế có dựa ngay thẳng, đặng giữ thân mình cho được ngay thẳng, nhưng hai chân phải chấm đất.

Giờ đây chúng tôi xin trình bày phương pháp thực hành “Niệm hơi thở” (anapana sati). Sau khi chọn một chỗ thích hợp, một giờ thích hợp, và đã ngồi được kiết già, quí vị bắt đầu chú tâm về hơi thở. Thở cho nhẹ nhàng, êm dịu và khi thở phải hoàn toàn nhận thức hơi thở và không nên rán sức. Đừng thở mạnh. Thở tự nhiên và êm dịu, luôn luôn chú tâm theo hơi thở cuả mình. “Digham va assasanto digham assasami ti pajanati; digham va passasanto digham passasami ti pajanati” – Khi thở vô dài, hành giả biết mình thở vô dài. Khi thở ra dài, hành giả biết mình thở ra dài. Cũng thế, khi mình thở vô vắn, biết mình thở vô vắn, và khi thở ra vắn, biết mình thở ra vắn. Hành giả chớ nên bao giờ đồng nhất mình với hơi thở. Phải nhìn hơi thở một cách khách quan, chứ đừng chủ quan. Không nên nghĩ rằng chính mình đang thở đây. Phải lắng xem chỉ hơi thở mà thôi, chứ không nên biết gì khác. Phải giữ cho kỳ được sự nhận thức rõ rệt về hơi thở. Điều cần thiết là Tâm phải an trụ và biết được rõ ràng khi nào thở vô, khi nào thở ra. Quí vị nên nhớ rằng đây không phải là sự luyện tập cách thở. Đây là sự luyện tập “niệm hơi thở”. Bền chí trong cách quan sát về hơi thở sẽ đem lại kết quả như sau: quí vị sẽ theo dõi được cho đến cùng hơi thở vô và hơi thở ra, và do đó quí vị sẽ cảm thấy càng ngày càng được bình tĩnh và yên trụ hơn. Sự thông khí trong phổi sẽ được dễ dàng hơn và sức khỏe sẽ được dồi dào hơn, nhưng đó là phụ thuộc. Thực hành Niệm về hơi thở (anapana sati) không gián đoạn đưa ta đến những tầng cao của Thiền-Chỉ-Quán (samatha bhavana): ấy là nhập định, thường được gọi là đắc thiền (Jhana). Nhưng, thay vì theo đuổi các Thiền, hành giả có thể chọn con đường của Thiền-Minh-Sát (Vipassana Bhavana) và đắc Minh-Sát-Tuệ (Vipassana).

Con người sống trong thế kỷ hiện nay khó mà hiểu được tại sao việc quan sát hơi thở lại đem đến cho ta những kết quả cao quí như vậy. Trong quyển “Chủ yếu của Pháp Tham Thiền trong Phật giáo” Đại Đức Nyanaponika Thero cho rằng, “Cái thở của ta đứng giữa những tác động tự nhiên của cơ thể và những tác động do ý chí điều khiển. Vì thế nên hơi thở cho ta cơ hội thuận tiện để mở rộng quyền kiểm soát của ta trong cơ thể”; vậy chúng ta có thể đoán được biết bao nhiêu khả năng có thể khai thác một khi chúng ta thực hành Niệm về hơi thở đúng phương pháp. Ngài nó tiếp rằng bởi việc quan sát không gián đoạn về sự phồng lên và xọp xuống của cơ thể do hơi thở tạo ra, “Ta có thể chứng ngộ được sự dâng lên và hạ xuống của Biển Vô-thường”. Hành giả sẽ nhận thức rõ rệt sự phát sinh và tiêu diệt của chúng sanh và vạn vật. Đây không phải là là một sự hiểu biết về lý trí, mà là một kinh nghiệm về tâm thức, vừa uyên thâm vừa cao siêu, mà ta nhận thức được một khi ta chứng ngộ sự phát sinh và tiêu diệt của hơi thở. Thế rồi, về phương diện thân nghiệp, hành giả không còn hành động một cách dại dột nữa. hành giả không còn nô lệ với cái xác thân nữa. Vượt lên khỏi tầng vật chất, hành giả sẽ thấy trong thân thể con người không có gì có thể làm nền tảng đúng lý cho quan niệm “Tôi” hoặc “của Tôi”. Và cũng không thể nói “Tôi thở”. Như vậy hành giả sẽ thấy rằng trong thân này không có một thực thể trường tồn nào đáng cho ta bám níu “Anissita ca viharati na ca kinci loke upadiyati”, “Hành giả không tùy thuộc cái gì cả, cũng không bám níu cái gì cả trên thế gian này”. Khi chứng được sự vô thường của xác thân, hành giả cũng chứng được tính vô thường của vạn vật. Chừng ấy hành giả mới thấy sự vật đúng theo chân tướng của nó. Lúc bấy giờ hành giả đã đạt đến một tầng cao hơn. Niết bàn nằm trên con đường ấy.

Cũng có những cách niệm-thân khác. Đó là niệm về nhiều phần khác nhau trong cơ thể con người. Trong Kinh có kể đến 31 phần, thường ta được nghe những người giữ tám giới đọc khi họ xin giới, “Atthi imasmim kaye kesa loma nakha danta taco mansam haharu atthi…” “Trong thân thể này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương…” Kinh chép tiếp rằng, “Hỡi các Tỳ-khưu, giả như trong một cái giỏ có nhiều ngăn, trong ấy có đủ các loại hạt, như lúa đất gò, lúa mạch, đậu xanh, đậu chim, mè, gạo; và có một người với đôi mắt thật sáng, đến dở túi ra, rồi phân biệt như thế này: đây là lúa đất gò, đây là lúa mạch, đây là đậu xanh, v.v.; cũng như thế, một người Tỳ-khưu phải suy nghĩ về bản thân mình, có da bọc ngoài, trong đầy dơ bẩn, nghĩ từ gót chân trở lên, từ đỉnh đầu trở xuống như vầy: trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, v.v.” 

Một cách niệm-thân khác nữa là lấy mỗi phần trong cơ thể ra mà xem xét, nhớ đến vị trí, màu sắc, hình dáng của nó và để ý rằng phần nào cũng thấy nhờm gớm và đáng ghét. Sự giải phẩu tỉ mỉ như vậy về thân xác sẽ giúp ta dứt bỏ cái ảo tưởng về “thân hình đẹp đẽ” và làm cho ta thấy rõ tính nhơ bẩn của nó. Trong lời chú giải có thêm rằng, “Dù tìm kiếm thế nào đi nữa trong cả thân hình chỉ cao hơn một thước này, bắt đầu từ gót chân trở lên, từ đầu trở xuống, và từ ngoài da trở vô, không ai thấy đặng một mảy may tinh khiết nào cả dù nhỏ cũng không, trái lại, người ta sẽ thấy toàn là đủ loại ô trược, rất hôi thối, rất độc hại, như râu tóc lông khi chưa cắt cạo, da dẻ thân thể khi chưa tắm gội, mồm miệng khi chưa đánh răng, hay đồ xú uế khi bài tiết ra hàng ngày… Tất cả đều ẩn dấu bên dưới cái thân xác đó, trong cái bụng đó, mà người ta hằng yêu quí nâng niu, và rồi dùng quần áo đẹp, đồ trang sức quí giá, hay dầu thơm mỹ phẩm để chải chuốt che đậy, lại tâng tiu phụng sự bảo bọc cho cái thân xác ghê tởm đó bằng ý tưởng tham sân si hay hành động hỉ nộ ai ái ố chỉ vì cái thân đáng bỏ đi đó. Hãy nhìn xem cái thân thể đó một khi không còn hơi thở nữa, thì hàng triệu giòi bọ bắt đầu đục khoét nó từ trong ra ngoài, bò ra từ mắt mũi miệng tai, khắp nơi trên da thịt đang trương xình thối tha…”

Niệm-thân cách này rất cần thiết cho thế giới hiện đại vì ngày nay người ta đã quá chú trọng đến xác thân. Con người rất quyến luyến thân thể mình, xem nó như một sở hữu vô cùng quí giá. Vì thế, phải có một hương pháp giải phẫu cứng rắn như trên đây mới mong gợi lên trong con người lòng ghê tởm xác thân, ngõ hầu đi đến sự vô tâm đối với nó và cuối cùng chứng ngộ sự sinh diệt của vạn vật. Chừng ấy ta mới thấy sự vật đúng theo chân tướng của nó. Hành giả lúc bấy giờ đạt đến một tầng cao hơn.

Còn một cách niệm-thân nữa là niệm Tứ Đại. Niệm Tứ Đại cũng là một lối giải phẫu xác thân, nhưng khác với lối giải phẫu vừa nói ở trên. Ở đây xác thân được chia ra làm Tứ Đại, nghĩa là Đất, Nước, Gió, Lửa. Nhũng yếu tố này có trong thể xác con người cũng như trong bất cứ một vật chất vô tri nào, như cỏ cây đất đá chẳng hạn. Đôi khi những đặc tính căn bản ấy của vật chất cũng được gọi là tính Cứng Đặc, tính Kết Hợp, tính Nóng Nhiệt và tính Di Động. Cách giải phẫu này có kết quả là khiến ta nhận thức rằng xác thân này không khác gì một vật chất vô tri nào, nó cũng là vô ngã và vô thường vậy. Điều này thời đại của chúng ta thường hay quên, vì ta quá chú trọng đến thân thể, quá yêu quí cái ta. Cuối cùng lối giải phẫu như thế dẫn ta đến sự chứng ngộ sự sinh diệt của vạn vật. Khi thấy được chân tướng của sự vật, hành giả đã đạt đến một tầng cao hơn. 

Chúng tôi đã cố gắng trình bày tường tận việc khảo sát của chúng tôi về loại Niệm đầu tiên là Niệm-thân (Kayanupassanna). Giờ đây chúng tôi xin bàn qua loại Niệm thứ nhì, là Niệm-thọ (Vedananupassana). Đây cũng thế, hành giả phải nhìn đối tượng một cách khách quan. Hành giả không nên đồng nhất mình với loại Thọ mà mình cảm nhận. Thọ thì có Lạc-thọ và Khổ-thọ, và đối với mỗi loại Thọ ấy ta chỉ nên cảm thấy nó mà thôi. Một người đau đớn về thể xác thường hay đồng nhất mình với cảm giác đau đớn ấy, đồng nhất chặt chẽ đến đỗi mình không thể xem nó một cách vô tư. Ta coi sự đau đớn là quan trọng nhất. Ta bị nó đè nén nặng nề. Đối với một Lạc-thọ cũng thế. Niệm-thọ giúp ta tách ra khỏi thân thể ta những khoái cảm tạm bợ, và xem những cảm giác đó với đôi mắt của người bàng quan. Trong lời chú giải về Pháp TỨ NIỆM XỨ có kể ra câu chuyện của một vị trưởng lão trong hàng Tỳ-khưu: Thân ông đau đớn dữ dội, nhưng ông cố tâm Niệm-thọ và trở thành khách quan đến đỗi khi người ta hỏi ông đau ở đâu, ông không thể chỉ đặng chỗ đau. Đối với hành giả nào tự luyện tập như thế, nghĩa là xem cảm giác một cách bình tĩnh, vô tư, không đồng nhất mình với nó thì sớm hay muộn, nó cũng phải mất tính cách tối quan trọng và tối cưỡng bách mà trước kia hằng trụ trong nó. Hành giả cũng sẽ xem Thọ như một phần trong những hiện tượng luôn luôn biến chuyển của sự sống. Hành giả biết rằng những Thọ ấy là vô thường. Nó cũng phát sinh và cũng hoại diệt. Cũng như đối với xác thân, đối với Thọ hành giả cũng chẳng thấy gì có thể làm nền tảng đúng lý cho quan niệm “Tôi” hoặc “của Tôi”. Không thể nói “Tôi cảm thấy” mà phải nói “có một cảm giác”. Trong các loại Thọ nhứt thời ấy không có một loại nào mà trong đó ta có thể tìm thấy một thực thể trường tồn, có lợi cho ta quan tâm hoặc đáng cho ta bám níu. Khi thấu hiểu được tính chất của Thọ, sự sinh diệt của nó, hành giả không còn bị nó kích động nữa. Nhờ quan sát sự sinh diệt của Thọ, hành giả thấy được sự sinh diệt của vạn vật. Hành giả thấy sự vật đúng theo chân tướng của nó. Khi đó hành giả đạt đến một tầng cao hơn.

Loại Niệm thứ ba là Niệm-tâm (Cittanupassana). Cũng như hành giả phải khách quan mà xem những tác dụng của Thọ trong thân thể mình, thì đây hành giả cũng phải khách quan mà xem những tác dụng của tư tưởng trong Tâm mình. Ta rất có lợi mà nhìn Tâm một cách khách quan. Có phải là hằng ngày ta luôn luôn tiếp xúc với trăm ngàn “khách khứa” (tư tưởng xảy đến cho ta) không? Đúng vậy. Mỗi ngày trăm ngàn tư tưởng nhập vào tâm ta. Điều này thành một thông lệ, vì ta xem những tư tưởng đến viếng Tâm ta là một sự kiện dĩ nhiên. Mỗi tư tưởng phát sinh ra đều ảnh hưởng ta hoặc một cách tốt đẹp hoặc một cách xấu xa. Tuy nhiên, tư tưởng sau có thể sửa đổi ảnh hưởng của tư tưởng trước. Một tư tưởng Sân chẳng hạn, có tác dụng tai hại đối với Tâm ta, thậm chí đến Thân ta nữa; nhưng nếu tư tưởng liền kế đó lại là một tư tưởng có tính chất trái ngược hoặc một tư tưởng ăn năn chẳng hạn, như biết mình đã làm quấy, thì tác dụng tai hại của tư tưởng Sân có thể được sửa đổi. Nếu ta tập thành thói quen, nhìn một cách khách quan bất cứ một tư tưởng xấu nào nảy sanh ra, thì ta có thể chận đứng được dễ dàng sự tiến triển của tư tưởng xấu ấy. Thực hành Niệm-tâm có nghĩa là đào luyện thành thói quen lối nhìn một tư tưởng thật khách quan, chứ không chủ quan, và nhận thức rõ rệt sự hiện diện của nó. Không một tư tưởng nào vào được Tâm ta mà ta không hay biết rõ ràng. Chừng ấy ta mới khỏi bị tư tưởng sai khiến. Khi một tư tưởng Sân nổi lên, ta phải hoàn toàn hay biết và tự nhủ, “Hãy coi chừng, một tư tưởng Sân đã vào Tâm ta rồi!” Tự quan sát như thế đem lại kết quả tinh vi vì tư tưởng Sân mất tính cách cưỡng chế của nó. Nó đã kiệt lực và không thể phát triển ra ngoài bằng một hành động Sân. Phương pháp nhìn một cách khách quan bất cứ tư tưởng xấu nào làm cho hành giả tránh khỏi ảnh hưởng tai hại của nó. Mỗi khi một tư tưởng xấu vào Tâm hành giả thì “con chó” sati (niệm) đang canh phòng liền sủa “người khách” xấu xa ấy và báo cho hành giả biết để cảnh giác, chừng ấy hành giả có thể sai khiến một tư tưởng có tính cách trái ngược đến làm cho tư tưởng xấu kia trở nên vô năng, vô hiệu. Trong lời chú giải về pháp TỨ NIỆM XỨ có kể câu chuyện của Phussa Deva Maha Thera. Vị Đại Đức này thường hay dừng chân lại trong lúc đang đi, nếu có một tư tưởng xấu nào vào Tâm Ngài. Ngài nhất định đứng đó đến khi nào xua đuổi được tư tưởng xấu kia ra khỏi Tâm rồi Ngài mới chịu tiếp tục đi. Trong lúc Ngài đứng lại như vậy, ai cũng lấy làm lạ, không biết Ngài đã đi lạc đường hay là đã bỏ quên vật gì. Đến khi Ngài đắc quả A-la-hán, mà chỉ mới có hai mươi tuổi, ít người biết được nhờ đâu Ngài đạt đến quả ấy. Vậy khi một tư tưởng xấu vào Tâm quí vị, quí vị phải vô tư và thành thật mà nhìn ra nó. Chỉ chú tâm đến tư tưởng đó mà thôi, đừng nhớ đến những việc đã xảy ra, làm nguồn gốc phát sinh ra tư tưởng đó, cũng đừng nhớ đến loại hành động nào mà tư tưởng đó gợi ra trong tâm trí quí vị. Quí vị chớ nên nghĩ tới những vấn đề tùy thuộc như thế. Cứ nhìn thẳng vào tư tưởng ấy và chỉ nghĩ tới nó mà thôi. Chừng đó quí vị sẽ ngạc nhiên mà thấy tư tưởng xấu kia dần dần mất đi tính cách xúi giục của nó. Hãy kiên tâm mà nhìn nó. Cũng như nhà hiền triết mà Pythagore đã định nghĩa, quí vị chỉ nên nhìn mà thôi. Chỉ bao nhiêu đó thôi, và chắc chắn tư tưởng xấu kia sẽ không xúi giục quí vị hành động xấu được. Nó cũng có thể biến mất. Nhìn vào tâm mình không phải luôn luôn là chuyện dễ. Con người thường hay tránh nhìn thẳng thắn vào Tâm mình, bởi vì, nếu cố nhìn rõ Tâm mà hay biết được tư tưởng xấu xa thầm kín, điều ấy sẽ phá vỡ cái thành kiến tốt đẹp mà mình vốn sẵn có đối với chính mình! Thực hành Niệm-tâm không gián đoạn sẽ giúp hành giả thấu hiểu rằng những tư tưởng của mình không phải là của mình. Hành giả sẽ không đồng nhất mình với tư tưởng. Hành giả sẽ chứng được rằng, cũng như thân này, Tâm đây cũng chẳng phải là một thực thể, mà là một phối hợp tạm thời của những sự vậy nhất thời. Sự phối hợp tạm thời ấy cho ta cái ảo tưởng rằng có một thực thể trường tồn. Những thành phần phối hợp là vô thường và phải chịu sự biến chuyển như thế nào, thì vật được thành phần ấy phối hợp cũng vô thường và cũng phải chịu sự biến chuyển như thế ấy. Cũng như xác thân chỉ là sự phối hợp của lông tóc, xương thịt, máu mủ, toàn là những vật phải bị già nua hư hỏng đi mà hoại diệt, thì Tâm cũng chỉ là sự phối hợp, hoặc nói cho đúng hơn, là sự kế tiếp của những tư tưởng mà tất cả đều hiện ra chỉ để rồi biến mất. Tâm ví như giòng nước chảy “Nadi-soto viya”. Giòng tư tưởng tạo ra cái ảo tưởng rằng có thực thể Tâm. Ví như những giọt nước kế tiếp nhau rớt xuống thật nhanh cho ta có cảm tưởng rằng có một đường nước chảy. Những tư tưởng cũng thế, nó nối tiếp nhau nhanh chóng đến đổi ta lầm tưởng rằng có một thực thể gọi là Tâm. Chỉ nhờ thực hành “Cittanupassana” (Niệm-tâm), ta mới thấy được rằng bản chất của tư tưởng là vô ngã và tư tưởng đều là những hiện tượng rõ ràng nhứt thời. Nó đến rồi đi, nó hiện ra rồi biến mất, và cũng chỉ là sản phẩm trong cái thân hoại diệt mà thôi. Như thế hành giả đã chứng ngộ được sự sinh diệt của tư tưởng. Vậy, đối với tư tưởng, hành giả cũng không thấy có gì có thể làm nền tảng đúng lý cho quan niệm “Tôi” hoặc “của Tôi”. Không thể nói “Tôi tư tưởng” nhưng phải nói “có sự tư tưởng”. Trong những sự tiến triển nhất thời ấy không có một thực thể trường tồn nào có lợi cho ta bám níu hoặc đáng cho ta bám níu. Hành giả không tùy thuộc nơi nào cả, không bám níu gì cả trên thế gian này. Hành giả thấy được sự sinh diệt của vạn vật. Hành giả đã đạt đến một tầng cao hơn, và Niết-Bàn nằm trên con đường ấy. 

Giờ đây chúng ta nói đến loại Niệm cuối cùng, khác hẳn với các loại Niệm đã kể trên, là Niệm-pháp (Dhammanupassana). Danh từ Pali “dhamma” (pháp) đây có một nghĩa rất đặc biệt. Nó có nghĩa là “thành phần của tư tưởng” hoặc đối tượng của Tâm”, và nó đặc biệt ám chỉ Năm Chướng Ngại của tâm hay “Panca Nivarana” (Tham dục, Thù hận, U mê, Hối tiếc, và Hoài nghi). Ngũ Uẩn (Panca Upadanakkhandha), Lục căn (Salayatana), Thất Giác Chi (Satta Bojjhanga), và Tứ Diệu Đế (Cattari Ariyasaccani) là những “dhamma” (pháp) khác được đề cập đến trong TỨ NIỆM XỨ Kinh. Nhờ luyện tập kinh nghiệm hằng ngày, hành giả phải biết quan sát những “dhamma” ấy (đối tượng đặc biệt của Tâm). Hành giả phải chú ý đến những pháp đó nếu nó đã phát sinh trong tâm mình, và nếu nó chưa phát sinh trong Tâm mình. Điều quan trọng không phải là sự hiểu biết những “dhamma” đó bằng lý thuyết. Ta phải “chứng” (biết) nó và thấu rõ nó khi nó phát sinh. Như về Năm Chướng Ngại chẳng hạn, ta không nên chỉ biết bằng lý thuyết rằng nó là những điều cản trở cho sự tiến bộ của ta trên con đường tu luyện, mà việc chánh yếu là ta phải coi chừng cẩn thận, hễ nó phát sinh trong Tâm ta là ta phải biết liền. Cũng như thế, mỗi khi một chân lý phát hiện trong Tâm hành giả, như Khổ-Đế chẳng hạn, hành giả phải hay biết nó ngay. Lối hành thiền này vừa là một liều thuốc giải độc cho những tư tưởng xâu, vừa là một sự chuẩn bi đón tiếp những chân lý trong Phật Pháp. Như vậy tất cả những kinh nghiệm hàng ngày của hành giả được đem ra đối chiếu và chứng y với những giáo điều trong Phật Pháp ở một điểm nào đó. Thấu đáo hay quán triệt như thế về đối tượng của Tâm khi nó phát sinh, hành giả một lần nữa thấy rằng không có một thưc thể trường tồn nào có lợi cho ta bám níu hoặc đáng cho ta bám níu. Hành giả không tùy thuộc gì cả, không bám níu gì cả. Lần nữa hành giả đạt đến một tầng cao hơn, và Niết-Bàn nằm trên con đường ấy.

Chúng tôi đã nói tạm đầy đủ về phần lý thuyết cũng như về phần thực hành TỨ NIỆM XỨ. Giờ đây chúng ta hãy bàn qua việc áp dụng của Pháp nầy vào đời sống hiện đại. Trước hết ta hãy xem coi ở thế giới hiện nay những điều kiện về đời sống của con người đã tiến triển tới đâu. Hồi thế kỷ 17 và 18, chúng ta thấy xã hội đã mãn nguyện nhờ một đức tin ngây thơ về tiện nghi vật chất và ở những niềm hy vọng mà tôn giáo đã đem lại. Đến thế kỷ sau, tôn giáo lại bị khoa học lật đổ. Khoa học từ đó ngự trị tuyệt đối và xã hội lúc bấy giờ chuyên lo chế tạo đủ loại khí cụ hữu ích và đủ thứ máy móc vạn năng để cung phụng cho con người. Rồi về sau chúng ta thấy xuất hiện lòng Tham thống trị hoàn cầu toan cướp đoạt lần hồi địa vị của khoa học. Sự kiện này đưa đến việc kết hợp giữa lòng tham và khoa học, rồi từ đấy khao học bi lợi dụng một cách đê hèn, để rồi chế tạo ra những khí cụ tối tân, những máy móc tinh xảo, không phải để phụng sự cho lợi ích nhân loại, mà là để cho con người giết hại lẫn nhau. Thế chiến thứ nhất kế đến thế chiến thứ hai đem lại những biến đổi ghê tởm trên thế gian, biến đổi cả cơ cấu xã hội, kinh tế và chánh trị. Con người bắt đầu hết tin tưởng nơi những tư tưởng xưa kia. Con người bắt đầu coi rẻ tôn giáo, coi thường những tưởng thưởng về tương lai và tinh thần, vì con người hết quan tâm đến điều thiện và chỉ khao khát được hưởng thụ cho đầy đủ trong hiện tại mà thôi. Tập hợp lại thành một quốc gia, con người khao khát quyền thế, mong mỏi thống trị cả hoàn cầu. Vì thế nên những giá trị tinh thần bi suy giảm và hai thế chiến vừa qua đã chứng tỏ điều ấy. Cái gọi là văn minh ngày nay chỉ là một lớp sơn mỏng về lễ phép xã giao bề ngoài. Hai thế chiến đã làm nứt rạn lớp sơn ấy và phô bày ra ánh sáng cái thú tánh trong con người hiện đại. Sự tàn sát hàng chục triệu người, những khổ cảnh dã man trong các trại tập trung, những tai họa khủng khiếp không thể diễn tả nổi ở Hiroshima và Nagasaki chứng tỏ một điều đáng lo là thế giới hiện nay đang đi lần vào sự sụp đổ nguy hiểm. Nếu ta không lên tiếng để chận đứng lại thì ta sẽ bi tiêu diệt bởi chính những độc ác của ta. Hình như nhà khoa học ở thời đại này tưởng rằng mình đã giúp ích cho nhân loại. Nhưng, xin hỏi quí vị căn cứ vào đâu mà cho rằng họ đã phụng sự nhân loại. Thời đại khoa học hiện nay thật có làm giảm bớt những đau khổ của con người. Đúng vậy, người ta đã chữa được nhiều chứng bịnh, đã phát minh ra nhiều thứ thuốc mới và giúp con người sống lâu hơn. Khoa học cũng đã giúp xây cất những đô thị lớn, nhà máy tối tân, xa lộ khổng lồ. Người ta đã chế ra xe điện tốc hành, tàu ngầm, phi thuyền để du hành trên mặt đất, dưới biển, và trên không gian. Khoa học đã chế ngự không gian, thời gian, và tiết kiệm nhân lực. Nhưng, xin hỏi quí vị, khoa học hiện tại có phát minh được một khí cụ nào hầu giúp con người trở nên cao thượng chăng? Khoa học hiện tại có phát minh ra một khí cụ nào để giúp con người diệt Tham Sân Si chưa? Khoa học đã thăm dò vũ trụ và đã cướp lấy những bí ẩn của thiên nhiên, nhưng việc làm đó không dẫn đến sự giải thoát con người. Có một thế giới khác, một thế giới có lợi ích cho ta thám hiểm hơn, đó là Tâm-giới. Quí vị hãy tham cứu thế giới này bằng sự tham thiền đi, rồi quí vị sẽ đạt được trực giác và do đó quí vị sẽ giải quyết được vấn đề nhân sinh. Chừng ấy quí vị sẽ đạt được Panna hay Huệ và nhờ đó quí vị sẽ thấy được chân tướng của vạn vật. Mỗi bước nhỏ mà quí vị tiến về hướng ấy đều là những bước đến gần sự giải thoát, những bước đến Niết-Bàn vậy. Trào lưu rộng lớn, trào lưu nguy hiểm hiện tại lôi ta xa cách chân lý. Vì vậy nên một trào lưu trái ngược lại, cũng không kém phần rộng lớn, rất cần thiết cho nhân loại. Thế nên thực hành Satipatthana (TỨ NIỆM XỨ) rất quan trọng và thích ứng cho mục đích này. Satipatthana giúp con người hiện đại chèo ngược trào lưu nguy hiểm hiện đại này để hướng về nơi giải thoát bằng cách luyện cho mình đủ trí huệ để nhận thức đâu là những khuynh hướng xấu xa để tránh. Mỗi khi khuynh hướng của thời đại này lôi kéo quí vị tách xa con đường chánh đáng mà quí vị gần như không hay biết, thì quí vị nên tin cậy nơi “con chó” Sati trung thành của quí vị, để nó kéo quí vị trở lại. Sức mạnh của Satipatthana là như thế. 

Thời đại hiện tại chính là thời đại của sự bận rộn và của tốc lực. Con người thực ra không còn thì giờ để suy nghĩ cho chính xác. Nếu có chăng đi nữa, thì cũng chỉ để mà suy nghĩ tính toán việc kiếm ăn hay làm sao để sống còn với cái cuộc sống đầy bận rộn vất vả này từ ngày này qua tháng nọ. Nếu ta không tập suy nghĩ cho chính xác, sâu xa, thì ta dễ bị mất năng lực ấy của Tâm (stress và hậu quả trên tinh thần và thể xác của nó). Như cánh tay của quí vi chẳng hạn, nếu trong một thời gian sáu tháng mà quí vị không dùng đến nó, thì nó phải bị gầy yếu đi. Cũng thế, nếu quí vị không tập suy nghĩ cho sâu xa thì khả năng ấy của Tâm sẽ bị suy nhược và điều nguy hiểm là quí vị sẽ mù quáng tin theo những điều của bất cứ một ai nêu ra, do đó họ có thể chế ngự được quí vị. Hiện nay sự kiện ấy đang diễn ra trước mắt ta. Trong giới doanh nghiệp, trong giới chánh trị, trong giới tôn giáo, trong tất cả sinh hoạt hàng ngày, có một thiểu số người đang bằng mọi cách thao túng một số đông quần chúng. Và đa số quần chúng chỉ biết noi theo nghe theo tư tưởng, khuyến dụ của thiểu số kia, từ những quảng cáo hàng hóa rầm rộ sai lạc của giới kinh doanh sản xuất, đến những lời hứa hẹn xuông đầy đao to búa lớn của các chính trị gia, hay những lời khuyến dụ u mê huyền hoặc của những kẻ buôn thần bán thánh. Hiện nay, quí hãy thử xem coi bao nhiêu tư tưởng đó đã ảnh hưởng đến quí vị. Phải chăng đôi khi quí vị không còn có sự tự do lựa chọn những vật cần dùng, những thứ mình muốn, những điều mình tin cho mình và quí vị đã phải quyết định một cách vô ý thức? Ngày nay lối quảng cáo hàng hóa khắp nơi làm cho quí vị, dù muốn dù không, cũng phải chọn những gì mà người ta đã lựa sẵn cho quí vị. Nhiều khi quần áo, giày dép, nữ trang, xe cộ, máy móc trong nhà của quí vị cũng bị người ta lựa chọn thế cho quí vị (qua lối quảng cáo khôn khéo nhưng sai lệch) mà quí vị không dè. Phim, sách, đĩa nhạc quí vị mua về cũng thế, và những dược phẩm, rượu bia, đồ ăn, thức uống quí vị tiêu thụ cũng thế. Đó là kết quả xảo diệu của quảng cáo, vì những người quảng cáo rất thông tâm lý và chịu tốn rất nhiều tiền cho quảng cáo chỉ để dụ quí vị mà thôi. Báo chí, TV, radio được trả tiền để quảng cáo và có trách nhiệm phần nào trong việc tạo ra những tư tưởng, mẫu mực để ảnh hưởng tư tưởng của quí vị. Phần đông con người lại lấy làm thỏa mãn mà nhận lãnh những ý kiến ấy không cần phán đoán. Hiện nay có rất ít người biết tự mình tư tưởng, không để ai ảnh hưởng. Sự kiện này có nghĩa là phần đông con người chưa định được Tâm, nên Tâm còn yếu kém. Kết quả tai hại là hiện nay con người bị thiệt thòi trên đường tiến triển của Tâm, vì ta không thể nào tiến được về mặt tinh thần nếu ta không định Tâm và không tham thiền. Nếu không tham thiền, dù quí vị có sống một cuộc đời lương thiện đạo đức đến mức nào đi nữa, cũng không có gì bảo đảm rằng quí vị luôn trung dung chánh trực được. Quí vị có thể bị sa ngã bất cứ lúc nào không hay. Phương pháp dễ nhất để luyện Tâm thành một sức mạnh là thực hành số tức-quan (anapana sati) mỗi ngày một chút ít. Không có cách tham thiền nào dễ cho con người hiện đại thực hành hơn số tức-quan. Chỉ có số tức-quan mới bảo đảm ta tránh khỏi ảnh hưởng bên ngoài.

Một tệ nạn khác của đời sống hiện đại là việc quá chú trọng về vấn đề tính dục. Hầu như mọi việc đều được sắp đặt và lèo lái như thế nào để nhục dục con người phải bị kích thích. Hãy nhìn xem chung quanh quí vị coi điều đó có đúng chăng? Quí vị hãy nhìn xem biết bao nhiêu là phim ảnh, quảng cáo, tiểu thuyết, ca nhạc, sách báo khiêu dâm được trình chiếu, chưng bày khắp nơi, trong rạp hát, trên TV, và trên internet; rồi quí vị sẽ ngậm ngùi mà nhận thấy rằng con người đang bắt đầu trụy lạc và rơi xuống hố sâu của tệ nạn. Xin hỏi quí vị, vậy chứ những rạp chiếu bóng, những vũ trường hộp đêm, những cuộc thi hoa hậu, những quán cà phê phòng trà với những nữ tiếp viên quần áo hở hang cũn cỡn, có ích lợi gì cho con người hiện đại, nếu không phải với mục đích là để kích thích nhục dục con người? Nếu thỉnh thoảng không ai nhắc lại cho con người hiện đại rõ cái chân tướng của xác thân tạm bợ thì Tâm của họ sẽ bị che án bởi sự quá chú trọng về vấn đề nhục dục và thể xác. Họ sẽ mất hẳn tất cả quan niệm về sự tương xứng quân bình và họ sẽ lấy giả làm chân. Kết quả cuộc sống sẽ là sự hỗn độn, bất hòa, trụy lạc.

Một đặc điểm xấu nữa của thế hệ ngày nay là lòng khao khát cái gì mới lạ. Lòng khao khát này đã thành một tật bệnh. Bởi không thực hành Sati (Niệm), con người không thể thấy được chân tướng của vạn vật và không thể phân biệt đâu là chánh yếu, đâu là phụ thuộc. Vì thế nên con người luôn luôn sống với một tâm trạng buồn chán, rồi trông mong, chờ đợi một cái gì đó không rõ, và lúc nào cũng bất mãn với cái hiện có. Một đời sống bình thản có vẻ quá ư buồn chán đối với họ. Họ khao khát những gì làm kích thích họ. Họ thích sống bằng cảm kích. Họ luôn luôn mong mỏi cái gì mới, cái gì lạ xảy ra. Họ không thể tự mãn với cái hiện có, những lề lối, những hoàn cảnh, những tình thế hiện hữu. Họ luôn luôn trông đợi một lề lối mới, máy móc mới, xe cộ mới, dược phẩm mới, một đời sống mới, một lý tưởng mới, ngay cả một người phối ngẫu mới. Họ mau chán những gì đã có. Họ thất vọng nếu đời họ không có nhiều cảm kích, rồi đâm ra nhậu nhẹt, đánh bạc, trai gái, hút xách, ngay cả đi giết người một cách vô cớ! Thái độ đó là triệu chứng của bệnh tinh thần bất ổn. Người làm quảng cáo và các nhà doanh nghiệp sẵn sàng lợi dụng nhược điểm này của con người hiện đại. Khi một mặt hàng nào đó chưa hết thông dụng thì một kiểu khác liền được đem ra thị trường thay thế. Quí vị hãy xem cách thay đổi mau chóng của thời trang trong y phục, trong máy móc như TV, computer, máy ảnh, máy quay phim, Ipod, các kiểu xe đời mới mắc tiền. Những thay đổi liền liền như vậy nhắm mục đích chiều cái tính nguy hiểm trong con người hiện đại là tính luôn luôn đòi hỏi cái mới cái lạ. Phương thuốc duy nhất trị tật bệnh đó là học một “nghệ thuật” để nhìn thấy chân tướng của vạn vật. Một khi người mua đã học được cái “nghệ thuật” nhìn sự vật một cách khách quan thì quảng cáo dù có hay cách mấy cũng không còn dễ gì ảnh hưởng được họ. Sự quan sát khách quan cũng sẽ giúp họ khám phá ra biết bao nhiêu rượu cũ trong những chai mới. Họ không còn ảo tưởng cho rằng vật gì mới lạ là quí. Vì hoàn toàn hiểu biết cái mục đích chánh đáng của đời họ và phân biệt được rõ ràng đâu là chánh yếu, đâu là phụ thuộc. Nhờ Sati (Niệm) nên họ hết còn là nạn nhân của tính ham mê cảm kích quá đáng.

Tôi đã trình bày cùng quí vị việc áp dụng Pháp TỨ NIỆM XỨ vào đời sống hiện đại. Còn một phương diện nữa của vấn đề cần cho ta chú ý đến. Có lẽ quí vị cho rằng TỨ NIỆM XỨ là một phương pháp quá phiền toái và mệt nhọc, không thể nào thực hành cho có kết quả trong một kiếp người. Đức Phật có nói như thế chăng? Có khi nào Đức Phật nói Niết-Bàn không thể đạt được ngay ở kiếp này chăng? Trong một bài pháp hùng hồn về TỨ NIỆM XỨ, Đức Phật quả quyết rằng nếu ai thực hành TỨ NIỆM XỨ trong bảy năm thì người ấy thâu thập được một trong hai kết quả sau đây là hoặc chứng ngộ đạo quả A-la-hán ngay ở kiếp này (Bồ tát nhưng vẫn mang xác phàm của kiếp người cuối cùng cho đến ngày nhâp diệt), hoặc ít ra cũng chứng được đạo quả A-na-hàm (Bất lai vì sẽ thành thần tiên ở kiếp tới). Trong câu kế đó Đức Phật nói tiếp, “Hỡi các Tỳ-khưu, đừng nói chi đến bảy năm, sáu năm cũng đủ vậy”. Trong câu kế đó Ngài nói rằng năm năm cũng đủ. Rồi kế đến Ngài sụt xuống còn bốn năm, ba năm, hai năm, và một năm. Sau nữa chỉ còn bảy tháng, sáu tháng, năm tháng, bốn tháng, ba tháng, hai tháng, một tháng, nửa tháng, và cuối cùng là bảy ngày. Chắc quí vị hãy còn nhớ câu chuyện ông Bahiya chỉ nghe Đức Phật chỉ dạy “kỹ thuật” để trở thành A-la-hán có nửa buổi mà đã chứng ngộ được đạo quả trước khi nhập diệt ngay ngày hôm ấy. Đành rằng Bahiya là người đạo hạnh, nhưng cái đó chưa đủ để giúp ông ta trở thành A-la-hán. Chính sự quyết tâm và luyện tập đúng cách đã giúp Bahiya thành đạo. Câu chuyện này cho ta thấy rằng việc chứng ngộ Niêt-Bàn không phải là một vấn đề thời gian, nhưng lại là vấn đề tinh tấn của hành giả hơn. Vậy quí vị thử nghĩ xem, bảy ngày hay một năm đi nữa mà chứng được Niết-Bàn có phải là một thành tựu mau lẹ không? Hiện nay con người vốn không nhẫn nại, luôn luôn mong mỏi những kết quả mau lẹ, nhưng lại hay nghi ngờ về khả năng của mình. Đây là một cơ hội lớn với kết quả mau chóng, nhưng quí vị tự phải tự luyện tập lấy cho mình, Đức Phật có thể chỉ dạy “kỹ thuật” nhưng chính quí vị phải tự chứng đạo quả bởi chính mình mà thôi. Tại sao con người hiện đại không nhận lấy tặng vật này đi? Có lẽ vì cho rằng kết quả hứa hẹn quá tốt đẹp nên khó mà có thật được. Nhưng ở đây ý kiến này nọ không thành vấn đề; thực hành mới chính là vấn đề. Muốn biết một cái bánh có ngon hay không, phải ăn nó, chứ không phải đi phân tách nó và học hỏi những thành phần trong bánh đó. Quí vị cũng đừng quên rằng có hằng hà sa số Phật và Bồ-Tát trong kinh Phật, phải chăng tất cả đều phải trải qua con đường mà quí vị đang lưỡng lự hiện nay. Vậy thì cuối cùng tôi xin nhắc với quí vị điều này: Xin hãy ngưng tranh luận suông về TỨ NIỆM XỨ. Xin quí vị hãy yên lặng mà thực hành đi, rồi chính quí vị sẽ thấy kết quả. Đức Phật đã nói, “Ehi passiko” “Hãy đến và tự mình chứng lấy, đó là con đường duy nhất!”

http://www.tangthuphathoc.net/phathoc/phaptuniemxuadvdshd.htm