Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

ÐI TÌM CHA MẸ ÐẦU TIÊN (Nguồn gốc loài người)

Đạo Phật Siêu Khoa Học
Minh Giác Nguyễn Học TàiChùa Liên Hoa, California, USA ấn hành 1997
---o0o---
 

ÐI TÌM CHA MẸ ÐẦU TIÊN (Nguồn gốc loài người) 

Stephen Hawking đặt ra câu hỏi sau đây “Con gà có trước hay quả trứng có trước?” Có người trả lời con gà có trước vì nó đẻ ra quả trứng. Nhưng có người lại nói quả trứng có trước vì nó nở ra con gà. Vậy thì ai đúng?

Cũng vậy, có người nói cha mẹ sinh ra ta, ông bà sinh ra cha mẹ, ông cố bà cố sinh ra ông bà ta, ông kít bà kít sinh ra ông cố bà cố ta v.v... và, cứ đi ngược mãi thời gian. Nếu đến một thời điểm nào đó trong quá khứ, chúng ta có thể truy cứu, hay tìm kiếm được cha mẹ đầu tiên của chúng ta không?

Xin nhớ rằng thời gian được tượng trưng bằng cái Vếc tơ, đi từ - ... đến + ..., nghĩa là vô thỉ chung, hay không có bắt đầu mà cũng không có chấm dứt.

Trong mấy thế kỷ qua, các khoa học gia đã luôn luôn suy tư để tìm hiểu nguồn gốc của vũ trụ, nguồn gốc của Thái dương hệ, nguồn gốc của đại dương, nguồn gốc của các sinh vật, nhất là nguồn gốc của loài người.

Xin quí vị xem những bài sau nói rõ những cố gắng đáng khen của các khoa học gia nhất là của các nhà Nhân chủng học và Sinh vật học trong nhiệm vụ khó khăn (mission impossible) này.

Hai ngành huyết thống nhân loại (38)

Khi khảo cứu về Nhân loại Tiến hóa và Huyết thống Nhân loại, các nhà Nhân chủng học nói rằng cách đây ba triệu năm, Chủng loại Australopithecus Afarensis đầu tiên của nhân loại đã chia thành hai ngành như sau:

Ngành thứ nhất là Chủng loại Australopithecus Afarensis, gồm có những chủng loại thuộc Chủng loại Australopithecus Genus, và ngành thứ hai gồm có những chủng loại thuộc Chủng loại Homo Genus.

A. Chủng loại Australopithecus Afarensis. Là Chủng loại Lucy, đi thẳng, sống cách đây bốn triệu năm, và sống trong gia đình. Một bộ xương đàn bà tên khoa học là Lucy đã tìm thấy cùng với một xương sọ ở Hadar, Phi Châu. Chủng loại này chia thành những chủng loại thuộc Chủng loại Australopithecus Genus như:

1. Chủng loại Australopithecus Africanus. Ðã sống cách đây ba triệu năm.

2. Chủng loại Australopithecus Ethiopicus. Ðã sống cách đây ba triệu năm.

3. Chủng loại Australopithecus Boisei. Sống cách đây 2-3 triệu năm.

4. Chủng loại Australopithecus Robustus. Sống cách đây 1-2 triệu năm.

B. Ngành thứ hai gồm có:

1. Chủng loại Homo Rudolfensis.

2. Chủng loại Homo Habilis. Là chủng loại thông minh, biết chế tạo đồ đùng, và sống cách đây 2-3 triệu năm.

3. Chủng loại Homo Erectus. Chủng loại đi thẳng, sống cách đây 1-2 triệu năm, là chủng loại đầu tiên rời Phi Châu và di cư sang Cổ Thế Giới, Trung Quốc, và Ðông Nam Á Châu.

4. Chủng loại Homo Sapiens. Chủng loại Neanderthal, là chủng loại hiện đại đã sống cách đây 130,000 năm. Xương hóa thạch được khám phá năm 1868 ở Cro-Mag-non, Pháp Quốc.

Gần đây, cách nhà Nhân chủng học đã khám phá Australopithecus Ramidus, gốc rễ của loài khỉ ở miền Nam, là chủng loại cổ nhất và là cái gạch nối giữa loài người và loài khỉ. Chủng loại này đã sống cách đây năm triệu năm.

Chủng loại Homo Erectus

Tôi xin nói qua về Chủng loại Homo Erectus, chủng loại đi thẳng, là thủy tổ của Chủng loại Homo Sapiens. Ðây là chủng loại đầu tiên biết đi thẳng, sống trong gia đình, và thường hay quây quần chung quanh những đám lửa trại. Họ là giống người đầu tiên biết nói, may quần áo, dựng lều, làm quen với giá lạnh, săn bắn, và biết dùng lửa để nấu chín thức ăn.

Họ cao đến 5 feet rưỡi, xương nặng và đầy, bắp thịt to để di chuyển những lóng xương nặng đó. Từ cổ trở lên, chủng loại này trông hãy còn dã man. Xương sọ và óc chỉ lớn từ 750 đến 1,400 phân khối. Họ biết sống đời sống trong gia đình có tổ chức như trong khi người chồng đi săn bắn, người vợ và các con ở nhà đi lượm củi, hái rau, hái quả, và kiếm thêm thực phẩm.

Trên con đường đi thực, Chủng loại Homo Erectus đã di cư từ đảo Java sang Trung Quốc, từ Bắc Phi sang Âu Châu, đi qua Thổ, và vào Hung Gia Lợi. Họ bành trướng sang Âu Châu cách đây khoảng một triệu năm, và sang Trung Quốc cách đây khoảng 750,000 năm.

Giống người Neanderthal

Tôi xin nói sơ lược về giống người này. Họ thuộc Chủng loại Homo Genus (Chủng loại thông minh), hay Homo Sapiens (Chủng loại hiện đại) mà các khoa học gia cho rằng là thủy tổ gần nhất của loài người.

Neanderthal là giống người vào Thời kỳ Ðồ đá (Stone age), thường ngồi xổm, mặc áo da thú, và sống trong những hang động.

So về tầm vóc, Chủng loại Homo Sapiens không khác với loài người bao nhiêu. Họ cao độ 5 feet rưỡi, có bộ óc lớn như bộ óc người, vai rộng, mình tròn, và lực lưỡng. Họ sống ở Âu Châu và vùng Ðịa Trung Hải cách đây từ 40,000 đến 100,000 năm. Họ biết vẽ mẫu, may quần quần áo, chế tạo đồ dùng, và thường săn gấu.

Bà tổ của Nhân loại (41)

Vào khoảng năm 1980, các nhà Nhân chủng học đã đưa ra giả thuyết cho rằng chúng ta có thể truy cứu được bà Mẹ Di tử (Generic Mother) của chúng ta đã sống ở Phi Châu cách đây 150,000 đến 200,000 năm.

Bà Mẹ Di tử này có tên là Bà Eva, tức là những yếu tố của những Phân tử Di truyền do phòng Thí Nghiệm ở Beckerley thâu lượm.

Theo giả thuyết về Nhà máy Vi ti Phát sinh Năng lượng (Human mitochondria, gọi tắt là Vi Năng tử); chất liệu di truyền của chúng ta là những chuỗi dây Di tử (Genes) chứa đựng một chất hóa học tên là Deoxyribonuclei acid (DNA). Những Vi Năng tử là những cấu trúc rất nhỏ nhiệm, chuyên cung cấp điện từ cho những Tế bào, và dung chứa một loại DNA đặc biệt có tên là Vi Năng tử DNA, hay mtDNA

Những Vi Năng tử DNA có những đặc tính như sau: (1) Là những đơn vị nhỏ nhiệm phát sinh Năng lượng. (2) Chúng hiện diện riêng biệt trong Nhân của Tế bào và có những Vi Năng tử mtDNA riêng biệt. (3) Chúng tiến hoá rất nhanh chóng và độc lập. (4) Hầu hết những Vi Năng tử mtDNA này đều được các bà mẹ tiếp tế cho những bào thai cùng tăng trưởng với chúng, và chúng được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cũng do các bà mẹ.

Năm 1980, Allan Wilson, Rebecca Cann, và Mark Stoneking đã trình bày Sơ đồ về sự Liên hệ giữa các Vi Năng tử DNA để chứng minh rằng những Tổ tiên của loài người hiện đại đã đều sống ở Phi Châu, Á Châu, Úc Châu, Tân Ghi Nê, và Âu Châu. Họ cũng nêu lên một giả thuyết cho rằng bà Cố Tổ, hay bà mẹ Di tử của chúng ta là một người đàn bà Phi Châu đã sống cách đây 200,000 năm. Họ cho rằng nguồn gốc của loài người ở Lục Ðịa Phi Châu, và giả thuyết rằng bà Eva là thủy tổ duy nhất của chủng loại Homo Sapiens là chủng loại đã tiến hóa cách đây 130,000 năm.

Giả thuyết này được một số Nhân chủng gia tán thành như sau “Việc biến đổi những hình thức cổ xưa của chủng loại Homo Sapiens thành những hình thức hiện đại đã xảy ra ở Phi Châu cách đây từ 100,000 đến 140,000 năm. Tất cả nhân loại ngày này đều là con cháu của các dân tộc Phi Châu.

Tuy nhiên, giả thuyết về bà Mẹ Phi Châu đã bị một số Nhân chủng gia và Khoa học gia phản đối. Họ cho rằng người đàn bà đã di truyền những Vi Năng tử mtDNA cho chúng ta chỉ là một trong những số dân tộc của nhân loại chứ không phải là một bà mẹ độc nhất.

Những chuyên viên ở UCI nói rằng bà ta chỉ là một trong những Phân tử (Molecules).

Người chống đối mạnh mẽ nhất là Khoa học gia Ayala khi ông cho rằng bà Eva Phi Châu đã gây nên sự hiểu lầm giữa khoa Huyết thống Di tử (Gene genealogy) và khoa Huyết thống Cá nhân (Individual genealogy). Thủy tổ của những Vi Năng tử mtDNA, hay giả thuyết về bà Mẹ Phi Châu không thể được coi như là thủy tổ của tất cả các dây DNA của nhân loại. Ông đã lấy ngay huyết thống của chính dòng học ông để chứng minh điều này. Cũng theo ông, Di tử được truyền thừa từ nhiều tổ tiên chứ không phải từ một hay một số ít tổ tiên.

Ngoài ra, giáo sư về Di tử, ông Luigi Luca, người đã nghiên cứu Di tử (Gene) trong mười năm, cũng cho rằng bà Mẹ Phi Châu không phải là bà Tổ duy nhất của nhân loại.

Ông Tổ của Nhân loại (42)

Việc nghiên cứu nguồn gốc của loài người cho biết Ông Tổ đầu tiên của loài người cho biết Ông Tổ đầu tiên của chúng ta đã có mặt trước đây 270,000 năm. Ðó cũng là thời kỳ xuất hiện của “Bà Eva Phi Châu”.

Robert L. Dorit thuộc đại học Yale nói rằng việc sưu tầm gần đây cho biết đời sống con người trên Trái đất đều giống nhau về mặt Di tử . Ông nói “Ngoại trừ những điều khác thường, chúng ta đều giống nhau hết. Ðối với Trái đất, nhân loại chỉ là những đứa trẻ mới sinh. Chúng a ồn ào, nhưng rất mới”.

Dorit và đồng nghiệp tìm kiếm người Cha đầu tiên của chúng ta bằng cách nghiên cúu sự hoán chuyển của Di tử (Gene mutation) trong những đoạn đặc biệt của dây Nhiễm sắc Y (Chromosome Y) là những dây được di truyền từ cha đến con.

Dây Nhiễm sắc được chọn đã hoán chuyển với một tỉ lệ có sẵn cách dây hàng ngàn thế hệ.

Bằng cách do việc hoán chuyển trong cơ thể một số đàn ông đại diện, Dorit nói có thể tính ngược thời gian đến một điểm mà tất cả nhân loại đều có chung mộtg Ông Tổ.

Ông tiếp “Nếu có người hỏi cái ngày xa xôi mà chúng ta có một Tổ tiên chung là ngày nào? Tôi trả lời ngày đó cách đây 270,000 năm”.

Khi phân tích Di tử của 38 người đại diện cho một số chủng tộc trên thế giới, chúng tôi thấy rằng những người được trắc nghiệm đều có những đoạn dây Nhiễm sắc Y cùng một mẫu mực. Ðiều này cho biết rằng mẫu mực này đã không xuất hiện lâu dài để hoàn tất việc hoán chuyển của Di tử.

Như thế có nghĩa là chúng ta hãy còn là những chủng loại rất trẻ. Các chủng loại khác như rùa và cá sấu đã sống cách đây hàng triệu năm.

Bởi vì nhân loại còn quá trẻ nên các loại Di tử không đủ thời gian để phát triển.

Việc khám phá của Dorit phù hợp với việc tìm kiếm Bà Tổ của chúng ta vào năm 1991 khi các khoa học gia nghiên cứu việc Hoán chuyển của Di tử.

Việc này cho biết Bà Tổ đầu tiên của chúng ta đã sống ở Phi Châu cách đây 200,000 năm.

Mike Hammer, chuyên viên về Di tử nói ông đồng ý với Dorit rằng nhân loại còn rất trẻ, nhưng ông nhận thấy chỉ trắc nghiệm 38 người trên thế giới chưa đủ mà còn phải thử nghiệm các dây DNA của nhiều người trên thế giới, và phân tách những đoạn khác của dây Nhiễm sắc.

Răng và nguồn gốc của loài người (43)

Christy Turner II, giáo sư Nhân chủng học, thuộc đại học Arizona, đã nghiên cứu 250,000 răng người Tiền sử, nói rằng nếu con người hiện đại chỉ tiến hóa ở một nơi thì đó phải là miền Ðông Nam Á Châu.

Phần lớn các khoa học gia cho rằng nguồn gốc của loài người ở Phi Châu. Một số người khác cho rằng về mặt phẩu thuật, con người hiện đại phải tiến hóa ở nhiều nơi.

Turner nói “Những yếu tố do tôi thu thập có ý yêu cầu quí vị đừng quên Ðông Nam Á Châu”.

Chris Stringer, toán trưởng Toán Nghiên cứu nguồn gốc của loài người tại Viện Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên ở Luân Ðôn, đã chọn Phi Châu là nơi phát xuất nguồn gốc của loài người nên không đồng ý kết luận của Turner.

Ông cho rằng yếu tố thâu thập về răng chỉ chứng tỏ rằng Á Châu là nơi di cư tản mác của loài người sau khi phát xuất từ Phi Châu.

Thủy tổ của loài vật

Cách đây một tỉ hai trăm triệu năm, thủy tổ của loài vật bắt đầu là những sinh vật nhỏ tí, đã tiến hóa thành những chim bồ nông, giun đất cùng hàng ngàn chủng loại khác nhau mà ta thấy trong thế giới loài vật hiện nay.

Việc nghiên cứu những hóa thạch cho hay trong khoảng thời gian đó, những loài vật đã tiến hóa trong nhiều thời kỳ, mỗi thời kỳ cách nhau 200 triệu năm. Khi các loài vật bắt đầu phân chia thành những chủng loại khác nhau, cơ thể của chúng còn mỏng manh nên không để lại những dấu vết hóa thạch. Chúng từ từ tiến hóa theo đúng Mẫu mực Di tử (Gene pattern), rồi phân chia thành hàng ngàn chủng loại như chúng ta thấy ngày nay.

Theo hồ sơ khảo cổ, hoá thạch đầu tiên xuất hiện vào Kỷ nguyên “Ðột xuất Cambrian” (Cambrian Explosion) * là thời kỳ các chủng loại khác nhau đã xuất hiện bất ngờ.

* Thời kỳ các lớp đá, và hóa thạch đã được khám phá.

Những nhà nghiên cứu về Di tử cho rằng những chủng loại cổ xưa xuất hiện cách đây 545 triệu năm là lúc bắt đầu Kỷ nguyên “Ðột xuất Cambrian”. Vì những loài vật xuất hiện đầu tiên có cơ thể mềm yếu nên không thể tồn tại lâu dài như những loài vật có cơ thể cứng rắn để trở thành những hóa thạch.

Tất cả những loài vật xuất hiện cách đây trên một tỉ năm đã sống ở trong các đại dương, có lúc nổi lên, có lúc chìm xuống như những vi sinh vật mà chúng ta thường thấy trong nước ngọt hay nước mặn.

***

Ðọc hết những bài nói trên, qúi vị thấy khoa học gia chẳng khác gì mấy anh mù sờ voi. Toán này bảo “Bà Eva Phi Châu” đã sống ở Phi Châu cách đây 200,000 năm là Bà Tổ của chúng ta. Toán khác bảo toán này nói sai. Về nơi phát xuất nguồn gốc loài người, một số khoa học gia cho là ở Phi Châu trong khi có khoa học gia khác lại bảo ở Ðông Nam Á Châu.

Rồi từ năm này qua năm sau, từ thế hệ này sang thế hệ khác, các khoa học gia cứ tiếp tục điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, thí nghiệm, bàn cãi ...

Thỉnh thoảng, họ cũng khám phá ra được một số điều mới lạ, nhưng cái mục đích tối hậu là tìm ra nguồn gốc của loài người thì họ chẳng bao giờ đạt được.

Tại vì họ chấp Ngã quá nặng, không biết lìa tứ tướng. Cụ Hồng đã ví khoa học như Tề Thiên Ðại Thánh có nhiều thần thông như thế mà không nhảy qua khỏi lòng bàn tay của Phật Tổ Như Lai. Rồi Thiện tài Ðồng tử trong kinh Hoa Nghiêm đi trong lỗ chân lông của Ngài Phổ Hiền, đi hoài đi mãi cũng chẳng tìm được lối ra.

Khoa học ngày nay cũng vậy, đi mãi đi hoài, tìm tới tìm lui, rút cục cũng chẳng tìm ra được lối thoát.

Tại sao vậy?

Thứ nhất, vì họ chỉ là phàm phu, những kẻ thế tục chỉ biết sử dụng cái Thấy Nghe Hay Biết của mình trên bình diện thấp kém là Thức thứ sáu, hay Ý thức (Ý thức có năm chức năng: Suy nghĩ, hồi tưởng, tưởng tượng, dự tưởng, và biểu tượng). Họ chưa hiểu rằng nếu đi qua được Mạt na thức (Thức thứ bảy), và lọt được vào Không hải của Tàng thức (Thức thứ tám) thì sẽ thấy rõ bộ mặt thật của sự vật, tức là cái trống rỗng, cái huyễn hóa của nó. Bộ mặt thật của sự vật tức là thật tướng Bát Nhã.

Thứ hai, cũng như phàm phu chúng ta chỉ khác chăng là họ có trí thức hơn người họ thấy rằng vạn vật trong vũ trụ cái gì cũng thật hết. Ðó là thái độ chấp “Có”. Họ không biết rằng thế gian này vừa là “Có” vừa là “Không”.

Vì chấp “Có’” nên người đời mới lao đầu vào những cái có, chạy theo để nắm bắt lấy nó như tiền tài, của cải, danh vọng, sắp đẹp v.v... Thái độ đó trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy là cái tâm phan duyên, nghĩa là cái tâm ưng chạy theo trần cảnh.

Hồi còn nhỏ, tôi và các bạn thường lấy những nút chai đập dẹp ra giống đồng bạc mà cúng tôi gọi là tiền sẻng để đánh đáo với nhau. Có một lần, tôi và mấy bạn được cả mấy chục đồng khiến các bạn thua tức giận, chửi bới, gây gỗ, và đánh chúng tôi. Trong lúc chúng tôi đang đánh nhau thì có người lớn đi qua dừng lại khuyên giải. Họ nói “Những đồng tiền này là tiền giả, tại sao các con đánh nhau? Chúng tôi cãi là tiền thật. Rồi họ nói khi nào chúng tôi lớn lên sẽ biết phân biệt tiền thật với tiền giả.

Bay giờ tôi đã 72 tuổi, biết phân biệt tiền thật với tiền giả. Nghĩ lại hồi thơ ấu đánh nhau cũng chỉ vì mấy đồng tiền giả, tôi cảm thấy tội nghiệp cho tôi và các bạn của tôi quá!

Cũng vậy, chư Phật và chư vị Bồ tát, cùng là những vị đã đắc đạo thấy vạn vật trong vũ trụ đều là giả hết trong khi chúng ta cứ tưởng là thật. Vì vậy, Phật đã dạy “Chúng sanh như thế thật đáng thương xót!”

Theo bản tường trình của mấy nhà nhân chủng học, có một số bộ lạc mọi thông minh đã biết dùng những con sò và những vỏ ốc để mua bán, đổi chác. Ví dụ con ốc tù và lớn và đẹp ăn 100 con ốc nhỏ hơn, một con ốc hoa ăn 10 con ốc đen, và một con trai nhiều màu ăn vài chục con sò v.v... Rồi cũng vì mấy cái vỏ sò, vỏ hến mà các bộ lạc đã chém giết lẫn nhau, gây chiến tranh liên miên khiến thiệt hại biết bao nhiêu sinh mạng.(Chắc quí vị đã xem phim Zulu).

Là người văn minh, biết rằng những vỏ sò này chỉ là đồ bỏ mà họ chém giết nhau, mình thấy tội nghiệp cho họ quá. Thật là ngu muội!

Nhưng suy ra thì mấy đồng tiền sẻng và mấy cái vỏ sò chẳng khác gì tiền tài, danh vọng ở đời này. Vì người ta cho là thật nên mới tranh giành, xâu xé, chém giết nhau. Trước hết giữa vài người và vài nhóm người, giữa một số giòng họ, một số quốc gia, rồi đến cả thế giới đại chiến! Sướng không?

Như vậy thì nhân loại ngày nay đâu có khác gì lũ con nít chúng tôi và mấy bộ lạc trong rừng?

Thứ ba, phàm phu không mấy lưu tâm đến tiểu mộng và đại mộng. Tiểu mộng là những giấc chiêm bao mình thấy trong đêm trường. Trong mộng, mình thấy người và cảnh đều thật hết. Ðến khi tỉnh dậy mới biết mình đã nằm mê.

Duy thức gọi tiểu mộng là Ðộc đầu Ý thức, hay nhắm mắt chiêm bao.

“Giấc Nam kha khéo bất bình

Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”

Ðại mộng được gọi là mở mắt chiêm bao, hay chính là cuộc đời mình đang sống. Trong cơn đại mộng này, những gì mình trông thấy đều cho là thật hết. Nhưng đến khi thức tỉnh (chết hay đắc đạo), mình mới thấy đại mộng và tiểu mộng cũng như nhau.

Tản Ðà đã viết những giòng thơ sau đây:

“Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi

Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi

Nghĩ đời ngán nỗi không bằng mộng

Tỉnh mộng bao nhiêu lại chán đời!”

Chắc quí vị còn nhớ câu chuyện một ông có bốn bà vợ. Bà thứ nhất là tiền tài, bà thứ hai là của cải, bà thứ ba là danh vọng, và bà thứ tư là thần thức của ông ta. Khi chết, ông phải để lại cả ba bà vợ mà chỉ mang theo bà vợ thứ tư, tức là thần thức của ông.

Tôi có mấy cuốn băng “Bên kia Cửa Tử” kể chuyện một bác sĩ, sau khi chết, nhập vào xác đứa con và viết lại những điều ông đã thấy và kinh nghiệm sau khi chết. Ông nói ông rất hối hận đã bỏ quá nhiều thời giờ trong việc kiếm tiền. Chết rồi ông mới thấy tiền chẳng có ích lợi gì cả vì thân hình ông chỉ là sương khói, chẳng cần ăn uống, chẳng cần đại tiện, tiểu tiện gì cả.

Theo nhãn quan của nhà Phật, tất cả những sum la vạn tượng trong vũ trụ này chẳng khác gì những hoa đèn, hoa đốm giữa hư không, như cái vòng lửa xoay. Mọi vật đều huyễn hóa, như trăng đáy nước, như bóng trong gương, như nước trong sa mạc, như sương đầu cành ...

Trong kinh Kim Cang, Phật dạy:

“Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn bào ảnh

Như lộ, diệc như điển

Ưng tác như thị quán”.

Tất cả các pháp hữu vi

Như mộng, huyễn, bọt bóng

Như sương cũng như điện

Nên khởi quán như thế.

Trong bài “Khuôn Mẫu Toàn Ký”, giáo sư Trần Chung Ngọc đã trích dẫn những dòng sau đây của Pribam và Bohm, “Thế giới của sông núi, cây cỏ, có thể là không hiện hữu, ít ra là không hiện hữu như chúng ta thường tưởng là hiện hữu. Phải chăng quan niệm về ảo tưởng (maya) của những huyền nhiệm gia cách đây nhiều thế kỷ là đúng: và những cảnh sum la vạn tượng chẳng qua chỉ là vùng rộng lớn của các tần số (vast frequency domain) biến đổi thành những vật sau khi nhập vào giác quan của chúng ta ...)

Cũng vì cái nhìn lệch lạc của phàm phu chúng ta, nghĩa là cái gì mình cũng thấy là “Có” cho nên trong kinh Kim Cang, Phật dạy phải lìa tứ tướng.

Tứ tướng là gì? Tướng Ngã (thấy mình có thật).

Tướng Nhân, (thấy người có thật)

Tướng chúng sanh, (thấy các loài có thật)

Tướng thọ giả, (thấy có mạng sống tiếp nối trong một thời gian).Theo lý Tương sinh Tương duyên Trùng trùng Duyên khởi của đạo Phật thì chẳng có gì tự sanh, và chẳng có vật gì sanh ra vật gì cả. Bài kệ “Bát Bất” (Tám không) sau đây của Bồ Tát Long Thọ đã nói lên cái lý lẽ này:

“Không sinh không diệt

không thường không đoạn

Không một cũng không khác

Không đến cũng không đi

Nói được lý lẽ này

Khéo diệt các hý luận

Con đảnh lễ Ðức Phật

Bậc đại sư tối thượng”.

Theo tinh thần Bát Nhã trí tuệ tuyệt vời mọi vật đều không cố định và không có tự tính.

Chúng ta thấy rõ ràng bà mẹ sinh ra đứa con, con gà đẻ ra quả trứng, và cây cam sinh ra trái cam. Tại sao lại nói không vật gì sinh ra vật gì?

“Bà mẹ không sinh ra đứa con mà chỉ là môi trường để đứa con chui ra. Nó chỉ tạm mượn cửa mẹ để gá vào mà thôi. Cái thần thức bay bổng của nó ở mãi đâu đâu mới là cái chính”. *

* Lăng Kính Ðại Thừa, cụ Nghiêm Xuân Hồng.

Kinh Pháp Hoa nói “Các pháp xưa nay thường có tính tịch diệt”. Nếu không tìm được cha mẹ đầu tiên, hay con gà và quả trứng đầu tiên tức là vô sinh. Vô sinh thì vô diệt, đó là tướng tịch diệt.

Có người lại hốt hoảng hỏi “Ủa! Nếu không có ông bà cha mẹ thì làm sao có mình? Mình ở đâu mà chui ra? Phải có chứ, nhưng vì xa quá nên không tìm được ra mà thôi!

Ðó là thái độ chấp “Có”, chấp “Không” như Phật đã dạy “Phàm phu chấp Có, Nhị thừa muội Không.

Trong Phẩm Quán Chúng sinh, trang 70, kinh Duy Ma Cật; Bồ Tát Duy Ma Cật kết thúc cuộc đối thoại hi hữu với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi như sau:

“Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi, ở nơi gốc không trụ mà lập tất cả các pháp”.

Trong Sơ đồ Nguyên tử, tôi đã bắt đầu từ đơn vị Nguyên tử (tức là Có), và tận cùng bằng Chân không Sinh Diệt (tức Không).

Lục Tổ Huệ Năng đã nói “Bản lai vô nhất vật” nghĩa là từ xưa đến nay không có gì gọi là vật cả.

Cụ Nghiêm Xuân Hồng giảng rằng “ Vật là Tâm thô kệch, và Tâm là vật vi tế”, và “Tu hành là đi từ chỗ thô kệch đến chỗ vi tế”

Về vấn đề “Có”, “Không” có rất nhiều thí dụ. Tôi chỉ xin đơn cử hai thí dụ cụ thể sau đây:

1. Muối dưa. Hòa muối, đường trong nước, rồi cho rau cải bẹ xanh vào. Vài ngày sau, cải xanh trở nên vàng, và nước bây giờ không trong mà đục và đặc. Nhìn kỹ thấy tuồng như có từng tảng lầy nhầy. Nếu chiếu kính hiển vi sẽ thấy những tảng này là sự kết tụ của hàng tỉ tỉ vi trùng gọi là Microderma acéti, tức là loại vi trùng gây men (fermentation) mà người ta gọi là men rượu, men dấm, men bia. Nấu rượu, làm A ua (Yogurt), chế rượu bia v.v... đều phải dùng một chút men chua này làm mồi.

Tại sao nước + đường = vi trùng? Vậy thì những con vi trùng này ở đâu mà ra? Nó ở chỗ “Không” mà “Có” và Phật gọi là loài hóa sinh.

Phật nhìn bát nước thấy có vi trùng nên các vị tì kheo khi uống đều phải quán vì nếu không quán coi như ăn thịt chúng sinh vật. Trong cuốn Tại gia Bồ Tát Giới, Giới thứ mười nói rằng “Nếu Bồ tát tại gia đã thọ giới rồi, nghi nước có trùng mà cố uống. Tại gia Bồ Tát này phạm tội vô ý, không khởi lòng sám hối sẽ bị đọa lạc, làm ô uế giới thể”.

2. Ẩm thấp. Một viên gạch đặt trên miếng đất ẩm thấp. Lâu ngày khi nâng viên gạch lên thấy cơ man là những con vật nhỏ li ti bay lên, hoạc ngọ nguậy, lúc nhúc. Vậy những con vật li ti ấy ở đâu mà ra? Cũng ở cái “Không” sinh ra cái “Có” mà Phật gọi là loài thấp sanh.

Ngoài những cái “Không sinh cái Có”, lại có những cái “Có trở thành Không”.

Tôi có người bạn chết trẻ. Mấy chục năm sau, khi bốc mộ, trong hòm chẳng còn gì, chỉ thấy một ít tóc và ít mảnh quần áo vụn. Nếu 100 năm sau bốc lên, cả hòm lẫn di vật sẽ biến đi hết.

Nghĩa là, “Thân cát bụi lại trở về cát bụi!”, hay nói theo đạo Phật, “Thân tứ đại trả về cho tứ đại!”

Rồi cung điện, đền đài, lầu các của người xưa nay còn đâu?

Trong bài “Hận Ðồ Bàn”, Chế Linh đã hát “Người xưa đâu? Người xưa đâu?”

Rồi cả những thành phố, quốc gia và ngay cả những địa lục cũng đã chìm xuống bể hay biến mất trong dĩ vãng.

Cụ Nguyễn Du đã viết “Trải qua một cuộc bể dâu” là ở câu “Tang điền biến vi thương hải, thương hải biến vi tang điền”, nghĩa là ruộng dâu biến thành biển cả, biển cả ngã thành ruộng dâu.

Bà huyện Thanh Quan cũng đã ngậm ngùi nhớ tiếc dĩ vãng trong bài Thăng Long Thành Hoài Cổ:

“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường

Ðến nay trải đã mấy tinh sương

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Ngõ cũ lâu dài bóng tịch dương

Ðá vẫn thi gan cùng tuế nguyệt

Nước còn chau mặt với tang thương

Ngàn năm kim cổ soi gương cũ

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”.

Về việc đi tìm cái “Không” làm tôi sực nhớ lại truyện Bao Công sai Trương Long và Triệu Hổ đi bắt ông Thần Gió tên là Lạc Mạo Phong (Gió làm rơi mũ xuống đất). Hai anh này đang phàn nàn làm sao bắt được Thần Gió thì bất ngờ một trận gió thổi làm bay cái mũ của một chú nhỏ. Lập tức, chúng bắt chú này về dinh. Rồi mới vỡ lẽ ra chú nhỏ là con của bà Lý thần phi.

Bắt được cái chú bị Thần gió làm rớt mũ thì còn được, nhưng đi tìm bắt cái “Không” như khoa học hiên nay thì không biết đến kiếp nào mới bắt được? Ðó là lý do khiến có người ví khoa học cũng giống như Tề Thiên Ðại Thánh và Thiện Tài Ðồng Tử.

Nếu họ hồi đầu theo Phật, nghiên cứu kinh điển, và học tập giáo lý của Ngài thì khoa học sẽ lý giải thấu đáo được cái nghĩa lý của hai chữ “Sắc sắc, Không không”.

Ðể kết luận bài này, tôi xin trình quí vị bốn câu lục bát sau đây của Ngài Huyền Quang đã nói lên cái ý nghĩa thâm sâu của hai chữ “Có”, “Không” của nhà Phật:

“Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Hãy xem bóng nguyệt lòng sông

http://quangduc.com/khoahoc/67dpshk4.html#ÐI TÌM CHA MẸ ÐẦU TIÊN