Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

“Tịnh Hạnh” theo Kinh Hoa Nghiêm

Hòa Thượng Tuyên Hóa


Tông chỉ của Phẩm Tịnh Hạnh là lìa những lỗi lầm của ba nghiệp. Tăng trưởng hạnh từ bi và trí tuệ của Bồ tát cũng là một mục tiêu vô cùng quan trọng trong Phẩm Kinh này.

“Tịnh” là thanh tịnh, thanh tịnh là đối với nhiễm ô mà nói. Nếu là nhiễm ô thì không phải là thanh tịnh mà đã thanh tịnh thì không bị nhiễm ô. Thế nào là thanh tịnh? Tức ba nghiệp thân miệng ý thanh tịnh. Thế nào là không ô nhiễm? Tức ba nghiệp thân miệng ý không tạo nghiệp ác, đó là không nhiễm ô. Nếu thân miệng ý của quý vị bị nhiễm ô thì quý vị là phàm phu.



Thế thì: “Hàng nhị thừa chứng được vô lậu cũng được gọi là thanh tịnh phải không?” không phải. Hàng Nhị thừa vô lậu thì vô lậu, nhưng do chưa có đức hạnh lợi tha; bởi chưa có đức hạnh lợi tha, nên cũng chưa thể nói là thanh tịnh thực sự được. Thanh tịnh ở đây là hạnh tu của Bồ tát, Bồ tát Đại thừa vừa thực hành tự lợi, vừa có thể lợi tha; tức vừa có thể tự giác, lại vừa có thể giác ngộ người khác.


Tịnh hạnh, cũng có thể đọc là tịnh hành, chính là tu hành, là việc mà quý vị phải đi làm. Nếu quí vị chỉ tin suông, hiểu suông mà không chịu tu hành thì cũng không có lợi ích gì, Phật giáo là phải tự thân trải nghiệm, thành thật tu hành, tri hành hợp nhất mới đạt được lợi ích tối cao. Cho nên phẩm Tịnh hạnh chính là pháp tắc mà người xuất gia phải tuân thủ, từ khi xuất gia cho đến lúc giác ngộ thành Phật đều phải y cứ theo phương pháp này mà tu hành thì mới có thể đạt đến bến bờ giải thoát, thành tựu Phật quả.

Trong đoạn một nói rõ “ba nghiệp xa lìa lỗi lầm thành đức”. Ba nghiệp là gì, chính là ba nghiệp thân miệng ý, người tu hành chúng chúng ta không nên tìm cầu ở bên ngoài mà phải hồi quang phản chiếu lại chính bản thân mình, tu tập nghiệp thân của mình thanh tịnh, không sát sanh, trộm cắp, và dâm dục; nghiệp ý thanh tịnh là không tham lam, sân hận và si mê; nghiệp miệng thanh tịnh là không nói lời thêu dệt, không nói dối, không nói lời ác, không nói lưỡi hai chiều. Những người học Phật pháp đa phần đều phải hiểu những điều này, nhưng đã hiểu mà còn phạm lỗi lầm thì không thể gọi là thanh tịnh. Ba nghiệp của quí vị phải thanh tịnh, thân không phạm lỗi, miệng không mắc lỗi, ý không tạo lỗi, tất cả đều không có các lỗi lầm, ba nghiêp thanh tịnh, đây là điều tối quan trọng của người tu đạo.

Hòa Thượng Tuyên Hóa
Thân có ba tật xấu: sát sanh, trộm cướp, dâm dục. Chúng ta đổi sát sanh thành không sát sanh và phóng sanh, vì sao phải cấm sát sanh? Bởi ông trời có đức hiếu sinh, chúng ta nhận thức được cái đức hiếu sinh của tạo hóa, nên không được sát sanh. Hơn nữa, trong mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể làm Phật, nếu chúng ta nhẫn tâm giết đi một chúng sanh tức đồng với giết một vị Phật; nghĩ như thế thì mới ngăn chặn được việc sát hại. Thêm nữa, chúng sanh nào cũng tham sống sợ chết, bất kỳ loài nhỏ hay lớn đều mong muốn được sống, chúng không muốn chết. Qúi vị xem xem, nhỏ như con kiến mà khi nhìn thấy người là tức tốc bỏ chạy đi nơi khác; đáng tiếc là chúng không có hỏa tiễn, nếu có hỏa tiễn thì khi nhìn thấy con người, chúng sẽ leo lên hỏa tiễn bay lên cung trăng, sẽ chạy đi xa rồi! Tuy nhiên chúng không có hỏa tiễn, nên cũng phải chạy trốn thật mau.

Trên thân người chúng ta có những con rận, người miền Nam ít có rận, bởi vì thường hay tắm rửa, giặt giũ áo quần; người miền Bắc vào những tháng mùa đông quá giá rét, nên không thường tắm rửa, giặt giũ áo quần, vì thế trong áo quần thường sanh ra rất nhiều rận. Khi quí vị thay áo quần, những con rận ấy chạy trốn rất nhanh. Vì sao chúng phải chạy trốn? Cũng chính là vì tham sống sợ chết. Cả đến loài côn trùng nhỏ nhít như thế, những con vật bé bỏng như thế cũng muốn được sống, không muốn chết! Qúi vị chỉ cần nghĩ đến điểm này thôi cũng sẽ thấy chúng ta không nên sát sanh hại vật, trái lại còn phải bảo hộ giải cứu chúng.

Người xưa có câu nói rất hay:

Trăm ngàn năm lại một bát canh

Oán sâu tợ biển hận khôn bằng

Muốn biết trên đời đao binh kiếp

Lắng nghe tiếng thét giữa đêm thanh.

“Trăm ngàn năm lại một bát canh”, Trăm ngàn năm nay trong mỗi bữa cơm mọi người đều nấu bát nước canh, bát canh rất đỗi bình thường, nhưng “Oán sâu tợ biển hận khôn bằng”, trong một bát canh hàm chứa oán thù sâu như biển cả, nỗi oán hận này khó mà lấp cho bằng. “Muốn biết trên đời đao binh kiếp”, nếu quí vị muốn biết chiến tranh trên thế giới từ đâu mà có thì hãy “Lắng nghe tiếng thét giữa đêm thanh”, giữa đêm thanh vắng, quí vị hãy thử lắng nghe có tiếng gì phát ra từ lò mổ; nếu không phải lợn khóc thì cũng là tiếng dê kêu, hoặc tiếng bò rống. Cứ như thế xem ra oán khí càng kết càng sâu, tạo thành thảm họa chiến tranh lan tràn thế giới. Đạo lý này rất rất đơn giản, nhưng cũng chính vì đơn giản mà mọi người không ai thèm chú ý đến. Cứ phớt lờ, phớt lờ, cuối cùng thành ra thảm họa. Đây chỉ mới là vấn đề sát sanh mà đã vậy, cho nên mỗi người chúng ta nhất định phải giữ gìn giới sát.

Trộm, “không cho mà lấy gọi là trộm”, xưa nay những người liêm khiết, “một nhánh cải cũng không tùy tiện cho người, một nhánh cải cũng không được tùy tiện lấy của người.” Một nhánh cải chỉ là một ngọn cỏ, thế mà một ngọn cỏ cũng không thể tùy tiện tặng cho người, cũng không thể tùy tiện đi lấy của người. Vì sao họ phải như thế? Chính là vì giữ sự liêm khiết cho mình. Giữ sự liêm khiết chính là bản thân phải trong sạch, trong sạch cũng chính là tịnh hạnh, nên liêm khiết chính là tịnh hạnh. Người liêm khiết giữ mình là như thế,——không tùy tiện lấy đồ của người, không tùy tiện đem lễ tặng cho người, cũng không tùy tiện thâu nhận lễ của người. Người sống thanh cao mới có những hành vi như thế; ngược lại là không thanh cao, nhưng cũng không nên làm những việc quá đáng. Chữ “đạo” (ăn trộm), tức là không cho mà lấy đồ vật của nhà người, không nói với chủ nhà mà lấy đồ mang đi, đó là phạm vào tội ăn trộm. Thí như vật của người, chưa được sự đồng ý của họ mà quí vị mang đi tặng người khác, đó cũng là tội ăn trộm.

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử dạy: “thục vị Vi Sanh Cao trực?”, ai bảo con người Vi Sanh Cao có tâm thành thật, ngay thẳng? không đúng. Vì sao tôi nói như vậy? Xin thưa quý vị——Khổng Tử nói với các học trò rằng——các vị biết không, lần nọ có một người đến mượn Vi Sanh Cao một ít giấm, “hoặc khất hê yên, khất chư kỳ lân nhi dữ chi”, giấm trong nhà Vi Sanh Cao đã hết; nhưng ông ta vì muốn lấy lòng người này bèn chạy qua nhà hang xóm mượn một bát giấm về cho người đó. Khổng Tử bảo hành động như vậy xuất phát từ tâm cong vẹo chứ không phải là tâm ngay thẳng. Cho nên tuy có người bảo Vi Sanh Cao là người rất thẳng thắn, bộc trực, nhưng Khổng Tử phê bình cho lời khen đó là không đúng, Vi Cao Sanh không phải là người ngay thẳng. Bởi vì nếu Cao Sanh có dấm thì cho người khác mượn, không có thì thôi; đằng này hắn lại chạy qua nhà hang xóm mượn cho người này cốt để lấy lòng người ta. Vì vậy nên Khổng Tử mới phê bình người như vậy không phải là người ngay thẳng. Nếu ngay thẳng thì sẽ không ăn trộm, còn tâm cong vẹo như Vi Cao Sanh thì tuy không ăn trộm mà cũng gần như ăn trộm, nhưng không thể nói là mình ăn trộm. Giảng đến chỗ vi tế của chữ “trộm”, chỉ cần trong lòng khởi lên tâm tham muốn đồ vật của người khác, thì ít nhiều đều không phù hợp với giới luật.

Nói đến dâm càng khó giữ hơn, con người từ vô thỉ kiếp đến nay đều từ pháp nhiễm ô này mà sanh ra, nên ngay cả ý niệm dâm dục cũng khó mà làm cho thanh tịnh được. Tịnh hạnh chủ yếu là đối trị dâm dục, trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “tâm dâm chưa trừ, chưa thể ra khỏi cõi trần.” Nếu quí vị chưa đoạn được tâm dâm dục mà muốn tu hành thì “thí như chử sa, dục kỳ thành phạn”, tức giống như nấu cát mà muốn thành cơm, chuyện ấy không bao giờ được. Ý niệm dâm dục vô cùng quan trọng, người tu đạo chúng ta nhất định phải thanh tâm ít muốn, đoạn dục cắt ái, nếu được như thế mới gọi là thanh tịnh; nếu không được như vậy thì đừng nói chi đến tịnh hạnh, cho nên Tịnh Hạnh chính là hạnh thanh tịnh chân chánh.

ở trên mới nói về ba nghiệp của thân: sát sanh, trộm cắp và dâm dục, ý nghiệp cũng có ba ác là tham lam, sân hận và si mê. Tham lam là tham không chán, không biết vừa đủ, dù nhiều cách mấy cũng cảm thấy không đủ. Lòng Tham lam này chính là không biết đủ; không biết đủ thường gặp phải hoạn họa sầu lo, biết đủ thường được an vui. Tham, tham danh dự cũng là tham, tham quyền lực, địa vị, lãnh đạo cũng đều là tham. Có điều, nói đi thì cũng phải nói lại, nếu quí vị thực sự vì mưu cầu hạnh phúc cho đại chúng, không vì mình thì đó không gọi là tham.

Sân, là do tham mà không đạt được liền sanh tâm sân hận. Tâm sân một khi khởi lên thì tám vạn bốn ngàn cửa chướng ngại đều được mở ra, “Nhất niệm sân tâm khởi, bát vạn chướng môn khai.” Vì sao con người có tâm sân? Là vì nghiệp chướng nặng nên tánh khí gắt và lửa vô minh cũng lớn; nếu là người nghiệp chướng nhẹ thì tính cách không cáu gắt dữ như thế.

Si, là tâm vọng tưởng ngu si, việc không nên nghĩ cũng muốn nghĩ, không nên được cũng muốn được, không nên thành cũng nghĩ muốn cho thành, không nên làm cũng muốn làm cho được. Tôi thường giảng cho mọi người nghe những câu như vầy: Người ham muốn tửu sắc tiền tài, người yêu thích hoa bèn nghĩ: “ồ! Nếu hoa của tôi đều nở mỗi ngày thì hay biết mấy! Nó sẽ nở mãi không tàn, không rụng.” Đó là vọng tưởng của tâm ngu si, “yêu thích hoa thường muốn sớm sớm hoa đều khoe sắc”, hy vọng hoa của tôi trồng có thể tươi đẹp diễm lệ mãi như vậy. Người thích vui chơi thì nghĩ, nếu mỗi tối trăng đều tròn đẹp như vậy thì tôi có thể ngồi dưới ánh trăng để ngắm trăng, thật còn gì bằng! Cho nên họ nói: “Trăng sáng ngại chi đêm đêm tròn”, nhưng mặt trăng vì sao không phải đêm nào cũng đều tròn? Mặt trời ban ngày ngày nào cũng tròn, tại sao mặt trăng không tròn mỗi ngày? Nếu mỗi đêm nó đều tròn thì đẹp biết mấy! Người thích uống rượu thì nghĩ rằng: “Đại địa hữu tuyền giai hóa tửu”, sông suối trên đời đều hóa rượu; loại mèo say này thì mong muốn tất cả nước đều biến thành rượu, như thế họ sẽ không tốn tiền mua rượu nữa, khắp nơi đều có thể lấy rượu để uống. Còn người tham tài thì nghĩ rằng: “Trường lâm vô thọ bất dao tiền”, hết thảy cây rừng đều biến thành cây dao tiền (loại cây có lá toàn là tiền), lúc cần đến tiền liền chạy đến đó rung cây thì sẽ có rất nhiều tiền rơi xuống, thật tốt biết bao! Những ý niệm như vậy gọi là si—ngu si.

Tâm ngu si này nói thì rất dễ, nhưng loại trừ nó thì vô cùng khó khăn. Cho nên người xuất gia cần phải chuyên tu giới định tuệ, bặt dứt tham sân si. Đây là ba nghiệp tham sân si của ý.

Miệng, những tội nghiệp mà chúng ta tạo ra cũng đều là vì cái miệng này, cho nên nói “bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra.” Qúi vị giảng sai một câu thì liền có một mối tai họa; nếu bạn ăn bậy thì sanh ra bệnh tật. Nghiệp miệng lại có nói lời thô ác, tức là chửi bới người khác, gặp bất kỳ người nào cũng đều buông lời chửi rủa. Tôi gặp qua rất nhiều loại người như vậy, rất biết cách chửi người khác. Hạng người này trừ phi họ không viết văn, còn đặt bút xuống viết toàn là văn chương chưởi người, gây bút chiến với người khác, đây cũng là một loại của ác khẩu; lời nói mắng người cũng là ác khẩu. Nói lưỡi hai chiều là chuyên môn bươi móc dẫn đến li gián, đơm đặt thị phi; đến với A thì nói chuyện xấu của B, đến với B thì nói chuyện xấu của A, đưa đẩy ly gián đôi bên, lật lộng thị phi. Nói lời thêu dệt, là nói những lời không bình thường, tà tri tà kiến, không chút thanh tịnh. Nói dối, là nói những lời dối trá, bất luận nói gì cũng đều nói lời dối trá, nếu không dối trá thì không nói chuyện được; một ngày không nói dối họ sẽ chết, cho nên nhất định phải nói dối, hạng người này luôn dựa vào lời nói dối để sanh tồn.

Miệng có bốn thứ ác nghiệp, thân có ba và ý cũng có ba, hợp lại cả ba nghiệp thân miệng ý đều phải thanh tịnh mới có thể tu hành; tam nghiệp nếu không thanh tịnh thì không thể tu hành. Cho nên trong hai thời khóa tụng sớm tối có bốn câu rất hay:

Con xưa vốn tạo bao ác nghiệp

Đều bởi vô thỉ tham sân si

Từ thân miệng ý mà sanh ra

Hết thảy con nay xin sám hối

“Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp”, hết thảy nghiệp ác chúng ta tạo ra từ xưa đến nay, “giai do vô thỉ tham sân si”, đều do tham sân si từ vô thỉ kiếp đến nay tạo thành; nếu không có tham sân si thì chắc chắn ba nghiệp thân miệng ý đã thanh tịnh rồi, cũng vì tham sân si làm cho ba nghiệp không thanh tịnh. “Tùng thân khẩu ý chi sở sanh”, từ thân, từ miệng—tức lời nói, từ ý của ta tạo nên những lỗi lầm này. “Nhứt thiết ngã kim giai sám hối”, tất cả, tất cả lỗi lầm con nay đều xin sám hối hết . Nếu quí vị có thể sám hối thì quí vị sẽ được thanh tịnh; không sám hối thì không thể thanh tịnh. Nếu ba nghiệp của quý vị không thể thanh tịnh thì không với tới được tịnh hạnh, tịnh hạnh chính là dứt sạch hết tất cả các tập khí lỗi lầm.

Những tập khí mà chúng ta đã tạo ra trong nhiều đời nhiều kiếp, dường như mỗi khi chúng ta mở miệng là cười người khác, đợi người ta có điều gì sơ xuất là mình liền mỉm cười chế nhạo người ta. Tại sao lại cười chế nhạo? Đây đều là những tập khí ngày xưa - như vui thích giặt quần áo cho người khác, thích chụp hình cho người, trong khi tướng mạo của mình ra sao cũng không biết. không biết hồi quang phản chiếu thì không thể nhận ra được mình; không nhận ra mình chính là quên mất chính mình; đánh mất bản thân thì đạo nghiệp không thể thành tựu. Chúng ta nghe Phật pháp, học Phật pháp, nghiên cứu Phật pháp, ắt phải gắng sức thực hiện. Nếu quí vị không dấn thân trải nghiệm, bất kể học bao nhiêu năm, tôi tin rằng đến tận cùng đời vị lai cũng chẳng được gì, có chăng chỉ là một chút trí tuệ điên cuồng. Nói ra cái gì cũng đáp “tôi biết rồi!” nhưng biết được mà làm không được; quí vị không làm được thì chẳng khác gì “người đá”, nói được mà làm không được. Nếu như mỗi người con Phật chúng ta đều chú trọng thực hành, chú trọng vào việc tu hành, lấy thân làm chuẩn tắc, làm mô phạm cho người, làm tấm gương sáng thật sự, được vậy thì tiền đồ Phật giáo mới có hy vọng.

Chúng ta phải chân thật làm một người đệ tử Phật, chân thật thay Phật tiến về phía trước. Chúng ta là những người đệ tử Phật, nếu Phật giáo chưa hưng thịnh được là do chúng ta chưa làm hết trách nhiệm của mình, mỗi người chúng ta đều phải gánh vác trách nhiệm chấn hưng Phật giáo, nếu được như thế thì Phật giáo chắc chắn sẽ được truyền bá ngày một sâu rộng. Cái gọi là mạt pháp, thường có người nói: “Bây giờ là thời mạt pháp rồi, không cần tu hành, không cần trì giới!” Đó là lời nói của Ma vương. Mạt pháp, càng mạt pháp chừng nào chúng ta càng phải tu hành tin tấn, càng trì giới, càng làm cho giáo pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni thêm rạng rỡ. Chúng ta phải làm một tín đồ chân chánh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, làm một người đệ tử chân chánh thực hành theo giáo pháp. Nếu đã như thế thì mỗi một người đệ tử Phật chúng ta, bất luận là xuất gia hay tại gia, đều phải có trách nhiệm gánh vác Phật giáo, có vậy Phật giáo chính là chánh pháp lại xuất hiện ở đời; chánh pháp xuất hiện ở đời sẽ có những thánh nhân chứng quả xuất hiện; thánh nhân chứng quả xuất hiện, chúng sanh sẽ không còn đau khổ, phước đức từ đó cũng được tăng trưởng. Là hàng đệ tử Phật, chúng ta không nên nói Phật giáo mạt pháp, không nên để tâm lo lắng. Mạt pháp, Ai làm cho pháp mạt? Do con người làm, do con người tạo ra, chứ giáo pháp không hề mạt. Cho nên chúng ta phải phát nguyện, phát nguyện hộ trì chánh pháp, làm cho chánh pháp được cửu trụ; mọi người không nên khoanh tay đứng nhìn, phải luôn tự nhủ tôi là một con người, tôi phải hộ trì chánh pháp, huống chi tôi lại là một tín đồ Phật giáo! Qúi vị là một tín đồ Phật giáo, nhìn thấy Phật giáo suy vi, còn đùa nói: “Phật giáo không còn nữa rồi”. Phật giáo không còn là điều rất tốt đối với quí vị sao? Quí vị rất hãnh diện phải không? Không nên nghĩ như thế, Phật giáo không còn nữa, chúng ta phải vô cùng hổ thẹn! Nhưng trước lúc hổ thẹn phải nhất định chân chánh hộ trì chánh pháp, khiến cho Phật pháp được cửu trụ, đây là trách nhiệm mà mỗi người chúng ta phải gánh vác.
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng
Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành
http://phathoc.net/phat-phap/hoa-nghiem/73F45A_tinh_hanh_theo_kinh_hoa_nghiem.aspx