Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Thiền và Hoa Đạo

Hoa đã xuất hiện hàng triệu năm trước khi có loài người, tô điểm cho cảnh vật với muôn màu muôn sắc. Hoa mang đến cho cuộc đời biết bao điều kỳ diệu: một đóa hồng hé nở trong ánh nắng ban mai rực rỡ, một bãi lau sậy lặng lẽ soi mình trên mặt nước hồ thu, một nhành lan lấp lánh những giọt sương mai, vài bông mai khẽ lay mình trong làn gió xuân êm ả. Và nếu chúng ta có thì giờ ngắm thưởng thì có thể hạ bút viết một câu thơ như Thiền Sư Mãn Giác vào đúng thời khắc giao mùa của trời đất:



Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết 
Đêm qua sân trước, một nhành mai)

Từ lâu hoa cũng đã có mặt trong cuộc sống loài người. Khi vui, lúc buồn, khi yêu, lúc giận, lễ lạc, tiệc tùng, lúc sống cũng như qua đời, chúng ta lúc nào cũng gắn liền với hoa. Con người thích ngắm hoa vì nó toát ra sự mầu nhiệm của cuộc đời. Một đóa hoa tự nó vốn thanh tịnh, rực rỡ và tươi mát. Chưng một bình hoa với tâm tĩnh lặng, với lòng an vui, giúp cho cuộc sống con người trở nên kỳ diệu, trong sáng, và hạnh phúc vô cùng.

Hoa càng không thể thiếu trong Phật giáo bởi Phật giáo chú trọng niềm vui nội tâm. Khi tâm an bình thì tự nó thành trong sáng như tấm gương phản chiếu mọi hoa lá, cỏ cây, người và vật. Tâm trong sáng, an vui đó được gọi là đất sạch (Tịnh Độ). Chốn tịnh độ ấy được mô tả đầy cả hương hoa rực rỡ, chim thú kỳ diệu, cảnh vật trang nghiêm. Các bộ kinh lớn của Phật giáo như Diệu Pháp Liên Hoa, Hoa Nghiêm cũng lấy tên loài hoa qua như sen (Liên Hoa) và tràng hoa đẹp (Hoa Ngiêm) để chỉ cái tâm thanh tịnh và an lạc có sẵn nơi mỗi chúng ta. 

Lịch sử chưng hoa trong Phật giáo khởi đầu từ các vị Thánh tăng. Những bậc đệ tử của đức Phật, khi nhìn thấy những cánh hoa rơi rụng trong một ngày bão tố đã góp nhặt chúng thả vào chậu nước để hoa sống được lâu hơn. Sau đó, các vị Tăng sĩ thường dâng hoa cúng Phật vào các lễ lạc, vì hoa vốn rực rỡ, trong sáng, tự tại như tâm người giác ngộ.

Đạo vốn không nhan sắc
Mà ngày thêm gấm hoa
Trong ba ngàn cõi ấy
Đâu chẳng phải là nhà.
(Thiền sư Viên Chiếu)

Thật ra dâng hoa cúng dường đã có khi đức Phật còn tại thế. Một hôm trong pháp hội Linh Sơn, Đức Phật nhận được một đóa hoa sen dâng cho và Ngài đã đưa lên khai thị đại chúng (thiền cơ). Mọi người đều im lặng duy chỉ có ngài Ma Ha Ca Diếp, vị đại đệ tử của đức Phật mĩm cười. Đức Phật thấy rõ tâm ngài Ca Diếp tràn đầy niềm an vui, thanh tịnh, và sự hiểu biết chân thật, nên đã ấn chứng cho ngài Ca Diếp làm tổ thứ nhất (sơ tổ thiền Ấn Độ) và bảo rằng : "Ta có pháp môn vi diệu không thể dùng lời mà diễn tả được. Nay ta trao lại cho Ca Diếp". Cái vi diệu mà đức Phật trao cho ngài Ca Diếp vốn đã có sẵn nơi ông và nơi mỗi chúng ta và sự tích trên được gọi là "Niêm hoa vi tiếu".

Trong các chùa chiền ở Việt Nam, Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản đã có truyền thống chưng hoa trên bàn Phật cả ngàn năm nay. Nghệ thuật chưng hoa và sản xuất các bình hoa phát triển cao độ vào thời kỳ nhà Đường ở Trung Hoa. Sau đó, người Mông Cổ chiếm đất này và lập nên nhà Nguyên. Nhiều tinh hoa của nền văn minh Trung Hoa bị tiêu diệt tại nước này nhưng được bảo tồn và phát triển tại Nhật. Vào thế kỷ thứ 7 Thánh Đức thái tử, nhiếp chánh cho Suy Cổ Thiên Hoàng, cử một bộ phận ngoại giao Nhật Bản sang Trung Hoa để học các các kiến thức đồ sành, sứ, và các bộ môn nghệ thuật trong đó có Thiền Phật Giáo. Thiền sau đó được đón tiếp nồng hậu và phát triển nhanh chóng ở Nhật nhờ các vị đại sư Thiền Tông từ Trung Hoa đến giảng dạy và sau được nhiều vị thiền sư Nhật Bản tô điểm thêm cho hợp với truyền thống địa phương. 

Người Nhật vốn yêu thích thiên nhiên, đắm mình giữa sự hòa hợp giữa con người và vũ trụ. Họ đã tìm thấy ngay ở Phật giáo, qua triết lý về sự đồng nhất giữa bản thể vũ trụ và tự tánh con người (Phật Tánh), nhất là sự tu tập của Thiền Tông giúp họ trực tiếp sống với tâm giải thoát, với niềm an vui trong sáng bao la vốn có sẵn trong mỗi con ngườị. Họ đã kết hợp thiền vào trong cuộc sống hằng ngày và ngay trong cả nghệ thuật cắm hoạ. Ban đầu bình hoa được cắm theo nguyên tắc cân xứng: nhiều cành hoa có độ dài bằng nhau, cùng màu sắc và ở vị trí đối xứng với nhau... Một nhánh hoa màu vàng bên phải thì phải có một nhánh hoa màu vàng bên trái, một nhánh hoa màu đỏ phía trước thì phải có một nhánh hoa màu đỏ phía saụ. Các bậc thầy về cắm hoa ở Nhật Bản nhận thấy lối chưng hoa đối xứng như vậy phản tự nhiên. Nét đẹp của vạn vật biểu lộ một cách tự nhiên và không theo sự cân xứng giả tạo. Một bình hoa nhỏ bé là một vũ trụ mênh mông. Khi để tâm sáng tạo môt bình hoa, cần phải thuận theo những nguyên tắc tự nhiên của vũ trụ mà sắp xếp cây cành, không còn để ý cái "tôi" (ngã) nhỏ bé của mình nữa. Từ đó nghệ thuật cắm hoa tiến một bước dài đã trở thành Hoa Đạo, cùng với Thiền Phật Giáo, Trà Đạo, Võ Đạo tạo nên sự đặc sắc và phong phú cho văn hóa Nhật Bản.

Chưng hoa là đem vẻ đẹp thiên nhiên làm đẹp cho đời sống con người. Hoa lá đưa chúng ta trở về với sự mầu nhiệm luôn sẵn có nơi muôn ngàn sự vật và nơi tâm linh của mỗi chúng ta. Mỗi tuần chúng ta nên để dành vài giờ cho đời sống an vui vi diệu: Chưng một bình hoa, uống một tách trà, lắng nghe tiếng chim hót ngoài của sổ và hòa nhập vào với vũ trụ vô cùng. Đó là thực hành trong sự tỉnh thức.
___________________________________

Tài liệu tham khảo:
* Huỳnh Bá Nghệ Vương (1995), Thiền và Hoa Đạo, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Ãn hành.
* Thích Thiện Hoa, Thiền Tôn (quyển Nhất), Phật Học Tùng Thư 
http://www.trinhnu.net/van/26231