Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Kailash- Ước mơ của kẻ phi thường




(TGNNT Online) - Người ta nói, “chinh phục Everest là ước mơ của người bình thường còn Kora một mình vòng quanh Kailash là ước mơ của kẻ phi thường”. Nhóm kailash của chúng tôi đã cùng với tiến sĩ Nguyễn Tường Bách trong một hành trình bí ẩn, huyền ảo và đầy những khám phá bất ngờ khi đặt chân tới Tây Tạng.




NHÂN DUYÊN VỚI KAILASH

Tôi bắt đầu biết chút ít về Tây Tạng cách đây khoảng 10 năm. Có lẽ những thông tin đầu tiên lại bắt đầu từ những thức tập trong cuốn “Suối nguồn tươi trẻ” của Peter Kelder mà tôi mua tại Vĩnh Long năm 2002. Tôi vẫn khá kiên trì tập luyện theo sách này và hẳn nhiên cảm nhận được sự khỏe mạnh về thể xác cũng như tinh thần. Từ đó tôi bắt đầu để ý đến hai từ Tây Tạng nhiều hơn qua những thông tin từ sách vở và internet. Vậy là “Con đường mây trắng” của Anagarika Govinda do Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách dịch, “Người Tây Tạng nghĩ về cái chết” của Bardo Thodol, “Trong vòng tay Sambala”, “Chúng ta thoát thai từ đâu” của Erono Mundasep và rất nhiều cuốn sách viết về Tây Tạng, Ấn Độ… bắt đầu chiếm nhiều chỗ trong tủ sách của tôi.

Và rồi, điều cần đến sẽ phải đến, đầu tháng 6 - 2010 tôi được gặp anh Nguyễn Tường Bách nhân chuyến anh từ Nước Đức về Việt Nam chịu tang bố. Biết tôi mê anh Bách, anh Trần Sỹ Chương, một người anh của tôi đã tạo điều kiện để tôi được gặp anh. Đó cũng là nhân duyên cho chuyến hành hương chiêm bái Kailash (Ngân Sơn) này.

Chủ trì chuyến đi Kailash đương nhiên là anh Bách với sự ủng hộ của hai thành viên đầu tiên nằm trong “ban tổ chức” là chị Vinh, vợ anh và Trung Toàn, một cư sĩ. Sau lần gặp gỡ đầu tiên, tôi có dịp được gặp anh thêm vài lần nữa. Anh Bách, theo như lời anh kể thì đi Kailash (hay anh thường gọi là Ngân Sơn trong các tác phẩm của anh) là ước mơ cả đời của anh ấy. Nó đã bén rễ trong anh từ mười năm nay nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Còn Toàn, anh là người đã mấy chục lần đi Ấn Độ, Nepal, Myanmar, Tây Tạng… nhưng cũng chưa một lần dám mơ đến Kailash. 

MÊ HOẶC ĐẾN LẠ KỲ

Kailash là đâu? Nó có gì ghê gớm, mê hoặc mà cuốn hút người ta đến vậy. Mãi sau này, trên hành trình trở về từ Manasarovar tới Nyalm, sau những xúc động tâm linh mãnh liệt, tôi cứ miên man suy nghĩ về một câu nói nào đó có thể tóm tắt được một cách ngắn gọn nhất về Ngân Sơn thì không biết từ đâu và từ lúc nào trong đầu tôi bất chợt xuất hiện một ý nghĩ rằng: "Chinh phục Everest là ước mơ của người bình thường còn Kora một mình vòng quanh Kailash là ước mơ của kẻ phi thường”. Đôi lúc tôi dùng chữ "bất thường" thay cho chữ "phi thường" để tự nhạo mình vì đã dám cá cược cả mạng sống của mình cho một chuyến đi. Nhưng quả thật, sau khi đi trọn một vòng Kora hơn 52 km suốt gần ba ngày hai đêm trong mưa tuyết, vượt qua đèo Dolma ở độ cao 5660 m, tôi nghĩ hẳn đi Everest có thể nguy hiểm hơn nhiều nhưng cực khổ cũng chỉ đến vậy thôi.



Hồ thiêng Manasarovar hay còn được gọi là Hồ Mặt Nhật vì có hình dáng tương đối tròn gần với dáng mặt trời, là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất và tọa lạc ở vị trí cao nhất thế giới: 4580m so với mực nước biển. Hồ có chu vi 88km, diện tích 412 km2 và điểm sâu nhất tới 82m. Các vị Lạt Ma Tây Tạng cho rằng uống nước hoặc tắm trong hồ này “sẽ rửa sạch những ô nhiễm và khóa cánh cửa phải tái sinh trong các cõi thấp kém”. 


Hồ Rakastal hay còn gọi là Hồ Mặt Nguyệt, Hồ Dạ Xoa, Hồ ma quái.. vì nó có hình dáng giống Mặt Trăng và không khí quanh hồ luôn u ám, buồn bã. Rakastal có diện tích 250km2 và nằm ở cao độ 4560m so với mực nước biển, thấp hơn 20m so với Manasarovar. 

Tại sao Kailash lại được coi là trung tâm của thế giới mà không phải là hàng chục những ngọn núi hùng vĩ khác cao hơn nhiều trong dãy Hy Mã Lạp Sơn? Vì như Govinda đã giải thích đại ý nếu cắt bớt Everest (8848m) hoặc hàng chục ngọn núi khác đi mấy trăm mét thì chúng sẽ chìm nghỉm, không gì khác biệt và chẳng thể nào phân biệt được chúng với hàng vạn ngọn núi vô danh khác trùng trùng điệp điệp trong dãy Hy Mã. 

Theo hầu hết các tài liệu thì khu vực Kailash là nguồn của 4 con sông: Indus, Yarlung Tsangpo, Karnali, Sutlej nhưng khi nhìn vào bản đồ này ta không chỉ thấy bốn mà còn thấy thêm sông Ganges(sông Hằng). Sông Karnali và Ganges sau này hợp lại thành sông Ganges. Như thế cũng có thể coi là coi là có 5 con sông bắt nguồn từ Kailash. Tuy nhiên, nguồn của Sông Hằng khá xa hơn một chút, không xuất phát ngay từ khu trung tâm của Kailash và Hai Hồ Thiêng nên vẫn không được người ta xem là bắt nguồn từ Kailash. Bản đồ cũng chỉ rõ thêm có thể 5 con sông lớn nhất Châu Á cũng đều xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng. Tính từ phía đông xuống phía Nam gồm: sông Hoàng Hà (Yellow River) dài 5464Km; sông Dương Tử(hay Trường Giang(Yangtse River) dài 6385Km; sông MêKong dài 4350Km chảy qua Việt Nam chúng ta; sông Salween dài 2815Km chảy qua Myanmar và Thái Lan; sông Irrawaddy dài 2170Km chảy qua Myanmar.

Tôi tự hỏi bản thân mình, cho đến tận giờ phút này, mình “vẫn chưa có một ham muốn đủ lớn”, một sự chuẩn bị thật kỹ càng (kể cả về mặt thể chất cũng như tâm linh) và hoàn toàn sẵn sàng cho một chuyến hành trình dài tới Kailash linh thiêng. Như vậy hẳn mình sẽ khó mà gặt hái được nhiều trong và sau chuyến đi. Các anh chị trong đoàn đa số đều đã rất nhiều lần đi chiêm bái và cúng dường tại các thánh tích Phật Giáo ở Ấn Độ, Nepal, Myanmar và thậm chí là Tây Tạng nữa. Nhiều anh chị đã có một quá trình tu tập lâu dài với trình độ tâm linh cao. Người ta nói, trước khi đi Ngân Sơn bạn phải nhớ rằng “Núi chọn người chứ không phải người chọn núi”.


NƠI ĐƯỢC SÙNG BÁI NHẤT THẾ GIỚI

Kailash cao 6714m so với mực nước biển, nằm ở cực Tây của Tây Tạng, gần khu vực biên giới Ấn Độ-Tây Tạng và Nepal. Nếu Tây Tạng được coi là "mái nhà của thế giới" thì Kailash chính là điểm cao nhất của mái nhà này. Nó được xem là Núi Tu-Di trên quả địa cầu, là trung tâm của Nam Thiệm bộ châu (Jambudvipa-thế giới loài người), là “tâm điểm của mọi xứ sở”. Kailash cũng được coi là một “siêu thánh địa” của cả bốn nền tôn giáo gồm Phật Giáo, Hindu Giáo, Đạo Jains và Đạo Bon với hàng tỉ tín đồ nhưng khá ít người đến chiêm bái vì điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu quá khắc nghiệt. 

Dẫu không cao bằng Everest nhưng Ngân Sơn sơn lại hoàn toàn khác biệt và vô cùng uy lực vì nó nằm ở một khu vực địa lý có một không hai trên thế giới này. Quần thể Núi Kailash, Hồ Manasarovar và Rakastal với tâm điểm núi Kailash chính là nơi khởi nguồn của bốn con sông lớn tại châu Á theo bốn hướng: Phía Bắc: Sông Indus (chảy từ miệng Sư Tử) dài 3,200 km; phía Đông: Sông Yarlung Tsangpo (chảy từ hàm Ngựa), dài 2,840 km, được mệnh danh là "Everest của những con sông"; phía Nam: Sông Karnali (chảy từ miệng chim Công) dài 1,080 km chảy Từ Tây Tạng qua Nepal và vào Ấn Độ để cuối cùng nhập vào sông Hằng(Ganges).Phía Tây: Sông Sutlej (chảy từ miệng Voi) dài 1550Km chảy qua Ấn Độ, Pakistan rồi nhập vào sông Indus. Nếu đi máy bay, chúng ta có thể không nhận ra đâu là Everest nhưng không thể nào không nhận ra Kailash được. Chỉ cần một trong 3 dấu hiệu: Kailash, hai hồ lớn hoặc bốn con sông thì đương nhiên nhận ra khu vực này.

ĐƯỜNG XA NẮNG MỚI

Riêng với tiến sĩ Nguyễn Tường Bách, thì chinh phục được Kailash là ước mơ cả đời của ông. Nhắc tới học giả này, hẳn nhiều người rất mê những chuyến du ký về Tây Tạng hay những chiêm nghiệm về thiền học qua những cuốn sách của ông như Mùi hương trầm, Mộng đời bất tuyệt và bản dịch Con đường mây trắng… Ở đó là những chuyến hành hương qua nhiều thắng tích Phật giáo trên thế giới của ông cùng bạn bè.
Lần này là một cuốn sách mới không kém phần thú vị, Đường xa nắng mới – một bút ký ghi lại cuộc hành hương chiêm bái núi Ngân Sơn (hay còn gọi là Kailash) ở độ cao trên 5000m do chính tác giả cùng đoàn 21 người Việt Nam cùng tổ chức đi vào tháng 8 -2011.Nếu không có được cơ duyên đến với Ngân Sơn, hãy cùng Nguyễn Tường Bách du ký qua những trang viết tinh tế và đầy mê hoặc của ông.

Text: NGUYỄN ANH TUẤN | Photo: A.T
http://www.thegioinguoinoitieng.vn/news/detail/kailash---uoc-mo-cua-ke-phi-thuong-338.html