Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Hành trình kỳ lạ của một người Việt đến Tây Tạng



 Kỳ 1: Đến Lhasa

Vài ngày sau khi đến Lhasa, Lạt ma Thubten Osall Nguyễn Tấn Tạo đã xuất hiện trên đường phố với pháp phục màu vàng chói uy nghiêm của một thiền sư khiến dân chúng cả thành Lhasa kinh ngạc và lo lắng giùm cho ông, vì đây là điều cấm kỵ từ lâu ở xứ này.



Sự xuất hiện khác thường

Theo ghi chép của ông trong Nhật ký tham bái Ấn Độ - Tây Tạng (chưa xuất bản) thì thời ấy việc mặc pháp phục màu vàng đi giữa thành phố Lhasa là vi phạm luật định: “Bất cứ ai nếu thấy mặc đồ vàng thì phải bị bắt và đánh đuổi ra, vì xứ Lhasa trọng sắc vàng lắm. Sắc Phật chỉ đặng làm y, làm áo, làm mão, còn ai dùng làm chăn, làm quần, làm vớ, làm giày bằng sắc vàng ấy thì bị phép nước bắt đánh đòn, lột đồ ấy rồi đuổi ra khỏi nơi cư ngụ. Nhơn dân quăng đá mắng chưởi. Ấy là tục lệ xứ này vậy”. Sau vài giây phút ngỡ ngàng, dân chúng thành Lhasa đã yên lòng vì thấy đi bên cạnh ông là những quý tộc và những viên chức hộ tống đưa ông đến dinh của một vị quan cấp cao nhất Lhasa đương thời, mà ông gọi là “thừa tướng” cho dễ hiểu: “Quan thừa tướng cho người lại bảo bần đạo phải đắp y bi sô (tức pháp phục màu vàng của tỳ kheo) chứ không nên bận đồ Tây Tạng đi yết kiến” và đó là một đặc ân hiếm thấy. Trước kia, đã có những vị tỳ kheo các vùng khác đến Tây Tạng nhưng cũng không được mặc sắc vàng như ông. Vì thế, khi ông xuất hiện, người lớn trẻ em đang đứng “trên đường và hai bên phố đều dòm ngó xầm xì”... Đến dinh thừa tướng cũng vậy: “Cả người trong dinh đều thấy, đã đồn rân khắp thành thị, phần đông đều hiểu trước thầy là người quen của nhà thừa tướng”.


Chùa Tây Tạng ở Bình Dương (do Lạt ma Nguyễn Tấn Tạo khai sơn) hiện nay với phong cách kiến trúc theo mô hình các cổ tự ở Himalaya - Ảnh: Võ Văn Tường



Quan thừa tướng và phu nhân mời ông ngồi trên đơn, còn những người khác tháp tùng “ngồi trên rầm trên đất”, vì tục người Tây Tạng không có bàn ghế bằng gỗ. Phu nhân đeo ngọc châu “tóc rẽ làm hai, đeo trên hai góc ngôi sao, bỏ xả hai bên tai (chạy xuống) khỏi vai, đoạn dưới tóc bính, rồi đâu hai bính ra sau lưng, có một sợi ngọc điệp cột hai bính ấy”. Bà bưng một cái đĩa bạc trên có đặt sẵn bình trà, bình sữa và bình đường cũng bằng bạc, đem đến mời ông. Lần thứ hai, vào 1.7.1936, quan thừa tướng lại sai người đến mời ông lần nữa, lần này để xem hát ở dinh. Hết lớp hát khoảng 9 giờ đêm, phu nhân đãi trà và chính tay bà quẹt lửa cho ông đốt thuốc.

Tiếp kiến pháp vương

Chính nhờ thừa tướng và phu nhân cùng các lạt ma có uy tín lúc bấy giờ ở Lhasa mà sau đó ông được giới thiệu để tiếp kiến Pháp vương Bodalama lần thứ nhất ngày 3.7.1936.

Ấy là một ngày có ý nghĩa rất lớn đối với ông trong chuyến hành hương. Là vì lần đầu tiên ông yết kiến pháp vương có “mặt mày sáng láng, ngồi trên long đơn, trước có tợ sơn son phết vàng, trên đơn trải gấm Tây Tạng, nội bộ chỉ có bần đạo đắp y vàng rực từ trên sắp dưới, làm cho quốc vương chăm chỉ ngó ngay, khiến các lạt ma và quan nội điện đều để mắt”. Pháp vương rất hài lòng, ngài cầm một nắm dây lụa điều màu đỏ quấn lên cổ ông thân thiết. Khi ra về, dân chúng hai bên đường phố Lhasa thấy sợi dây điều màu đỏ trên cổ ông đều biết ông ở trong ngự điện thiền cung mới ra nên tỏ thái độ cung kính chiêm ngưỡng ông. Ông yết kiến pháp vương lần nữa vào ngày 4.10.1936, sau đó được pháp vương ban pháp danh là Thubten Osall Lama. Theo ông giải thích: “Thubten là tên của đức Tả tê Lama thái thượng hoàng đã băng. Thubten (có nghĩa là): vòng cứng bền chắc của kim cương. Còn chữ Osall (có nghĩa là): ánh sáng mặt trời - tên của đương kim quốc vương lạt ma, nên bần đạo biết Thubten Osall có nghĩa là Huệ Nhựt (có thể hiểu là: ánh sáng trí huệ phóng chiếu rực rỡ như mặt trời)”. 

Được pháp vương và các lạt ma, quý tộc Tây Tạng giới thiệu, ông đã đến thăm điện Potala - nơi được mệnh danh là trái tim hoặc linh hồn của thủ phủ Lhasa, tận mắt quan sát, chiêm ngưỡng và ghi lại cảnh chùa cất trên đỉnh núi với rất nhiều đèn lưu ly thắp bằng beurre tại các điện, với nhiều lầu nhiều nóc mà nóc nào cũng thếp vàng khiến ông “chói mắt vì thấy nhiều điện Phật toàn bằng vàng ròng, lư đèn, lục bình các món cũng vậy... Ôi đến nơi: thấy tháp cao lớn, cả trên dưới đều thếp bọc vàng ròng, chạm trổ, ngọc thạch xanh, đỏ, vàng, trắng, lưu ly, pha lê, trân châu, thủy xoàng của quan dân cúng dường gắn khắp tháp”. Những ghi nhận của ông về điện Potala hoàn toàn phù hợp với tài liệu do Lạt ma Lobsang Rampa cung cấp sau này qua cuốn Các lạt ma hóa thân (Lê Nguyễn dịch, NXB VH-TT 2003). Theo đó, điện Potala là một cung điện khổng lồ xây trên miệng một núi lửa đã tắt và trên nền móng của một cung điện cũ, ngọn hỏa sơn này “chứa trong lòng nó những hang động bí mật với hàng ngàn đường hầm tỏa ra tứ phía. Có những hang động cất giấu nhiều tài liệu cổ xưa hàng chục thế kỷ. Có những kho chứa châu báu, vàng ngọc từ thời đại xa xưa. Rất ít ai được biết đến những chỗ này (...) những mạch vàng lớn khoảng mấy chục thước bề ngang, ngày xưa nhiệt độ cao đã làm vàng chảy ra như sáp nến về sau nguội dần, đông đặc lại thành những mạch vàng dài như một con rồng uốn khúc. Bây giờ chắc hiểu tại sao người ta xây cung điện khổng lồ lên trên miệng núi lửa như thế (...) nếu không biết che giấu, Tây Tạng có thể trở nên một chiến trường đẫm máu do lòng tham vô độ của con người” (sđd trang 63).

Ông cũng đã đi nhiều chùa lớn và tu viện khác thuộc vùng phụ cận của Lhasa, để rồi một hôm - ông bất ngờ gặp một đại sư bí mật trong hẻm núi vắng lạnh và trở thành chuyện lạ nhất của chuyến hành hương. Vì chính cuộc kỳ ngộ đó đã đánh thức trí nhớ và công phu tu tập từ tiền kiếp của ông...

Giao Hưởng




Kỳ 2: Rời xứ tuyết


Trước ngày rời Lhasa, Lạt ma Thubten Osall Nguyễn Tấn Tạo đã gặp một vị Tổ sư sống ẩn dật trong hốc núi tuyết...

Gặp Tổ sư trong núi lạnh

Vào một ngày rằm, ông cùng Lạt ma Shamden (là vị Lạt ma được Pháp vương Tây Tạng cử đến ở cạnh ông) ra một bờ suối lớn vùng phụ cận Lhasa. Suối này uốn lượn thông đến các dãy núi cao và xa hút tầm mắt. Đến khúc quẹo vắng vẻ, ông tách ra đi dạo một mình và đột nhiên cảm thấy đường đi quen quen, giống với con đường ông đã thấy trong một giấc mộng trước đó. Quanh co gần cả buổi sáng, cuối cùng đến một hẻm núi vắng lạnh, bên trong có một người đang chờ ông, đó là vị Tổ sư (chữ của ông dùng) sống ẩn dật lặng lẽ không biết đã bao nhiêu năm ở đây.

Ông đảnh lễ ngài. Ngài lấy một tấm đá có khắc mấy dòng chữ đưa cho ông bảo hãy nhận lấy để hành trì pháp môn của Đức Bồ đề Đạt ma chính lý. Tiếp đó ngài đem yếu lý Tâm kinh Bát nhã ba-la-mật-đa ra truyền: “Ôi nhờ ngài chuyển tư tưởng mở cả trí não của bần đạo, làm cho bần đạo đoạt lý tâm kinh, mới biết đó là đại thần chú của tam thế chư Phật. Đảnh lễ cảm ơn giáo hóa. Ngài cười rồi đứng dậy rờ đầu bần đạo rằng: Nhân duyên trong đạo nhiều kiếp qua rồi, nay gặp nhau cũng còn dìu dẫn. Bông ưu đàm nải búp (đơm nụ) chẳng bao lâu sẽ trổ...”. Trong khoảng thời gian nhanh chưa đầy một búng ngón tay, ngài vẽ một bông sen trong lòng bàn tay phải của ông, nói: “Kinh (mang) tên bông này (ngươi) có tụng đọc mà chẳng đoạt lý hay sao?” (Kinh Diệu pháp liên hoa - tức Pháp Hoa).

Ngài lại “móc một cục đất dưới chân (đất mềm) nắn ra hình một cái chén, đoạn thổi một hơi khô queo. Ngài hỏi cái chi? Bần đạo đáp: Đất...”. Ngài khen: “Đúng lắm... trước nó là đất, bây giờ ra hình là cái chén”. Có ý bảo rằng: Đất có thể tạo nên nhiều thứ đồ dùng hình trạng khác nhau như chén, đĩa, bát, bình hoa... Nhưng cái thể chung nhất của các thứ đồ vật ấy vẫn là đất thôi. Người có con mắt đạo nhìn xuyên qua những hình tướng sai biệt bên ngoài để thấy cái “đồng nhất”, cái “nhất thể”, cái “nguyên sinh” của vạn vật, vốn không hai, không khác. Nếu có cái hai, ba, bốn, năm và nhiều vô lượng nữa thì vẫn chỉ là những “hoa đốm trên không” rốt cuộc sẽ bị hoại diệt như kinh Kim Cương chỉ rõ: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Nghĩa là phàm thứ gì có tướng trạng (như con người, các loài vật, nhà cửa, bàn ghế, cây cối, núi non, rừng rậm, tinh tú, các thiên hà) đều phải theo thời gian hư hoại. Từ nghĩa đó, Tổ nhìn thẳng vào ông chuyển trí để ông “thấu đáo kinh Kim Cương nghĩa lý nhiệm màu” và kêu lên: “Ôi! Tu trong mấy kiếp, đoạt lý một giờ...”.

Trở về nhà, ông không kể lại gì về chuyện mình đã gặp Tổ sư, mãi đến trước ngày rời Lhasa khoảng nửa tháng ông mới hỏi Samdhen: “Này huynh, vậy chớ huynh có biết hướng nam nơi dãy núi từ Bumpari chạy dài theo mé suối lớn có vị đại đức Lạt ma nào ẩn dật tu hành nơi ấy chăng?”. Samdhen đáp: “Khi tôi còn nhỏ trong khoảng 9 năm trời ở tại chùa Dzêsbung tôi đã nghe nói có nhiều vị đại Lạt ma ẩn dật trong hang núi để tu hành cao pháp (pháp tối thượng) nhưng ít ai gặp đặng các ngài... nhưng làm sao thầy biết vậy mà hỏi tôi?”. Ông đáp: “Nếu tôi không biết thì làm sao hỏi huynh đặng (...) tôi có đến gặp đại lão Lạt ma, người thông tiếng Hindou lắm”. Samdhen nài nỉ hỏi vị đại lão Lạt ma ấy nói gì. Ông bộc bạch thiệt tình: “Có, nhưng tôi không thể nói lại cho huynh hiểu... Vì nghe qua thì hiểu, mà nói lại thật khó lắm!”.


Tháp tròn tại chùa Tây Tạng (Bình Dương) tạo hình theo phong cách mỹ thuật Tây Tạng - Ảnh: Giao Hưởng 



Về lại Việt Nam

Sau hơn 5 tháng ở Lhasa (28.5 đến 29.10.1936), ông từ biệt Pháp vương Tây Tạng và các Lạt ma để lên đường về lại Việt Nam. Chuyến về lượt này đông hơn, vì có thêm 8 mã tử tháp tùng và 36 con ngựa thồ đồ đạc, với lộ trình phải trải qua từ Xhuxul, Bede, Namcachê, Ralum, Yăngsê, Khăngma, Kala, Tunna, Pharijong (trả ngựa), tiếp đến: Gialinkha, Chima, Natăng, Linhđam, Tchongthapa, Arakara, Kalimpong. Trên những chặng đường đó, ông ghé qua nhiều xóm làng tuyết phủ như Dranhđaziga, Yokăng, Samadước, Xhalu, vượt qua đỉnh Kharula, Nađăng, Zêlêla, ghé các quán gió hú hẻo lánh ở Nepal để uống vài ly trà nóng biệt ly... Đến chân dãy Himalaya, ông theo các tuyến xe lửa đi thấp dần xuống đồng bằng có nắng và đặt chân vào đất Ấn Độ, tới Calcutta, rồi xuống tàu đi Ceylon, hồi tưởng mới ở đỉnh núi tuyết lạnh lẽo, bây giờ tựa như chớp mắt ngủ dậy “sáng ra đã thấy biển mênh mông” quanh mình. Lên bờ, ông ra mắt “giáo chủ tại Đại học đường Pali” và nhận thêm một pháp danh tiếng Pali nữa: Manjusri (Manhgiusshri). Qua chuyến đi, ông ghi nhận tượng ngài Di lặc thờ ở Ấn Độ (và ở Tây Tạng) có khác với tượng Di lặc đang thờ ở Việt Nam (và Trung Quốc)...

Về lại Việt Nam, trong sáu năm từ 1944-1950, Lạt ma Thubten Osall Nguyễn Tấn Tạo (tức thiền sư Nhẫn Tế - Minh Tịnh) đã dịch bộ Lăng Nghiêm tông thông (do Nam Nhạc Tăng Phụng Nghi soạn), sau này được ấn hành bởi Thành hội Phật giáo TP.HCM, năm 1997, gồm hai tập, 1.463 trang (tái bản trọn bộ bởi NXB Tôn Giáo - Hà Nội 2002).

Giao Hưởng



 Kỳ 3: Cuốn nhật ký để đời


Lạt ma Thubten Osall Nguyễn Tấn Tạo là một trong những cao tăng Việt Nam đầu tiên đã đem xá lợi Phật về nước và cập bến Sài Gòn lúc 7 giờ sáng ngày 30.6.1937 sau cuộc hành hương dài hơn hai năm. Ông mang theo cuốn Nhật ký tham bái Ấn Độ - Tây Tạng ghi chép hằng ngày trên đường đi.

Lạt ma Thubten Osall Nguyễn Tấn Tạo, tức thiền sư Nhẫn Tế - Minh Tịnh, mất ngày 17.5.1951 tại Bình Dương, thọ 63 tuổi, nhục thân của ngài được nhập tháp để thờ tại chùa Thiên Chơn. Chùa Thiên Chơn nằm gần chợ Búng, vùng Lái Thiêu (huyện Thuận An, Bình Dương) do ngài thực hiện bản vẽ và chủ trì xây dựng năm 1940, với đặc điểm trên nóc chùa có một khối tháp lớn được tạo hình mỹ thuật giống như tháp ở Bồ đề đạo tràng Ấn Độ mà ngài đã tham bái.

Đây là cuốn nhật ký chứa đựng nhiều tư liệu giá trị về đời sống xã hội trên xứ tuyết, với các bài thơ, bài kệ do ông làm bộc lộ tấm lòng từ bi, kể cả các đoạn văn ghi lại cảnh sinh hoạt chợ búa bình thường vẫn chan chứa tình thương như khi ông đứng trước những cửa tiệm “bán đồ y phục kỵ hàn (chống rét) nhứt là áo may da trừu, da dê để y lông, cùng da các thú khác (ở Lhasa)... Da thú thuộc rồi treo lểnh nghểnh, chồng cả đống này lên đống kia, thiên hạ bu theo cái quán ấy mua… Bần đạo thấy da chúng thú thương tâm nên chi thà chịu lạnh chớ không đành mua đó làm ấm thân”. Chợ bán toàn thịt trâu, rượu xăng chế từ cơm nếp hồng, trà để pha sữa uống.

Ông viết “người xứ tuyết” không đặt lư hương trước bàn Phật mà “có chỗ riêng trống trải ngoài trời để đốt trầm, lá mộc bá, lá thơm tùy hỷ” như ở chùa Dzêss-bung. Chùa này “có tới 7.700 tăng chúng, hằng ngày có 100 tăng sư lo cúng dường, chùa có nóc vàng chói rực”. Ông cũng viếng chùa Sera, chùa Chôkhăng, đại già lam Galden, chạm tên (Thubten Osall, Nhẫn Tế - Minh Tịnh) di lưu tại tháp ngài Nămkha Giamsanh, thỉnh những cục đá nhỏ đem về kỷ niệm. Nhật ký cũng mô tả cảnh tuyết ngập “có chỗ cao đến hơn một mét”, cảnh vắng vẻ thấy “vật chết quăng ném cùng đường” nào là xương cốt, móng da nằm phơi giữa trời. Ông ghi nhận phần lớn người ông gặp trên dãy Himalaya rất tốt bụng, vật chi ai bỏ rơi ngoài sân trước ngõ cứ để nguyên chẳng ai lượm lấy, vì với họ“thân thể không cần, có tiền thì nửa phần ăn, nửa phần cúng dường, ngộ thiệt. Ăn lấy no chứ không lấy ngon. Mặc cho ấm chứ không cần tốt, mình mẩy không lo cho sạch, chỉ lo sạch cái tâm...”. Họ ăn trầu với cao tầm dung (?), hút thuốc để nguyên lá quấn lại.


Nóc chùa Thiên Chơn với mô hình tháp ở Bồ đề đạo tràng Ấn Độ - Ảnh: Giao Hưởng



Đến xóm Đôdark đi theo mé hồ lớn “muỗi mòng bay theo đen mịch, vừa đi vừa quạt” mới khỏi bị chích. Đến những dãy núi cao“không cây cỏ nào mọc nổi vì bị tuyết đóng dày hằng ngày nên dân (ở đó) phải dùng phân súc vật (như phân bò phân dê) làm củi đun nấu”. Lạ nhất là cảnh hầm đá cho nóng: “Hai người ôm rơm rải trong chòi rồi đem đồ vào, rồi lo đi hầm đá hòn, đến khi đá đã nóng đỏ thì gắp đá bằng kềm sắt spécial pour bỏ vào máng sôi ục ục, nước nóng lối 360, huynh Samdhen giầm trước nửa giờ, vào trùm (uống một chén nước cơm rượu) một hơi mồ hôi ra lai láng như xông. Huynh ấy nói, như vậy nước độc sẽ xuất ra hết, hết đau, mời bần đạo trùm một chặp, mồ hôi ra lau mình, nghe nhẹ nhàng xác tục”.

Về nông gia, nhật ký ghi xứ tuyết “có cấy thứ lúa bông như bông cỏ”, với hai loại: một loại lông đuôi cụt (gọi là nễ), thường dùng làm hèm rượu xăng, một loại lông đuôi dài (gọi là trô) thường dùng làm bột sadou, rang xay để đem theo ăn trên đường, khỏi nấu nướng.

Ông cũng ghi lại cảnh thiêu xác người chết trên sông Hằng, cảnh người theo phái hành xác nằm trần truồng trên đường phố Madras, cảnh diễu binh lớn ở Lhasa, cảnh múa hát, biểu diễn văn nghệ ở Tây Tạng, cảnh trời nắng song vẫn lạnh tái da, không ở trong nhà được, mà phải đem đồ ăn ra ngoài nắng ăn cho ấm bớt. Đến một hang đá có khói đóng đen, nơi đó người ta tử hình những kẻ phạm tội giết người: “Cách xử tử của xứ Bhutan lạ quá: đem người tội sát nhơn đến mé suối và cái thây bị sát tử cũng khiêng đem đến đó, rồi nấu cơm, đồ ăn cho tội nhơn ăn no nê, đoạn cột bó người tội nhơn với các tử thi của nó đã sát hại, cột bó hẳn hòi rồi quăng xuống suối”. Còn ở Tây Tạng xử khác hơn, bỏ tù, rồi mỗi ngày đánh đòn từ 10 đến 50 roi tùy án nặng nhẹ.


Tháp thờ nhục thân của Lạt ma Thubten Osall Nguyễn Tấn Tạo (ở chùa Thiên Chơn) - Ảnh: Giao Hưởng


Dự một lễ cúng có 4 vị mang mặt nạ rồng, cầm đuốc bước tới trước pháp đàn múa trong nửa giờ, rồi phà lửa khắp nơi quanh pháp đàn với ý nghĩa đốt các tật xấu xa trong tâm người, đoạn “cả thảy lẳng lặng nghe hòa thượng tụng kinh cúng dường, dưng hương, có đủ thứ hương như: thiên hương, đồ hương, trầm thủy hương, tô lạc”... Đến dốc Nhaip-xốc-la (nhaip là đất, xốc là lưng) ông viết: “Lên đèo này ước vài giờ mới tới đảnh, xuống ngựa, vì xuống cái dốc ải này, ngựa dắt đi còn trợt lên, trợt xuống, hà huống là cỡi. Đi bộ suốt 3 giờ đồng hồ mới tới triền bình địa, mệt ngất lên ngựa đi tới 10 giờ rưỡi mới đến làng Dum-bô-chê”. Tương tự như thế, nhật ký ghi lại những chi tiết trên đường hành hương đến Tây Tạng huyền bí.

Nhật ký trên hiện lưu giữ tại chùa Tây Tạng (Bình Dương) với bảng in ronéo (chưa ấn hành) trên khổ giấy A4 dày 316 trang, mà chúng tôi may mắn được đọc.

Giao Hưởng

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111118/hanh-trinh-ky-la-cua-mot-nguoi-viet-den-tay-tang-ky-1-den-lhasa.aspx