Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

BỆNH BI KỊCH



(TGNNT Online) - Cuộc sống vội vã quá nên con người càng lúc càng ít trìu mến nhau. Người ta càng lúc càng khó khăn để thấy mặt tốt đẹp của người khác, và nhìn đâu cũng thấy bi kịch, kể cả nhìn vào cuộc đời mình.



CHUYỆN CỦA MỘT GÀ TRỐNG

Bạn tôi vui mừng thông báo. “Mình ấm lên sau một đêm dài”. Anh đã có một cách chi tiêu quỹ thời gian rất hợp lý. Ban ngày dành thời gian cho công ty, giảng dạy, dự hội thảo. Tối ăn cơm cùng con, chơi với con và đêm làm những việc yêu thích như dịch thuật, soạn bài và niềm đam mê bất tận - hội họa. Anh vô cùng khó xử khi cô con gái nhỏ luôn muốn có ba nằm ngủ ngay bên cạnh. Mà sau một ngày mệt mỏi đến lúc con ngủ thì mình cũng ngủ quên. Nếu chạy sang phòng làm việc thì con bé con sẽ dậy và khóc, rất khó kiểm soát. Cả mấy tháng trời từ khi đón con về nhà anh không làm được gì vào đêm khuya. Sự buồn bã, bực bội cứ tăng lên dần. Không thể đổ lỗi cho cô bé. Khó khăn lắm anh mới thuyết phục người vợ cũ cho anh được gần con khi cô ấy đi lấy chồng mới. 

Có ai nghĩ một người lão luyện trong xử lý khủng hoảng tài chính, dạy dỗ bao thế hệ học trò với niềm đam mê, những bài dịch tâm huyết lại có phút ngớ ngẩn không tìm nào tìm được cho mình một giải pháp? Rồi có một tối, anh quên khép cửa phòng ngủ, con mèo vọt ra đem theo luồng ánh sáng từ đèn hành lang. Anh đi ra và ngay ở bậc thềm... Sao mình không ngồi ngay ngoài hành lang làm việc nhỉ? Ban đầu anh đặt laptop và nằm dài ra tạm bợ. Sau đó anh đi đóng một cái bàn làm việc di động ngay ở hành lang. Hà cớ sao cứ phải nằm phòng ngủ canh hay sang phòng làm việc chỉn chu để con bật dậy không thấy bóng ba? Chúng ta chắc chắn thấy nhạt vì chuyện có vậy mà không nghĩ ra nhưng sự thật là nhiều lúc người trong cuộc vì rối ren, vì tối tăm một cách đột xuất đã không tìm ra cách lật bàn tay đơn giản như thế.

TÌNH YÊU ĐŨA MỐC VỚI MÂM SON

Cô ấy là tiến sĩ. Cô lấy anh chàng lái xe của Viện. Ngày ngày vẫn chở cô và giám đốc Viện, các vị chức sắc lớn nhất đi công cán. Ai cũng xì xào đũa mốc chòi mâm son, lấy thế về suốt ngày chỉ sống trong tự ti. Vì bằng cấp của anh là học hết cấp hai, phá phách đến tuổi mười tám, người quen bắt đi học lái xe và dúi vào Viện. Một lần bạn lân la hỏi bằng được câu “Anh lấy vợ thế không tự ti à?”. Anh cười thoải mái “Tôi là đàn ông còn cô ấy là đàn bà. Có gì mà tự ti”. Sau này anh xin nghỉ hưu sớm, con gái duy nhất đi du học. Ngày ngày anh trở thành người ủi quần áo cho vợ đi họp hành, tham gia các hội nghị, xuất hiện trên truyền thông. Anh rất tự hào về việc đó. “Có ai vừa đẹp lại vừa giỏi được như vợ tôi đâu. Thích nhất là được nhìn thấy vợ mặc những bộ đồ do mình ủi, ăn những món ăn do mình nấu”. Anh cũng không nề hà lái xe tiếp tục đưa vợ đi những chuyến công cán trong nước. Đừng có gì ngạc nhiên cả. Hạnh phúc chỉ vậy thôi. Khi vợ đang tiệc tùng với những sơn hào, hải vị thì chồng nằm ở ghế bố bãi biển gần hội nghị bắn một bi thuốc lào đầy sảng khoái. Họ hạnh phúc thực sự. Hoàn toàn không có kiểu đũa mốc chòi mâm son như thiên hạ bàn luận. Họ bình đẳng với người mình yêu nên họ hạnh phúc. 

Tôi biết một người có công việc tốt, nhân thân gia đình tốt nhưng họ khó có một tình bạn dài lâu, khó có một vị trí cao, khó có thành công vượt trội. Bởi vì cái lớn nhất ngăn cản họ chính là sự ghen tị. Họ ghen với người hơn họ, dè bỉu với kém họ. Họ cố chứng minh người hơn họ chẳng qua là bồ bịch mà tiến lên được, chẳng qua là nịnh bợ, phò tá đắc lực, chẳng qua là ăn may. Người kém họ thì tội nghiệp, nhếch nhác, nghĩ người ta dốt nát đến mức cậy đầu cũng không biết ngẩng lên. Rồi vẫn những ấn tượng xưa cũ. Họ quên mất rằng qua năm tháng ai cũng có khả năng trưởng thành, ai cũng nỗ lực và hoàn toàn có cơ sở để đi xa hơn điểm xuất phát ban đầu. Chỉ có người dè bỉu ghen tị, đố kỵ là ở lại. Bởi vì họ đâu còn thời gian làm việc khác. Họ nghĩ cả xã hội đang bẩn thỉu, đang báo động, đang thế này thế kia, trong khi tất cả mọi thứ đều có hai mặt.

Niềm vui hay nỗi buồn ngoài những tác động ngoại cảnh, phần nhiều đến cả từ những suy nghĩ. Cho là nhẹ như không thì là nhẹ như không. Cho là nặng như chì thì là nặng như chì. Tìm niềm vui không khó nhưng đó là cả một quá trình. Nó cần sự kiên nhẫn. 

TÌM NIỀM VUI Ở ĐÂU?

Học cách yêu những sự vật nhỏ nhất. Vui với niềm vui của chính người khác. Như cô bạn ghen tị kia thì cả đời niềm vui chẳng bao giờ đến. Cô còn mải đi ghen tị, thay vì mừng lây với niềm vui của người khác và lấy làm động cơ phấn đấu. Cũng vì mải chạy theo những chép miệng thương hại nhỏ nhoi mà cô bỏ lỡ nhiều cơ hội mà những người còn kém cô nhặt được.

Trong niềm vui có góp phần của những nỗi buồn tích tụ và ngược lại. Cho đến khi nào niềm vui/nỗi buồn đến đỉnh của nó và luân chuyển thành cái đối cực. Giống như hết mưa thì đến nắng hửng lên thôi. Niềm vui phát sinh từ bên trong, có sức hóa giải những vất vả khó khăn.

Người bạn thân của tôi có một vẻ ngoài trẻ đẹp đến ngạc nhiên mà không phải qua một thứ mỹ phẩm nào. Cô lại chịu khó chăm chút ăn mặc dù không phải là đồ hiệu. Ai cũng nghĩ cô hưởng một đời sống an nhàn, khá giả lắm. Kỳ thực cô có một ông chồng liệt người bảy, tám năm nay. Một mình cô vất vả kiếm tiền thuốc thang nuôi chồng, chăm chồng, ngoài ra còn hai đứa con dại và mẹ chồng già nua. Khi tôi luôn tìm cách giúp đỡ cô cái này cái kia và khi trao sự giúp đỡ bao giờ tôi cũng không tránh khỏi ái ngại, xót xa. 

Một lần, cô đã chặn bàn tay tôi đang giang ra, thẳng thắn “Mình cần sự giúp đỡ của cậu. Rất cần. Nhưng mình muốn từ chối. Mình thực sự không thích sự thương hại của cậu”. “Cậu hiểu nhầm rồi, mình thương cậu”. “Cậu không thấy mình hạnh phúc ư?”; “Cậu quá khổ đi!”. Mắt tôi và cô đều ngấn nước.

“Này nhé, mình có một người chồng danh chính ngôn thuận. Anh bị tai nạn nhưng may mắn còn sống. Hàng ngày mình được chăm sóc, trìu mến gọi là chồng. Các con được gặp bố mỗi ngày. Mình có mẹ già để chia sẻ bầu bạn. Bà giúp mình trông chừng bọn trẻ. Đêm hôm vất vả có bà cảm thông. Còn bọn trẻ thì không phải bàn rồi. Ngôi nhà u ám, bệnh tật của mình được sưởi ấm bởi chúng. Mình như con gà mái đi tìm mồi rồi bươn bả về nhà để sum họp. Có những bốn người đang đợi mình, không phải đó là hạnh phúc sao?”. Rồi bạn chỉ vào vẻ ngoài của bạn “Đừng nghĩ mình se sua. Mình không muốn giả rách rưới, cố gắng hay vô tình rách rưới. Đó là sự cẩu thả không tôn trọng bản thân, làm bệ rạc mình. Không có điều kiện mua thứ gì đó quá nhiều tiền nhưng vén khéo trong mức của mình cũng đủ sáng sủa để gia đình mình, bạn bè mình, con mình, chồng mình, mẹ già mình nhìn mình để thấy sự vui vẻ, nhanh nhẹn, yêu đời tỏa ra từ mình”. 

Tôi khâm phục người bạn của tôi như một người đàn bà vĩ đại đã thấu hiểu và hành động theo một chân lý giản dị. Cô tự lật bàn tay để tìm hơi ấm trong sự lạnh lẽo và tuyệt vọng nhất. Cô làm cho chúng ta tin rằng vẫn còn những điều tốt đẹp thực thụ giữa một thế giới ích kỷ và mất nhân cách - Một thế giới hầu như tìm đường thoát bằng ngoại tình, đổ lỗi cho hoàn cảnh, điên loạn bởi muốn đạp bằng đường người khác xuống cho thấp kém như mình. 

Tại sao nên nhìn đời tích cực

Tránh bệnh tật

Trường ĐH Pittsburgh nghiên cứu với hơn 100 ngàn phụ nữ (50-79 tuổi) tham gia cho thấy những người lạc quan sẽ giảm 9% nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới tim. Nghiên cứu cho thấy những người có tính cách, suy nghĩ tích cực ít tử vong vì các bệnh như tiểu đường, huyết áp cao, hoặc tử vong do liên quan với các chứng mỡ máu cao, trầm cảm, hút thuốc, công việc ngồi 1 chỗ hoặc thừa cân, béo phì. Ngược lại, những phụ nữ thường xuyên hoài nghi, thù địch là có nguy cơ tử vong cao nhất. Trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ Hilary Tindle nói: “Tôi luôn mong bệnh nhân của mình sẽ giảm được những suy nghĩ tiêu cực nói chung, để tránh những nguy hiểm cho sức khỏe. Một nghiên cứu độc lập của ĐH Alberta (Canada) cho thấy những mong đợi tích cực sẽ giúp bệnh nhân hồi phục vết thương nhanh gấp 3 lần. Trong khi những người mất niềm tin thì sẽ cần gấp 4 lần thời gian để bình phục và cảm giác về bệnh tật còn theo họ 6 tháng sau đó.

Giải quyết mọi vấn đề dễ dàng hơn

Điểm hạn chế ở những người tiêu cực là họ luôn tin vào những tình huống tệ nhất – và nó luôn bám theo họ, tác động tới mọi hành động họ làm – đây chính là tai hại lớn nhất. Sự thật là, dù người ta có lạc quan đến mấy, thì họ cũng vẫn phải đối mặt với những khó khăn ở cái thế giới này. Khác biệt duy nhất là ở chỗ họ giải thích sự thiếu may mắn của họ. Họ tin tưởng rằng thất bại chỉ là giai đoạn “nghỉ ngơi”, và nó luôn song hành cùng mọi chuyện. Người lạc quan tập trung và lên kế hoạch cho những “vấn đề” phát sinh ngay lập tức. Họ dùng cách “định nghĩa lạc quan”. Nói cách khác, họ suy nghĩ khác đi những trải nghiệm khó khăn theo cách giúp họ rút ra được kinh nghiệm và trưởng thành. Một số người cảm thấy bình thường trước khó khăn, vì họ coi nó như là một thứ thách để vượt qua. Họ không nói “Mọi thứ sẽ chẳng khá khẩm hơn được đâu”, “Nếu mình thất bại lần nữa, chắc đi luôn quá!” hay như “Nếu mình đen đủi một lần, cả đời mình về sau sẽ đen lắm đây”.

Cả thế giới sẽ mỉm cười với bạn

Theo một lời bài hát cổ, khi bạn mỉm cười, cả thế giới sẽ mỉm cười với bạn. Các nhà tâm lý học khẳng định điều này hoàn toàn đúng.“Hai người cùng nhìn từ một phía: một người thấy bùn lầy, người kia thấy các vì sao” (Frederick Langbridge). Trong cuộc sống, bạn luôn phải đưa ra những sự lựa chọn cho mình. Bạn chọn mình là kẻ luôn bi quan, sống một cuộc sống tẻ nhạt, tối tăm hay bạn chọn là một người nhìn đời đầy lạc quan và luôn sống với sự hào hứng, sôi nổi? Những người lạc quan luôn đi tiên phong và ít phụ thuộc vào người khác. Họ thấy không cần thiết phải kiểm soát hay điều khiển mọi người. Họ chỉ cần hướng sự chú ý của người khác về phía mình. Quan điểm lạc quan của họ có thể “lây nhiễm” cho những người khác và tác động đến những người xung quanh. Sự lạc quan có lẽ là mong muốn chung của cả cộng đồng. Những người sống lạc quan thường được chấp nhận, trong khi những người u sầu, u dột hay hơi “hâm hấp” sẽ bị đối xử không thiện chí. Trong cuộc sống, những người “yêu đời” thường được tín nhiệm hơn, và thường được tìm đến để xin lời khuyên.

(Tổng hợp)

Người viết : Dương Nữ Khánh Thương
http://www.thegioinguoinoitieng.vn/news/detail/benh-bi-kich-347.html