Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Âm nhạc và sức khỏe

Không chỉ vực dậy tinh thần uể oải, những giai điệu, ca từ êm đềm còn giúp ăn ngon miệng, bệnh mau lành... Bất kỳ ai cũng có thể tự kiểm chứng tác động tích cực, hoặc tiêu cực, của âm nhạc lên sức khỏe và tinh thần.

Bạn có thể nhắm nghiềm mắt, lắc lư và... bay bổng theo một giai điệu êm ái. Nhưng bạn cũng có thể nổi khùng vì giọng karaoke như... đấm vào tai của cô hàng xóm.

Âm nhạc có ảnh hưởng lớn đến tinh thần

Âm nhạc tác động đến người nghe theo ba mũi: giai điệu, ca từ, tần số.

Lời ca sâu lắng, thâm thúy có thể khiến ai đó phải vỗ đùi đánh đét, trở nên phấn chấn và hướng thiện. Ngược lại, những ca từ nhạt nhẽo, thiếu chất xám làm thính giả ngao ngán thở dài.

Tuy nhiên, hiệu quả còn tùy thuộc lứa tuổi, trình độ (một chú bé tuổi ô mai lĩnh hội âm nhạc khác xa với một thính giả U50). Giai điệu chính là "át chủ bài" của âm nhạc. Giai điệu vui tươi, hùng tráng chí ít cũng tương đương với một tác cà phê đậm, đủ giúp người nghe xóa đi những mệt mỏi, căng thẳng.

Đôi khi, nó mãnh liệt như một liều thuốc hồi sinh. Ở thái cực khác, âm sắc não tình, vàng vọt dễ dàng làm trầm trọng thêm suy nghĩ yếm thế, chán đời. Từng có chững ca khúc trở thành kẻ "ngộ sát" khi gây ra hàng lọat vụ tự tử chỉ vì vô tình "đổ dầu vào lửa".

Âm nhạc thực chất là một dạng âm thanh, trong đó có cả tiếng ồn. Vì thế, việc điều chỉnh volume hoàn toàn có thể biến bản Sonata ánh trăng êm đềm thành... một tràng tiểu lên chát chúa.

Nếu ai đó có ý định giao nhạc Trịnh cho một ban nhạc pop rock chơi thì chắc không ai dám thưởng thức với mục đích tìm sự tĩnh lặng cả.

Lợi ích mà các giai điệu mang lại cho sức khỏe

Từ lâu, người ta đã nhận ra âm nhạc ảnh hưởng tích cực đến nhiều mặt của sức khỏe. Thậm chí, nó được xem như âm nhạc liệu pháp. Nhiều bằng chứng cho thấy cơ thể là một "fan" nhiệt thành của âm nhạc, từ hệ thần kinh, tuần hoàn, tim mạch, nội tiết, miễn dịch đến cả vấn đề sinh sản và sinh dục.

Nhiều bệnh nhân cao huyết áp chính nhờ Nam Cao hay Từ Linh- Đoàn Chuẩn mà hạ được số đo áp huyết của mình, hoàn toàn không cần dùng thuốc. Vết thương hậu phẫu sẽ chóng lành hơn nếu người ta trang bị thêm một chiếc loa phát nhạc thính phòng trong phòng hồi sức.

Đứa trẻ thưởng thức lời ru ngọt ngào của mẹ từ khi chưa sinh ra được cho là sau này sẽ thừa hưởng thể chất thông minh và tính khí hòa nhã...

Chi tiết hơn, người ta dễ dàng phát hiện trong máu những người thích phiêu diễn với âm nhạc một lượng lớn hormone hoặc chất dẫn truyền thần kinh, như: adrenalin, cathecolamin, endorphin, cortisol... Tùy từng loại sẽ tạo ra các trạng thái hưng phấn, yêu đời, đau buồn, thất vọng... Nhiều người cho rằng âm nhạc còn có tác dụng "tẩm quất" giúp thư giãn cơ bắp, lưu thông máu huyết.

Hệ tiêu hóa cũng là "thính giả" của giai điệu. Dịch vị, dịch tụy, dịch mật tiết ra nhiều, giúp chúng ta ăn ngon miệng, dễ tiêu.

Hãy làm bạn với thể loại nhạc phù hợp

Nhưng như mọi thứ khác, âm nhạc cũng có mặt trái. Rõ ràng, chỉ những giai điệu êm ái, vừa phải mới là món quà tinh thần và sức khỏe. Trái lại, loại nhau chát chúa, gào thét chẳng hứa hẹn gì nhiều cho người nghe.

Hiện tượng nghễnh ngãng ngày càng tăng ở giới trẻ thích nghe loại nhạc kích động, rộn ràng hoặc do bất ly thân với chiếc headphone. Không ít trận đua xe kinh hoàng, đánh nhau chí tử trên đường phố đều lấy ngòi nổ từ thuốc lắc, loa thùng dập hết cỡ mà ra...

Cuộc sống bận rộn tước mất của chúng ta thời gian thưởng thức âm nhạc. Đây là một thiệt thòi lớn cho cả tinh thần và sức khỏe. Nên cố gắng "phục hưng" thú giải trí này. Có thể sau đó, bạn sẽ nhận ra cuộc đời thật ra thi vị và bình an hơn ta tưởng.

Theo BS.Đỗ Minh Tuấn
TGVH
Việt Báo (Theo_Tien_Phong)