Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Giáo sư thiên văn gốc Việt nói về 'ngày tận thế'

73.1
Mai Xuân Tùng
Giao lưu với sinh viên Đại học FPT (tại Hà Nội) tối 8-12, Giáo sư gốc Việt nổi tiếng thế giới về lĩnh vực thiên văn Trịnh Xuân Thuận, chia sẻ quan điểm về ngày tận thế, cũng như cung cấp nhiều thông tin bổ ích về khoa học vũ trụ.

2012 - năm tận thế: “Tôi không tin!”
Trong buổi giao lưu, nhiều bạn trẻ hỏi vị Giáo sư Thuận chủ đề ngày tận thế. Trước câu hỏi “Các nhà tiên tri nói 2012 là năm tận thế, ông có tin không?” Giáo sư Thuận nói: “Tôi không tin vào tin đồn này. Tôi cho rằng, đó là tín ngưỡng chứ không phải khoa học. Tôi từng nghe câu chuyện ở thời điểm nào đó các hành tinh sẽ nằm trùng trên đường thẳng, nhưng ít nhiều con người có thể tính toán được ảnh hưởng của nó tới trái đất. Nhiều người nói năm 2000 là năm tận thế, nhưng điều này không xảy ra và chúng ta vẫn đang ngồi đây”.
Có bạn trẻ dẫn ý kiến của nhiều nhà khoa học về vũ trụ giãn nở, dần dần các ngôi sao chết hết, hình thành lỗ đen. Khi đó, vũ trụ sẽ lạnh hơn, chỉ còn bóng tối bao phủ... Giáo sư Thuận khẳng định: Ngày tận thế của Trái đất nói riêng và vũ trụ nói chung là câu chuyện quá xa xôi. Tương lai của vũ trụ phụ thuộc vào vật chất và năng lượng trong vũ trụ.
Về sự tồn tại của Trái đất liên quan tới những thiên thạch, Giáo sư Thuận nêu quan điểm: Trên cơ sở những bức ảnh nghiên cứu về sự thay đổi của bầu trời, tính toán về quỹ đạo của những thiên thạch có ảnh hưởng tới Trái đất, mọi người yên tâm, trong tương lai gần không có thiên thạch nào sẽ đổ vào hay gây nguy hiểm cho Trái đất.
Nếu giả sử có đi chăng nữa với kiến thức khoa học hiện đại con người cũng sẽ có những biện pháp làm nổ thiên thạch hoặc di chuyển đường đi để thiên thạch không ảnh hưởng gì đến chúng ta.
Điều đáng quan tâm hiện nay chính là sự biến đổi khí hậu do chính con người gây ra. Trái đất đang nóng lên, băng tan ra là câu chuyện đáng quan tâm trong 50 năm nữa. “Đây mới là điều cần thiết phải quan tâm hơn là cái chết của vũ trụ trong hàng tỷ tỷ năm nữa” – Giáo sư nhấn mạnh.

Tin vào kiếp luân hồi
Trong buổi giao lưu, GS Thuận còn chia sẻ về thông tin ông cũng là một phật tử. Giữa Phật giáo và khoa học có những mối liên hệ tương đồng. “Giáo lý cơ bản của Phật giáo là vô thường, trùng khoa học” – Giáo sư Thuận cho hay.
Ông giải thích, vô thường trong Phật giáo nghĩa là mọi thứ đều thay đổi, vận động. Đó cũng là đề tài của khoa học thế kỷ 20. Trước kia, người ta tưởng vũ trụ là bất biến, theo quan điểm của Aristotle. Nhưng sau này, khoa học đã chứng minh, vũ trụ thay đổi. Và trong vũ trụ, mọi vật đều thay đổi. Mỗi một thứ đều được sinh ra, sống cuộc đời của nó rồi chết đi. Thứ hai, Đức Phật cũng nói rằng, mọi sự vật trên thế gian đều hiện hữu dưới hình thức các mối quan hệ.
Giáo sư Thuận cho biết, ông tin vào kiếp luân hồi. Bởi luân hồi là sự biểu hiện của những mối liên hệ với nhau. Đó là mối liên hệ giữa loài người với loài người, với các sự sống trên Trái đất. Luân hồi không phải là vật chất. Còn khoa học chỉ giải thích vật chất; tâm linh không tồn tại trong khoa học.
Khoa học có thể dự đoán được, nhưng khoa học là không đủ, con người chúng ta phải biết sống minh triết, sống có tâm linh thì mới giữ gìn được chính vũ trụ của chúng ta…” - Giáo sư Trịnh Xuân Thuận nói.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận (sinh năm 1948) là nhà khoa học người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn, là nhà văn viết nhiều sách có giá trị cao về vũ trụ học và về những suy nghĩ của ông trong tương quan giữa khoa học và Phật giáo. Ông còn là nhà thơ, một triết gia, một Phật tử và một nhà hoạt động cho môi trường và hòa bình.
Ông đã nhận nhiều giải thưởng trong lĩnh vực thiên văn và trong lĩnh vực văn hóa xã hội: Giải Moron 2007 của Hàn lâm viện Pháp; Giải Kalinga 2009 của UNESCO về các đóng góp trong việc đại chúng hóa khoa học.
http://www.phattuvietnam.net/nghiencuu/phat-giao-va-khoa-hoc/17353-gi%C3%A1o-s%C6%B0-thi%C3%AAn-v%C4%83n-g%E1%BB%91c-vi%E1%BB%87t-n%C3%B3i-v%E1%BB%81-ng%C3%A0y-t%E1%BA%ADn-th%E1%BA%BF.html