Thích Nhất Hạnh
Không thể hiểu được chánh kiến, chánh tư duy và chánh
ngữ nếu không biết rằng tất cả chúng ta đều có hạt giống của những chánh đạo
này trong tâm thức. Hạt giống của ngôn ngữ căn cứ trên tưởng. Tưởng là tri
giác.
Nhắc lại, năm yếu tố tạo thành con người là Sắc, Thọ,
Tưởng, Hành và Thức.
Sắc là
phần sinh lý. Thọ là cảm giác. Tưởng là tri giác (perceptions).
Tri giác gồm có hai phần: năng tưởng và sở tưởng. Một
là chủ thể của tri giác, hai là đối tượng của tri giác. Chúng ta thấy một cái
bàn, cái bàn mà chúng ta đang thấy và đang sờ vào là đối tượng của tri giác, của
tưởng. Còn tự thân cái bàn có thể rất khác. Đối với một con mọt đang ăn cái bàn
thì đó là một kho thức ăn.
Cũng một dòng sông, đối với con cá là nhà cửa, lâu đài
của nó mà đối với chúng ta đó là cái chỗ để lấy nước tắm và giặt. Khi hai người
ghét nhau, thì trước hết họ ghét cái đối tượng tri giác, cái tưởng của họ về
người kia. Nhưng tự thân người kia so với ý niệm mình có về người kia thường rất
khác nhau.
Hai kẻ yêu nhau cũng vậy. Người được yêu khác với hình
ảnh trong tri giác người đang yêu. (Cưới về ba, bốn năm sau mới thấy được một
phần sự thật!). Vậy tri giác có thể rất sai lầm, rất khác với cái sở duyên
duyên đã giúp tạo ra đối tượng của tri giác. Ví dụ như ta chụp ảnh cây bồ đề.
Nhìn hình ảnh ta thấy cây bồ đề, nhưng đó chỉ là hình ảnh
cây bồ đề thôi. Cây bồ đề thật ở ngoài không phải là cây bồ đề in trên phim ảnh.
Chánh kiến tùy thuộc vào tưởng.
Vì thế luôn luôn ta phải dùng chánh niệm, phải trở về
khám phá những thiếu sót, sai lầm của tưởng. Đó là phương pháp duy nhất để cho
cái thấy của ta bớt sai lầm, để tăng thêm phần chánh kiến. Chánh kiến mạnh thì
tư duy mới vững vàng được.
Uẩn thứ
tư là hành (mental
formations). Hành tức là những hiện tượng tâm lý phát khởi trong ta. Vui, buồn,
giận, ghen, thương, ghét, đều là hành. Chữ Phạn là cittasamskara. Giáo lý duy
thức của đạo Bụt Bắc Truyền nói tới 51 loại tâm hành. Năm tâm hành phổ biến nhất
là xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, trong đó có thọ và tưởng. Thọ và Tưởng là những
tâm hành rất quan trọng trong số năm tâm sở biến hành, nên được tách ra liệt kê
thành hai uẩn. đạo Bụt Nam Truyền, hệ phái Theravada cũng nói có 50 tâm hành.
Uẩn thứ
năm là thức (vijnana).
Tất cả những cảm thọ và tri giác của chúng ta đều có hạt giống chứa ở trong thức.
Thức ở đây phải hiểu là tâm địa, là đất tâm, tức là mảnh vườn trong đó có sẵn tất
cả những hạt giống của tâm hành, gọi là chủng tử. Chúng ta có chủng tử của tình
thương, của sự ghét bỏ, chúng ta có hạt giống của sự trung kiên, hạt giống của
sự phản bội.
Chúng ta có đủ các loại hạt giống, tốt cũng như xấu.
Thức ở đây còn gọi là nhất thiết chủng thức. Nhất thiết chủng (sarva bijaka) là
tất cả các hạt giống. Phật giáo Nam Truyền, hệ phái Đồng Diệp Bộ (Theravada,
Tamrasatiyah), có nói về Hữu phần thức (bhava anga citta). Đây là cái tương
đương với nhất thiết chủng thức. Còn Hữu Bộ thì gọi là căn bản thức. Tất cả
chúng ta đều có hạt giống của chánh kiến.
Có chánh kiến, không phải tại vì Bụt trao cho ta, thầy
trao cho ta, mà vì chúng ta có sẵn hạt giống chánh kiến trong tâm rồi. Khi
chúng ta nói ‘‘Phật tại tâmì là nghĩa như vậy. Tuệ giác đó đã có sẵn ở trong
tâm thức của ta. Tuệ giác ấy chỉ cần người hay hoàn cảnh giúp khơi mở ra thôi.
Có thể đó là Bụt, là thầy, là bạn, có thể là một nỗi đau khổ cùng cực của ta.
Khi ta đau khổ nhiều tự ta cũng có thể khơi mở được chánh kiến.
Ngày Bụt thành đạo, Ngài ngồi thiền suốt đêm. Và buổi
sáng tinh sương, nhìn lên thấy ngôi sao mai mọc, Ngài đạt được quả vị vô thượng
chánh đẳng chánh giác (giác ngộ hoàn toàn). Những lời đầu tiên mà Bụt thốt ra
chứa đựng một chút ngạc nhiên.
Ngài nói: ‘‘Lạ quá, tất cả mọi người đều có tuệ giác
trong lòng. Vậy mà đời này sang đời khác, kiếp này sang kiếp khác, con người cứ
trôi lặn trong biển trầm luân, khổ ải. ì Câu nói của Ngài có nghĩa rằng tuệ
giác Ngài đạt tới không phải được từ bên ngoài mang vào mà đã từ trong chiều sâu
tâm thức phát hiện lên. Hạt giống của trí tuệ, hạt giống của từ bi đều có sẵn
trong tâm thức mỗi người.
Hạt giống chánh kiến ở trong tâm thức ta gọi là giác
tánh. Tất cả chúng sinh đều có sẵn giác tánh, nên ta vẫn nói rằng Bụt ở trong
lòng. Phật tức tâm là một sự thật có thể chứng nghiệm được, chứ không phải là
lý thuyết. Vì nếu không sẵn hạt giống giác tánh thì có tu, có học gì chúng ta
cũng sẽ không thành công.
Tu học có nghĩa là tạo những điều kiện tưới tẩm cho hạt
giống tuệ giác nở ra. Khi hạt giống của chánh kiến nẩy mầm rồi, tự nhiên tư duy
sẽ đi vào đường chánh. Càng thực tập chánh tư duy, chúng ta lại càng giúp cho
những hạt giống chánh kiến khác nẩy nở thêm. Chánh kiến nuôi dưỡng chánh tư duy
và chánh tư duy khơi mở thêm chánh kiến. Rồi nhờ sự phát triển của chánh kiến
và chánh tư duy mà chánh ngữ biểu hiện. Bởi vậy khi lời nói của chúng ta còn
gây ra đau khổ thì ta phải biết là cái thấy của chúng ta chưa sáng, và tư duy của
chúng ta chưa đúng.
Ngôn ngữ có hạt giống trong đất tâm. Những lời nói,
kho ngữ vựng, những hình thức diễn tả trong ngôn ngữ đều có hạt giống ở đấy cả.
Tu tập chánh ngữ bắt đầu từ tâm, bắt đầu từ tưởng, tức là tri giác. Tri giác
sai lầm sẽ sinh nhiều tà kiến. Tri giác càng đúng thì càng thêm chánh kiến. Tri
giác sai lầm, tư duy chúng ta sẽ sai lầm. Chúng ta thấy mối liên hệ rất mật thiết
giữa chánh ngữ, chánh kiến và chánh tư duy. Cho nên nếu chúng ta muốn tu tập
chánh ngữ thật vững chãi thì chúng ta phải dựa trên chánh kiến và chánh tư duy.
Vì vậy các vị bồ tát sau khi tu tập chánh kiến và
chánh tư duy thì đạt tới biện tài. ‘‘Trí tuệ hoằng thâm đại biện tài. ì Biện
tài ở đây không phải là nói khéo. Biện tài chính là ‘‘nhất thiết ngữ ngôn tam
muội, ì phát hiện khi bồ tát có chánh kiến và chánh tư duy vững chãi. Biện tài ở
đây là khả năng nhiếp phục được người khác, khả năng khai thông cho tâm ý, làm
cho người ta bỏ con đường mê tối mà hướng tới con đường sáng. Đôi khi chỉ cần
nói một hai câu mà có thể đưa người khác trở về với con đường an lạc. Trí tuệ
hoằng thâm đại biện tài nghĩa là nhờ trí tuệ sâu rộng, nên bồ tát đã đạt tới biện
tài vô ngại để thuyết pháp độ sinh.
Sự tu tập chánh ngữ phải căn cứ trên chánh kiến và
chánh tư duy. Những hạt giống của tri giác nằm sâu trong tâm thức, những hạt giống
của tư duy cũng ở sâu trong tâm thức, những hạt giống ngữ ngôn cũng vậy, ba loại
hạt giống đó có dính líu với nhau. Trong tương giao giữa mọi người, chúng ta cần
tập nhìn đúng, nghĩ đúng về người khác. Muốn tập chánh ngữ, ta phải bắt đầu bằng
sự quán chiếu về người và về mình. Xung đột giữa vợ chồng, cha con hay bạn bè
có khi xảy ra chỉ vì lời nói. Tu tập chánh ngữ trở thành một yếu tố rất quan trọng
để gây niềm thông cảm.
http://daitangkinhvietnam.org/nghien-cuu-phat-hoc/phat-hoc-can-ban/1626-trai-tim-cua-but-ai-ngu.html