Phật pháp nói rằng “Vô thường tức là
thường”. Câu này phải hiểu thế nào ?
Có hai cách giải thích:
1) “Hết thảy mọi pháp đều vô thường”. Định luật này áp dụng cho tất cả mọi sự vật, ở mọi thời điểm, Vì vậy định luật này là THƯỜNG.
2) Chính vì mọi sự vật đều vô thường, nhưng để nhận ra sự vô thường dó, thì cái nhận biết đó phải là THƯỜNG. Vì nếu nó không THƯỜNG thì nó cũng bị biến đổi, mà nó đã biến đổi thì nó không thể nhận ra sự khác biệt của sự vật.
Tất nhiên định luật “Hết thảy mọi pháp đều vô thường”, chính nó cũng vô thường, vì nó không thể áp dụng cho trường hợp thứ hai. Chính vì thế mà nó đúng trong mọi hoàn cảnh.
Trích:
Trong tu viện của tôi ở nước Pháp, có
một bụi cây hoa đào Nhật bổn.
Bụi hoa này thường nở rộ vào mùa Xuân, nhưng một năm, mùa Đông ấm áp hơn nên hoa nở sớm hơn thường lệ. Rồi một đêm trời trở lạnh, nhiệt độ xuống tới điểm băng giá. Sớm hôm sau khi đi thiền hành, tôi nhận thấy những nụ hoa đều bị héo hết. Tôi nghĩ “Vậy là đầu năm nay sẽ không có đủ hoa cúng Bụt.” Vài tuần sau, trời ấm áp trở lại. Khi tôi đi bộ trong vườn, tôi lại nhìn thấy những nụ hoa đào thuộc thế hệ mới đang biểu hiện ra. Tôi hỏi chúng: “Các con là những bông hoa đã chết khi trời băng giá hay là những bông hoa khác?” Hoa trả lời tôi: “Thầy, chúng con không phải những bông hoa đó, mà cũng không khác những bông đó. Khi nhân duyên đầy đủ chúng con biểu hiện ra, và khi thiếu nhân duyên thì chúng con ẩn tàng. Giản dị vậy thôi!” Đó là giáo pháp của Bụt. Khi nhân duyên đầy đủ, thì sự vật biểu hiện. Khi nhân duyên không còn đầy đủ, thì chúng rút lui. Chúng đợi tới đúng thời điểm sẽ biểu hiện trở lại. Trước khi sinh ra tôi, mẹ tôi đã mang thai một em bé khác. Nhưng bà bị xảy thai và em bé đó không ra đời. Khi còn nhỏ, tôi thường hỏi: “Bào thai đó là anh tôi hay chính là tôi? Ai đã muốn biểu hiện ra trong lần mẹ xảy thai đó?” Khi mẹ tôi mất em bé, thì có nghĩa là nhân duyên chưa đủ cho bé ra đời, nên nó quyết định lui lại, chờ điều kiện tốt đẹp hơn: “Con tốt hơn nên rút lui, và sẽ trở lại nay mai nhé mẹ!” Chúng ta phải tôn trọng ý kiến của em bé. Nếu bạn nhìn đời bằng những cái nhìn như thế, bạn sẽ bớt khổ đau nhiều. Mẹ tôi đã mất anh tôi hay chính tôi lúc đó, thấy chưa đúng thời điểm, tôi đã lui lại? |
Trích:
Không đến không đi
Đối với đa số, chúng ta đau khổ nhiều nhất vì ý niệm đến - đi. Chúng ta nghĩ rằng những người thương của ta đã đến từ một nơi nào đó và nay sẽ đi tới một nơi nào đó. Nhưng bản chất của thực tại là không đến cũng không đi. Chúng ta không từ đâu tới mà cũng không đi tới đâu cả. Khi nhân duyên đầy đủ thì ta biểu hiện, khi nhân duyên không còn đầy đủ thì chúng ta không biểu hiện. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không hiện hữu. Giống như khi làn sóng phát thanh không phát ra âm thanh, thì chúng chỉ không biểu hiện mà thôi. Không phải chỉ có các ý niệm đến-đi mới không diễn bày được thực tại, mà các ý niệm hiện hữu hay không hiện hữu cũng vậy. Chúng ta học được câu này trong kinh Bát Nhã: “Xá lợi tử nghe đây Thể mọi pháp đều không Không sinh cũng không diệt Không thêm cũng không bớt...” Ý nghĩa chữ Không này rất quan trọng. Nó có nghĩa là mọi sự việc đều trống rỗng, không có tự tánh riêng biệt. Không có cái gì có tự tánh độc lập, không có cái gì tự nó hiện hữu. Khi nhìn sâu vào mọi sự, mọi vật ta sẽ thấy rằng tất cả, kể luôn ta trong đó, đều là những hợp thể.
Ta được làm bằng các phần tử không phải ta. Ta được là hợp thể
của cha mẹ, ông bà, cơ thể, cảm thọ, nhận thức, đất, mặt trời và vô số các
yếu tố không phải ta. Tất cả những thứ đó tùy theo nhân duyên. Ta thấy rằng
tất cả những thứ đó đã, đang hay sẽ biểu hiện đều có tương quan và liên hệ
mật thiết với nhau. Những gì biểu hiện ra mà ta nhìn thấy, chỉ là một phần
của bao thứ khác, của các điều kiện đầy đủ khiến cho nó có mặt. Mọi sự mọi vật đều không được sinh ra hay bị mất đi vì chúng luôn
luôn ở trong tiến trình liên tục biểu hiện.
Chúng ta có thể thông minh để hiểu được chuyện này. Nhưng hiểu bằng trí óc thôi không đủ. Thực sự hiểu điều này, ta sẽ hết sợ hãi. Ta sẽ được giác ngộ và sống với cái nhìn tương tức (Inter-being). Chúng ta phải thực tập nhìn thật sâu như thế trong đời sống hàng ngày để nuôi dưỡng sự hiểu biết về không sinh không diệt. Như thế, ta có thể thực chứng được sự mầu nhiệm của sự vô úy, không sợ hãi. Nếu chúng ta nói tới vấn đề tương tức tương nhập như một lý thuyết thì không ích lợi gì hết. Ta nên đặt câu hỏi: “Tờ giấy này, mi từ đâu tới? Giấy là cái gì? và mi tới đây làm gì? Giấy sẽ đi đâu?” Ta cũng hỏi ngọn lửa (đang dốt tờ giấy): “Lửa ơi, mi từ đâu tới và mi sẽ đi đâu?” Hãy lắng nghe chúng trả lời. Ngọn lửa, tờ giấy đang trả lời bằng sự có mặt của chúng. Chúng ta chỉ cần nhìn sâu thì sẽ nghe được câu trả lời của nó. Ngọn lửa trả lời: “Tôi không tới từ đâu cả”. Đó cũng là câu trả lời của cây hoa đào Nhật bổn. Chúng tôi (hai đợt hoa) không giống mà cũng không khác nhau. Hoa không tới từ đâu và cũng không đi đâu hết. Khi mất một em bé, chúng ta không nên buồn. Đó chỉ là vì lúc ấy chưa đủ nhân duyên cho nên em chưa biểu hiện ra ở thời điểm đó mà thôi. Em sẽ trở lại. |
://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/khong-diet-khong-sinh-dung-so-hai/ta-tu-dau-toi-ta-di-ve-dau