Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Vô vi


Vô vi (Phật giáo)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Vô vi (zh. 無爲, sa. asaṃskṛta, pi. asaṅkhata) trong Đạo Phật mang những nghĩa sau

1. Vô vi nghĩa là không phụ thuộc, không bị ảnh hưởng, không vì nhân duyên mà sinh ra, đối nghĩa với vô vi là Hữu vi (有爲, sa. saṃskṛta), cũng thường được hiểu là “Không làm”. Trong Phật giáo nguyên thuỷ thì chỉ có Niết-bàn được xếp vào hạng vô vi, tất cả các pháp còn lại đều là hữu vi.


Quan niệm này được lưu lại trong Thượng toạ bộ (pi. theravādin) và Độc Tử bộ (sa. vātsīputrīya). Tất cả những bộ phái khác đều dần dần thay đổi cách sử dụng danh từ này.
Đại chúng bộ chấp nhận 9 pháp vô vi, đó là hai cách Diệt độ (sa., pi. nirodha), trong đó một loại (1.) được đạt bằng sự phân tích phân biệt, gọi là Trạch diệt (sa. pratisaṃkhyā-nirodha), tương ưng với Niết-bàn.

Loại Diệt thứ hai (2.) được đạt không qua sự phân tích, phân biệt (phi trạch), được gọi là Phi trạch diệt (sa. apratisaṃkhyā-nirodha), liên hệ đến những lậu hoặc (ô nhiễm) mà một A-la-hán không còn vướng mắc. Được xếp vào vô vi pháp nữa là Hư không (3.), Không vô biên xứ (4.), Thức vô biên xứ (5.), Vô sở hữu xứ, tức là cái “không có gì” (6.), Phi tưởng phi phi tưởng xứ (7.), nội dung của thuyết Duyên khởi (8.) và Bát chính đạo (9.).

Thuyết nhất thiết hữu bộ công nhận ba pháp vô vi là Hư không và hai loại Diệt trên. Duy thức tông liệt kê thêm vào ba vô vi pháp này một loại Diệt bằng một trạng thái thiền định an vui bất động, sự chấm dứt suy nghĩ và thụ cảm của một A-la-hán và Chân như (sa. tathatā).

Pháp Tạng bộ (sa. dharmaguptaka) xếp vào loại vô vi pháp Chân như và sự “Trường tồn của mọi pháp.” Dưới “Trường tồn của mọi pháp” họ định nghĩa rằng cái đặc tính gì không biến đổi của nó (sự không biến đổi của nó chính là sự biến đổi) và định luật nhân quả (Nghiệp) cũng như một vài trạng thái Định.
2. Về nghĩa “Không làm” xem Bất hành nhi hành.

http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B4_vi_(Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o)



Vô vi (Đạo giáo)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Vô vi - tư tưởng của triết gia Lão Tử

Ông nói: "Vi vô vi nhi vô bất vi". Tạm dịch là: Không làm gì mà không gì là không làm. Hiểu một cách nôm na là, nếu bạn không làm gì cả tức là bạn đã làm tất cả. Thiên nhiên trời đất vốn đã vận hành thành chu kỳ tự nhiên, nếu chúng ta tác động vào một yếu tố nào đó thì cũng là làm đảo lộn chu trình trên. Nếu chúng ta không làm gì cả thì tức là đảm bảo được chu trình trên vẫn hoạt động bình thường.

Thuyết này đặc biệt hiệu quả trong trường hợp chúng ta chưa biết phải làm thế nào khi đứng trước một sự việc, theo Lão Tử thì tốt nhất là không nên làm gì cả. Ví dụ như khi chứng kiến cảnh con hổ vồ con hưu để ăn thịt, nếu chúng ta bắn chết con hổ để cứu con hưu thì chúng ta đã có thể giết hại cả đàn hổ con đang ở nhà chờ miếng ăn của hổ mẹ.

Nếu chúng ta giúp con hổ bắt con hưu dễ dàng hơn thì lại có lỗi với con hưu. Nếu chúng ta cứ để cho sự việc xảy ra tự nhiên thì là phải đạo nhất. Lý thuyết này thực sự hiệu quả khi giải thích lý do tại sao phải bảo tồn thiên nhiên, không phải động chạm gì mà chỉ bảo tồn thế là đủ.

         http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B4_vi_(%C4%90%E1%BA%A1o_gi%C3%A1o)