Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Thích Nhất Hạnh


Thích Nhất Hạnh
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Ngày sinh:        11 tháng 10, 1926 (85 tuổi)
Nơi sinh:          Việt Nam
Tên thật:           Nguyễn Xuân Bảo
Trường phái:    Mahayana
Nhánh: Lâm Tế Dhyana/Zen (thế hệ 42)
Dòng:   Liễu Quán (thế hệ 8)
Order:  Order of Interbeing
Vinh dự: Được đề cử Giải Nobel Hòa bình
năm 1967
Trích dẫn: Quan sát thật sâu sắc để xóa bỏ
biên giới giữa những ý niệm
của chúng ta và thực tại.


Thích Nhất Hạnh là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình. Ông sinh ra ở Thừa Thiên-Huế, miền Trung Việt Nam, vào ngày 11 tháng 10 năm 1926, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi, trở thành một nhà sư vào năm 1949. Pháp hiệu "Thích" được sử dụng bởi các nhà sư Việt Nam, nghĩa là họ là một phần của dòng tu Shakya.[1] Ông là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt-lại Lạt-ma.[2][3] Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire của ông.[4]

Tiểu sử
Thiền sư Thích Nhất Hạnh được sinh ra với tên húy là Nguyễn Xuân Bảo ở Thừa Thiên (miền trung Việt Nam) vào năm 1926. Vào năm 16 tuổi ông xuất gia ở chùa Từ Hiếu gần Huế, nơi ông thọ giáo với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật.[1][5][6] Tốt nghiệp Viện Phật học Bảo Quốc ở miền Trung Việt Nam,[4] Thích Nhất Hạnh tu học thiền theo trường phái Đại thừa của Phật giáo và chính thức trở thành một nhà sư vào năm 1949. Thích Nhất Hạnh bây giờ được công nhận là một thiền sư và là lãnh đạo tinh thần của chùa Từ Hiếu và các tu viện liên quan khác.[7] Ông là tổ của nhánh Từ Hiếu đời thứ 8 của dòng Liễu Quán trong đời thứ 42 của phái thiền Lâm Tế Dhyana (Lin Chi Chan 臨濟禪, hay Rinzai Zen trong tiếng Nhật)[1]. Vào ngày 1 tháng 5 năm 1966 tại chùa Từ Hiếu, Thiền sư Chân Thật trao ấn khả cho Thích Nhất Hạnh để từ đây ông trở thành một thiền sư (thầy dạy về thiền).[1] Thích Nhất Hạnh đã phối hợp kiến thức của ông về nhiều trường phái thiền khác nhau cùng với các phương pháp từ truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, những nhận thức sâu sắc từ truyền thống Phật Giáo Đại thừa, và vài phát kiến của ngành tâm lý học đương đại phương Tây để tạo thành cách tiếp cận hiện đại của ông đối với thiền. Thích Nhất Hạnh đã trở thành một người có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của Phật giáo phương Tây.

Hoạt động
Vào năm 1956 ông là Tổng biên tập của Phật giáo Việt Nam, tờ báo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Vào thập niên 1960, ông thành lập Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (School of Youth for Social Services - SYSS) ở Sài Gòn, một tổ chức từ thiện xây dựng lại các làng bị bỏ bom, xây dựng trường học và các trạm xá, và giúp các gia đình bị trở thành vô gia cư trong Chiến tranh Việt Nam[8]. Ông cũng là một trong những người thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh và Nhà xuất bản Lá Bối. Viện Đại học Vạn Hạnh trở thành một viện đại học tư thục danh tiếng tập trung các nghiên cứu về Phật giáo, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Nhất Hạnh dạy giáo lý Phật giáo và Bát-nhã-ba-la-mật-đa (Prajnaparamita). Trong một buổi gặp mặt vào tháng 4 năm 1965, đoàn sinh viên Vạn Hạnh đưa ra thông điệp "lời kêu gọi vì hoà bình". Nội dung chính của lời kêu gọi là "đã đến lúc hai miền Bắc-Nam của Việt Nam họp lại để tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh và đem lại cho mọi người Việt Nam cuộc sống hoà bình với lòng tôn trọng lẫn nhau".

Ông đã đến Hoa Kỳ nhiều lần để nghiên cứu và diễn thuyết tại Viện Đại học Princeton và Viện Đại học Cornell, và sau này giảng dạy tại Viện Đại học Columbia. Mặc dầu vậy, mục đích chính cho các chuyến đi ra nước ngoài (Mỹ và Âu Châu) của ông trong thời gian này vẫn là để vận động cho hòa bình. Ông kêu gọi Martin Luther King, Jr. công khai chống lại Chiến tranh Việt Nam, và thuyết giảng với nhiều người và nhiều nhóm về hòa bình. Vào năm 1967, King đề cử ông cho Giải Nobel Hòa bình[9]. Nhất Hạnh dẫn đầu phái đoàn Phật giáo đến Đàm phán hòa bình Paris. Là một trong những người thầy về Phật giáo ở phương Tây, những lời dạy và các phương pháp thực hành của Thích Nhất Hạnh thu hút nhiều người đến từ các quan điểm về tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Ông đưa ra cách thực hành "chánh niệm" (sự lưu tâm đúng đắn - Pali: Sati; Sanskrit:smṛti स्मृति; tiếng Anh: mindfulness), thường được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác phương Tây[10].

Năm 1966, ông lập ra Dòng tu Tiếp Hiện ("Tiếp" có nghĩa tiếp xúc, tiếp nhận, "Hiện'" có nghĩa thực hiện; tên tiếng Anh là The Order of Interbeing, tiếng Pháp là L’ordre de l’interêtre), và thiết lập các trung tâm thực hành và các thiền viện khắp trên thế giới. Nơi cư ngụ của ông là Tu viện Làng Mai ở vùng Dordogne thuộc miền Nam nước Pháp[8]. Ông du hành khắp thế giới thuyết giảng và tổ chức các khóa tu thiền. Sau nhiều năm không được phép quay về Việt Nam, ông được về lần đầu tiên vào năm 2005[11]. Nhất Hạnh vẫn tiếp tục các hoạt động vận động vì hòa bình. Ông đã tổ chức các khóa tu thiền cho người Israel và người Palestine, khuyến khích họ lắng nghe và học hỏi lẫn nhau; thuyết giảng kêu gọi các nước đang tham chiến hãy đình chiến và đi tìm các giải pháp bất bạo động cho các mâu thuẫn của họ[12]; và tổ chức diễu hành hòa bình ở Los Angeles vào năm 2005 được tham dự bởi hàng ngàn người. [13]

Chuyến trở về Việt Nam sau 1975
Từ 12 tháng 1 đến 11 tháng 4 năm 2005, Thích Nhất Hạnh quay về Việt Nam sau một loạt các thương lượng cho phép ông thuyết giảng, một số sách của ông được xuất bản bằng tiếng Việt, và cho phép 100 tăng ni và 90 thành viên khác của dòng tu theo ông đi khắp đất nước, bao gồm cả chuyến quay về ngôi chùa ông xuất gia, chùa Từ Hiếu ở Huế[11][14].
Năm 2007, ông lại cùng phái đoàn Phật giáo quốc tế thuộc tăng thân Làng Mai trở về Việt Nam với lịch trình từ ngày 20 tháng 2 (mùng 4 Tết) đến ngày 9 tháng 5, mục đích tổ chức các khóa tu, buổi pháp thoại, gặp gỡ các tăng ni phật tử ba miền[15]. Đầu năm 2007, với sự đồng ý của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông tổ chức ba trai đàn chẩn tế lớn tại ba miền Việt Nam gọi là "Đại trai đàn Chẩn tế Giải oan" cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho tất cả những ai đã từng gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của cuộc chiến tranh, dù đã qua đời hay còn tại thế, không phân biệt tôn giáo, chính trị, chủng tộc. [16]
Trong vụ mâu thuẫn ở tu viện Bát Nhã, các tu sinh của thiền sư tại tu viện đã bị quấy nhiễu và hăm dọa bằng vũ lực, tu viện bị đập phá, cắt điện, nước, điện thoại và cô lập. Tuy nhiên, thiền sư đã từ chối làm vụ việc thêm rắc rối và dạy các tu sinh nên chế ngự cơn giận nhằm mang lại sự thấu hiểu và tình yêu thương.[3][17]

Tác phẩm
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xuất bản trên 100 cuốn sách, trong đó có hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Ông cũng xuất bản các bài giảng trong các tạp chí tạp chí Mindfulness Bell của Dòng tu Tiếp Hiện.
Danh sách các tác phẩm đã xuất bản (không đầy đủ):

Thơ
Tiếng địch chiều thu, Long Giang, Sài Gòn, 1949.
Ánh xuân vàng (bút danh: Hoàng Hoa), Long Giang, Sài Gòn, 1950.
Thơ ngụ ngôn (bút danh: Hoàng Hoa), Đuốc Tuệ, Hà Nội, 1950.
Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện, Lá Bối, Sài Gòn, 1965.
Tiếng đập cánh loài chim lớn, Lá Bối, Sài Gòn, 1967.
Vietnam Poems, Unicorn Press, Santa Barbara (Hoa Kỳ), 1967.
The Cry of Vietnam, Unicorn Press, Santa Barbara (Hoa Kỳ), 1968.
De Schreeuwvan Vietnam, Uitgeverij Ten Have, Baarn, Hollande, 1970.
Zen Poems, Unicorn Press, Greensboro (Hoa Kỳ), 1976.
Ngoài ra còn có nhiều tập thơ chép tay đã mất hoặc chưa xuất bản cùng nhiều tác phẩm khác đăng rải rác trên các báo, tạp chí.[18]

Truyện
Tình người (tập truyện; bút danh: Tâm Quán), 1951; Lá Bối 1973
Nẻo về của ý (bút ký), Lá Bối 1967; An Tiêm 1972
Am mây ngủ (truyện ngoại sử), Lá Bối.
Bưởi (tập truyện ngắn), Lá Bối.
Tố (tập truyện), Lá Bối.
Văn Lang dị sử (truyện cổ tích, bút danh Nguyễn Lang), Lá Bối; An Tiêm 1975
Đường xưa mây trắng, Lá Bối; NXB Văn hóa Sài Gòn, 2007.
Truyện Kiều dịch ra văn xuôi, NXB Văn hóa Sài Gòn

Khảo luận
Đông phương luận lý học, Hương Quê 1950
Vấn đề nhận thức trong Duy Thức học, Lá Bối 1969
Tương lai văn hóa Việt Nam, Lá Bối.
Tương lai Thiền học Việt Nam, Lá Bối.
Việt Nam Phật giáo sử luận (bút danh Nguyễn Lang), 3 tập, tập 1: Lá Bối 1974, 2 tập sau xb ở nước ngoài sau 1975
Thả một bè lau, Nxb Văn Hóa Sài Gòn 2008.

Khác
Gia đình tin Phật, Đuốc Tuệ 1952
Bông hồng cài áo, viết vào mùa Vu lan 1962; Lá Bối xuất bản lần 2, 1965
Đạo Phật đi vào cuộc đời, Lá Bối 1964
Đạo Phật ngày nay, Lá Bối 1965
Nói với tuổi hai mươi, Lá Bối 1966, 1972
Phật giáo Việt nam và hướng đi nhân bản đích thực (bút danh Trần Thạc Đức), Lá Bối 1967
Đạo Phật hiện đại hóa, Lá Bối 1965, 1968
Đạo Phật ngày mai, Lá Bối 1970
Nẻo vào thiền học, Lá Bối 1971
Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, Viện Hóa Đạo xuất bản 1973
Tuổi trẻ tình yêu lý tưởng, Lá Bối
Kiều và văn nghệ đứt ruột, Lá Bối, USA, 1994
The Miracle of Mindfulness: A Manual on Meditation, Beacon Press, 1999, ISBN 0-8070-1239-4 (Vietnamese: Phép lạ của sự tỉnh thức)
Phép lạ của sự tỉnh thức, Nxb Tôn giáo
Đi như một dòng sông
An lạc từng bước chân
Trái tim của Bụt, Nxb TPHCM, 2006
Hạnh phúc: mộng và thực Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2009.
Kim Cương: Gươm báu cắt đứt phiền não, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2009.
Giận nxb Thanh niên ,2009.

 http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%ADch_Nh%E1%BA%A5t_H%E1%BA%A1nh