Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Bánh xe trong Văn hóa Phật giáo

        Trong các văn bản Phật học, chữ cakka (S: cakra) thường được dùng để chỉ cho
-        bánh xe (Trường Bộ III),
-        một loại vũ khí (Bổn Sanh I),
-        hay một trong ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân (Trường Bộ II). 


Thuật ngữ này còn chỉ cho một trú xứ của hàng chư thiên và loài người mà nơi ấy hội đủ bốn phước lành sau:
-        cư trú tại một nơi cố định,
-        thân cận các pháp lành,
-        hoàn thiện tự thân,
-        và gây tạo công đức trong đời trước.

Đôi khi danh từ cakka cũng được dùng trong các cụm từ khác như catucakkam (Tương Ưng I) hay iriyāpatha-cakka (Luận giải Trường Bộ) để chỉ cho bốn oai nghi của mỗi người.

Trong Phạn ngữ, chữ cakra thường xuất hiện trong các cụm danh từ riêng để chỉ tên người (cakrapāṇi, tên của một vị Bồ tát), tên các loài thảo mộc (cakra-vimala, cakra-s’atapattra), và tên của một rặng núi bao quanh trái đất (cakra-vāḍa, cakravāḷa).


Vòng Luân Hồi

Chữ cakra cũng thường được dùng trong các thuật ngữ saṃsāra-cakra hay bhava-cakra để chỉ cho sự biến dịch, luân hồi hay vòng hiện hữu của loài hữu tình với bốn chu kỳ: sanh, trụ, dị, diệt.

Nguồn gốc của hình tượng bánh xe luân hồi hay vòng luân hồi, có lẽ, phát xuất từ một câu chuyện trong kinh Thí Dụ như sau.

Tôn giả Mục Kiền Liên, vị đệ tử đứng đầu về thần thông của Đức Phật, không chỉ hành đạo trong cõi người mà còn thường du hoá đến các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, và cõi trời. Sau khi chứng kiến cảnh chúng sanh chết đi sống lại, bị tàn sát, hành hạ trong địa ngục, cảnh muôn thú tranh giành, giết hại nhau, cảnh các loài quỷ bị đói khát giằn vặt, cảnh thiên nhân hết phước báu bị đoạ lạc, suy vong, cảnh loài người bị tham ái cấu xé, bức bách thảm khốc…, tôn giả bèn trở về cõi Diêm Phù Đề (Ấn Độ) và thuật lại những điều mắt thấy tai nghe này cho bốn chúng đệ tử của Đức Phật, khuyên họ nên ý thức đến nỗi khổ triền miên của cõi Ta Bà mà tinh tấn tu trì hướng đến cảnh giới vô sanh an tịnh.

Một lần nọ, khi Đức Phật trú tại thành Vương Xá, tôn giả Mục Kiền Liên cũng đem những cảnh khổ trên để khuyến hoá các hàng xuất gia và tại gia.

Khi thấy mọi người đang vây quanh và chăm chú lắng nghe tôn giả, Đức Phật bèn hỏi ngài A Nan vì sao mọi người đang vây quanh tôn giả Mục Kiền Liên, khi biết được nguyên do, Đức Phật bèn dạy: “Trưởng lão Mục Kiền Liên hay bất cứ một vị Tỳ-kheo nào khác như trưởng lão cũng không thể cùng một lúc có mặt tại nhiều nơi (để giáo hoá mọi người), vì thế, nên làm hình bánh xe gồm năm phần đặt ngay lối ra vào (của tinh xá).” 

Lúc ấy, các vị Tỳ-kheo còn phân vân, chưa biết nên thiết kế bánh xe như thế nào, Đức Phật bèn chỉ dạy như sau: năm phần của bánh xe được minh hoạ để tượng trưng cho năm cảnh giới, ba cảnh giới phía dưới là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, hai cảnh giới bên trên là cõi trời và người, hoạ cảnh bốn châu Đông Thắng Thần, Tây Ngưu Hoá, Bắc Câu Lô, và Nam Thiệm Bộ cũng được thêm vào. Ở giữa là hình ảnh ba loài thú: chim bồ câu (dụ cho tham), rắn (dụ cho sân), và heo (dụ cho si), hình ảnh giải thoát của chư Phật và cảnh giới Niết Bàn được thể hiện qua những vầng hào quang, hàng phàm phu được minh hoạ qua với cảnh những chúng sanh chìm nổi trong nước, vòng bên ngoài thể hiện 12 chi phần duyên khởi theo hai chiều thuận nghịch.
Bánh xe này thể hiện mọi chi tiết về cảnh giới luân hồi trong mọi thời, và tất cả bị nuốt bởi (quỷ) vô thường.
Ngoài những hình ảnh trên, hai câu kệ nói về sự hành trì theo chánh pháp để điều phục phiền não, vượt thoát cảnh luân hồi cũng nên được khắc bên bánh xe.

Cũng theo bản kinh này, mỗi khi đến tinh xá, các vị cư sĩ hỏi về ý nghĩa của hình tượng bánh xe trên, có một số vị Tỳ-kheo không giải thích được. Vì thế, theo lời dạy của Đức Phật, các vị Tỳ-kheo bèn chọn những vị tri sự có đầy đủ kiến thức để giải thích cho các vị cư sĩ về ý nghĩa trên mỗi khi họ thắc mắc[3].


     Hình ảnh vòng luân hồi trên được thể hiện rõ nét trong các thạch động tại Ấn Độ và rất phổ biến trong các tu viện Trung Hoa và Tây Tạng.
Riêng tại Tây Tạng, ngoài hình tượng trên, hình ảnh bánh xe luân hồi mới gồm sáu phần cũng rất phổ biến. Ngoài năm cảnh giới trên, loại hình tượng mới này có thêm cảnh giới A-tu-la, và ngoại trừ cảnh giới loài người, năm cảnh giới còn lại đều xuất hiện hình ảnh đức Quán Thế Âm đại diện cho Đức Phật, vì lòng đại bi mà thị hiện để độ sanh.

Ngày nay, hình tượng vòng luân hồi thường xuất hiện tại các tu viện Phật giáo Tây Tạng theo lối minh hoạ sau.
Giữa vòng là hình ảnh ba con thú gà trống, rắn, và heo thứ tự ngậm đuôi của nhau.

Màu lông của gà trống là màu đỏ tía pha vàng, tượng trưng cho sự nóng bỏng của lửa tham dục. Xét về tính khí, gà trống là loài vật vừa tham nhưng cũng rất kiêu căng, nên được xem là biểu tượng cho tham dục. Miệng gà trống ngậm đuôi của con rắn lục, tượng trưng cho sự tham lam vô hạn của chúng sanh, và chính vì quá tham lam, nên chúng sanh không bao giờ cảm thấy thoả mãn, từ đó sân hận phát sanh.
Sân hận là độc tố làm tinh thần xung động, làm cho tâm thức luôn âm ỉ hận thù và cuối cùng bộc phát qua lời nói thô lỗ và hành vi thiếu tự chủ.

Ác nghiệp như thế cứ mãi tuôn trào, dai dẳng mà không gì ngăn cản được, cũng như cơ thể thuôn dài của rắn.
Màu xanh của rắn biểu thị cho sự lạnh lùng, thiếu cảm thông với mọi người.
Rắn là một loài vật giết hại loài khác bằng nọc độc và bằng cách bóp nghẹt, đó cũng là đặc điểm của sân.

Tiếp theo rắn là một con heo với dáng vẻ nặng nề.
Đuôi của heo bị miệng rắn ngậm chặt, và heo nhoài người sang nguộm đuôi của gà trống. Heo này có màu đen tượng trưng cho si. Vẻ nặng nề của nó biểu trưng cho sự hôn trầm, uể oải của tâm và thân. Heo là một loài tham ngủ và hay tìm thức ăn trong những nơi hôi bẩn, không phân biệt sạch nhơ, cũng như khi đã bị chìm đắm trong vô minh, thiếu chánh kiến, chúng sanh thường tìm cầu dục lạc trong cặn bã danh vọng của cuộc đời.

Ba loài thú trên được vẽ trên nền màu xanh da trời để biểu trưng rằng dù tham, sân, si sâu nặng, khó trừ, nhưng bản chất của chúng là không, là vô tự tánh, và chẳng thường còn.

Vòng lớn kế tiếp của bánh xe là các cảnh giới chúng sanh, vòng ngoài cùng là các mắc xích tượng trưng cho 12 chi phần duyên khởi. Cả bánh xe này bị một quái vật khổng lồ, tức quỷ vô thường nắm chặt, ám chỉ rằng vạn vật trong vòng luân hồi đều bị vô thường chi phối.

http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/buoc-dau-hoc-phat/dd-dao-phat/11037-Hinh-tuong-banh-xe-trong-Phat-giao.html