Những hình thái tín ngưỡng cổ xưa của Ấn Độ thường được bắt nguồn
từ sự tiếp xúc cũng như sự suy nghiệm của các nhà hiền triết đối với các hiện
tượng trong thiên nhiên. Theo phong tục từ xa xưa, các đạo sĩ Ấn thường có truyền
thống ngồi thiền hướng về phía Đông[1].
Vì thế hình ảnh diễm ảo và thiêng liêng đầu tiên mà họ thường tiếp
xúc trong buổi thiền định bắt đầu của mỗi ngày mới đó là mặt trời. Khởi đầu từ
những tia sáng mong manh, vầng thái dương hiện lên rực rỡ nơi chân trời xa thẳm
với dáng vẻ tròn đầy và kích thước của nó dần dần thay đổi theo từng khoảnh khắc
của thời gian.
Chính hình dáng và sự biến đổi đó của mặt trời đã gợi lên những
cảm nhận về vòng biến dịch hay chu kỳ luân chuyển của đất trời, của vũ trụ
trong tâm hồn của các nhà ẩn sĩ. Tất cả những cảm nhận và suy nghiệm như thế đã
được ghi lại trong các bộ thánh kinh và về sau được lưu truyền trong dân gian.
Trong truyền thống Vệ Đà, mặt trời thường được thể hiện qua hình
dáng của một vòng tròn hoặc bánh xe. Thần mặt trời được khắc hoạ qua hình ảnh một
một thanh niên cưởi một cổ xe thất mã và bảy con ngựa này tượng trưng cho bảy sắc
màu của ánh sáng mặt trời.
Bánh xe của cỗ xe tượng trưng cho sự vận hành của vũ trụ, trong
đó tâm điểm của bánh xe chính là sự sống và các nan hoa tượng trưng cho vạn vật
của vũ trụ. Số lượng các nan hoa của bánh xe này thường là 5, 12, hoặc 360, tượng
trưng cho năm mùa, 12 tháng hoặc 360 ngày trong năm. Ngoài ra, bánh xe cũng là
biểu tượng cho thần Vishnu, hay cho cả thế giới và chúng sanh (Atharva Veda).
Kinh Rg Veda có nói đến bánh xe uy quyền mà người điều khiển nó là trời Đế
Thích.
Bộ Brihadaranyaka Upanishad (IV-13&15) giải thích rằng cấu
trúc của vũ trụ và mối tương hệ của nó với vô số các cá thể khác cũng giống như
một bánh xe mà ở đó trục là tâm điểm, các nan hoa là động lực, và điểm tiếp xúc
giữa các nan hoa ấy với vành bánh xe là các cơ quan cảm giác của mỗi người[2].
Trong số các biểu tượng phổ biến được thể hiện trong nghệ thuật
và tôn giáo của Ấn Độ như hoa sen, chữ vạn, sấm chớp…thì bánh xe vẫn luôn là biểu
tượng phổ biến nhất: các vị vua hùng mạnh được gọi là Chuyển Luân Vương
(Cakravatin), khổ và lạc của cuộc đời được ví như hai phạm trù tất yếu trong sự
biến dịch của bánh xe thời gian, thần Krishna thì đứng trên một cỗ xe để thuyết
giảng bộ Bhagavat Gita..v.v…
Trong các bộ kinh cổ xưa cùng những công trình nghệ thuật tại
các hang động, bảo tháp, đền đài…hình ảnh bánh xe thường được xem là hình tượng
tiêu biểu nói lên nguyên lý vận hành của vũ trụ và con người. Khởi đầu từ ý
nghĩa biểu trưng cho sự biến dịch và tiến hoá của một năm qua các chu kỳ mùa,
tháng, ngày, hình tượng bánh xe về sau đã mở đường cho sự liên tưởng đến một
quyền lực tối thượng được nói đến trong truyền thống Vệ Đà.