Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

25.1 VÔ THƯỜNG VÀ DUYÊN SINH

Trước khi rời phần nói về việc hành trì kinh Quán Niệm Hơi Thở, tưởng cũng nên nói thêm về một khía cạnh rất quan trọng khác của vô thường, đó là sự liên hệ giữa vô thường và duyên sinh.




Chúng ta nhắc lại rằng trong bốn hơi thở chót của kinh Quán Niệm, hơi thở đầu nói về vô thường:

Quán chiếu tính vô thường của vạn pháp, tôi thở vào; quán chiếu tính vô thường của vạn pháp tôi thở ra.

Đó là một bài thực tập rất hay. Chúng ta biết rằng nếu thấy được tính vô thường của các pháp thì chúng ta bắt đầu thấy được tính vô ngã của các pháp, tại vì vô thường và vô ngã là hai khía cạnh của cùng một sự vật. Nếu chúng ta thấy được tính vô thường và vô ngã của sự vật thì chúng ta cũng thấy được tính duyên sinh của sự vật.

Phải hiểu vô thường là duyên sinh. Nếu vô thường mà không được hiểu là duyên sinh thì đó chưa phải là vô thường dạy trong đạo Bụt, tại vì một sự vật phát hiện và lưu hành, nếu nhìn sâu vào lòng nó, thì chúng ta thấy tính vô thường của nó, thấy tính vô ngã của nó, và đồng thời thấy tính duyên sinh của nó.

Trong đạo Bụt có chữ hiện hành, có khi đọc là hiện hạnh, nó đi đôi với chữ chủng tử. Chủng tử tức là hạt giống, là cái mà ta khó thấy hoặc là không thấy. Nhưng khi hạt giống phát hiện ra (tức là hiện hành) thì chúng ta thấy. Ví dụ người nông phu cày đất, xong họ gieo hạt hướng dương, thì chúng ta không thấy hạt hướng dương, không thấy hoa hướng dương, tại vì thực tại còn là chủng tử cho nên khó thấy. Với con người, chủng tử nằm trong chiều sâu của tâm thức, nên rất khó thấy.

Nhưng khi chủng tử có đủ điều kiện để phát hiện thì nó hiện hành. Chữ hiện hành này có nghĩa là phát hiện và lưu hành. Tiếng Anh, lưu hành ta có thể dịch là happening, going on, và phát hiện là manifestation. Khi nhìn vào trong thực tại của một cái gì đang lưu hành thì mình thấy cái đó nó vô thường, cái đó nó vô ngã. Tại vì vô thường thì cố nhiên là phải vô ngã. Vô thường tức là thay đổi trong từng phút giây, một giây sau đó, nó không còn là nó nữa.

Ví dụ như một con người. Tại thời điểm này, con người này khác với con người của thời điểm trước đó, tại vì từ thời điểm này đi sang thời điểm khác, nó có những sự thay đổi về sinh lý, về tâm lý, và về mọi mặt khác. Vì vậy mà không có một cái gọi là thực thể bất biến. Cho nên vô thường kéo theo vô ngã. Vô thường có nghĩa là luôn luôn có những cái đi vào, và luôn có những cái đi ra. Cái input và cái output nó xảy ra trong từng giây từng phút. Con người là vậy mà bông hoa cũng vậy, đám mây cũng vậy. Tất cả mọi sự vật đều là như vậy, cho nên gọi là Chư hạnh vô thường. Hạnh đây tức là hiện hạnh, tiếng Phạn là Samsk(ra. Vì vậy cho nên vô thường tức là vô ngã, và vô ngã tức là nhân duyên.

Sau đó chúng ta còn có những danh từ khác như là Không. Không ở đây nó có nghĩa là không có một thực tại bất biến, không có ngã, không có một sự có mặt biệt lập. Ví dụ sư chú Pháp Ứng không có cái ngã biệt lập đối với tôi. Vì có tôi cho nên mới có sư chú, và vì có sư chú cho nên mới có tôi. Cũng như là liên hệ thầy trò, nếu không có trò thì ông đó đâu được gọi là thầy? Nếu không có thầy thì chú kia đâu được gọi là trò? Vì vậy mà "thầy cũng không" mà "trò cũng không". Không ở đây là không có sự có mặt độc lập. Cái này có vì cái kia có, đó là kinh A Hàm. Thử hữu tức bỉ hữu. Rất là đơn giản.

Thành ra khi có người đến hỏi các sư chú là theo đạo Bụt, cái gì là nguyên do sinh ra thế giới vũ trụ, thì mình phải trả lời rằng: Cái này có cho nên cái kia có. Đó là cách trả lời hay nhất. Đó là sự thật, một sự thật có thể kiểm chứng bằng khoa học chứ không phải là một sự thật siêu hình. Định luật Newton về hấp lực của vạn vật là một ví dụ về việc dùng khoa học để kiểm nhận lý duyên sinh mà trong chương kế chúng ta sẽ có dịp nói tới.

Sau này trong lịch trình phát triển và thực tập giáo lý thì những ý niệm về Không, về Duyên sinh còn đi xa hơn nữa. Ví dụ về duyên sinh, chúng ta có ý niệm Trùng trùng duyên khởi của kinh Hoa Nghiêm. Còn ý niệm về Không chúng ta có đến 22 loại ý niệm về không ở trong kinh Bát Nhã, và những loại ý niệm đó xuất hiện sau này. Nhưng trong đạo Bụt Nguyên thủy, chúng ta đã có vô thường, vô ngã, duyên sinh, và không. Sau này có những ý niệm tương tức, tương nhập của kinh Hoa Nghiêm. Đó là những điều chúng ta sẽ nói sau.

Thành ra khi Bụt dạy: Tôi đang thở vào và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp, tôi đang thở ra và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp, chúng ta nên hiểu vô thường đó cũng là vô ngã, cũng là duyên sinh, mà cũng là không. Đây không phải là vấn đề lập lại ý niệm vô thường mà phải thấy được cái bản chất, cái tự tánh vô thường thì lúc đó mới gọi là quán chiếu.

Vô thường ở đây là một cái chìa khóa mở cửa thực tại nhiệm mầu gọi là niết bàn, và bốn hơi thở cuối này là bốn cánh cửa mở ra cho ta đi vào niết bàn.

THƯ VIỆN THÍCH NHẤT HẠNH
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/sach/119-truyn-thng-sinh-ng-ca-thin-tp/560-tts-quyn-01-chng-02-2-3-cach-thc-tp-kinh-quan-nim-hi-th?start=9