Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Vô ngã: Triết lý sinh động của Ðạo học Ðông Tây

Nguyễn Chung Tú

Sau một quá trình kinh nghiệm về khổ đau, về bản chất của cuộc đời và con người, lời tuyên bố đầu tiên của Ðức Phật rằng: "Con người và thế giới, bản chất của nó là Duyên sinh Vô Ngã, chúng không có tự tính, chúng là vô thường, đoạn diệt " đã gây chấn động đến đỗi kinh hoàng và sửng sốt trong lịch sử tôn giáo và triết học lúc bấy giờ.


Cách đây hơn hai ngàn sáu trăm năm, vào ngày trăng tròn tháng Vesàkha, Ðức Phật của hành tinh người, đã ra đời với một sứ mệnh thiêng liêng: "Một chúng sanh duy nhất, một con người phi thường ra đời vì hạnh phúc của số đông, vì lợi ích của số đông, vì lợi ích và hạnh phúc của chư Thiên và loài người".

Sau một quá trình kinh nghiệm về khổ đau, về bản chất của cuộc đời và con người, lời tuyên bố đầu tiên của Ðức Phật rằng: "Con người và thế giới, bản chất của nó là Duyên sinh Vô Ngã, chúng không có tự tính, chúng là vô thường, đoạn diệt " đã gây chấn động đến đỗi kinh hoàng và sửng sốt trong lịch sử tôn giáo và triết học lúc bấy giờ. Giữa những trào lưu triết học vô cùng phức hợp của thế giới, quan niệm cho rằng nguồn gốc đầu tiên của sự sống hoặc là do Thượng đế, hoặc là do Brahma, hoặc là do các hợp chất của nước, lửa, không khí v.v...

Tất cả quan điểm đó, dưới ánh sáng của khoa học vật lý hiện đại, đều tỏ ra ít thuyết phục, dù rằng quan niệm được bắt nguồn từ cơ sở của vật chất hay ý thức. Nhưng, riêng đối với giáo thuyết Duyên sinh - Vô ngã (Paticcasamuppàda - Annatta), tính thuyết phục của nó đã thu hút các nhà vật lý học hiện đại một cách hấp dẫn.

Học giả Egerton C.Bapitst, trong cuốn "Khoa học tối thượng của Ðức Phật" (Supreme Science of the Buddha) đã phát biểu rằng: "Khoa học không thể đưa ra một sự quyết đoán nào, nhưng Phật giáo có thể đương đầu với sự thách thức của nguyên tử lực, vì kiến thức siêu việt của Phật giáo bắt đầu nơi, mà ở đó, khoa học kết thúc. Và đây là một chứng minh rõ ràng cho những ai đã từng nghiên cứu về Phật giáo. Chẳng hạn, xuyên qua thiền định, những cấu trúc nguyên tử có thể được tìm thấy và được cảm nhận".

Nhìn chung, qua lăng kính Duyên sinh - Vô ngã, mọi hiện hữu ở cuộc đời này là hư vọng vì bản chất của nó là tương duyên. Sẽ không có bất kỳ một thứ vật chất nào tồn tại một cách độc lập mà không kết hợp với những điều kiện chung quanh có thể được tìm thấy trong phòng thí nghiệm của ngành vật lý lượng tử. Ngược lại, ở đó, thế giới này, quả như lời Ðức Phật dạy, là vô tự tính.

Vật chất từ thực thể chẳng khác gì những làn sóng điện trong không gian, và bản thân của các làn sóng điện ấy cũng không có thực, vì nó là sự kết thành của muôn ngàn hạt tử, rồi bản thân của mỗi hạt tử cũng như thế; và rốt cuộc thì không thể tìm được một hiện hữu nào để gọi là "sự sống đầu tiên hay cái chết cuối cùng", vì tất cả đều là sự kết hợp và phản ứng của các hợp chất mà Ðức Phật gọi là Duyên khởi, hay Duyên sinh.

Có lẽ đây là lý do tại sao kinh "Trái tim" được mở đầu bằng câu: "Khi tiến sâu vào nguồn mạch của tuệ giác siêu việt, người tỉnh thức bình yên soi sáng như thực rằng tự tính của năm hợp thể đều là chân không, liền thoát ly mọi khổ ách".

Trở lại với tiến trình phân tích của các nhà vật lý học, giáo thuyết Vô ngã thực sự được sáng tỏ qua một quá trình nghiên cứu của ngành vật lý hiện đại. Năm 1909, Leo Baekeland, một kỹ sư Hoa Kỳ gốc Bỉ-Flamand, từ hóa chất phénol C6H6O và formol CH2O, đã kéo ra chất dẻo đầu tiên, nhân tạo và do tổng hợp, mà bằng sáng chế ghi dưới danh hiệu ngày nay quen thuộc và gần như lỗi thời: "Bakélite" (dẫn xuất từ tên người khai sinh ra nó, nhờ nó ông ta trở thành bất tử).

Năm 1939, hãng Du Pont de Nenmours rêu rao phóng ra thị trường một loại sợi "rắn chắc như thép, thanh tú như mạng nhện, và sáng lóng lánh. Một nữ trang hoàn toàn hóa học, kéo ra từ ... than, không khí và nước", mà các bà, các cô sẽ dùng làm vớ.

Ðó là ni lông mà ngay năm 1940, họ phải xếp hàng cả đêm ở New York để mua, trước khi quân đội Ðồng Minh năm 1945 thả dù xuống Âu châu cho giới phụ nữ. Kỹ sư Wallace Hume Carothers, người khai sinh ra ni lông, lại yếu tim, nên ngay sau khi hoàn tất nguyên tắc, đã xa lánh cõi đời ngay từ năm 1937.

Thừa thắng xông lên, một loạt sợi tổng hợp nhân tạo hóa học xuất hiện: polyêthylen không vỡ năm 1948, polycarbonat nhựa năm 1953. Chất polycarbonat, trong suốt, rắn chắc như kim loại, đã được dùng để làm mũ bảo hộ cho đầu phi hành gia Armstrong, năm 1969, khi ông ta tản bộ trên mặt trăng.

Plexiglass dùng làm mái che (cockpit) máy bay khu trục, formica ở trong bếp, trong phòng khách, polystyren dùng làm mặt nạ chống hơi ngạt, bao bì, cách điện, silicon trong nhớt máy, trong sơn, ... Người Pháp tiêu thụ mỗi năm 4 triệu chất dẻo nhưng thải ra 1,3 triệu tấn.

Niềm hãnh diện, tự hào của công nghệ hóa học là dễ hiểu, và lợi nhuận thu vào là phần thưởng xứng đáng. Nhưng mặt khác, bình tĩnh mà xét, như trên vừa trình bày, tất cả các chất dẻo cơ bản hợp bởi các nguyên tử Carbon, Hydrogen, Oxygen, Nitrogen. Với bốn nguyên tố này có thể hóa hợp thành hàng tỉ chất hợp, phức tạp hay đơn giản.

Phân tích chúng thì chỉ thấy rút cục một tập hợp C, một tập hợp H, một tập hợp O và một tập hợp N. Phân tích những nguyên tử đó thì thấy chúng hợp bởi điện tử và hạt nhân. Ðiện tử cho tới nay không ai phân tích được thêm nữa (nó thật là cơ bản). Còn hạt nhân, dù là của C, của H, của O hay của N, cũng hợp bởi proton mang điện dương, neutron trung hòa, liên hệ với nhau qua hạt trung gian gọi là meson pi.

Phân tích được proton hay neutron, sẽ thấy chúng hợp bởi quark up, quark down và gluon. Meson pi cũng họp bởi một quark up và một đối quark up (giống hệt quark up nhưng mang điện ngược dấu) hay một quark down và một đối quark down.

Nhưng điện tử âm có thể gặp điện tử dương, cả hai biến đi mất để cho năng lượng. Quark và đối quark có thể cho meson pi, nhưng meson pi dương và meson pi âm có thể biến đi mất để cho gluon là một dạng của năng lượng.

Tóm lại, các chất dẻo, dù là Bakelit đã dùng làm ống nghe điện thoại, chỗ tay cầm của bàn là, dù là ni lông may thành quần áo (hãng Du Pont de Neumours phải mất tám năm, dùng 230 chuyên viên dưới quyền điều khiển của Wallace Hume Carothers, mới phát minh ra ni lông), dù là polyêthylen đựng yaourt hay chế tạo thành chậu, dù là polycarbonat dùng làm mũ bảo hộ, dù là plexiglas, polystyren, formica dùng làm đủ thứ đồ vật, ... hóa ra không có thật.

Ðảo lại, năng lượng biến thành quark, điện tử, rồi thành proton, neutron, rồi thành các nguyên tố, rồi thành thiên hà trong đó có sao, hành tinh, vệ tinh, sao chổi, sau đó có thực vật, động vật, con người ... nhưng, như vừa chứng minh ở trên, có thể tan rã được, biến đi mất, thành phi vật chất.

Tóm lại, có thể nói rằng giáo thuyết Vô ngã qua cái nhìn của các nhà vật lý học hiện đại, là triết lý sinh động của Ðạo học Ðông Tây. Vì về mặt tâm linh, nó khai phóng con người vươn tới sự tối thiện mà Ðức Phật gọi là năng lực giác ngộ vốn có tại mỗi con người.

Về mặt khoa học, Vô ngã soi sáng như thực bản chất của mọi hiện hữu; cho dù đó chỉ là hiện hữu của một làn sóng điện. Do đó, thông qua giáo thuyết Vô ngã, giới khoa học nhìn rõ bản chất của mỗi thực thể (Vô ngã tính) trong mọi cấu trúc vật lý.

GS Nguyễn Chung Tú
Sài Gòn 1997
(NSGN 05/97)