Hiển thị các bài đăng có nhãn Tu tuệ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tu tuệ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

TU TUỆ - Các Quan Điểm Của Học Phái Duy Thức

5. Các Quan Điểm Của Học Phái Duy Thức


Share on facebook

TU TUỆ 
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma 
Hoang Phong biên dịch 
Nhà Xuất Bản Phương Đông

5
Các Quan điểm 
của học phái Duy Thức

BÌNH GIẢI
Thế giới bên ngoài
Trong phần này chúng ta sẽ đề cập đến một phân đoạn trong tác phẩm của Tịch Thiên nêu lên sự phủ nhận của nhóm Trung Quán về các quan điểm của học phái Duy Thức hay Cittamatra (một học phái cho rằng tất cả đều do tâm thức mà có và không công nhận tính cách hiện thực của các sự vật bên ngoài). Tịch Thiên nêu lên quan điểm của mình bằng các câu hỏi sau đây:
Tiết 15c,d. (quan điểm Duy Thức) Nếu tâm thức ảo giác không hiện hữu, vậy thì cái gì sẽ cảm nhận ảo giác?
Nói một cách khác thì nếu những người thuộc học phái Trung Quán cho rằng tất cả mọi hiện tượng cũng chỉ như ảo giác, vậy thì các khái niệm, mọi sự cảm nhận và cả tri thức cũng sẽ phải tương tự như ảo giác. Nếu đúng như thế thì thứ gì sẽ nhận biết ảo giác? (bởi vì tất cả đều là ảo giác như nhau).

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Tu Tuệ - Phủ nhận các quan điểm hiện thực của Tiểu Thừa


TU TUỆ 
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma 
Hoang Phong biên dịch 
Nhà Xuất Bản Phương Đông
4
Phủ nhận các quan điểm hiện thực 
của Tiểu Thừa

SỰ HIỂU BIẾT SIÊU NHIÊN
Suy tư về vô thường
Đức Phật giảng rằng tất cả ba lãnh vực hiện hữu (tức là tam giới: dục giới, sắc giới và vô sắc giới) đều vô thường, tương tự như ảo ảnh hay những tia chớp trên bầu trời. Tất cả các hiện tượng, vật thể vàsự kiện đều hoàn toàn chỉ là những sản phẩm phát sinh từ sự kết hợp giữa nhiều nguyên nhân và điều kiện. Vì thế chúng đều mang bản chất tạm thời - phù du và không trường tồn. Sự sống của chúng sinh có giác cảm cũng chẳng khác gì một dòng thác chảy xiếc và không bao giờ ngưng nghỉ dù chỉ trong một phút giây ngắn ngủi. Đời sống của chúng sinh kéo dài bao lâu không ai biết được, sự hiện hữu của tất cả chúng ta đều rất mong manh và tạm thời. Mỗi giai đoạn trong kiếp sống ngắn ngủi đó được biểu trưng bởi một trong mười sáu thuộc tính (16) (attributs / attributes / các đặc tính riêng biệt và đặc thù) của Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế): trong số này bốn thuộc tính thứ nhất thuộc vào Sự Thật của Khổ Đau, và thuộc tính thứ nhất trong số bốn thuộc tính ấy chính là vô thường.
Như đã nói trên, con đường tu tập tâm linh khởi đầu bằng hai giai đoạn: trong giai đoạn thứ nhất người tu tập phải làm giảm bớt đi những hành động tiêu cực phát sinh từ các thể dạng tâm thức sai trái của mình. Trong giai đoạn này, cách suy tư về vô thường dưới những thể dạng thô thiển nhất cũng đủ giúp ngăn chận các hành động tiêu cực (thí dụ nếu ý thức được tiền của, danh vọng, thân xác tất cả đều phù du thì chúng ta cũng sẽ tránh bớt được sự bám víu vào các hành động tai hại như tham lam, mưu đồ, tính toán, lường gạt...)Trong giai đoạn thứ hai thì phải suy tư về các thể dạng tinh tế hơn, có nghĩa là phải thiền định thật sâu xa về bản chất năng động và thường xuyên biến đổi của hiện thực. Việc suy tư hay thiền định này là liều thuốc hóa giải công hiệu nhất giúp chúng ta ngăn chận các thể dạng tâm thần và các cảm nhận sai lầm tàng ẩn bên trong các hành động tiêu cực của mình.
Thật hết sức hiển nhiên, mục tiêu (finalité / purpose, finality, aim / cứu cánh, chủ đíchcủa sự sinh là cái chết, và cái chết thì nào có ai mong muốn đâu. Dù sao đi nữa thái độ bướng bỉnh không nhìn thẳng vào cái chết nhất định không phải là một thái độ đúng đắn. Dù muốn hay không thì cái chết vẫn là một sự kiện hiển nhiên của sự hiện hữu. Trước bản chất không thể khắc phục được của một sự kiện chúng ta chỉ biết bó tay mà thôi. Đấy là một hiện tượng mà sớm muộn tất cả chúng ta đều phải nhận lãnh. Nếu so sánh giữa một người không chấp nhận suy tư về cái chết và một người thường xuyên biết giữ một mối tương giao thân thiện với nó và nhìn thẳng vào nó thì chúng ta cũng sẽ nhận thấy ngay phản ứng của cả hai người sẽ khác nhau như thế nào khi cái chết đến với họ. Do đó khi đã hiểu được tại sao Đức Phật dạy chúng ta phải biết ý thức về cái chết và vô thường thì chúng ta cũng sẽ hiểu rằng không nên hình dung Đạo Phật như là một con đường tâm linh yếm thế, phát sinh từ những ám ảnh bệnh hoạn. Trái lại chúng ta nên xem Phật Giáo như là một sự cổ vũ lớn lao thúc dục chúng ta phải biết giữ một mối dây thân thiện với cái chết và chấp nhận nó như một sự kiện hiển nhiên của sự hiện hữu. Đến một lúc nào đó khi phải đương đầu với nó thì chúng ta sẽ không cảm thấy mình bị chấn động một cách quá đáng, hay cảm thấy một thứ gì đó thật phi lý và kinh hoàng xảy đến với mình một cách bất ngờ, khi mình không hề mong đợi. Nếu biết nhìn thẳng vào cái chết lúc còn khoẻ mạnh thì chúng ta cũng sẽ giữ được sự bình tĩnh và thanh thản và tránh khỏi những lo âu vô ích khi những giây phút cuối cùng xảy đến với mình. Nhờ vào sự thăng tiến tuần tự trên đường tu tập tâm linh, rồi biết đâu đến một ngày nào đó nhờ may mắn bỗng nhiên chúng ta cảm thấy mình đã chiến thắng được mọi thứ lo âu về cái chết và vượt lên trên cả cái chết (sự Giác Ngộ xảy đến tuần tự theo từng cấp bậc một và đôi khi rất bất ngờ, nó xảy đến trong những lúc mà chúng ta không hề mong đợi).

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Tu tuệ - Chương 3: Hai sự thật


TU TUỆ
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
Hoang Phong biên dịch
Nhà Xuất Bản Phương Đông


BÌNH GIẢI

Trước hết tôi xin trình bày về cách phân chia chương IX trong tác phẩm của Tịch Thiên thành ba phân đoạn để theo đó mà bình giải. Chương này mang tựa đề là Sự hiểu biết siêu nhiên.Theo cách bình giải của cả hai vị Khentchen Kungzang Palden và Minyak Kungzang Seunam thì chương này gồm các phân đoạn sau đây:

1. Tại sao cần phải phát huy sự hiểu biết trực tiếp về Tánh Không [tiết 1]
2. Phải làm thế nào để phát huy sự hiểu biết trực tiếp về Tánh Không [tiết 2 đến 150]
3. Cách giải thích ngắn gọn về phương cách giúp thực hiện Tánh Không [tiết 151 đến 167]

Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Bối Cảnh Phật Giáo

2. Bối Cảnh Phật Giáo


Share on facebook

TU TUỆ 
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma 
Hoang Phong biên dịch 
Nhà Xuất Bản Phương Đông

2
Bối cảnh Phật Giáo
Khung cảnh lịch sử
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni tức là vị Phật lịch sử sống ở Ấn độ vào khoảng hơn 2500 năm về trước. Ngài giảng dạy về các phương pháp và các phép luyện tập nhằm giúp người nghe biến cải tâm linh của họ tùy theo năng khiếu, xu hướng và tâm linh của chính mình.
Từ những lời giảng huấn đó một tín ngưỡng thật phong phú mang nhiều nét triết học đã được hình thành và đã được các dòng đại sư người Ấn - trong số họ có thể kể ra Long Thụ và Vô Trước (6) - tiếp tục bảo trì và khai triển thêm. Tín ngưỡng này đã đạt đến mức phát triển thật cao trên đất Ấn trước khi được truyền bá sang các quốc gia khác ở Á Châu. Ở Tây Tạng thì Phật Giáo chỉ bắt đầu phát triển từ thế kỷ thứ VII và thứ VIII. Nhiều nhân vật lịch sử đã góp phần vào công trình này, trong số đó có thể kể ra Shantarakshita (7), Padmasambhava (8) và một quốc vương thời bấy giờ là Trisongdetsen (9). Kể từ đó Phật Giáo phát triển cực kỳ nhanh chóng tại Tây Tạng. Tương tự như trên đất Ấn, nhiều dòng đại sư Tây Tạng đã tích cực quảng bá giáo huấn của Đức Phật trên toàn lãnh thổ. Suốt trên dòng lịch sử của xứ Tây Tạng bốn học phái chính đã được hình thành khá biệt lập với nhau, lý do là vì lãnh thổ Tây Tạng quá hiểm trở và rộng lớn. Sự khác biệt giữa các trường phái thật ra chỉ thuộc vào lãnh vực thuật ngữ và những cách xác định khác nhau về tầm quan trọng của các khái niệm chính yếu trong giáo lý cũng như các phương pháp và kỹ thuật luyện tập về thiền định.