Hiển thị các bài đăng có nhãn Thích Nhất Hạnh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thích Nhất Hạnh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

DUY BIỂU HỌC | CHƯƠNG 02: THỨC THỨ BẢY (MẠT-NA THỨC)


Share on facebook

DUY BIỂU HỌC
Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Lá Bối

CHƯƠNG 02: THỨC THỨ BẢY (MẠT-NA THỨC)

Bài tụng thứ 16 cho tới bài thứ 22 nói về thức thứ bảy: Mạt-na thức (Manas).
Liên hệ giữa thức Mạt-na và tàng thức A-lại-gia rất tế nhị. Mạt-na khởi lên từ tàng thức, và nắm lấy một phần nhỏ của tàng thức làm đối tượng. Mạt-na nhìn phần A-lại-gia đó như là cái ta (Ngã), là tự tánh riêng biệt của nó, và nắm chặt lấy cái ta đó. Giống như một em bé nắm lấy váy mẹ, không cho mẹ đi đứng tự nhiên, Mạt-na nắm lấy tàng thức, cản trở không cho tàng thức hoạt động tự do và tìm cách ngăn cản sự chuyển hóa các hạt giống.
Giống như sức hút của mặt trăng trên trái đất làm cho thủy triều dâng lên, Mạt-na nắm lấy tàng thức, tạo ra một năng lượng làm cho các hạt giống hiện hành trên ý thức. Các tập khí, triền sử, tham đắm...cũng khởi lên, trở thành một nguồn năng lượng sai xử chúng ta hành động, nói năng và suy nghĩ. Năng lượng đó là Mạt-na. Vai trò của Mạt-na là suy nghĩ, đắn đo, ôm giữ và bám víu.

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

DUY BIỂU HỌC | THỨC THỨ TÁM (TÀNG THỨC)

DUY BIỂU HỌC
Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Lá Bối
CHƯƠNG 01: THỨC THỨ TÁM (TÀNG THỨC)


"Do giả thiết ngã pháp" là câu mở đầu Tam thập tụng, văn bản chính của Duy Biểu Học thời xưa do thầy Thế Thân trước tác. Như bất kỳ khoa học nào khác, ngành học về Duy Biểu đặt ra một tiền đề: giả thiết rằng có cái gọi là Ngã (cái Tôi) và có các sự vật khác gọi là Pháp. Từ giả thiết đó, các thầy tổ trong học phái Duy Biểu tìm hiểu về sự vận hành của tâm thức con người.
Theo Duy Biểu Học, tâm thức mỗi cá nhân có thể chia ra làm tám loại, gọi là tám tâm vương hay tám thức (8 consciousnesses). Quý thầy chỉ tạm phân chia ra để cho dễ hiểu. Thực ra tám tâm thức đó không độc lập với nhau mà trong một cái đều có chứa đựng bảy cái kia. Tám thức hoạt động như một khối, có thể tạm chia làm bốn tầng - giống như bốn bản phim của một tấm hình mầu:
Năm thức đầu bắt nguồn từ năm giác quan của cơ thể. Đó là các thức phát sinh khi mắt ta nhìn thấy các hình sắc (Nhãn thức); tai nghe thấy các âm thanh (Nhĩ thức); mũi ngửi mùi hương (Tỷ thức); lưỡi nếm vị các thứ trong miệng (Thiệt thức) và khi thân xúc chạm với một vật gì đó (Thân thức).
Ý thức (mano-vijñāna) là thức thứ sáu phát khởi khi ta tiếp xúc với bất kỳ một đối tượng nào của nhận thức. Ý thức có căn là Ý (cũng là thức thứ 7 hay thức Mạt-na); có đối tượng là các pháp bao gồm tất cả mọi sự vật, mọi hiện tượng, kể cả những gì trong tâm thức của con người.
Mạt-na (Manas), căn cứ cho ý thức phát sinh, cũng là một thức. Mạt-na có căn là Tàng thức (A-lại-gia) và nó cũng coi A-lại-gia là đối tượng. Mạt-na là thức thứ bảy trong tám thức. Thức này rất đói khát về một cái ta riêng biệt và nó ôm quàng lấy hình ảnh mà nó "nhìn" tàng thức, coi đó là người yêu của nó. Do đó Mạt-na cũng có khi được gọi là Tình thức (The lover).
Tàng thức hay A-lại-gia thức (alaya-vijñāna) là thức căn bản, là nền tảng của tất cả 7 thức kia. Các nhà Duy biểu cho rằng một trong các tác dụng của Tàng thức là biến hiện (biểu hiện ra, đồng thời làm biến chuyển). Tàng thức biến hiện ra sinh mạng (căn thân) và hoàn cảnh trong đó sinh mạng sống (khí thế gian).

Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

DUY BIỂU HỌC | 50 bài tụng

DUY BIỂU HỌC
Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Lá Bối

NĂM MƯƠI BÀI TỤNG
Tàng thức

1. Tâm là đất gieo hạt
Mọi hạt giống chứa đầy
Tâm địa cũng chính là
Toàn thể hạt giống ấy

2. Hạt giống có nhiều loại
Sinh tử và Niết bàn
Mê ngộ và khổ vui
Danh xưng và tướng trạng

3. Hạt giống của thân tâm
Giới, địa và thế gian
Tất cả được cất chứa
Nên thức gọi là tàng

4. Có hạt giống sẵn có
Có hạt giống trao truyền
Huân tập thời thơ ấu
Cả thời gian thai nghén

5. Từ gia đình, bè bạn
Nơi xã hội học đường
Hạt giống nào cũng có
Tính cách riêng và chung

6. Giá trị một đời người
Tùy thuộc vào phẩm chất
Mọi hạt giống đang nằm
Trong chiều sâu tâm thức

7. Tác dụng A-lại-gia
Là tiếp nhận duy trì
Và làm biểu hiện ra
Hạt giống cùng tập khí

8. Biểu biệt A-lại-gia
Là thế giới tánh cảnh
Độc ảnh và đới chất
Mười tám giới hình thành

9. Tất cả mọi hiện hình
Đều tự biểu cộng biểu
Dị thục khi dự vào
Giới và địa cũng thế

10. Là vô phú vô ký
Vừa chuyển lại vừa hằng
Tàng thức luôn tương ưng
Năm tâm sở biến hành

11. Tuy vô thường vô ngã
Tàng thức vẫn gồm thu
Mọi pháp trong thế gian
Hữu lậu và vô lậu

12. Hạt giống sanh hạt giống
Hạt giống sanh hiện hành
Hiện hành sanh hiện hành
Hiện hành sanh hạt giống

13. Hạt giống hay hiện hành
Đều tương tức tương nhập
Một do tất cả thành
Tất cả đều do một

14. Tàng không một không khác
Không chung cũng không riêng
Một và khác nương nhau
Chung và riêng triển chuyển.

15. Vô minh diệt minh sanh
Tàng chuyển thành vô lậu
Gương trí soi mười phương
Bạch tịnh và vô cấu

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

DUY BIỂU HỌC


Nhà xuất bản Lá Bối
Lời Nói Đầu


Thiền sư Thường Chiếu (thế kỷ thứ 12) đã nói "Khi ta hiểu rõ cách vận hành của Tâm thì sự tu tập trở nên dễ dàng". Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu là cuốn sách về tâm lý và siêu hình học của Phật giáo, giúp cho chúng ta hiểu được sự hoạt động của Tâm (Citta), bằng cách hiểu được bản chất của các Thức (Vijñāna). Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu có thể được coi như một thứ bản đồ trên con đường tu tập.
Trong thiền quán, Bụt Thích Ca soi chiếu, hiểu rõ tâm Ngài một cách sâu xa. Từ hơn hai ngàn năm trăm năm nay, các đệ tử của Ngài học hỏi để biết cách chăm sóc tâm và thân họ, hầu có thể chuyển hóa những khổ đau để đạt tới an lạc.
Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu hình thành từ những dòng suối tuệ giác của đạo Bụt Ấn Độ, gồm các luận giảng A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma - Thắng Nghĩa Pháp) trong tạng kinh Pali(1), tới giáo pháp Đại Thừa như Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra). A-tỳ-đạt-ma là các luận giảng của đạo Bụt bộ phái, được hệ thống hóa từ giáo lý nguyên thủy.
Sự phát triển của triết lý Phật giáo thường được chia ra ba thời kỳ: Nguyên thủy, Bộ phái và Đại thừa(2). Năm mươi bài tụng Duy Biểu chứa đựng giáo pháp của cả ba thời kỳ đó.
Trong thời Bụt còn tại thế, Phật pháp là giáo pháp sinh động, nhưng sau khi Ngài nhập diệt, các đệ tử của Ngài có bổn phận hệ thống hóa những lời giảng của Ngài để có thể học hỏi cho thấu đáo hơn. A-tỳ-dạt-ma là một trong các tập hợp đầu tiên những bài giảng về tâm lý và triết lý, được nhiều đệ tử xuất sắc của Bụt khai triển trong nhiều thế kỷ tiếp theo.