(Bài giảng tại trường hạ chùa Kim Cang, tỉnh Long An, ngày 29-5-2014)
GN - Chúng ta vào mùa cấm túc an cư, Tăng Ni lắng nghe kinh nghiệm tu hành của người trước và áp dụng cho mình để đạt được kết quả tốt đẹp. Phật giáo tỉnh Long An nói chung và tổ đình Kim Cang nói riêng đã tiến một bước dài, từ đầu tổ chức an cư và thường xuyên mở khóa tập huấn cho các trụ trì tỉnh nhà, thật là việc làm đáng biểu dương.
Riêng năm nay, tôi phụ trách về Phật giáo quốc tế để tạo mối quan hệ của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo quốc tế được phát triển bền vững. Lễ Phật đản Vesak năm nay do Giáo hội chúng ta tổ chức đã thành công mỹ mãn, kết quả này đã nói lên mối quan hệ tốt đẹp giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tổ chức Phật giáo thế giới. Giáo hội chúng ta đã đài thọ toàn bộ chi phí cho Đại lễ Vesak thành công cũng là việc làm đáng kể. Và Đại lễ Vesak được tổ chức tại cố đô Hoa Lư là thủ đô đầu tiên của nước ta, mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Trước kia, đất nước chúng ta lệ thuộc nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống và khi nhà Tống suy yếu, Ngô Quyền giành lại độc lập cho nước nhà, nhưng thời gian Ngô Quyền trị vì không lâu. Từ đó nổi lên loạn mười hai sứ quân, mỗi nơi có một sứ quân lãnh đạo. Nhưng may mắn, Phật giáo xuất hiện vị danh tăng là Pháp sư Ngô Chân Lưu cũng thuộc dòng tộc Ngô Quyền. Và vua Đinh Tiên Hoàng thực sự họ Ngô, tức dòng dõi Ngô Quyền, nhưng ngài theo người cậu đổi thành họ Đinh. Vì vậy, tinh thần độc lập thống nhất đất nước của Ngô Quyền cũng đã tiềm ẩn trong dòng máu của Ngô Chân Lưu và Đinh Tiên Hoàng. Và chính nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai người này mà đất nước ta được thống nhất, dẹp được loạn mười hai sứ quân.
Lịch sử ghi nhận nước Việt Nam độc lập vào thời kỳ này đã có nhiều đóng góp của Tăng Ni, Phật tử và đến thời Lý-Trần là đỉnh cao của Phật giáo cũng là thời kỳ vinh quang nhất của dân tộc. Thật vậy, nhà Lý cai trị bằng đạo đức của Phật giáo, không phải bằng quyền uy. Vua Lý đã ra lệnh đốt gông cùm xiềng xích và bãi bỏ những hình phạt dã man như tra tấn, hay thả người phạm tội vào chuồng cọp... Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã ghi nhận rằng thời kỳ nhà Lý trị vì là triều đại thuần từ nhất trong lịch sử Việt Nam, nhờ đạo đức của chư Tăng ảnh hưởng đến vua chúa và vua chúa ảnh hưởng đến dân chúng. Lịch sử cũng ghi nhận thời bấy giờ, nhà không cần đóng cửa, vì không có người gian tham trộm cắp. Không có nạn gian tham trộm cắp vì người dân đều quy y Tam bảo và thực hành năm giới cấm đúng nghĩa, nên thiên hạ thái bình.
Người tin đạo Phật và tu đạo Phật thì cuộc sống tốt đẹp hơn, còn gian tham trộm cắp nhiều thì xã hội đi xuống. Vấn đề giáo dục đối với quần chúng rất quan trọng. Vì vậy, Giáo hội chúng ta chủ trương phát triển giáo dục, nhất là giáo dục thanh thiếu niên, vì họ là tương lai của đất nước; nếu không được giáo dục, họ trở thành người xấu, người phá hoại. Thực tế cho thấy một cỗ máy của Nhà nước mua đắt tiền, trị giá cả tỷ đồng, nhưng người ăn trộm lấy bán ve chai chỉ được vài triệu. Việc này xảy ra nhiều, chắc chắn đất nước nghèo đói. Và người xấu đến mức đem đinh rải trên đường để xe Honda bể bánh, bất chấp gây tai nạn và trở ngại cho việc giao thông. Hoặc người ăn trộm tìm cách cắt dây điện bán, bán chẳng được bao nhiêu tiền, mà làm cho đường tối để cướp của. Những tệ nạn xã hội như vậy thể hiện đạo đức xuống cấp.
Ngoài ra, đất nước chúng ta đang phải đối mặt với vấn đề tranh chấp Biển Đông. Đức Pháp chủ đã ra thông bạch kêu gọi Tăng Ni, Phật tử cầu nguyện cho sóng lặng gió yên. Ngài cũng kêu gọi Phật giáo thế giới cùng chung nhau cầu nguyện. Phật giáo các tỉnh thành trong cả nước đều làm lễ cầu nguyện và làm kiến nghị gởi về Văn phòng II của Giáo hội.
Thiết nghĩ Tăng Ni, Phật tử cầu nguyện cho đất nước hòa bình, nhưng phải bằng tất cả linh hồn, bằng tất cả công đức mới đạt hiệu quả cao. Chúng ta đều biết rằng nếu không hết lòng, không có công đức thì việc nhỏ cũng không thành. Vì vậy, mùa an cư cấm túc đầu tiên, chúng ta phải tu tạo cho được công đức, vì có công đức thì cầu nguyện mới có kết quả, đó là tính cách linh thiêng của tôn giáo. Thực tế cho thấy một vị Hòa thượng có đạo đức tuy không nói gì, nhưng ngài xuất hiện làm đại chúng được yên, xã hội được yên là việc làm quan trọng của người tu.
“Đức” quyết định tất cả. Hòa thượng Pháp Lan nói rằng đức có tác dụng quan trọng là “Bất trị dân tùng”. Nhà Lý đốt bỏ gông cùm, bỏ những hình phạt dã man và nhà nhà không đóng cửa, đó là giáo hóa dân chúng sống đạo đức. Học ở Nhật Bản, tôi thấy họ giáo hóa trẻ con, từ mẫu giáo đã học đạo đức. Ngày xưa, nước Nhật đặt ra hình phạt nặng, nhưng xã hội không tốt được. Thí dụ người ăn cắp bị chặt tay, nhưng họ cũng không sợ, vì liều mạng, nghĩ rằng không bắt được họ. Nhưng khi được giáo dục, có ý thức từ thuở nhỏ rằng việc xấu không nên làm, người dân trở thành tốt, trở thành người có đạo đức. Còn giáo dục yếu kém, chắc chắn xã hội đi xuống.
Thực tế chúng ta thấy trong trận sóng thần xảy ra ở nước Nhật Bản năm vừa qua, cả thế giới phải thán phục dân Nhật. Người bị nạn xếp hàng chờ phát quà. Ở Việt Nam, tôi từng phát quà từ thiện thấy họ chen lấn, giành lấy nhiều quà. Còn ở Nhật, trời lạnh, tuyết rơi mà người dân vẫn bình tĩnh xếp hàng. Cảnh sát thấy một em bé xếp hàng mới động lòng thương mà cho em hộp quà. Nếu được như vậy, tôi tin rằng ai cũng mừng, người khác không có mà ta được, ta mừng và cố giữ quà này. Như vậy, một người được làm bao nhiêu người khác bực tức, khó chịu sẽ có hành động xấu, họ sẽ ham muốn, đòi hỏi, ganh tức xảy ra, đó là đạo đức xã hội xuống cấp. Nhưng việc xấu này không xảy ra, em bé không nhận phần quà riêng cho mình mà đã cầm gói quà để vô chỗ quà tập thể, để đợi đến lượt em sẽ nhận quà một cách công bằng như mọi người. Hình ảnh em bé làm một việc đơn giản nhưng đã cho nhân loại một bài học vô giá, đây là bài học đạo đức cho cả nhân dân thế giới.
Tấm lòng tốt của con người làm nên điều kỳ diệu, khiến người quý trọng, phát tâm, đó là cái gốc của đạo Phật muốn chỉ dạy, không cần trị, không cần phạt, nhưng tự mọi người muốn làm tốt. Thiết nghĩ Tăng Ni, Phật tử thực hành cho được tinh thần này, chùa chỉ học hai chữ kính nhường. Chùa yên ổn thì xã hội yên ổn theo, vì Phật dạy rằng chỗ có người tu, cách năm trăm do tuần được yên ổn. Thật vậy, người học Phật kính trên nhường dưới, quý trọng nhau, không tranh chấp hơn thua, chèn ép. Xây dựng đạo đức từ chùa ảnh hưởng ra xã hội tốt đẹp theo.
Ngày nay, Phật giáo phát triển cao, người học có trình độ nhiều, nhưng trình độ học phải đi kèm với việc thực tập tu. Đạo đức có được do tu hành mới cao, nhiều khi học cao, nhưng đạo đức không bằng người. Thử nghĩ xem trên cuộc đời này, biết bao nhiêu người có cử nhân, tiến sĩ mà có làm được như em bé nói trên hay không, sức ảnh hưởng của ta có được như bé hay không. Một thời pháp của chúng ta chưa chắc tạo được kết quả bằng hành động đạo đức của bé đã ảnh hưởng cả thế giới.
Đạo đức của chúng ta thành tựu từ việc học và tu. Tôi đề nghị các vị trụ trì làm sao ổn định sinh hoạt trong chùa. Một Hòa thượng trụ trì chùa Hàn Quốc nói đơn giản rằng trụ trì phải thực hiện hai việc. Việc thứ nhất là “Nội hàm chúng diệu”. Nghĩa là quản lý chúng Tăng như thế nào mà đạo đức của chúng ta ảnh hưởng đến người một cách tốt đẹp, không phạt, không rầy la. Người công phu tụng kinh, người dọn quét, người nấu ăn…, mọi người trong chùa tự ý thức và làm việc nhịp nhàng theo khả năng mình, không rầy, nhưng mọi việc đâu vào đó.
Việc thứ hai của trụ trì là “Ngoại ứng quyền cơ”, nghĩa là phải ứng cơ tùy duyên theo xã hội; nếu chỉ lo cho chùa, không tham gia việc xã hội thì cũng sẽ trở ngại cho việc tu. Phải thay đổi, tùy theo yêu cầu của xã hội mà sắp xếp việc cho thích nghi để mọi người đều nhận thấy chùa đóng vai trò quan trọng, cần thiết cho sự ổn định của làng nước. Trên tinh thần này, trụ trì không cần phát triển chùa, nhưng làng tự phát triển chùa, vì chùa là danh dự của làng, là sự yên ổn của làng mình. Trái lại, nếu thầy trụ trì không ứng quyền cơ, bằng mọi cách mở rộng chùa, mua thêm đất, vận động quần chúng đóng góp nhưng không phù hợp với dân tình thì sớm muộn gì cũng sẽ dẫn đến việc tệ hại là họ chống phá chúng ta.
Khi tôi ở Nhật trở về nước, Hòa thượng Thiện Hòa bảo tôi xây dựng Đại Tùng Lâm, nhưng năm 1973, không thể làm việc này. Tôi đi với Hòa thượng đến quan sát Đại Tùng Lâm. Các thầy ở đó nói rằng cây của chùa thì dân chúng đốn, cái gì của chùa hở ra là họ lấy mà mình không làm được gì. Đồ đạc của chùa, họ lấy cắp, dù họ sử dụng không được bao nhiêu. Theo tôi, ứng dụng quyền cơ trong trường hợp này là đem cho họ, thay vì để họ lấy cắp; như vậy, họ sẽ giữ chùa là giữ quyền lợi của họ. Vị Tăng ở đâu thì ở đó được an ổn, vì Phật dạy chúng ta đến đâu phải làm an lạc nơi đó. Một Tỳ-kheo mà làm mất lòng người thì không phải là Sa-môn. Tỳ-kheo ở xa thấy đẹp, đến gần thì người thấy mình đẹp hơn và sống chung với người tu thì họ thấy thương hơn. Tu hành phải thực tập lý này trước.
Khi Phật đến Lộc Uyển độ năm anh em Kiều Trần Như, Ngài không cho họ đi khất thực, vì mất thì giờ, không tu được và người thấy nghiệp Tăng thì không phát tâm. Chúng ta phải tu hết nghiệp, hiện tướng phước, mới đi hoằng hóa. Ngài Tối Trừng cũng chủ trương phải ở trên núi sám hối cho tiêu nghiệp, sau đó mới xuống núi hành đạo. Hoặc thực tập theo Thiên Thai tông, lạy Phật đến khi hiện hảo tướng mới đi truyền đạo. Lạy Phật đem Phật vào lòng và trong tâm có Phật mới có công năng tẩy rửa trần lao nghiệp chướng của mình và của người. Người chưa đem Phật vào tâm, A-lại-da thức đầy trần lao nghiệp chướng hiện thành lời nói và hành động không tốt khiến người không phát tâm.
Trở lại thời pháp đầu tiên, Phật dạy rằng Ngài đi khất thực cho năm anh em Kiều Trần Như ăn và khi Kiều Trần Như đắc A-la-hán thì cùng đi khất thực với Phật, vì Phật không cho người tu mang tướng nghiệp đi ra ngoài. Nhưng ngày nay, đa số người tu theo Phật, phát tâm thương người, nên thấy người bệnh hoạn, côi cút thì cho họ vô chùa tu. Tình trạng thảm hại này được ngài Toàn Nhật diễn tả rằng: “ Ngồi dựa cột như thầy bói ế. Buồn quy y mấy kẻ ăn mày. Lại lân la mấy gánh hàng rong. Dụ thế phát mấy con ăn cắp”. Và đem những thành phần như vậy vào chùa cũng không giáo dục cho thành Hiền thánh, nhưng cho mặc áo tu rồi thả đi lang thang. Người thấy vậy không tin tu sĩ Phật giáo, nên Phật giáo xuống cấp.
Một chuyện nhỏ nhưng là bài học đối với tôi. Khi thành lập chùa Xá Lợi, Hòa thượng Thiện Hoa cho Hòa thượng Trường Lạc cạo đầu. Ông là thầy giáo giỏi, cạo tóc được ba tháng thì thọ Cụ túc giới làm trụ trì chùa Xá Lợi. Ông Mai Thọ Truyền lúc đó là Tổng Thanh tra, từng thanh tra Hòa thượng Trường Lạc, nhưng nay phải lạy ông. Hòa thượng Trường Lạc thấy như vậy không ổn, nên từ chức trụ trì, về trợ giúp Hòa thượng Thiện Hoa biên soạn bốn quyển Phật học phổ thông, với cách viết văn sáng sủa, có mở đề, thân bài và kết luận làm người đọc dễ hiểu. Một nhà giáo làm việc của nhà giáo là thích hợp.
Người Việt có câu làm Phật xứ người ta, nhưng làm ma xứ mình. Tôi giảng kinh khắp nơi được quý trọng, nhưng khi về quê, người kêu tôi là cậu, là ông, là chú, thậm chí là mày. Tuy nhiên, khi tôi làm đạo nổi tiếng trở về làng, họ phát tâm quy y với tôi và cung kính gọi là Thầy. Làm đạo khó ở việc ứng quyền cơ, biết chỗ nên đến. Đức Phật thành đạo không trở về thành Ca Tỳ La Vệ, mà Ngài đi giáo hóa khắp nơi. Và khi các ông vua nổi tiếng vùng Ngũ hà quy y với Phật rồi, Ngài mới đưa đại chúng về thăm vua cha Tịnh Phạn. Lúc đó, ông mới chấp nhận Ngài là Phật, không phải là con ông, còn lúc Phật mới tu, ông cứ nghĩ Phật là con ông. Vua Tịnh Phạn nói rằng trong đời ông có ba lần lạy Phật. Lần đầu, khi Đức Phật đản sanh, tiên A Tư Đà tóc bạc trắng, nhưng sụp lạy đứa trẻ nằm trong nôi. Lúc đó, tự nhiên thấy tiên A Tư Đà lạy thái tử thì vua Tịnh Phạn lạy theo.
Lần thứ hai, khi vua dự lễ hạ điền, thái tử ngồi ở gốc cây, nhưng trời không ngả bóng, bóng đứng y để che mát cho thái tử. Vua Tịnh Phạn thấy vậy, kinh ngạc, vội vàng lạy Phật. Và lần thứ ba, vua Tịnh Phạn nói rằng ông khi chứng sơ quả Tu-đà-hoàn thì nhận biết rằng Đức Thế Tôn không phải là con của ông, nhưng là người hiện thân lại để độ ông và chúng sanh thoát khỏi sanh tử khổ đau.
Việc tu hành của chúng ta quan trọng nhất là từ khởi tu cho đến tối thiểu đắc được sơ quả, nếu không thì trắng tay. Tất cả mọi thứ đều bỏ lại thế gian, nhưng quả vị tu chứng thì mang sang kiếp sau để chúng ta tiếp tục tu Bồ-tát đạo. Kiếp này ta tạo được sở đắc nào trong Phật pháp đều giữ lại và mang theo làm hành trang cho đến ngày thành Phật.
Tu tối thiểu đắc sơ quả, nhưng cũng chưa phải là chỗ tuyệt đối để dấn thân làm đạo. Thật vậy, sơ quả là chứng sơ thiền Ly sanh hỷ lạc, nhưng phải trụ thiền mới được như vậy, còn xả thiền là mất. Trong kinh A-hàm, Phật dạy Tỳ-kheo chứng sơ quả giống như con trâu bị cột lại, không đi phá ruộng lúa, nhưng đứt dây, nó trở lại con đường cũ. Vì vậy, cẩn thận coi chừng bị nghiệp kéo chúng ta về chỗ cũ, được rồi mất. Thực tế cho thấy có lúc chúng ta được quả Tu-đà-hoàn, không quan tâm đến cuộc đời thì người sanh tâm kính trọng là kính trọng cái quả của chúng ta.
Tôi nhớ một lần ra chùa Xá Lợi giảng pháp. Lúc vào chùa, tôi hoàn toàn vô tâm, chỉ nghĩ đến Phật thì tự nhiên mình rơi vào quả Dự lưu, không bị cuộc đời quấy rầy, tâm đứng yên, nên hiện tướng giải thoát. Bấy giờ có một Phật tử thấy tôi và sụp lạy. Tôi giựt mình, tránh qua một bên và bảo ông vô chánh điện lễ Phật. Giựt mình là quả này biến mất, trở thành phàm tăng. Vì vậy, trên bước đường tu, nếu không khéo giữ tâm, để buông lung thì quả vị mất liền. Hảo tướng hiện, người cung kính cúng dường, nhưng một thời gian sau, họ không cung kính cúng dường nữa mà ta tự tìm tới họ là vấn đề sanh ra liền.
Quả Ly sanh hỷ lạc thay đổi liên tục, khi có khi mất. Tôi trải qua trạng thái này nhiều lần, quả vị tu chứng này hiện ra khi chúng ta nhiếp tâm, nhưng tâm buông lung thì quả này mất. Biết như vậy, chúng ta cố gắng phòng hộ tâm mình.
Một lần khác, tôi cũng nhận ra ý này. Khi Hòa thượng Thanh Từ về thọ tang ở chùa Ấn Quang, ngài nói rằng ở đây ồn quá. Lúc đó, ngài tu đắc thiền. Tôi nhận ra Hòa thượng đắc Ly sanh hỷ lạc, tâm hoàn toàn thanh tịnh, không bị xã hội chi phối, kể cả việc ăn uống, nóng lạnh cũng không bận tâm. Người nào thực tu đều có sở đắc này. Hòa thượng đã được pháp ly sanh hỷ lạc, khiến người kính trọng, tìm đến học đạo với ngài.
Tuy nhiên, được ly sanh hỷ lạc là đã chứng nhãn căn thanh tịnh, cuộc đời không có gì hấp dẫn, khuấy động chúng ta, đó là bước ban đầu, nhãn căn thanh tịnh thôi, còn nhĩ căn chưa thanh tịnh. Vì vậy, nếu ngồi yên ở núi rừng, chúng ta được thanh tịnh, nhưng có tiếng động, chúng ta mất thanh tịnh. Ông Uất Đầu Lam Phất bị đọa cũng từ việc này. Ông ngồi thiền bị tiếng chim làm động tâm, không vào định được nữa, nên nổi sân. Nhiều người trao đổi với tôi về sở đắc này, có lúc được ly sanh hỷ lạc, thấy tâm yên tĩnh, nhìn đời sáng, không mắc sai lầm, nhưng có lúc sở đắc này mất.
Theo kinh nghiệm của tôi và Phật cũng dạy rằng sở đắc này tới rồi mất, phải đắc A-la-hán thì sở đắc này mới tồn tại, còn từ La-hán trở xuống, có rồi không. Được ly sanh hỷ lạc thì ta không lệ thuộc ăn mặc ngủ nghỉ, không cảm thấy nóng lạnh. Thực tập được điều này dễ, nhiều khi không tu cũng được. Thật vậy, lúc tôi nghiên cứu làm luận án, cả ngày không ăn cũng không đói. Ở trong trạng thái ly sanh hỷ lạc thì vượt bốn tướng hàn nhiệt cơ khát, tức không bị đói khát nóng lạnh chi phối. Có lúc tôi thiền, trời nóng vẫn thấy mát, nhưng xả thiền thì thấy nóng.
Vì vậy, trên bước đường tu, đắc được sơ quả cần phải tiến lên nhị thiền, phá bỏ âm thanh, tức đòi hỏi nhĩ căn phải thanh tịnh, âm thanh bên ngoài không tác động ta. Còn ra ngoài có tiếng động làm ta không yên là thua. Tôi suy nghiệm lời nói của Hòa thượng Thanh Từ và nhận thấy cần phải qua trạng thái thứ hai là Định sanh hỷ lạc thì ai làm gì cũng không ảnh hưởng được ta. Không nghe, không thấy mới bắt đầu nghe pháp âm. Ý này được ngài Thiên Thai Trí Giả đại sư diễn tả rằng không nghe mà nghe. Không nghe âm thanh trần gian thì nghe pháp âm Phật.
Có hôm tôi yên lặng, nhưng nghe có tiếng tụng kinh Pháp hoa. Tôi hỏi Hòa thượng, ngài nói không có ai tụng kinh, như vậy là ông nghe Tổ tụng kinh. Tổ đã tịch từ lâu, nhưng còn âm thanh. Mỗi lần về lễ Tổ, hay đến Bồ Đề Đạo Tràng, tôi ngồi yên để trực nhận xem Tổ, hay Phật tu thế nào. Hòa thượng Thiện Siêu nói rằng nhìn thấy cây bồ-đề tự nhiên rơi nước mắt. Và có độ cảm mạnh như ngài Thiên Thai Trí Giả thì nghe Phật đang thuyết pháp và thấy Pháp hội Linh Sơn chưa tan.
Trên bước đường tu, theo dấu chân Phật, làm sao thâm nhập thế giới bất tư nghì giải thoát thì chúng ta trở lại cuộc đời này, hành Bồ-tát đạo trên tâm niệm giải thoát, chắc chắn mang an lạc cho người, làm đẹp cho đạo, tỏa sáng ánh đạo vàng trên thế gian này.
Hòa Thượng Thích Trí Quảng
http://giacngo.vn/phathoc/2014/07/10/13721B/
HT.Thích Trí Quảng