(PGVN)
Những người ăn chay trường loại thuần chay (vegan), nhất là các tu sĩ Phật giáo trong các cộng đồng Phật giáo Bắc truyền (Bắc tông hay Đại thừa Phật giáo) nên lưu ý đến vấn đề ăn chay cho đúng phương pháp
Lời người biên tập: Có một số nghiên cứu đo lượng vitamin B-12 và chỉ số homocysteine (tHcy ) trong máu nơi những nhóm người ăn chay từ nhiều vùng khác nhau trên thế giới, trong đó có những người theo Ấn Độ giáo và Kỳ Na giáo ở Ấn Độ. Họ thấy những nhóm người ăn chay có lượng vitamin B-12 thấp.
Mặc dầu sự liên hệ giữa hàm lượng vitamin B-12 và chỉ số homocysteine (tHcy ) chưa được hiểu hết hoàn toàn nhưng kết quả cho biết những người có lượng vitamin B-12 thấp lại có chỉ số homocysteine (tHcy) cao và một khi chỉ số tHcy cao là chỉ dấu báo hiệu yếu tố nguy cơ có thể gây ra chứng suy tim. Bài viết dưới đây nhằm giúp những người ăn chay trường loại thuần chay (vegan), nhất là các tu sĩ Phật giáo trong các cộng đồng Phật giáo Bắc truyền (Bắc tông hay Đại thừa Phật giáo) nên lưu ý đến vấn đề ăn chay cho đúng phương pháp và cần bổ xung thêm thuốc bổ đa năng (multivitamins) và vitamin loại methylcobalamin B-12.
Hiện nay chế độ ăn chay được phân làm hai loại chính, trong tiếng Anh gọi là vegetarian và vegan. Theo thống kê năm 2011 của Harris Interactive nước Mỹ có 2.5% dân số là vegan và 2.5% dân số là vegetarian.
Vegetarian dùng để chỉ những người không ăn thịt các loài động vật. Nhưng họ có thể ăn trứng và uống sữa. Thịt động vật được định nghĩa là thịt các loài sinh vật có cảm giác và tự cử động được, tức là các sinh vật biết đi, biết bò, biết cọ quậy, biết bay và biết bơi. Vegetarian lại được phân chia làm ba loại tuỳ theo sở thích (1) Lacto Vegetarians (ăn chay có sữa): Những người này không ăn thịt động vật và trứng, nhưng dùng thêm sữa và các phó sản của sữa như bơ, phó mát. (2) Ovo Vegetarians (ăn chay có trứng): Những người này không ăn thịt động vật và không uống sữa, nhưng có dùng thêm trứng. (3) Lacto-Ovo Vegetarians (ăn chay có trứng và sữa): Những người này không ăn thịt động vật, nhưng ăn trứng, uống sữa và các phó sản của sữa như bơ, phó mát. Loại này phổ thông nhất.
Vegan (ăn chay thuần): Những người này không ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ các loài động vật, tức là không ăn bất cứ loại thịt động vật nào, không ăn trứng, không uống sữa và không ăn các sản phẩm của sữa, không ăn mật ong, cũng như không tiêu dùng các vật dụng có liên hệ tới sự sống của con vật như mặc áo lụa dệt bằng tơ, áo len dệt bằng lông cừu, áo lông thú, mang giầy, bóp, ví bằng da cá sấu, hoặc da bò.
Nhiều nghiên cứu khoa học cho biết những người ăn chay dù ăn theo bất cứ loại nào nếu có kế hoạch đều đạt được nhiều lợi ích đáng kể và chỉ ra rằng chế độ ăn dựa trên thực phẩm có nguồn gốc thực vật có liên quan với giảm nguy cơ bệnh tim mạch, một số loại ung thư và một số bệnh thoái hóa mạn tính khác . [01, 02] Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy người ăn chay thuần (vegan), có hàm lượng vitamin B-12 thấp hơn và chỉ số homocysteine (tHcy) cao hơn so với những người không ăn chay, điều này cho thấy tiềm năng thiếu hụt một số chất dinh dưỡng.
Mặc dù các triệu chứng đáng chú ý đầu tiên của tình trạng thiếu vitamin B-12 không có chỉ dấu đặc biệt như mệt mỏi bất thường hay có vấn đề tiêu hóa. Tuy nhiên, những triệu chứng lâm sàng xuất hiện từ từ và kín đáo trong nhiều tuần, đôi khi trong nhiều tháng. Chúng có biểu hiện đầu tiên là mệt mỏi tăng dần, chán ăn, gầy sút rồi sau đó xuất hiện thiếu máu, tổn thương hệ thần kinh, da và niêm mạc.
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu vitamin B-12 là (1) không cung ứng đủ cho cơ thể thực phẩm có chứa vitamin B-12 (như nghèo đói và ăn chay chay thuần (vegan), và (2) hấp thụ kém vitamin B-12. Phần lớn những người thiếu vitamin B-12 do bởi nguyên nhân thứ hai. Sự hấp thụ vitamin B12 cần có yếu tố nội tại (một protein do tế bào thành của niêm mạc dạ dày tiết ra) và enzyme phân hủy protein của tụy. Vitamin B12 được hấp thụ bởi đoạn cuối ruột non. Theo thống kê năm 2010 nước Mỹ có 16% dân số tức khoảng 48 triệu người Mỹ bị rối loạn dinh dưỡng do thiếu vitamin B12 nhưng không được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị đúng, gây ra rất nhiều chứng bệnh.
Vitamin B-12 thường không có ở những thực phẩm chay, chỉ có ở các sản phẩm chế biến từ thịt động vật và một số ít có trong trứng và bơ sữa. Vì thế với những người ăn chay loại thuần chay và trường chay, phải có kế hoạch cẩn thận cho một chế độ ăn uống, cần thử máu theo dõi tình trạng vitamin B-12 và chỉ số tHcy (total homocysteine) trên cơ sở thường xuyên để có thể phát hiện sớm tình trạng thiếu vitamin B-12, và nên sử dụng hàng ngày các loại thực phẩm như thức ăn sáng cereals, sữa đậu nành có pha trộn thêm vitamin B-12 hay hay uống thêm thuốc bổ sung loại đa năng (multivitamins), hoặc dùng thuốc vitamin B-12 bổ sung.
Có một số nghiên cứu đo lượng vitamin B-12 và chỉ số homocysteine (tHcy ) nơi những nhóm người ăn chay từ nhiều vùng khác nhau trên thế giới. Mặc dầu sự liên hệ giữa hàm lượng vitamin B-12 và chỉ số homocysteine (tHcy ) chưa được hiểu hết hoàn toàn nhưng kết quả cho biết những người có lượng vitamin B-12 thấp lại có chỉ số tHcy cao [03]
Homocysteine (Hcy) là amino acid. Khi cơ thể chuyển hóa amino acid methionine, homocysteine được hình thành như một sản phẩm của quá trình này. Thông thường, hầu hết các homocysteine được tái chế như amino acid khác. Tuy nhiên, cơ thể cần đủ lượng vitamin B12 và folate acid trong chế độ ăn uống để làm điều này. Nếu không có đủ vitamin B12 và folic acid, quá trình tái chế trở nên bị trục trặc, gây ra mức độ homocysteine trong máu tăng lên. Tổng số homocysteine (tHcy) cao trong máu thường chỉ ra rằng cơ thể không nhận được đủ folate acid hoặc vitamin B12 từ thực phẩm hay thuốc bổ sung.
Theo một công trình nghiên cứu của Mỹ đã được công bố, chỉ số homocysteine (tHcy) cao trong máu là một yếu tố nguy cơ gây ra chứng suy tim (congestive heart failure). Nhiều nghiên cứu khác của Austria, Đức và Đài Loan cũng khẳng định sự liên quan giữa chỉ số homocysteine (tHcy) trong máu và nguy cơ phát sinh các cơn đau tim, đột quỵ, thậm chí cả chứng viêm tĩnh mạch.[04, 05]
Theo tiêu chuẩn của nhiều phòng xét nghiệm trên thế giới, chỉ số homocysteine (tHcy) được coi là bình thường nếu nằm trong giới hạn: 6–12 μmol/L.
Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, mọi người đều nên làm xét nghiệm chỉ số homocysteine (tHcy) để có cách xử trí kịp thời nếu mức homocysteine trong máu lên cao bất thường; vì tình trạng này có thể dẫn đến chứng mất trí nhớ và nhiều bệnh tim mạch. Nếu chỉ số tHcy cao, có thể khắc phục bằng cách uống vitamin B6, vitamin B12 [06] và folic acid B-9. Nên lưu ý (1) vitamin B-12 phải là loại Methylcobalamin B-12. (2) Folic acid B-9 phải là loại Methyl Folate (thế hệ thứ 4 của folic acid và (3) Vitamin B-6 cần có thêm Mg++.
Trên thế giới hiện có một dược phẩm giúp hạ homocysteine mang tên Homocysteine Formula. Mỗi viên chứa 50 mg vitamin B6, 400 mcg folic acid, và 125 mcg vitamin B-12 (số lượng thay đổi tuỳ theo nhà sản xuất).
Nói tóm lại, những người ăn chay trường loại thuần chay (vegan), nhất là các tu sĩ Phật giáo trong các cộng đồng Phật giáo Bắc truyền (Bắc tông hay Đại thừa Phật giáo) nên lưu ý đến vấn đề ăn chay cho đúng phương pháp và cần bổ xung thêm thuốc bổ đa năng (multivitamins) và vitamin loại methylcobalamin B-12.
Bài viết này chỉ có tính cách thông tin, mọi liên quan đến việc chẩn và chữa bệnh là thuộc thẩm quyền của bác sĩ y khoa.
Tâm Diệu
--------------
Dẫn chiếu
[01] Sabaté. The contribution of vegetarian diets to health and disease: a paradigm shift? Am J Clin Nutr 2003;78(suppl):502S–7S.
[http://ajcn.nutrition.org/content/78/3/502S.abstract?ijkey=dcbb971e905279f3baeb6df83e652ff723e3ed56&keytype2=tf_ipsecsha]
[02] Appleby PN, Key TJ, Davey GK, Appleby PN. Health benefits of a vegetarian diet. Proc Nutr Soc 1999;58:271–5.
[http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/10466166?dopt=Abstract]
[03] Vitamin B-12 and homocysteine status among vegetarians: a global perspective Am J Clin Nutr 2009 89: 1693S-1698S Abstract/Full Text/ Full Text (PDF)
[04] The American Journal of Clinical Nutrition
http://ajcn.nutrition.org/content/89/5/1693S.full
[05] The Journal of the American Medical Association March 12, 2003, Vol 289, No. 10
[06] Methylcobalamin được nhiều nhà nghiên cứu cho là loại hoạt động mạnh nhất của vitamin B12. Methylcobalamin bảo vệ tế bào thần kinh vỏ não chống NMDA và thúc đẩy việc tái tạo tế bào thần kinh. Methylcobalamine là dạng duy nhất của vitamin B-12 có tham gia trong việc điều chỉnh nhịp sinh học (chu kỳ ngủ-thức). Nó đã được chứng minh trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ và làm mới từ giấc ngủ, cũng như tăng cảm giác hạnh phúc, sự tập trung và sự tỉnh táo.
http://phatgiao.org.vn/doi-song/201306/Che-do-an-chay-va-vitamin-B-12-11137/