Thực chất nguyên nghĩa của “an cư” là an kỳ tâm, cư kỳ thân. Một người an định tâm hồn và nơi ở an tịnh cũng được hiểu là “an cư”. Nhưng theo luật học dành cho cộng đồng Tu sĩ, “an cư” có nghĩa là ở yên một nơi trong ba tháng hạ để thúc liễm thân tâm, trao dồi giới đức, tăng trưởng Giới – Định – Tuệ để xứng là ruộng phước cho bá tánh gieo duyên.
“An cư” là ở yên một chỗ. Truyền thống nầy có trước thời Đức Phật, một số ngoại giáo đã áp dụng. Khi Đức Phật thành đạo, Tăng đoàn còn thô sơ, giới luật chưa áp dụng rộng rãi; Lục quần tỳ kheo thong dong tự tại trong mùa mưa, gây nhiều tai tiếng trong tín đồ, dẫm đạp côn trùng và cây cối, trôi dạt y bát, làm mất oai nghi của bậc xuất trần; vì thế, đức Phật đã chế định “an cư” vào mùa mưa để chư Tăng an trú một chỗ, tránh làm tổn hại sinh vật, có thời gian tu tập, tăng trưởng nội lực, sách tấn chuyên cần để hồi hướng cho Tứ ân trọng.
Do truyền thống được duy trì mà trên 2555 năm vẫn tồn tại và được áp dụng hầu hết trên các quốc gia có mặt Phật giáo. Mục đích an cư ba tháng không tiếp xúc bên ngoài xã hội là để trao dồi giới đức, chuyên cần thiền định. Mùa “an cư” được thể hiện tinh thần Lục Hòa trong cộng đồng tu sĩ. Đồng thời trưởng dưỡng nội lực; trao đổi kinh nghiệm hoằng hóa và trãi nghiệm tâm linh. Tuổi Hạ được tính vào những mùa “an cư” của tu sĩ. Một Tỳ kheo trẻ dưới 5 tuổi Hạ không được rời bổn sư hoặc y chỉ sư. Cho dù đủ tuổi Hạ theo quy định nhưng chưa thông hiểu kinh luật cũng chưa thể xa thầy. Một Tỳ kheo đủ 10 tuổi Hạ mới có quyền nhận đệ tử hoặc được làm truyền giới sư.
Thực chất nguyên nghĩa của “an cư” là an kỳ tâm, cư kỳ thân. Một người an định tâm hồn và nơi ở an tịnh cũng được hiểu là “an cư”. Nhưng theo luật học dành cho cộng đồng Tu sĩ, “an cư” có nghĩa là ở yên một nơi trong ba tháng hạ để thúc liễm thân tâm, trao dồi giới đức, tăng trưởng Giới – Định – Tuệ để xứng là ruộng phước cho bá tánh gieo duyên. Lúc bấy giờ, một số tu sĩ hiều theo tinh thần cực đoan, an trú ba tháng mưa nhưng không ai nói với ai lời nào, lúc cần, chỉ ra dấu, bị Phật quở, mục đích an cư không phải biệt chúng mà phải cùng nhau chia xẻ sự hiểu biết và kinh nghiệm tu tập. Từ đó, các trường Hạ thường lập thời khóa tu tập và học hỏi Kinh Luật Luận. Vào thời Phật hiện tiền, sau ba tháng chuyên cần, một số đã chứng đắc từ sơ quả đến Alahan. Cư sĩ cũng chứng đắc một phần Thánh quả. Vì thế theo luật tạng, một tu sĩ không nhập hạ phạm vào tội Đột Kiết La. Trong thời gian Hạ không được vượt ra khỏi phạm vi Hạ đàn. Nếu có duyên sự chính đáng và quan trọng, có thể tác pháp yết ma trước đại chúng hoặc trình bạch với ban chức sự trường Hạ để xuất Hạ với thời gian được ấn định. Thời gian ra khỏi trường hương dưới 1/3 của thời gian ba tháng “an cư”. Nếu vi phạm đuợc coi như phá Hạ mà không được tính tròn tuổi Hạ. Lấy mùa “an cư” làm tuổi của một tu sĩ. Sau ba tháng Hạ, chư Tăng họp lại để tự kiểm điểm hành vi, ý nghĩ của mình, nếu phạm giới sẽ được đại chúng luận tội mà xét xử giúp đương sự tăng tiến trên đường tu tập. Vì thế rằm tháng bảy gọi là ngày tự tứ, kết thúc mùa “an cư”. Cũng trong mùa “an cư”, một số vị Thánh Tăng vượt qua nhiều cám dỗ, thắng chướng duyên đạt thánh quả, hoặc chư Tăng tinh tấn thiền định, tiến tu đạo nghiệp, được chư Phật hoan hỷ tán thán nên gọi là ngày Phật Hoan Hỷ. Sau ba tháng trọn vẹn, không bị một lỗi nào dù là nhỏ, Tu sĩ đó được tưởng thưởng một số điều kiện gia giảm luật lệ tiểu tiết như được thọ thực thêm trước ngọ chính, sắm thêm y hậu, đi lại tự do miễn xin phép, ngủ lại một nơi khi quên đem theo y và được khỏi ăn chung với chúng Tăng. Những ưu đãi nầy được hưởng trọn trong mùa Đông.
Trong luật Tứ Phần quy định “an cư” có thể ở dưới táng cây, trong hang động, trong tư thất, trên thuyền, trong thôn xóm,…nhưng không được ở nơi mất an ninh, nơi gò mã, cây không có táng, nhà lợp bằng da thú…Khai hạ cũng phải được sự chứng minh của chư tôn đức có phẩm hạ cao. Nếu tự ý tụ tập cấm túc mà không được khai giới, xem như không có tuổi Hạ, được gọi là tặc trú. Một tu sĩ không có tuổi Hạ, suốt đời không thể được coi là tu sĩ, không thể làm thầy ai được. Tuy nhiên, tùy hoàn cảnh, không thể nhập chúng, dù một tỳ kheo đủ 5 tuổi Hạ, am tường luật nghi khai-trì-giá-phạm, cũng có thể tự an trú nơi thuận tiện trong mùa “an cư”. Phải cung đối Tam bảo tác pháp “cấm túc”.
Truyền thống Bắc tông khởi đầu mùa “an cư” từ 16/4 a.l đến hết 16/7 a.l hàng năm. Theo Nam Tông thì bắt đầu từ 16/6 đến 16/9 a.l. Sau ba tháng an cư, tháng bảy là mùa báo hiếu và xá tội; hàng cư sĩ nương vào oai lực tu tập suốt mùa “an cư” của Tăng chúng mà dâng cúng tứ sự để hồi hướng phước báu đến cửu huyền thất tổ, mẹ cha quá khứ và hiện tiền.
Ngoài luật “an cư” kiết Hạ, còn có một vài trường phái kiết Đông, Kiết Thu hoặc kiết Xuân để tinh chuyên pháp môn riêng. Theo tinh thần an cư, tập thể Tăng già duy trì luật “an cư” là duy trì được sinh lực Phật giáo. Ngoại trừ những vùng chiến, tu sĩ không thể quy tập “an cư”, tất cả trên thế giới, dù theo truyền thống nào, luật “an cư” vẫn được duy trì nghiêm túc. Ở Việt Nam, tinh thần “an cư” tuy có duy trì, nhưng một số trường Hạ chưa có thời khóa tu học miên mật, chính vì thế nhiều tệ nạn không tránh khỏi.
Về mặt tích cực, “an cư” đem lại nhiều lợi ích cho Tăng Thân cả về nội lực lẫn đạo phong nếu áp dụng nghiêm túc luật nghi. Nhưng ngày nay, một số điểm trường Hạ, ban chức sự không phát huy hết chức năng, biến trường hương thành nơi tiêu cực cả về tu tập lẫn lợi dưỡng. Khai hạ và giải Hạ là nghi tắc của tôn giáo, một số Hạ đàn mời cả chính quyền đến tham dự chứng minh là không đúng. Những nghi lễ mang tính hành chánh phổ cập thì được, ngoài ra những gì thuần túy tôn giáo, kể cả giới đàn, tác pháp yết ma là việc riêng của nội tình tu sĩ Phật giáo. Ban tổ chức Hạ đàn, giới đàn cần tách riêng các loại hình sinh hoạt như thế.
Dẫu sao, “an cư” vẫn là chiếc vành giữ cho miệng thúng được an toàn, Phật giáo từ đó vẫn giữ được nề nếp cộng trụ sách tấn lẫn nhau.
MINH MẪN
25/5/2011
http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/buoc-dau-hoc-phat/nen-tang-hoc-phat/7920-An-cu.html