Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Tịnh Độ cầm tay

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh


Ta phải rèn luyện để cho mỗi bước ta đều về được, mỗi bước ta đều tới được. Đây là Tịnh Độ, Tịnh Độ là đây. Đúng là Tịnh Độ rồi, ta không cần phải đi kiếm nữa.

Có một cặp vợ chồng ở bên Đức qua và đang ở lại đây một tuần. Cả hai còn trẻ và đang tu theo Tịnh Độ. Họ nói với sư cô Chân Không là họ cũng thích tu Thiền nhưng họ chọn theo Tịnh Độ bởi vì: “Lỡ mình chết thì mình về Tịnh Độ liền, còn nếu mình tu Thiền thì hơi nguy vì tu Thiền mà lỡ nửa chừng bị chết thì mình không biết sẽ đi về đâu. Thành ra tu Tịnh Độ cho chắc ăn”. Sư cô Chân Không đã chỉ bày họ thấy được cái tánh bất nhị giữa Thiền và Tịnh Độ và họ đã hiểu.

Khi học về tư tưởng Phật giáo, chúng ta thấy rõ rằng trong thời Đức Thế Tôn còn tại thế, các thầy các sư cô đã tu với mục đích để đạt được quả vị A La Hán, thoát ly sinh tử. Còn quý vị Phật tử cư sĩ thì tu để có hạnh phúc và để được sanh ra về cõi Trời hay ít nhất là cõi Người, chứ chưa nghe nói tới cõi Tịnh Độ. Trong thời gian Bụt còn tại thế thì danh hiệu đức A Di Đà chưa được nhắc tới. Trong thời vua A Dục, thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, thì đạo Bụt đã được truyền qua Iraq, Iran và Afganistan. Đạo Bụt cũng đã tiếp thu được những yếu tố văn hóa của các nước đó để có thể thích ứng với môi trường, xã hội và văn hóa của các nước này. Thời xưa ở Iran đã có tín ngưỡng thờ mặt trời, và cái ý niệm vô lượng quang, vô lượng thọ đã có sẵn trong truyền thống tâm linh của những đạo giáo bản xứ. Cho nên Tịnh Độ của đức A Di Đà vô lượng quang vô lượng thọ cũng là một pháp môn của đạo Bụt để thích ứng với môi trường văn hóa của Iran. Nhờ tiếp thu được với những nền văn hóa trong nội địa và xung quanh nên đại thừa đã được phát sinh và vì vậy đạo Bụt có thể đi khắp thế giới.

Khi mang đạo Bụt đi sang Tây phương, chúng ta phải biết sử dụng những yếu tố văn hóa của Tây phương để chế tác ra những pháp môn mới, những pháp môn có thể chuyên chở được tinh thần của Phật giáo nguyên thủy tức là Vô Thường, Vô Ngã, Niết Bàn, Tam Pháp Ấn. Những giáo lý ấy phải được biểu hiện bởi những pháp môn mới thì đạo Bụt mới có thể cắm rễ và thành công được ở Tây phương. Đạo Bụt vẫn là đạo Bụt nhưng mà hoa trái nở ra phía trên có thể rất mới. Cách đây 22 năm tại Làng Mai chúng ta có trồng rất nhiều cây cải bẹ xanh ở Xóm Hạ. Đất ở bên này tốt và những cây cải đó vào mùa Đông được trồng trong những nhà kính. Ban ngày những cây cải này thâu nhận ánh sáng mặt trời để lớn, lá vươn cao, nhưng ban đêm lạnh quá thành ra chúng phải gồng mình, lá ụp xuống và trên thân cải mọc lên rất nhiều gai. Ở Việt Nam thì những cây cải như vậy không bao giờ có gai! Ở đây nó phải thích ứng với địa phương và những cây cải này nặng từ 2 đến 3 kg. Một cây cải cũng phải tìm cách để có thể thích ứng với địa phương mới có thể sống được huống hồ là một truyền thống. Cho nên truyền thống của ta một khi sang Tây phương phải tìm cách để thích ứng với phong thổ và tập quán bên này để có thể cắm rễ vào mảnh đất Tây phương, đó là chuyện rất dĩ nhiên. Nếu ta ôm truyền thống với một thái độ bảo thủ thì không thể nào làm được chuyện này.

Phần lớn những chùa Việt Nam được thiết lập tại Tây phương ở bên Mỹ hay ở bên Âu châu chỉ phục vụ được cho đồng bào Việt kiều mà không cung cấp được những món ăn tinh thần cho người Tây phương. Cây Phật giáo ta đem trồng sang bên này dưới hình thức các chùa Việt Nam cũng giống như những cái cây trồng trong chậu và chỉ có thể phục vụ được cho Việt kiều. Thỉnh thoảng có một vài người Tây phương đến chùa và cảm thấy là lạ vui vui nhưng chưa tìm thấy một cái gì đó quen thuộc với họ. Người Trung Quốc đã làm như vậy, người Đại Hàn đã làm như vậy, người Nhật Bổn cũng đã làm như vậy. Họ đã thiết lập những ngôi chùa ở Âu châu, ở Mỹ châu. Các thầy Tây Tạng đã làm khá hơn và đã có khả năng lấy cây ra khỏi chậu. Các thầy và các sư cô người Việt ở bên này chưa làm được như các thầy các sư cô Tây Tạng. Để cây trong chậu hoài thì lâu ngày đất trong chậu sẽ hết chất bổ và cây sẽ yếu. Các bậc phụ huynh cha mẹ còn đến chùa nhưng con cái thì đã thành Tây thành Mỹ, các em cảm thấy không thoải mái khi đến chùa. Khi hết thế hệ cha mẹ rồi thì đạo Phật với hình thức Á châu sẽ không còn phục vụ được cho người trẻ. Vì vậy ta rất cần đem cây ra khỏi chậu và tìm cách trồng xuống đất. Ban đầu có thể khó khăn nhưng chịu khó chăm sóc thì cây sẽ có khả năng cắm rễ. Lúc đó ta mới mong phục vụ được nhu cầu văn hóa và xã hội địa phương. Đức Thế Tôn đã từng sử dụng những yếu tố văn hóa địa phương để sáng chế ra những pháp môn và các đệ tử của Ngài cũng có khả năng đó. Các vị biết sử dụng các yếu tố văn hóa địa phương để chế biến ra những pháp môn mới như Tịnh Độ tông và Mật tông. Chúng ta đã học tới các nền văn học bản sinh và thí dụ. Chúng ta biết rằng các nền văn học bản sinh và thí dụ đã sử dụng rất nhiều truyện cổ tích và thần thoại của Ấn Độ để chuyên chở giáo lý nghiệp báo và nhân quả của đạo Bụt. Chư Tổ nhờ đó đã chuyên chở được cái lý tưởng Bồ Tát vào truyền thống mà trước kia chưa có. Trước đó chỉ có lý tưởng Thanh Văn, Duyên Giác và La Hán mà thôi. Là con cháu, chúng ta cũng phải làm được như Tổ tiên. Vấn đề là trong khi tiếp thu và chế biến, chúng ta phải giữ được cái bản chất của Phật giáo. Những pháp môn chúng ta cống hiến phải chứa đựng, phải chuyên chở những cốt tủy của Phật giáo, trong đó có tuệ giác Vô Thường, Vô Ngã, Niết Bàn, Tam Pháp Ấn và Tam Giải Thoát Môn. Ta phải nắm được cái tinh yếu trước khi ta có khả năng tự do chế biến. Đức Thế Tôn là một người có tự do. Các thế hệ đệ tử sau này nhiều vị cũng là người có tự do cho nên họ đã chế biến được nhiều pháp môn mới và làm cho cây Phật giáo được tồn tại mãi cho đến hai ngàn sáu trăm năm sau. Chúng ta là đàn hậu tấn, chúng ta phải học được bài học của cha ông. Chúng ta phải thông minh, phải có óc sáng tạo, trong nước cũng như ngoài nước.

Hiện bây giờ ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, chúng ta đã đánh mất vai trò lãnh đạo tinh thần trong lãnh vực kiến thức, kinh tế và chính trị. Hồi xưa, khi các vị vua gặp những khó khăn, họ luôn luôn tìm đến các thầy, các vị quốc sư để nhờ sự soi sáng. Các nhà chính trị đã nhìn lên các thầy như là người lãnh đạo tâm linh. Còn bây giờ các nhà chính trị không có nhìn như vậy nữa, họ nhìn xuống ta tại vì ta không thể cung cấp được cho họ chiều sâu tâm linh. Ta không cố vấn được cho họ trên phương diện chính trị, xã hội và văn hóa. Không phải ta thiếu học về những cái đó nhưng vì ta không có đủ cái thực chứng của tuệ giác. Khi có tuệ giác rồi thì nhìn vào kinh tế ta sẽ hiểu về kinh tế, nhìn vào chính trị ta sẽ hiểu về chính trị.

Chúng ta đã từng tổ chức những khóa tu cho các nhà tâm lý trị liệu. Muốn làm nhà tâm lý trị liệu ta phải học tâm lý học rất nhiều năm. Chúng ta không cần phải học nhiều như họ, nhưng chúng ta có thể giúp họ tại vì chúng ta có tuệ giác của đạo Bụt. Đứng về phương diện kinh tế cũng vậy, chúng ta đã mở những khóa tu cho các nhà lãnh đạo doanh thương. Chúng ta không cần có kinh nghiệm doanh thương như họ, không có đi học trường doanh thương như họ, nhưng chúng ta có thể giúp họ được như thường tại vì chúng ta có tuệ giác của đạo Bụt và cũng tại vì chúng ta có thể hiểu được những khổ đau của nhà doanh thương. Ta giúp họ có thể chuyển hóa được những khó khăn trong lòng và những pháp môn ta cống hiến cho họ tu tập không có hại gì đến công việc của họ, trái lại có thể làm cho sự nghiệp của họ được tăng tiến. Vì vậy điều quan trọng không phải là học những môn học đó mà phải nắm được tuệ giác của đạo Bụt. Có tuệ giác rồi thì nhìn vào cái gì ta hiểu cái đó. Ta đã giúp cho giới y khoa bác sĩ, ta đã giúp cho giới cảnh sát công an và ta đã giúp cho giới dân biểu. Làm gì ta có kiến thức như họ về những ngành đó, nhưng mà ta giúp được. Tại sao? Tại vì ta có một con đường tâm linh có thể đem tới cho họ được niềm tin.

Chúng ta phải làm mới sự học hỏi và tu tập của mình để có thể lấy lại vai trò lãnh đạo cho xã hội. Xã hội không thể không có một hướng đi tâm linh. Không có hướng đi tâm linh thì sẽ sinh ra tham nhũng, hư hỏng. Đó là cái gì đang xảy ra trên đất nước. Nếu chúng ta chỉ nghĩ tới cái chùa, cái tổ chức, hay để tâm vào việc xây dựng và tổ chức thì chúng ta sẽ không có thì giờ đi sâu vào sự thực tập đào xới để làm cho mạch nước của tâm linh được trào lên. Như vậy chúng ta đã phí thì giờ và cuộc đời của chúng ta, nhất là cuộc đời một người xuất gia. Chúng ta phải xử lý và áp dụng thì giờ một cách khôn khéo. Chúng ta không nên phung phí thì giờ vào những công việc không cần thiết. Một ông thầy tu đi học y khoa đó là một sự sai lầm. Một ông thầy tu đi học luật là sai lầm. Chính ông thầy tu đi học để trở thành một học giả về Phật học cũng là sai lầm, vì cuộc đời ít cần học giả bằng hành giả. Chúng ta cần những người có tuệ giác. Ở đời cũng có những nhà Phật học rất nổi tiếng, thông bác về kinh điển, về Phật học, nhưng không thể giải quyết được những khó khăn, những khổ đau của họ, vì vậy họ không thể nào trở thành một nhà lãnh đạo tâm linh. Thiền sinh tới với chúng ta ở đây phần lớn là người trí thức, người trẻ. Họ tới không phải vì chúng ta có kiến thức ngoài đời, có bằng cấp này bằng cấp nọ, mà vì chúng ta có pháp môn tu tập để chuyển hóa khổ đau. Sự thật là như vậy! Cho nên ta phải nắm lấy những pháp môn tu học. Ta phải có khả năng chuyển hóa những khổ đau nơi chính bản thân và giúp cho anh em ở trong nhà làm được việc đó. Đến lúc đó ta sẽ sẵn sàng để đóng vai trò độ đời và ta có thể khôi phục lại vai trò lãnh đạo tâm linh của người tu sĩ.

Trở lại câu chuyện Tịnh Độ. Ở trong đạo Cơ Đốc có người cũng suy nghĩ tương tợ như cặp vợ chồng trên. Có người đã tính toán như thế này: Cứ tin Thượng Đế đi, không có lỗ đâu. Nếu có Thượng Đế thì khi chết mình được về Thiên đường, còn nếu không có Thượng Đế thì thôi, mình có mất mát gì đâu! Còn nếu mình không tin, lỡ ra có Thiên đường thì uổng biết mấy. Cũng vậy, tu Tịnh Độ chắc ăn hơn. Lỡ mình chết thì mình có chỗ về ngay, còn tu Thiền thì không chắc ăn lắm. Chưa đạt tới giải thoát mà đã chết thì mình sẽ không biết đi về đâu. Mình sẽ thành con ma đói đi vòng vòng... Tính toán cũng như nhau, tuy là hơi khác một chút. Theo tôi nếu đợi đến chết rồi mới sanh về Tịnh Độ thì có thể trễ, tại sao không sống Tịnh Độ liền ngay bây giờ? Mà Tịnh Độ liền ngay bây giờ là cái có thể làm được. Phép thực tập Hiện pháp lạc trú, Hiện pháp Tịnh Độ, phương pháp “mỗi bước chân đi vào Tịnh Độ” là quà tặng quý nhất của Làng Mai. Ta tặng cho bạn Tịnh Độ ngay trong bây giờ.

Mấy năm trước đây có một vị thượng tọa rất dễ thương từ Việt Nam qua. Thượng tọa đã xây chùa nhiều, hiện làm chủ tới bảy ngôi chùa lớn và thượng tọa còn làm công việc xã hội rất giỏi. Qua bên này là một cơ hội để gặp Sư Ông Làng Mai. Ban đầu gặp Sư Ông, thượng tọa nói đến chuyện làm sao để có thể giúp đỡ việc làm xã hội bên nhà. Sư Ông nói: “Tu không lo tu mà cứ lo làm xã hội. Xã hội ai mà không làm được. Tu mới khó chứ!” Thượng tọa nghe như vậy đã không giận, trái lại đã giật mình tỉnh thức và thấy được rõ ràng đó là cái mục tiêu đầu tiên của mình khi phát tâm đi xuất gia. Khi lăn mình vào việc xây dựng, mình có thể đánh mất mình, đánh mất cái chủ đích đầu tiên của mình là tu học để đạt tới thảnh thơi và giải thoát. Công việc xây dựng cũng hấp dẫn lắm, làm thành công thì được người ta khen ngợi và khi ngắm công trình xây dựng của mình thì mình thấy thỏa mãn. Nhưng đó đâu phải cái hoài bão ban đầu của người đi tu. Món quà lớn mà thượng tọa nhận được từ Sư Ông là phục hồi được tâm ban đầu, nghĩa là sơ tâm của người xuất gia.

Châu báu chất đầy thế giới
tôi đem tặng bạn sáng nay
một vốc kim cương sáng chói
long lanh suốt cả đêm ngày.
Mỗi phút một viên ngọc quý
tóm thâu đất nước trời mây
chỉ cần một hơi thở nhẹ
là bao phép lạ hiển bày.
Chim hót thông reo hoa nở
trời xanh mây trắng là đây
ánh mắt thương yêu sáng tỏ
nụ cười ý thức đong đầy.
Hỡi người giàu sang bậc nhất
tha phương cầu thực xưa nay
hãy thôi làm thân cùng tử
về đây tiếp nhận gia tài.
Hãy dâng cho nhau hạnh phúc
và an trú phút giây này
hãy buông thả dòng sầu khổ
về nâng sự sống trên tay.

Trên đây là một bài hát mà cũng là sự thực tập. Tại Làng Mai chúng ta thực tập thiền đi. Chúng ta đi như thế nào để mỗi bước chân ta dẫm lên được Tịnh Độ. Mỗi bước chân đi vào Tịnh Độ. Chúng ta đi như người thảnh thơi, người giác ngộ. Chúng ta không đi như một người bị ma đuổi. Là giáo thọ ta làm điều đó mà sa di ta cũng làm như vậy. Hai thầy trò đều cùng đi trong Tịnh Độ. Đẹp biết bao nhiêu mà kể. Hai thầy trò đều có thảnh thơi, đều có hạnh phúc ngay trong giây phút đi. Đức Thế Tôn đã từng nói rất rõ là “quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới”. Sự sống đang có mặt đó và tất cả những nhiệm mầu đang xảy ra trong ta và xung quanh ta. Vậy cho nên ta hãy tỉnh dậy, đừng chạy về tương lai nữa. Hãy thưởng thức những cái kỳ diệu của sự sống ngay trong giây phút hiện tại. Trời mưa cũng đẹp, trời nắng cũng đẹp. Trời có sương mù cũng đẹp, trời tuyết cũng đẹp. Mùa xuân đẹp mà mùa thu cũng đẹp. Lá xanh cũng đẹp mà lá đỏ cũng đẹp... Nếu ta không có mặt thì những mầu nhiệm ấy sẽ đi qua như một giấc mơ. Cho nên công phu là gì? Công phu là sống sâu sắc đời sống hằng ngày, thở mỗi hơi thở, bước một bước chân là ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Nếu có một chút niệm, một chút định thì ta làm được điều đó ngay. Nhờ vậy mà ta nối tiếp được sự nghiệp của Đức Thế Tôn.

Có những bài kệ mà chúng ta đã học thuộc lòng như bài:

Đã về đã tới
Bây giờ ở đây
Vững chãi thảnh thơi
Quay về nương tựa…

Hoặc là bài:

Đây là Tịnh Độ
Tịnh Độ là đây
Mỉm cười chánh niệm
An trú hôm nay...

Hay là bài:

Vào, ra,
Sâu, chậm
Khỏe, nhẹ
Lặng, cười
Hiện tại, tuyệt vời

Những bài này đã được làm ra nhạc để ta có thể học thuộc dễ dàng. Bất cứ một bài kệ nào chúng ta cũng có thể áp dụng để thở, để đi. Những bài kệ đó cũng có thể áp dụng trong khi ăn cơm. Ví dụ như bài: Đây là Tịnh Độ - Tịnh Độ là đây... Ta có thể nhai cơm theo nhịp đó. Người ta thấy ta nhai nhưng họ đâu biết là ta đang tu. Khi nhai hết một bài thì cơm trong miệng đã trở nên rất nhuyễn, nuốt vào rất ngon và rất dễ tiêu. Ta đang ăn cơm như mọi người nhưng ta có Niệm và có Định. Bất cứ một bài kệ nào ta cũng có thể sử dụng trong khi ăn. Như vậy, ta có mặt một cách đích thực và thực sự đang ngồi ăn trong Tịnh Độ. Ta có thể ăn cơm với bài Đã về đã tới... Ta thấy rõ ràng là ta đã về đã tới, là ta đang an trú trong hiện tại. Đây là Tịnh Độ.

Đôi khi trong lúc đi thiền, bước lên trên thảm lá vàng ta thấy mầu nhiệm quá. Thảm lá vàng này còn đẹp hơn vườn ông Cấp Cô Độc khi ông đem vàng lá lót lên để trả cho thái tử Kỳ Đà. Vàng lá lót đâu có đẹp, dẫm lên đâu có dịu dàng như lá vàng mùa thu! Mỗi khi dẫm lên lá mùa thu ta thấy rõ ràng rằng ông Cấp Cô Độc dễ thương quá. Kỳ này ông không rải lên thứ vàng khi đi kêu răng rắc mà một thứ vàng bước lên rất mềm, rất đẹp. Mỗi bước chân là một hạnh phúc. Nếu đi trên những thảm lá vàng đó trong mưa phùn mùa thu mà không thấy hạnh phúc thì dầu có qua Tịnh Độ ta cũng không có hạnh phúc. Tịnh Độ có thể không đẹp bằng bên này. Hoa sen có thể lớn bằng bánh xe thật, nhưng nếu dưới ao toàn là vàng mà không có bùn thì làm sao cho sen đẹp và thơm? Ta không nên bỏ hình bắt bóng, hãy tập sống với những mầu nhiệm của sự sống hiện tại mà đừng mơ tưởng một cái gì ở tương lai. Bỏ hiện tại là đi trái với giáo lý tu tập Hiện pháp lạc trú. Khi hướng dẫn cho những nhà chính trị, những nhà kinh doanh, những nhà dân biểu quốc hội thì ta cũng chỉ hướng dẫn như thế thôi. Không cần giảng nhiều. Khi họ thấy ta đang làm được như vậy, đang đi, đang ngồi, đang thở trong Tịnh độ thì họ cảm được. Ta không cần phải làu thông kinh sử thì mới có thể giúp họ. Ta chỉ cần có khả năng sống thảnh thơi, sống an lạc. Ta phải có khả năng tháo gỡ những buồn giận, những lo âu của mình. Khi thở vào chúng ta nói con đã về. Câu con đã về đó không phải là lời tuyên bố, không phải là một bản thông cáo mà là sự thực tập. Bạch ĐứcThế Tôn con đã về. Đem tất cả Niệm và Định để bước bước chân đó. Về đâu? Ta về trong giây phút hiện tại và thiết lập thân tâm ở giây phút hiện tại. Đó là đã về. Bạch Đức Thế Tôn con đã tới. Tâm ta không bay đi đâu cả, tâm ta ở với thân ta và cũng dẫm lên mặt đất với bàn chân của ta. Con đã về thật rồi, con không còn đi hoang nữa. Con đã tới thật rồi, con đang tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại. Ta đã về thật sự chưa, ta đã tới thật sự chưa thì tự ta biết. Nếu tâm ta không còn rong ruổi thì mỗi bước chân như vậy chứng tỏ đã về, mỗi bước chân như vậy chứng tỏ ta đã tới. Lúc đó thì ta mới thành công. Thành công một bước thì ta sẽ thành công hai bước và sẽ thành công được bước thứ ba. Cố tâm thì làm được chứ không có gì khó.

Mỗi bước chân đi vào Tịnh Độ là chuyện ta có thể làm được trong ngày hôm nay và làm như thế nào để sự thực tập ấy trở thành một tập khí tốt, một thói quen tốt. Đi đâu ta cũng mang Tịnh Độ đi theo, giống như đời nay đi đâu cũng mang theo điện thoại cầm tay vậy. Ta gọi là Tịnh Độ cầm tay (portable Pureland.) Ta đi cho cha, ta đi cho mẹ. Suốt đời ba, ba lo lắng, ba có thể chưa bao giờ có được giây phút dừng lại ngồi yên mà bước trong Tịnh Độ. Vậy bây giờ ta đi cho ba. Ba ơi, đi với con một bước đi ba. Cha con mình đã về, cha con mình đã tới. Làm được như vậy thì ta là người con có hiếu nhất trong số những người con có hiếu. Mẹ ta suốt đời tất tả ngược xuôi, bận rộn suốt đời chưa bao giờ có được một phút thảnh thơi an lạc. Ta mời mẹ đi, mẹ ơi đi với con một bước. Mẹ ơi con đã về, mẹ cũng đã về. Mẹ ơi con đã tới, mẹ cũng tới với con. Đó là những điều ta có thể làm được ngay bây giờ, không cần phải tu luyện tám năm sau mới có thể làm được. Nếu quyết tâm thì nội trong một giờ đồng hồ thực tập ta đã có sự thay đổi trong thân và trong tâm ta rồi. Huống hồ là ba tháng, là một năm hay bốn năm. Khi ta bước đi trong Tịnh Độ được rồi thì ta có thể giúp cho những người khác đi trong Tịnh Độ. Người khác đó là ai? Là những người trong gia đình ta, là những người trong xã hội đang đau khổ và tìm tới với ta. Đi được như vậy trong Tịnh Độ, thở được như vậy trong Tịnh Độ, ăn được như vậy trong Tịnh Độ rồi thì ta có thể xử lý và chuyển hóa được dễ dàng những nỗi khổ niềm đau ở trong ta. Còn nếu chưa đi được như vậy, chưa ngồi ăn được như vậy, chưa thở được như vậy thì ta vẫn còn là nạn nhân của những nỗi khổ niềm đau trong lòng.

Nay con đã về, nay con đã tới. Đó không phải là những lời tuyên bố, đó là sự thành công. Khi mình đi thiền hành với đại chúng, mình đi với một tốc độ để đừng chặn đứng những người ở phía sau, nhưng khi đi thiền một mình thì ta có thể đi chậm bao nhiêu cũng được. Ta phải rèn luyện để cho mỗi bước ta đều về được, mỗi bước ta đều tới được. Đây là Tịnh Độ, Tịnh Độ là đây. Đúng là Tịnh Độ rồi, ta không cần phải đi kiếm nữa. Con đang mỉm cười chánh niệm và con đang an trú ngay giờ phút này. Bụt là một chiếc lá đỏ. Con thấy Bụt trong chiếc lá đỏ. Con thấy Pháp trong một đám mây bay và con thấy Tăng thân. Chỗ nào cũng có Tăng thân, từ hạt sỏi, từng dòng nước đều là Tăng thân của con, tất cả đều tu tập với con. Và quê hương của con là ngay tại đây. Tịnh Độ ở đây.

Đối với cặp vợ chồng kia ta phải nói cho họ biết là chúng tôi đang tu Tịnh Độ. Chúng tôi đòi hỏi Tịnh Độ liền ngay bây giờ và chúng tôi có những dụng cụ, những pháp môn để có Tịnh Độ liền ngay bây giờ, cũng như quý vị đang có cái máy điện thoại có thể nói liền sang bên Đức lập tức. Ta nói rằng bây giờ bỏ Tịnh Độ hiện tại mà đi tìm Tịnh Độ tương lai là không thực tế lắm. Khi thuyết giảng cho những bạn Cơ Đốc, tôi cũng cống hiến cho họ những cái thấy như vậy. Không phải vì họ là người Cơ Đốc mà ta tặng cho họ một món quà nhỏ hơn. Cách đây 22 năm giảng cho một thính chúng 500 người da đen ở trong một Thánh đường gần thành phố Philadelphia tôi cũng nói như vậy. Tôi nói: “Quý vị đừng có đợi đến khi thân hình này tan rã rồi mới đi vào nước Chúa. Nên đi vào nước Chúa liền ngay bây giờ đi. Nếu quý vị có chút Niệm và Định thì chỉ với một bước chân thôi quý vị đã có thể đi vào nước Chúa rồi. Đừng chờ đợi, vì trong Thánh kinh có nói: “Nước Chúa là trong trái tim của quý vị”. Giáo lý này áp dụng cho Phật tử và cũng áp dụng cho người Cơ Đốc.

Trong đại hội Tin Lành và Công giáo ở nước Đức tháng sáu năm ngoái, trong một thính chúng khá đông đảo, với sự có mặt của nhiều vị giám mục và hai giáo đoàn Tin Lành và Công giáo tôi cũng đã nói như vậy. Tôi nói: “Sở dĩ mà tuổi trẻ bỏ nhà thờ hàng loạt cũng là tại vì quý vị. Quý vị không cung cấp cho tuổi trẻ những giáo lý và những pháp môn tu tập để họ có an lạc và hạnh phúc trong hiện tại cho nên họ mới đi tìm an lạc và hạnh phúc nơi tình dục, nơi ma túy, nơi danh lợi, nơi quyền hành. Quý vị phải cung cấp cho giới trẻ những giáo lý để họ có thể nếm được an lạc, hạnh phúc của nước chúa, của Thiên Quốc ngay từ bây giờ. Chính quý vị cũng phải thực tập. Quý vị là mục sư, quý vị là linh mục, quý vị phải có khả năng sống trong nước Chúa bây giờ với sự an lạc, với sự hạnh phúc thì quý vị mới thuyết phục được chúng tôi. Theo cái thấy của tôi thì Phúc Âm có dạy rằng: Nước Chúa đang có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Quý vị cần cung cấp giáo lý ấy và những pháp thực tập ấy để cho tuổi trẻ tiếp xúc được những mầu nhiệm trong giây phút hiện tại thì tuổi trẻ mới không bỏ nhà thờ để chạy theo tiếng gọi của tình dục, ma túy...”

Bài pháp thoại nói cho người Cơ Đốc ấy cũng có tầm vóc, cũng có năng lượng lớn như những bài pháp thoại tôi nói cho người Phật tử. Danh từ thì có thể tôi dùng danh từ khác, nhưng nội dung vẫn là nội dung của hiện pháp lạc trú, của Niệm, Định và Tuệ. Sau buổi giảng đó có ba vị Giám mục lên ngồi chung với tôi để cho quần chúng ở dưới đặt câu hỏi. Có một vị Giám mục người Công giáo nói: “Hay lắm! Hay lắm! Giáo lý nước Chúa bây giờ và ở đây rất hay, mình phải thực tập. Nhưng tôi cũng còn muốn có một nước Chúa ở bên kia nữa, ở tương lai nữa.” Tôi hiểu ông Giám mục, lâu nay mình đã đầu tư vào nước Chúa ở bên kia rồi, bây giờ rút lui thì hơi khó. Dù bây giờ mình đã có được nước Chúa ngay giây phút hiện tại. Nhưng không sao. Có hai Thiên Quốc thì càng chắc ăn hơn. Ai cấm mình có cả hai Tịnh Độ?

____________

Pháp thoại ngày 19 tháng 10 năm 2004. chùa Cam Lộ, Xóm Hạ trong khóa tu mùa Thu

Nguồn: Làng Mai

http://www.daophatngaynay.com/vn/phap-mon/tinh-do/thien-tinhdo/12283-Tinh-Do-cam-tay.html