Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Phẩm 05: Dược thảo - Kinh PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh

Bây giờ chúng ta hãy đi sang Phẩm thứ năm là Phẩm Dược Thảo. — đây Bụt lại đưa ra một cái thí dụ nữa cũng rất hay.Dược thảo tức là những cây thuốc. Ngày xưa người ta không dùng thuốc hóa học mà chỉ dùng thuốc cây cỏ. Trong phẩm này Bụt nói cho thầy Ca Diếp và các vị đại đệ tử khác biết rằng, Bụt nhìn vào tâm lý của chúng sanh và căn cứ vào cái nhận thức của Bụt để nói pháp.

Thuyết pháp hay hay dở, thành công hay thất bại không phải là do cái khoa nói của mình hay hay dở, cũng không phải do cái kiến thức Phật pháp của mình sâu hay cạn, mà chính là do cái khả năng quán cơ của mình. Quán cơ tức là thấy được cái tâm trạng, cái tâm lý, cái trường hợp của người nghe. Quán tức là nhìn để thấy, cơ tức là tình trạng tâm lý, tình trạng xã hội của người kia. Vì vậy cho nên nếu mình muốn độ đời thì mình phải học cái pháp môn gọi là quán cơ. Nhận xét người đó, nghe người đó, nhìn người đó để có thể hiểu được người đó, và khi hiểu được thì tự nhiên cái Pháp mình đem hiến tặng cho họ, sẽ là cái Pháp có thể có ảnh hưởng tốt đẹp cho họ. Có khi đối với người này thì mình thuyết cái pháp này, nhưng đối với người khác thì phải thuyết cái đề tài khác. Cũng như vị thiền sư kia, khi một thiền sinh hỏi con chó có Phật tánh không, thì trả lời là có. Một thiền sinh khác cũng lên hỏi câu đó thì ông nói không. Cái có cái không đó, không phải từ kinh điển đi ra, hay từ cái nguyên tắc gì đi ra, mà từ chỗ quán cơ mà phát xuất. Đối với thiền sinh này, ta phải nói có. Có thì mới có lợi, còn đối với thiền sinh kia thì phải nói không mới có lợi. Đối với thiền sinh này mình phải nói nhẹ nhàng mới thành công, với thiền sinh kia, mình phải quát lên một tiếng mới thành công. Cái đó là do quán cơ chớ không phải là do sự yêu ghét của người thuyết pháp.

Đây đại ý lời Bụt nói với thầy Ca Diếp là: Này thầy Ca Diếp, thầy nên biết Như Lai là Vua của các Pháp, nếu có nói ra lời nào thì lời đó đều không có tính cách hư dối, nói thật cả. Nói có cũng là thật, nói không cũng là thật, nói Đại Thừa là thật, mà nói Tiểu Thừa cũng là thật. Đây là cái thái độ phổ quát, thái độ bao dung, thái độ dung hợp. Đối với tất cả các pháp, Bụt dùng trí tuệ, dùng phương tiện mà diễn bày chánh pháp. Tất cả những pháp của Phật nói đều có khả năng đưa người ta tới bậc nhất thiết trí. Chữ bậc ở đây nguyên là chữ địa, tức là cái địa vị của nhất thiết trí, nghĩa là cái trí tuệ cao vời và tuyệt đối. Đức Như Lai quán và biết được chỗ quy thú của tất cả các pháp (quy thú tức là chỗ về cuối cùng), cùng biết rõ cái tâm hành của tất cả chúng sanh, biết thấu suốt không bị ngăn cách gì cả. Ý về muôn vạn nẻo, Như Lai đều biết hết, cái tâm của chúng sanh đi ngoằn ngoèo như thế nào, đi về phía này, đi về phía kia, Như Lai nhìn vào là thấy hết. Đó là nói về tâm chúng sanh, còn nói về sự vật và giáo lý, thì đối với tất cả các pháp, Bụt đều có cái nhận thức tuyệt đối, có khả năng chỉ bày tất cả trí tuệ cho chúng sanh. Trên căn bản đó, giáo lý của Bụt được ban bố ra một cách rất có hiệu quả.

Lúc bấy giờ Bụt mới nêu lên một ví dụ gọi là dược thảo. Cõi tam thiên đại thiên thế giới, có những vùng thung lũng, ruộng đồng, vườn tược, trong đó có bao nhiêu loại cây cối. Các loại đó có hàng chục vạn thứ, và mỗi thứ đều có tên riêng, mỗi thứ đều có tính cách riêng, mỗi thứ đều có nếp sống riêng, không giống nhau. Cũng như chúng sanh có rất nhiều loài, tâm trạng của loài này như thế này, tâm trạng của loài kia như thế kia, hoàn cảnh sinh hoạt của người này như thế này, hoàn cảnh xã hội của người kia như thế kia.

Chúng sanh tương tự như muôn ngàn loài thảo mộc, mọc lên trên những môi trường khác nhau.

Một hôm, mây kéo đến trùm khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới và làm thành mưa rơi xuống. Trong khi đó thì tất cả các loại cây cối, loại nào cũng được thấm nhuần cái ân đức của mưa. Có những cây rất nhỏ, cành lá khẳng khiu, có những cây rất lớn, có những cây vừa vừa, có đủ loại, đủ thứ, đủ giống cả. Loại cây nào cũng được thừa hưởng trận mưa đó một cách rất đầy đủ. Pháp của Bụt cũng vậy, Pháp của Bụt không phải để nói, để phục vụ cho một giai cấp, cho một hạng người, dầu giai cấp đó là Bồ Tát, là Bà la môn, hay Sát đế lợi. Giáo pháp của Như Lai có tính cách phổ biến, và có khả năng phục vụ cho tất cả mọi loài chúng sanh, không kể giai cấp, không kể chủng tộc hay trí tuệ.

Đến trang 185 thì chúng ta tìm lại được cái ý niệm về Pháp của Bụt, nó chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. — trong kinh Nam truyền chúng ta cũng đã học được điều này rồi. Bụt nói, Pháp của ta chỉ có một vị là vị gỉải thoát, cũng như nước ở trong bốn biển chỉ có một vị là vị mặn. Năm hàng chót của trang 185: Đức Như Lai nói pháp một tướng, một vị, nghĩa là tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, rốt ráo đến bậc nhất thiết chủng trí. Cũng như nước mưa nó có một công năng là nuôi dưỡng các loài thảo mộc, làm cho các loài thảo mộc được sinh trưởng, thì Pháp của Như Lai cũng vậy.

Sang trang 186 chúng ta lại còn thấy rõ ràng hơn. Vì sao vậy? Vì Như Lai thấy được cái chủng loại, cái hình tướng, cái bản thể, cái tính chất của chúng sanh, cho nên Như Lai có thể thuyết pháp để làm lợi cho chúng sanh. Tâm niệm của những chúng sanh đó hay nhớ chuyện gì, hay nghĩ chuyện gì, chúng sanh đó cần phải đi theo con đường thực tập nào, phải thực tập tư duy như thế nào, chánh niệm như thế nào, dùng những pháp môn nào để duy trì chánh niệm, dùng những pháp môn nào để tư duy, để tu tập, và nếu tu tập theo pháp nào thì sẽ đạt được những kết quả nào v.v... Tất cả những điều đó đều có sẵn trong trí tuệ của Bụt. Chúng sanh có thể không thấy được cái căn tính của mình, nhưng Bụt thì thấy được cái căn tính của chúng sanh, như là các loại cây cỏ trong rừng thì không biết được cái bản tính của chúng, nhưng nước mưa thì có thể biết được, và nước mưa có thể phục vụ cho các loài đó được. Nước mưa kia nó chỉ có một mục đích duy nhất là làm thế nào cho tất cả các loài cây cối được sinh trưởng tốt đẹp. Giáo lý của đức Như Lai cũng vậy, chỉ có một mục đích duy nhất là khiến cho tất cả các loài chúng sanh đạt được giải thoát, đạt được viễn ly, đạt được tịch diệt và đạt được cái mục đích cuối cùng là Nhất thiết chủng trí.

Như vậy thì khi nói Pháp, các đức Bụt luôn luôn căn cứ trên nguyên tắc gọi là tùy cơ nghi, tức là theo trình độ, theo trường hợp mà nói pháp. Nhiều khi tôi giảng xong một bài pháp, dù bài đó là giảng cho đồng bào người Việt, cho người Anh, hoặc cho người Mỹ, thì sau đó thường có những người lên nói, hồi nãy thầy giảng riêng cho con đó phải không? Họ có cảm tưởng là thầy đang nói về mình. Nhưng thực ra thì không phải vậy, vì khi giảng cho một khóa tu 200 người, ta phải dùng thì giờ đó để phục vụ cho 200 người, chứ mình đâu có thể dùng một tiếng hay hai tiếng đồng hồ để nói riêng với một người được? Như thế là không công bằng! Vậy mà có người cứ tưởng thầy nói bài pháp đó cho mình hoặc để rầy la mình. Lấy một bài pháp dài hai tiếng đồng hồ để la rầy một người thì uổng quá, và tội nghiệp cho 199 người kia quá. Thường có những người nghĩ như vậy. Họ thấy thầy nói trúng tim đen của mình, nên nghĩ là sáng nay thầy đã nói riêng cho mình đó! Sự thực là với một nhóm thính chúng dù là người Việt, người Mỹ, người Anh, hoặc người Đức, trước khi nói pháp, ta phải quán cơ. Nghĩa là phải biết trường hợp chung của những người này là như thế nào, những pháp môn mà đa số những người này có thể tiếp nhận và thực tập được là những pháp môn nào. Trước khi bắt đầu, ta phải có một cái nhìn cho chính xác, ta phải quá cơ, nếu không thì bài thuyết pháp của mình sẽ thất bại. Vì vậy trước khi đi hoằng pháp ở Nga, hay ở Tiệp khắc, chưa biết căn cơ của họ ra sao mà mình đã làm sẵn một bài thuyết pháp, thì mình đã thất bại ngay từ trước khi đi.Mình phải tới đó, phải nhìn, phải nghe, phải hiểu, phải quán sát để biết được cái nhu yếu, biết được những khổ đau, những bế tắc của người địa phương, thì mình mới có thể nói ra một bài pháp có hiệu năng phục vụ cho họ được. Cái đó gọi là quán cơ. Là học trò của Bụt, mình phải bắt chước phương pháp của Bụt, tức là quán cơ. Khi quán cơ thành công thì bài pháp của mình tuy giống như là nói riêng cho người đó, nhưng kỳ thực người nào ở trong nhóm cũng đều có cảm tưởng là thầy đang nói riêng cho mình. Cũng như hôm ở Devon bên Anh. Sau bài pháp, bà thân mẫu của Sư cô Chân Đức đã đến gặp tôi và nói: Thầy, you spoke direct to me this morning, thank you! Thân mẫu Sư cô Chân Đức nghĩ như vậy, và có thể nhiều người khác cũng nghĩ như vậy, nhưng họ không nói ra mà thôi. Đạo Bụt thường dùng chữ viên âm, và lời thuyết pháp của Bụt là viên âm, tức là tiếng tròn. Tiếng tròn là tiếng có thể phục vụ cho tất cả mọi ngưởi, người nào cũng thâu lượm được kết quả. Nói một bài pháp mà mọi người đều thâu lượm được kết quả, thì bài pháp đó có tính cách viên âm. Khi mình chưa giỏi thì cái vòng của mình chưa tròn lắm, nhưng nếu tiếp tục thực tập quán cơ thì ngày mai vòng tròn của mình sẽ khá hơn, và một ngày nào đó nó sẽ tròn được như tiếng nói của Bụt. Ngược lại nếu nói xong mà không ai thấy lợi lạc gì cả, nói chuyện gì xa vời, ngồi nghe buồn ngủ quá, thì bài nói đó không phải là viên âm, không có đánh động được vào nhu yếu của người nghe.

Trang 187, mở đầu cho phần kệ có các câu:

Pháp vương phá các cõi, Hiện ra trong thế gian, Theo tính của chúng sanh, Dùng các cách nói pháp.

Pháp vương phá các cõi là một danh hiệu của Bụt, gọi là Phá Hữu Pháp Vương.

Bên Nhật có một cuốn sách bí mật lưu truyền trong giới thiền môn. Người viết cuốn đó ký tên là Phá Hữu Pháp Vương. Tên của cuốn sách là Tương tự Thiền, tức là thứ Thiền không phải là thiền thật, mà là thiền giả mạo. Mục đích của cuốn sách là để tố cáo thiền giả mạo. Người viết không để tên thật mà lại mượn danh hiệu của Bụt, và ký tên là Phá Hữu Pháp Vương. Sau này cuốn sách đó lọt vào tay của một học giả, ông bèn đem ra nhà in, để phát hành! Cuốn sách tiết lộ cho chúng ta những mánh mung của các thiền sư chưa phải là thiền sư thật, nhưng đang hành nghề thiền sư. Trong cuốnTương lai Thiền học Việt-nam tôi có nói tới cuốn sách đó. Thỉnh thoảng có những vị thiền sư xuất hiện, rất tài giỏi, có khả năng đích thực của một vị thiền sư. Họ không căn cứ vào sách vở gì cả mà vẫn có thể dạy các thiền sinh, và đưa các thiền sinh đó từ chỗ tăm tối đến chỗ giác ngộ, bằng vào những cuộc tham vấn. Đối với thiền sinh, ông có thể tự đưa ra những câu hỏi từ trong tâm của ông. Nếu những thiền sinh đó trả lời được, tức là chứng tỏ có sự đặc ngộ, thì ông có thể thấy được rằng người thiền sinh này đã đạt tới một cái thấy, và ông chứng nhận cho thiền sinh đó là một người đã chứng ngộ, có khả năng đứng ra lập thiền viện để hóa độ cho các thiền sinh khác.

Tuy vậy, không phải thế hệ nào cũng có những thiền sinh giỏi. Có những người được truyền pháp, nhưng không có khả năng hành đạo, cho nên ông thầy phải trao lại cho người học trò những cái bí quyết. Cuốn Tương Tự Thiền ghi lại những bài đối thoại mẫu. Khi thầy hỏi câu như vầy, mà học trò trả lời được như vầy, thì thầy có thể cho người học trò đó đã chứng ngộ. Vì vậy mà những thiền sinh không xuất sắc lắm đã sử dụng cuốn này như là một cuốn Cẩm nang của thầy giáo, và cuốn sách đó đã được trao truyền rất bí mật từ thế hệ này sang thế hệ khác ở Nhật bản. Trong cuốn đó, quí vị có thể tìm thấy hàng trăm bài vấn đáp, có sẵn để cho mình, và dù là thiền sư không đích thực, vẫn có thể làm thiền sư được. Mình có thể căn cứ vào những câu trả lời của thiền sinh, nếu tương tự như trong sách, mình có thể nhận cho họ đã đắc đạo. Vì vậy nếu vị thị giả nào dọn phòng cho thầy, mà thấy được cuốn đó thì sẽ có cơ hội để đắc pháp một cách rất là dễ dàng, tại vì do sách đó mà biết trước câu trả lời. Ví dụ như khi được hỏi: Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay? thì sách đó dạy là đừng trả lời gì hết, mà chỉ cần đưa bàn tay ra vỗ một cái, thì thế nào cũng được đắc pháp. — Phương Khê, tôi có cuốn sách đó và sách đã được in tại nhà in đàng hoàng. Có một điều buồn cười nữa là sách đó đã được dịch ra một thứ tiếng ngoại quốc, do một vị giáo sư người Do thái thực hiện và phát hành. Tuy vậy, ta nên nhớ rằng, mục đích của tác giả Phá Hữu Pháp Vương là tố cáo những thực tập hình thức của thiền giả mạo.

Hữu trong danh từ phá hữu này có nghĩa là tam hữu, tức là ba cõi. Chữ hữu này đúng là chữ hữu ở trong 12 nhân duyên. Xúc sinh ra thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, và thủ duyên hữu. Hữu tức là dính mắc, nó có dây có nhợ, nó kẹt vào, tạo thành một cõi khổ đau, gọi là hữu, Bh€va. Hữu đây tức là tù ngục, vì khi mình bị kẹt vào, bị dính mắc vào thì có khổ. Những lúc mình có giận, có buồn, có ái, có kẹt, gỡ không ra, thì đó là hữu. Vì vậy mà danh hiệu của Bụt là Phá Hữu Pháp Vương, tức là vị vua của các pháp, có năng lực phá được những cõi giam hãm mình, cho nên chữ hữu này có nghĩa là tam giới. Còn vô minh thì sống trong tam giới, còn bị ràng buộc thì mình sống trong tam giới, nhưng nếu phá được vô minh, phá được sự ràng buộc thì tuy đang đứng trong tam giới mà thực ra mình đã đứng ngoài tam giới rồi. Nói một cách khác tuy đang ở trong thế giới (Lokadhatu) nhưng kỳ thực mình đã vượt tới pháp giới (Dharmadhatu) rồi.

Pháp vương phá các cõi, Hiện ra trong thế gian, Theo tính của chúng sanh, Dùng các cách nói pháp.

Đức Phá Hữu Pháp Vương xuất hiện trong cõi này, nhận thức được căn cơ của tất cả chúng sanh, nên dùng đủ mọi cách mà nói pháp để độ cho họ.

http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/sen-no-troi-phuong-ngoai/pham-thu-nam-duoc-thao