Giác Ngộ - Mong muốn chữa trị bệnh tật là cơ duyên khiến tác giả tìm đến Thiền. Bước đầu tiếp cận Thiền qua các sách như Thiền tông Việt Nam, Ba trụ Thiền, Ba mươi ngày thiền quán. Sau đó, tác giả may mắn được dự các khóa tu do Thiền sư Nhất Hạnh tổ chức tại chùa Từ Hiếu, tu viện Bát Nhã…, cùng với duyên lành tinh tấn thiền định của tự thân mà vượt thắng bệnh tật. Thiền mang đến kết quả xa là giác ngộ, gần là an lạc thân tâm. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số kinh nghiệm hành thiền của tác giả đã mang lại kết quả trong chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe...
I-Chuẩn bị
-Tọa cụ: Một tấm mút mỏng hình chữ nhật kích cỡ chừng 60x120 cm, cao chừng 2 cm. Có thể thay bằng chiếc chăn gấp (4 lần) để ngồi cho khỏi đau chân.
-Bồ đoàn: Một chiếc gối tròn đường kính chừng 25 cm; cao chừng 20 cm bằng vải nhồi bông gòn hay mút. Có thể thay bằng chiếc gối gấp lại, mục đích nâng cao người, giữ thẳng lưng để ngồi cho vững.
-Y phục: Để ngồi thoải mái có thể mặc một bộ bà-ba hay vạt hò (thường phục của Tăng Ni, Phật tử cũng có thể mặc y phục này khi dự khóa tu, công quả ở chùa)… rộng rãi. Khi ngồi trước bàn Phật nên mặc áo tràng.
-Chỗ ngồi thiền: Có thể ngồi bất cứ đâu ngoài trời, bãi biển, trong vườn, sân thượng, tốt nhất là ngồi trong phòng thoáng mát, trước bàn thờ yên tĩnh…
-Thời lượng: Mới tập nên ngồi từ 15-20 phút mỗi thời, ngồi nhiều lần, khoảng 3- 4 lần mỗi ngày, tăng dần thời lượng từ 30- 45 phút rồi 60 phút hay nhiều hơn mỗi thời tùy theo khả năng, đồng thời rút bớt lần ngồi phù hợp điều kiện người tu tại gia.
Tọa cụ và bồ đoàn
II-Các bước tiến hành:
1-Tư thế ngồi: Mỗi sớm mai thức dậy hay trước khi đi ngủ, tắm rửa đánh răng rửa mặt, thay quần áo sạch sẽ xong trải tọa cụ lên sàn nhà (có thể trên giường hay trên ván), đặt bồ đoàn lên một đầu tọa cụ. Ngồi lên bồ đoàn theo tư thế kiết già, hai chân bắt chéo, bàn chân trái gác lên đùi chân phải, bàn chân phải gác lên đùi chân trái. Đây là thế ngồi rất vững chãi nhưng không phải ai cũng ngồi được. Có thể ngồi bán già, hai chân bắt chéo nhưng chỉ bàn chân trái gác lên đùi chân phải, hay ngược lại. Nếu vì một lý do nào bị thương tật ở chân…không thể ngồi được theo hai tư thế này thì có thể ngồi trên chiếc ghế tựa. Miễn là lưng thẳng vững chãi như núi. Mặt nhìn thẳng, đầu hơi cúi một chút, mắt nhìn khoảng cách chừng 1m. Mắt khép hờ, môi chạm vào nhau đầu môi hơi kéo ra như đang cười. Lưỡi cong lên, đầu lưỡi đặt nhẹ vào đốc họng sau hàm răng trên. Hai cánh tay co lại, hơi tựa trên hai đùi, ngửa bàn tay trái chồng lên bàn tay phải, mấy ngón tay khép lại, hai ngón cái chạm nhẹ vào nhau tạo thành một hình oval đặt trên mắt cá chân, đỉnh hai đầu ngón cái ngang huyệt đan điền (dưới rốn chừng 2-2,5cm). Đặt tâm (hướng nhìn của mắt) tập trung đầu chót mũi hay huyệt đan điền chủ yếu dễ trụ tâm vào hơi thở.
Hai ngón cái chạm nhẹ vào nhau tạo thành một hình oval
2-Khởi động: Sau khi ngồi ổn định trên bồ đoàn, bắt dầu khởi động bằng cách nghiêng đầu qua trái, phải; cúi gập đầu ngẩng lui sau, xoay đầu theo chiều kim đồng hồ. Thao tác nhẹ nhàng mỗi động tác từ 3 đến 9 lần. Hít vào sâu bằng mũi, thở ra dài nhẹ qua miệng 10 lần. Buông lỏng cơ thể ở tư thế hoàn toàn thư giản (không cứng đơ).
3-Vào thiền: Sau khi ngồi đúng tư thế, bắt đầu tùy sức hít vào một hơi, rồi thở ra một hơi đếm “một”. Tiếp tục hít vào thở ra đếm 2, đếm 3 cho đến 10. Xong đếm lại từ 1 đến 10 rồi quay lại, cứ như thế cho đến lúc kết thúc thời ngồi thiền. Khác với lúc khởi động hít vào sâu bằng mũi, thở ra dài bằng miệngkhi vào thiền thì hít vào thở ra đều nhẹ và bằng mũi. Nương theo hơi thở vào ra để dừng tâm lại (chỉ) giữ cho tâm khỏi chạy theo vọng tưởng. Đếm từ 1 đến 10 cho khỏi lộn là khó khăn đối với người sơ cơ. Mới tập ngồi ai cũng bị lộn nhưng không sao! Đừng bận tâm nhớ lại từ mấy mà chỉ đếm lại từ đầu 1… Lâu dài nhuần nhuyễn sẽ ít lộn, vọng tưởng ít sanh khởi, tâm đi dần vào định, mức độ sâu cạn tùy thuộc quá trình hành trì.
4-Xả thiền: Khi đạt thời gian ngồi quy định (15 đến 45 phút, 1 giờ hay hơn nữa), tiến hành các thao tác xả thiền tức đưa thân và tâm về tư thế bình thường. Lặp lại những động tác khi vào thiền nhưng làm ngược lại. Nghiêng đầu qua phải qua trái, cúi đầu, ngẩng sau, quay đầu quanh cổ. Mỗi động tác từ 3-9 lần, rồi hít vào sâu, thở ra dài 10 lần.
5-Xoa bóp: Sau khi xả thiền, hai bàn tay xoa vào nhau rồi xoa từ đầu, mắt, mũi, tai… cổ cho đến lưng, bụng và tay chân từ 18-36 lần, xoa nhiều hơn nơi bị tê nhức nhằm kích thích máu luân lưu, kích hoạt đầu mối kinh lạc trên cơ thể. Xoa bóp là một liệu pháp có hiệu quả cao tăng cường sức khỏe.
III-Những triệu chứng xảy ra lúc tọa thiền và biện pháp đối trị:
Khi mới tập ngồi phải đưa tay kéo bàn chân đặt lên đùi, hai bàn chân chưa quen nên bị đau.
Tâm ta vốn thanh tịnh, do tham sân si, vô minh nên những vọng tưởng không ngừng nối tiếp khởi lên, gọi là trạo cử. Một câu văn bài viết chưa ổn, chiếc chìa khóa phòng bỏ quên ở đâu đó, hôm qua gặp người bạn cũ, người hàng xóm gặp rủi ro…, ta không thể tập trung vào hơi thở nên đếm lộn hoài. Vọng tưởng không từ đâu đến, không ở ngoài vào mà chứa nhóm sẵn trong tâm ta. Không tìm cách ngăn chặn mà chỉ nhận diện nó, đừng chạy theo, không tiếp tay với nó… thì tự dưng chúng sẽ biến. Cũng như mặt nước yên lặng, tâm không khuấy động sẽ yên tĩnh rỗng rang.
Rồi cơn buồn ngủ (hôn trầm) không biết từ đâu tới kéo đầu gục xuống, mắt nhắm nghiền không thể nào ngồi được. Đưa tâm về chót mũi hay huyệt đan điền thì cơn buồn ngủ sẽ giảm, quá lắm thì nên ra ngoài đi thiền hành một lúc. Vẫn không được thì tốt nhất đi ngủ một lúc sau đó ngồi lại (chứ không ngủ luôn).
Rồi cảm giác rân rân như kiến bò xuất hiện trên mặt, trên cổ... ngứa ngáy khiến ta muốn đưa tay gãi. Tuy vậy, không đưa tay lên gãi, tiếp tục theo dõi hơi thở một lúc ngứa ngáy tự dưng hết. Theo kinh nghiệm cá nhân, thời gian không lâu sau các triệu chứng hôn trầm, cảm giác rân rân đều biến mất, nhưng trạo cử hay vọng tưởng còn kéo dài và chỉ giảm dần tùy mức độ ta biết nhận diện, không hùa theo.
Điều quan trọng hơn cả mà tôi rút ra được là việc ngồi thiền chỉ phát huy tác dụng khi ta biết kết hợp ngồi thiền với giữ giới và hành Tứ vô lượng tâm: Từ, Bi, Hỉ, Xả. Ngồi thiền, thiền hành đưa tâm về định thì khi tụng kinh, trì chú, niệm Phật cũng đạt mục tiêu không khác, thể hiện mối quan hệ tương tác giữa thân và tâm và mọi yếu tố cuộc sống.
Rõ ràng thiền không chỉ ngồi mà đi, đứng, nằm, ngồi phải luôn tỉnh thức trong mọi nơi mọi lúc tất sẽ đạt định, nền tảng của giác ngộ giải thoát. Nương Đức Phật để trở về Phật trong tôi! Ngồi xuống với lưng thẳng đứng, hai chân bắt chéo, hai tay bắt ấn tam muội, tư thế vững chãi thì tôi cũng là một vị Phật. Lúc này thân và tâm là một, Nhất như, là trở về Phật tính vốn sẳn nên làm gì có chuyện “tẩu hỏa nhập ma”. Chỉ biết ngồi với tâm thanh tịnh, rủ bỏ lo âu buồn phiền, tâm trở nên lặng lẽ trong sáng và ngay đó là giải thoát. Cần gì tìm giải thoát đâu xa, cần gì phải chờ chết mới vãng sanh Tây phương. Ta có ngay cực lạc bây giờ và tại đây.
Trước đây hơn 20 năm cơ thể gầy còm của tôi là nơi tụ hội đủ thứ bệnh, phổi nước, rối loạn tiêu hóa, viêm khớp… thân thể đau nhức, tâm buồn phiền, lo lắng. Cùng tắc biến, duyên lành đưa tôi đến với Phật pháp và thiền, một khung cửa hẹp mở ra cho tôi bầu trời bao la mầu nhiệm. Nói là khung cửa hẹp vì tưởng đơn giản nhưng hành trì mới lắm gian truân đòi hỏi quyết tâm, tinh tấn. Nhưng ai đã có bệnh và khổ vì bệnh thì dù khó mấy cũng phải cố làm! Đó là ăn chay, ngồi thiền kết hợp với Từ, Bi, Hỉ, Xả… bốn tâm rộng lớn theo lời Phật dạy.
Tôi ăn chay và tinh tấn ngồi thiền mỗi ngày 2 thời, bệnh giảm dần rồi biến mất! Bằng cách nào lành bệnh? Thật ra tôi không rõ! Nhưng đó là sự thật. Có người nói thiền là đem thân trở về tâm, thân tâm nhất như đánh thức tiềm năng vô tận sẳn nơi mỗi người, cơ thể có khả năng tự đối trị. Người khác lại bảo hơi thở là đầu mối sự sống, trở về hơi thở đã vô tình bỏ quên mặc dầu bao lâu vẫn hít thở, thì sự sống của các bộ phận cơ thể được phục hoạt, mọi rối loạn sẽ được điều chỉnh. Người khác lại bảo ăn chay, ngồi thiền thì thân tâm hòa nhập là một với pháp giới, con người tiếp nhận năng lượng vũ trụ nên hóa giải mọi trục trặc, bệnh tật sẽ bị khống chế… Và biết đâu có sự gia bị của Phật, Bồ tát bởi làm sao thấu hiểu điều “bất khả tư nghì”.
Theo tôi, Phật pháp nhiệm mầu, ai ăn nấy no, nhúng tay vào mới biết nước nóng lạnh ra sao! Sau 15 năm kể từ cắt được cơn bệnh nan y, tôi không dùng bất cứ viên thuốc Đông-Tây nào. Đôi lúc trở trời, cơ thể cũng trục trặc nhức mỏi nhưng tôi chưa đi khám bệnh và dùng thuốc (chỉ nói đến lúc này thôi), mà chỉ tăng thêm một thời ngồi thiền tức thì bình ổn. Với tôi, không thể nào nói hết mầu nhiệm của đạo Phật, của Thiền! Chẳng có gì quan trọng ngoài một tấm lòng và ngồi yên đem lại thân an tâm lạc, mọi sự đều sáng tỏ, đó chính là Thiền!
Võ Văn Lân
http://www.giacngo.vn/phathoc/2011/12/18/7AE24A/